Luật sư tư vấn:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Bộ phận tư vấn pháp lý Luật LVN Group. Chúng tôi đã nghiên cứu câu hỏi và xin đưa ra lời tư vấn như sau:

Thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi chưa rõ ràng rằng khi bạn đứng xem đua xe trái phép, bạn có tham gia cổ vũ đua xe trái phép hay không. Nếu bạn đứng xem đua xe đồng thời thực hiện hành vi cổ vũ đua xe trái phép thì là bạn đang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Bởi căn cứ vào khoản 6 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì một trong các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông là đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lạch, đánh võng. Khi đó, dù cá nhân đó không trực tiếp tham gia đua xe trái phép nhưng việc đứng cổ vũ, hò reo, hò hét kích động đến những người tham gia đua xe trái phép nên cũng bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Từ đó, cần xác định xem hành vi cổ vũ đua xe trái phép được hiểu là như thế. Cổ vũ đua xe trái phép là hành vi tác động đến tinh thần của người tham gia đua xe bằng cách tụ tập để cổ vũ, kích động, ủng hộ hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ, lạng lách, rượt đuổi nhau trên đường. Làm cho người đua xe cảm thấy thấy phấn khích hơn khi thực hiện hành vi đua xe trái phép. Việc cổ vũ có thể khiến người đua xe mạnh dạn thực hiện các hành vi nguy hiểm, tăng tốc nhanh hơn và tâm lý thích thú khi thực hiện những hành vi vi phạm khi tham gia giao thông, làm ảnh hưởng đến sự an toàn cho người đua xe và những người khác khi tham gia giao thông.

Như vậy, trường hợp của bạn có thể được chia thành 02 trường hợp như sau:

 

Trường hợp 1: Bạn đứng xem đua xe trái phép nhưng có cổ động, tụ tập cổ vũ, hò reo như các hành vi được mô tả nêu trên

Trong trường hợp này, bạn đã thực hiện những dấu hiệu nhận biết có hành vi cổ vũ đua xe trái pháp luật nên sẽ được xác định là hành vi với hành vi “cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép”.

Trong trường hợp xác định được bạn có thực hiện hành vi cổ vũ đua xe trái phép thì tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi mà bạn có thể sẽ bị áp dụng một số biện pháp xử lý như sau:

Thứ nhất, Xử phạt hành chính hành vi tụ tập, kích động đua xe trái phép.

Mức xử phạt hành chính đối với hành vi đua xe trái phép được quy định tại Điều 34 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như sau:

“Điều 34. Xử phạt người đua xe trái phép, cổ vũ đua xe trái phép

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép;…”

Theo đó, với hành vi tụ tập để cổ vũ, kích động đua xe trái phép thì người thực hiện hành vi sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt hành chính là phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 02 triệu đồng.

Thứ hai, Bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi cổ vũ, kích động đua xe trái phép.

Khi người trực tiếp tham gia đua xe trái phép bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi tụ tập để cổ vũ, kích động đua xe trái phép có thể bị đặt ra vấn đề đồng phạm trong trường hợp này. Căn cứ vào Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố y cùng thực hiện một tội phạm và bao gồm 04 loại như sau:

– Người thực hành: là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

– Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

– Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

– Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

Trong trường hợp này, tùy vào từng vụ việc và kết luận của Cơ quan điều tra thì bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về vấn đề đồng phạm như là người tổ chức (nhưng chỉ đứng xem, cổ vũ, hò reo), là người xúi giục, giúp sức. Khi đó, trách nhiệm độc lập mà bạn phải chịu khi thuộc vào trường hợp đồng phạm này được xác định theo Điều 58 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tức là, khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án còn phụ thuộc vào mức độ tham gia, hành vi độc lập, và tính chất của hành vi của cá nhân đó. Người đồng phạm này không phải chịu trách nhiệm hình sự về sự vượt quá của người đồng phạm khác.

– Đối với đồng phạm là người tổ chức: Pháp luật hình sự quy định người tổ chức có trách nhiệm hình sự cao nhất trong những người tham gia đồng phạm bởi hành vi của người này được xem là có tính nguy hiểm nhất. Người này phải chịu trách nhiệm hình sự theo nguyên tắc xử lý tại điểm c khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là phải “nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy” việc thực hiện tội phạm.

– Đối với đồng phạm là người xúi giục: Thông thường, hành vi của người xúi giục có tính chất nguy hiểm ít hơn so với hành vi của người tổ chức, vì vậy mà người đồng phạm này thường chịu mức trách nhiệm hình sự nhẹ hơn người tổ chức. Trong trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, người xúi giục cũng sẽ được miễn trách nhiệm hình sự với điều kiện người xúi giục phải có hành động tích cực ngăn chặn không để tội phạm xảy ra hoặc không để tội phạm chung hoàn thành. Trong trường hợp đã có hành vi tích cực kiềm chế, ngăn chặn mà tội phạm vẫn xảy ra, người xúi giục có thể được xem xét, cân nhắc để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

– Đối với đồng phạm là người giúp sức: Người giúp sức có vai trò hạn chế hơn các đồng phạm khác trong việc thực hiện tội phạm, vì vậy người này thường chịu trách nhiệm nhẹ hơn. Cũng như các loại đồng phạm khác, khi tự ý chấm dứt việc phạm tội, người xúi giục cũng sẽ được miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 16 Bộ luật hình sự hiện hành. Tuy nhiên, việc chấm dứt này phải chấm dứt việc tạo ra những điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần cho việc thực hiện tội phạm. Nếu sự giúp sức của họ đang được người đồng phạm còn lại sử dụng thì phải có hành động tích cực để ngăn chặn việc tội phạm diễn ra. Người giúp sức có vai trò không đáng kể và là người phạm tội lần đầu cũng sẽ chịu trách nhiệm hình sự nhẹ nhất so vói các đồng phạm.

 

Trường hợp 2: Bạn chỉ đứng xem đua xe trái phép mà không hò reo, tụ tập cổ vũ như các hành vi được mô tả nêu trên

Trong trường hợp này, không có đủ dấu hiệu để khẳng định hành vi bạn đứng xem đua xe trái phép là hành vi vi phạm pháp luật nên bạn sẽ không bị xử lý vi phạm pháp luật. Tức là, trong trường hợp này bạn sẽ không bị xử phạt hành chính với hành vi “cổ cũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép“. Và bạn cũng không phải người đứng ra tổ chức cuộc đua xe đó, cũng không thuộc một trong ba trường hợp còn lại của đồng phạm (người thực hành, người xúi giục và người giúp sức) nên bạn cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về vấn đề đồng phạm của Tội đua xe trái phép cũng như tội tổ chức đua xe trái phép. Tuy nhiên nếu lần sau bạn thấy có hành vi đua xe trái phép như vậy, bạn nên báo ngay với phía công an xã, phường nơi bạn ở hoặc nhờ người lớn báo cáo để cơ quan chức năng có thể kịp thời can thiệp ngăn chặn hành vi nguy hiểm đó. 

Trên đây là nội dung tư vấn mà Luật LVN Group cho vấn đề thắc mắc của quý khách. Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số 1900.0191 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật LVN Group.