Ủng hộ thương mại tự do hay bảo hộ thương mại?
Nhận xét trên phần nào nói lên thực trạng không thể tách rời giữa đường hướng chính sách thương mại và môi trường chính trị Mỹ. Động thái của ông Obama “không rõ ràng” không phải là vì ông không hiểu vấn đề mà do ông bị ràng buộc bởi các yếu tố chính trị, phải đáp ứng những mong muốn của các khối cử tri và nhóm lợi ích khác nhau.
Tuy nhiên, chính sách thương mại Mỹ là một sản phẩm chung, được tạo ra thông qua sự tác động qua lại hết sức phức tạp giữa Nhà Trắng, Quốc hội, và các nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội. Cho nên mặc dù hiểu rõ lợi ích chung của thương mại tự do, chính phủ Obama buộc phải cân nhắc những khuynh hướng khác để tránh bớt tổn thất vốn liếng chính trị (do mất sự ủng hộ). Nhìn ở phương diện này, những sáng kiến về thương mại tự do của Nhà Trắng sẽ gặp khó khăn trước áp lực mang tính chất bảo hộ thương mại đang gia tăng trong xã hội Mỹ.
Trong những năm gần đây, theo khảo sát của Gallup Poll, cảm nhận tiêu cực về thương mại của người Mỹ ngày càng tăng. Thái độ này đạt đỉnh điểm trong năm 2008 khi 52% số người được khảo sát cho rằng thương mại (nhập khẩu) là mối đe dọa đối với nền kinh tế Mỹ (trong khi con số này vào năm 2000 chỉ là 35%).
Thái độ trên, theo một số nhà bình luận, do phần lớn người dân không hiểu hết lợi ích tổng thể của thương mại tự do, nhưng cũng không phải là không có cơ sở. Chuyện một phần công nhân Mỹ mất việc do bị ảnh hưởng trực tiếp từ nhập khẩu là có thực. Chuyên gia kinh tế của Economic Policy Institute đưa ra tính toán rằng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc từ khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001-2007 đã làm công nhân Mỹ bị mất (hoặc bị thay đổi công việc ít lương hơn) 2,3 triệu việc làm. Tất nhiên, con số này sẽ lớn hơn rất nhiều khi tính đến tổng thâm hụt mậu dịch của Mỹ với tất cả các nước khác.
Dù sao đi nữa con số này vẫn gây ra nhiều tranh cãi, và nó cũng chỉ đề cập một mặt của vấn đề, bởi vì thương mại cũng giúp người tiêu dùng mua hàng hóa giá rẻ hơn và các công ty Mỹ cũng có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường sang các nước khác. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là công chúng Mỹ khó nhận thấy lợi ích đối với người tiêu dùng hơn là nhận ra thiệt hại, bởi vì các ngành sản xuất cũng như công nhân bị ảnh hưởng bởi nhập khẩu luôn than phiền.
Hơn bao giờ hết, kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, tinh thần ủng hộ thương mại tự do trong Quốc hội Mỹ hiện đang tụt dốc trầm trọng, đặc biệt là từ các nhà làm luật thuộc đảng Dân chủ. Tình trạng này đã dẫn đến việc ban hành một số đạo luật mang tính chất bảo hộ, chẳng hạn như Quy định về mua hàng Mỹ (Buy-American Provision). Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do song phương mà Mỹ đã ký kết với Hàn Quốc, Colombia và Panama dưới nhiệm kỳ ông Bush vẫn đang bị “ngâm” tại Quốc hội và chưa được phê duyệt để có hiệu lực.
Sự thiếu ủng hộ mạnh cho thương mại tự do ở Quốc hội cũng như trong quần chúng dường như đưa Tổng thống Obama vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Tổng thống Obama tất nhiên biết rằng nước Mỹ không thể nào áp dụng những chính sách mang tính bảo hộ mà có thể duy trì vị trí hàng đầu cũng như đưa kinh tế thoát khỏi khủng hoảng. Mặt khác, ông cũng không thể ủng hộ chính sách thương mại tự do một cách quá mức vì làm như vậy là đụng chạm đến quyền lợi của nhiều cử tri và các nhà làm luật ở Quốc hội thuộc đảng Dân chủ của ông.
Trước tình trạng như thế, nhìn ở phương diện chính trị, chính phủ Obama đã khéo léo đi những bước đầu tiên nhằm tránh nghiêng hẳn về một bên nào. Ví dụ, để làm hài lòng nhóm lợi ích thuộc phe công đoàn lao động, Obama đã bổ nhiệm bà Hilda Solis, một người không ủng hộ thương mại tự do, làm Bộ trưởng Bộ Lao động. Trong khi đó, để trấn an những người ủng hộ thương mại tự do, ông Obama lại bổ nhiệm ông Ron Kirk, một người rất nhiệt tâm ủng hộ NAFTA, làm Đại diện Thương mại Mỹ.
Một ví dụ khác, vừa rồi Bộ Tài chính Mỹ đã không kết luận là Trung Quốc thao túng tiền tệ mặc dù trước đó ông Timothy Geithner, trong cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ về việc bổ nhiệm chức vụ bộ trưởng của mình, đã trả lời rằng Tổng thống Obama tin rằng Trung Quốc đang thao túng tiền tệ. Theo luật Mỹ, nếu kết luận một nước nào thao túng tiền tệ nhằm cạnh tranh thương mại không công bằng thì có thể chính thức sử dụng các biện pháp trả đũa. Ở phương diện này, có thể thấy rằng chính phủ Obama chưa muốn “gây hấn thương mại” với Trung Quốc.
Tương lai của chính sách thương mại Mỹ
Về ngắn hạn, từ đây cho đến hết năm 2009, có thể dự đoán rằng chính phủ Obama sẽ không có một đột phá lớn nào trong chính sách thương mại. Mỹ sẽ cố gắng hâm nóng lại vòng đàm phán Doha của WTO (vốn đã bị trì trệ từ nhiều năm nay) để ngăn ngừa và xoa dịu xu hướng bảo hộ toàn cầu; nhưng sẽ không có một kết thúc nào trong năm nay vì tình trạng kinh tế trì trệ chung của thế giới sẽ làm cho các quốc gia lớn như Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc, Liên hiệp châu Âu và Mỹ khó có những nhượng bộ thật sự có ý nghĩa để đi đến một thỏa hiệp. Và Trung Quốc cũng sẽ không bị Mỹ kết luận là thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, những nhóm lợi ích đang bị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc gây khó khăn sẽ tìm được một phần giải tỏa thông qua sự gia tăng những trường hợp chống bán phá giá, chống trợ giá… mà các luật chống cạnh tranh thương mại không công bằng của Mỹ cho phép.
Trong vòng trung và dài hạn, sự tiến triển của chính sách thương mại tự do sẽ phần lớn phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ cũng như các chính sách cân bằng lại chiến lược tăng trưởng dựa trên xuất khẩu của Trung Quốc và một số nước khác (để Mỹ có thể giảm bớt thâm hụt mậu dịch). Khi nền kinh tế được phục hồi và tăng trưởng ổn định trở lại thì áp lực bảo hộ sẽ giảm bớt.
Khi cán cân mậu dịch được ổn định ở mức chấp nhận được thì khuynh hướng dùng luật để “đánh các mặt hàng nhập khẩu không công bằng” cũng sẽ giảm, giúp tránh bớt các cuộc “chiến tranh thương mại”. Lúc đó, ông Obama sẽ có nhiều vốn liếng chính trị hơn để thuyết phục Quốc hội ủng hộ chính sách thương mại tự do thông qua việc kết thúc vòng đàm phán Doha cũng như phê duyệt những hiệp định thương mại tự do của Mỹ đối với các nước khác.
Tuy nhiên, các chính sách ủng hộ thương mại tự do của Mỹ dưới thời Obama sẽ phần nào được cân bằng với một số quan tâm chính đáng về môi trường và lợi ích của các nhóm bị thiệt hại nặng nề do nhập khẩu gây ra. Chắc chắn chính phủ Obama sẽ có những lựa chọn khôn ngoan để vừa hưởng được những lợi ích cốt lõi của thương mại tự do và vừa hạn chế bớt những ảnh hưởng tiêu cực của nó nhằm cố gắng dung hòa hai yếu tố hiệu năng và công bằng.
SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN – TRẦN LÊ ANH – PGS Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Đại học Lasell, Mỹ
Trích dẫn từ: http://www.thesaigontimes.vn