FDI và xu hướng 'rút giấy phép'Sẽ không còn tình trạng thu hút FDI bằng mọi giá khi mà nguồn vốn đầu tư đang được đa dạng hóa trong khi những đòi hỏi về phát triển kinh tế bền vững và thân thiện với môi trường đang được đặt ra khắt khe hơn bao giờ hết.

>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyếngọi:1900.0191

Hết thời dễ dãi

UBND tỉnh Phú Yên mới đây đã công khai việc chuẩn bị thủ tục thu hồi dự án Thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa, một dự án có tổng diện tích đất sử dụng khoảng 7.656 ha, được đầu tư theo hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 11,4 tỷ USD, trong đó giai đoạn I là 1,68 tỷ USD. Rút giấy phép một “đại dự án” như vậy là quyết định chẳng dễ dàng gì cho các địa phương, nhất là trong bối cảnh chính địa phương đã từng ủng hộ hết mình cho dự án. Nhưng, khi mà chủ đầu tư liên tục hoãn binh và không cho thấy khả năng tài chính thực sự để có thể triển khai dự án, rút giấy phép là việc làm cần thiết.

Xu hướng “rút giấy phép” có vẻ như đang gia tăng trong vài năm lại đây, đặc biệt trong bối cảnh các chủ đầu tư gặp khó khăn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thậm chí, ngay cả khi chưa rút giấy phép, chính quyền các tỉnh, thành phố cũng đã có những thông điệp “cứng rắn” hơn đối với chủ đầu tư. Trong khi đó, sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, qua đó có thể đảm trách được các dự án lớn là cơ sở để không cần thiết phải tiếp tục đề cao FDI một cách thái quá. Theo Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và là một trong những chuyên gia hàng đầu về đầu tư nước ngoài hiện nay nói rằng, về nguyên tắc, FDI không phải là bắt buộc đối với một quốc gia. Chính phủ các nước có quyền lựa chọn dự án và đối tác đầu tư một cách chủ động, từ chối cấp phép những dự án FDI không bảo đảm tiêu chuẩn lao động, tiền lương, không phù hợp với lợi ích cộng đồng, không bảo đảm an toàn toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên để xuất khẩu chứ không phải để chế biến làm gia tăng giá trị sản phẩm, dự án trồng rừng có liên quan đến an ninh quốc gia ở các vùng biên giới.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, đối với các dự án công nghiệp gây ô nhiễm, xu hướng chung của các tỉnh thành là “soi” kỹ hơn về dự án cũng như chủ đầu tư, thay vì dễ dãi chấp thuận như trước. Đây được coi là hệ quả tất yếu của việc trong thời gian gần đây các cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều vụ vi phạm về bảo vệ môi trường nghiêm trọng tại các dự án FDI như ô nhiễm tại nhà máy đóng tàu Hyundai-Vinashin và tại nhà máy chế biến bột ngọt Vedan.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong khi vốn FDI tiếp tục đổ về Việt Nam, khi đánh giá chất lượng các dự án cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường. Việc có quá nhiều dự án thép với quy mô lớn vào nước ta trong thời gian gần đây cũng đang dấy lên những quan ngại về ô nhiễm môi trường.

Thay đổi cách tiếp cận

Môi trường tại Việt Nam đang bị ô nhiễm trầm trọng với sự đóng góp “tích cực” của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, phải đến khi vụ Vedan được phát hiện và xử lý “đến nơi đến chốn”, đã và đang có sự thay đổi hết sức căn bản trong vấn đề bảo vệ môi trường. Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Thắng, một chuyên gia về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của Bộ Kế hoạch Đầu tư nhận xét, một trong những yếu tố khiến cho Việt Nam trở thành một trong những “thiên đường đầu tư” chính là các tiêu chuẩn quá thấp về môi trường.

Trong khi đó, nhiều quốc gia khác có môi trường đầu tư tốt hơn Việt Nam nhiều nhưng không “hấp dẫn” bằng Việt Nam, đơn giản là vì tiêu chuẩn về môi trường của họ cao hơn. “Trong một nền kinh tế mà các tiêu chuẩn môi trường thấp, các chi phí cho xử lý nước thải, chất thải được giảm đi rất nhiều, khiến cho Việt Nam trở nên “cạnh tranh” hơn. Nhưng nếu kéo dài tình trạng này thì sẽ rất nguy hiểm cho tương lai”, ông Thắng bình luận.

FDI được nhìn nhận như một liều thuốc đại bổ cho nền kinh tế thiếu dinh dưỡng và không mấy ai nghĩ đến mặt trái của tấm huy chương FDI

Ông Trần Xuân Giá – nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng đã đến lúc Chính phủ cần phải lựa chọn những dự án FDI có chất lượng, hàm lượng công nghệ cao và không gây ô nhiễm môi trường. “Bây giờ không phải là thời điểm mà ai đề nghị gì chúng ta cũng nhận. Đó là chuyện của những năm đầu thu hút FDI. Chúng ta sẽ phải lựa chọn cho ai vào và ai không được vào để đảm bảo có được những dự án tốt nhất,” ông Giá nói.

Cùng quan điểm này, Giáo sư Nguyễn Mại cho rằng vấn đề chất lượng dự án, chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài đã được đặt ra ngay từ thời điểm bắt đầu mở cửa thu hút đầu tư. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, do thiếu vốn đầu tư cho các ngành nghề, lĩnh vực, chúng ta chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư vào mọi lĩnh vực và với mọi quy mô. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần có cách nhìn, cách tư duy mới.

“Vấn đề chất lượng dự án đầu tư nước ngoài hiện nay liên quan đến vấn đề quy hoạch, định hướng phát triển các ngành cụ thể. Đối với những ngành nghề mà trong nước có thể tự làm, sử dụng vốn ít và giải quyết nhiều việc làm thì cần để cho doanh nghiệp trong nước làm vì lợi ích lâu dài của quốc gia. Đối với những ngành nghề cần tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, cần định hướng rõ hơn để nhà đầu tư biết, xem xét khả năng tham gia đầu tư” – ông nhận xét.

Vẫn theo ông Mại, trong chiến lược thu hút FDI tới đây, Nhà nước cần đề ra định hướng thu hút FDI theo hướng phát triển bền vững, khuyến khích bằng các ưu đãi cao nhất đối với những dự án thân thiện môi trường. Phát triển bền vững và xây dựng nền kinh tế ít cacbon đòi hỏi phải khắt khe hơn với FDI, bởi đã có hiện tượng các nhà đầu tư thực hiện di dời các ngành công nghiệp không thân thiện với môi trường và phát thải nhiều cacbon tới các nước đang phát triển cần thu hút đầu tư như Việt Nam. Do vậy, nếu không cảnh giác sẽ là “lợi bất cập hại”. “Nếu các nhà đầu tư quốc tế có quyền lựa chọn địa điểm và quốc gia để thực hiện dự án, thì nước chủ nhà có quyền cho phép hoặc từ chối những dự án không có lợi cho cộng đồng”, ông Mại nói.

Trong một bài viết gần đây, tiến sĩ kinh tế Phan Minh Ngọc nhấn mạnh, con số vốn đăng ký và vốn thực hiện FDI qua từng tháng, quý và năm luôn thu hút sự chú ý đặc biệt của nhiều người có liên quan ở Việt Nam. Những con số này được coi đồng nghĩa với thước đo thành công của chính sách phát triển kinh tế cũng như môi trường kinh doanh của Việt Nam, nhưng đó là một điều bất cập.

“Việc duy trì và không ngừng làm cho những con số này tăng lên là điều đặc biệt quan trọng đối với các cấp chính quyền, và cũng vì vậy mà người ta có xu hướng chạy đua và đưa ra quá nhiều ưu đãi để chèo kéo nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền của vào Việt Nam nói chung và từng địa phương nói riêng. FDI thường được nhìn nhận như một liều thuốc đại bổ cho nền kinh tế thiếu dinh dưỡng và không mấy ai mảy may nghĩ đến mặt trái của tấm huy chương FDI” – ông nói, nhấn mạnh rằng đã đến lúc cần thay đổi cách đánh giá, tiếp cận với dòng vốn này.

Theo: Nghệ Nhân
Nguồn : Báo doanh nhân Việt Nam
————————————————————
DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÁP LUẬT LIÊN QUAN:

1. Tư vấn xin cấp phép đầu tư;

2. Tư vấn cấp giấy chứng nhận đầu tư;

3. Tư vấn thành lập doanh nghiệp liên doanh;

4. Các dịch vụ cung cấp cho nhà đầu tư trong nước;

5. Tư vấn thành lập công ty liên doanh tại Việt Nam;

6. Dịch vụ tư vấn Cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài;