Từ hai ví dụ tương phản
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin đưa ra hai ví dụ về việc xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ví dụ thứ nhất là về chiến lược xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu Mikado của Công ty Cổ phần Kỹ thương Thiên Hoàng (sau đây gọi tắt là công ty Thiên Hoàng). Tại Việt Nam, vào khoảng năm 2002, chắc hẳn rất ít người biết đến thương hiệu Mikado. Thế nhưng, ngay từ khi mới ra đời và chưa được ai biết đến, Công ty Thiên Hoàng đã rất chú trọng tới việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu của mình. Ngày 26/07/2002, Công ty Thiên Hoàng nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Mikado cho các sản phẩm thiết bị vệ sinh, gạch men, gạch ốp lát. Ngày 05/03/2004, Cục Sở hữu Công nghiệp đã cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu nói trên. Với cơ sở pháp lý đó, Công ty Thiên Hoàng đã yên tâm xây dựng và phát triển thương hiệu Mikado trở thành một trong các thương hiệu mạnh hiện nay. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh của mình, Mikado cũng phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ, thách thức từ nạn hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, với sự quan tâm thích đáng tới việc bảo vệ thương hiệu, Công ty Thiên Hoàng và thương hiệu MIKADO đã vững vàng vượt qua các thử thách này.
Luật sư tư vấn đăng ký bảo hộ độc quyền sở hữu trí tuệ Gọi: 1900.0191
Ví dụ thứ hai là về trường hợp của Công ty Vinakansai Ninh Bình. Ai cũng biết xi măng Vinakansai là một thương hiệu lớn của Việt Nam. Là nhà tài trợ chính thức của Giải Vô địch bóng đá quốc gia Việt Nam lại nắm giữ trong tay một đội bóng là Vinakansai Ninh Bình, có thể nói, Vinakansai là một thương hiệu đã thực sự ghi được dấu ấn trong tâm trí người Việt Nam. Ngày 26/07/2007, Công ty TNHH Ximăng Vinakansai nộp đơn yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu Vinakansai. Tuy nhiên, sau gần hai năm chờ đợi, đến ngày 20/10/2008, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra thông báo kết quả thẩm định nội dung số 64438/SHTT-NH1 với nội dung từ chối bảo hộ cho nhãn hiệu VINAKANSAI bởi gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. Như vậy, do không tiến hành tra cứu kỹ lưỡng nhãn hiệu trước khi đưa vào sử dụng và tiến hành các biện pháp xác lập quyền kịp thời nên Vinakansai đã đánh mất đi tài sản quý giá của mình và đã vô tình đầu tư tiền của, công sức vào quảng bá thương hiệu cho một doanh nghiệp khác.
Đến lời khuyên cho doanh nghiệp
Những rắc rồi thường gặp
Doanh nghiệp chưa tiến hành xác lập quyền trước khi đưa sản phẩm ra thị trường thường gặp phải một số hậu quả sau:
* Tốn thời gian, chi phí, công sức vào việc quảng bá cho các nhãn hiệu không thuộc sở hữu của mình, thậm chí có thể góp phần quảng bá cho các đối thủ cạnh tranh.
* Không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền sở hữu của mình, chống lại các hành vi xâm phạm quyền.
* Có thể vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác (trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ).
Như vậy, với hai ví dụ trên có thể thấy, việc chú trọng tới vấn đề xác lập quyền sở hữu trí tuệ ngay từ khi doanh nghiệp chuẩn bị tung sản phẩm/dịch vụ ra thị trường có ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng ý thức được vấn đề này.
Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) thường coi việc đăng ký nhãn hiệu như là một công việc vô thưởng vô phạt, thích thì đăng ký, không thích thì để từ từ. Cũng có một số doanh nghiệp đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, nhưng do chưa hiểu hết các quy định pháp lý có liên quan hoặc do chưa có sự phân bổ kinh phí hợp lý cho nội dung công việc này nên việc xác lập quyền thường không được tiến hành hoặc tiến hành không đúng thời điểm. Và hậu quả pháp lý từ sơ suất này là điều khó tránh khỏi.
Phần đông doanh nghiệp chỉ nhớ đến việc đăng ký nhãn hiệu khi nhãn hiệu của họ đã có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, đến lúc này họ mới té ngửa rằng, nhãn hiệu mà mình dày công xây dựng bao nhiêu năm đã thuộc sở hữu của người khác. Lâm sự rồi, các doanh nghiệp mới tìm đến Luật sư của LVN Group nhằm tìm cách lấy lại nhãn hiệu. Như vậy, vừa tốn kinh phí vừa hao tổn thời gian, tâm sức. Để có thể lấy được nhãn hiệu, doanh nghiệp thường phải tiến hành một trong các cách thức sau:
Cách 1: Đàm phán mua lại nhãn hiệu. Cách này có ưu điểm là thủ tục đơn giản, chỉ cần bỏ một khoản tiền và sau đó yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận việc mua bán này là đã có thể sở hữu nhãn hiệu. Thế nhưng, việc đàm phán để mua lại nhãn hiệu thường khó vì giá quá cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã sử dụng nhãn hiệu một cách ổn định, lâu dài thường không có nhu cầu bán.
Cách 2: Tiến hành các biện pháp hành chính hoặc dân sự để đòi lại nhãn hiệu. Cách thức này thường được tiến hành khi người đăng ký nhãn hiệu trước đăng ký với mục đích cạnh tranh không lành mạnh hoặc có động cơ không trung thực. Tuy nhiên, cách thức này đòi hỏi doanh nghiệp phải bỏ thời gian và công sức rất lớn để chứng minh hành vi đăng ký đó là trái pháp luật đồng thời chứng minh quyền sở hữu của mình đới với nhãn hiệu đó.
Nhìn chung, việc xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu nói chung và các đối tượng sở hữu công nghiệp nói riêng có thể được coi là một hành động nhỏ nhưng mang lại lợi ích lớn lao. Chỉ với vài triệu đồng, doanh nghiệp đã có thể hoàn toàn yên tâm đầu tư công sức, tiền của và trí tuệ vào việc phát triển thương hiệu của mình. Thế nhưng hoạt động này lại thường bị bỏ quên, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, chi phí này thường bị doanh nghiệp cắt bỏ.
Vì vậy, một lời khuyên hữu ích dành cho doanh nghiệp là, cần tiến hành các biện pháp xác lập quyền trước khi đưa sản phẩm/dịch vụ ra thị trường!
SOURCE: BÁO DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP – PHẠM THÀNH LONG – Giám đốc Công ty Luật gia Phạm
Trích dẫn từ: http://www.dddn.com.vn
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)