Cách đây đã hơn 80 năm, khi còn là một nhà cách mạng trẻ tuổi, Nguyễn Ái Quốc trong một tác phẩm mang tính khảo cứu về những đặc điểm của xã hội Việt Nam, đã đúc rút ra một kết luận là “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước” và nhận định rằng: “Cũng chủ nghĩa dân tộc đã luôn luôn thúc đẩy các nhà buôn An Nam cạnh tranh với người Pháp và người Trung Quốc”.
>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp gọi số:1900.0191
Khi đề cập tới tầng lớp mà vào thời tư tưởng đấu tranh giai cấp đang ngự trị luôn nói tới những mâu thuẫn đối kháng không thể điều hòa giữa chủ và thợ, thì nhà macxit trẻ Nguyễn Ái Quốc lại mạnh bạo đưa ra sự phân tích:
“Không có tỷ phú An Nam… nếu thợ thuyền không biết mình bị bóc lột bao nhiêu thì chủ lại không hề biết công cụ để bóc lột họ bằng máy móc; người thì chẳng có công đoàn, kẻ thì không có tơ-rớt. Người thì nhẫn nhục chịu số phận của mình, kẻ thì vừa phải trong sự tham lam của mình. Sự xung đột về quyền lợi của họ được giảm thiểu. Điều đó không thể chối cãi được”. Những tư tưởng này được viết vào năm 1924 (Hồ Chí Minh toàn tập, tập I, NXBCTQG, H., 2002, tr464 – 466).
Như thế là ngay từ rất sớm, nhà cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc đã nhìn nhận thấy hai đặc trưng nổi bật của tầng lớp, mà nay ta gọi là doanh nhân đương thời ở Việt Nam, là một tầng lớp không tạo ra những xung đột gay gắt với quyền lợi của người lao động như trong các xã hội khác, đồng thời tiểm ẩn một “chủ nghĩa dân tộc” thúc đẩy họ trên doanh trường mà khi đó đối thủ là những thế lực kinh tế ngoại bang.
Đúng như lời dự báo từ năm 1924, một tầng lớp doanh nhân bản xứ chấp nhận dấn thân vào doanh trường, tham gia việc làm giàu, chấp nhận cạnh tranh nhưng vẫn chứa chất tinh thần yêu nước và đau nỗi nhục mất nước. Họ biết gắn mục tiêu kinh doanh của mình với sự hưng vong của dân tộc.
Đã xuất hiện những tên tuổi lớn mà chúng ta hay nhắc đến. Từ những tư tưởng của nhà yêu nước Lương Văn Can gắn cuộc Duy Tân với việc kinh doanh để gây dựng một “đạo làm giàu”, đến những con người hành động táo bạo như Bạch Thái Bưởi, Trương Văn Bền v.v…
Nhưng thực tiễn cho thấy, kết cục đối với tầng lớp này là một bi kịch lớn. Họ không cạnh tranh nổi với ngoại bang và trước hết là thế lực thực dân đặt lợi ích của chính quốc lên trên hết.
Những con người có chí lớn trong cuộc kinh doanh như Bạch Thái Bưởi cuối cùng cũng phá sản. Còn một tầng lớp doanh nhân khác có tinh thần dân tộc mạnh mẽ thì khi có cơ hội họ cũng sẵn lòng dấn thân vào con đường chính trị yêu nước. Có nhiều doanh nhân tham gia vào tổ chức yêu nước Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học và nếm mùi thất bại.
Một bộ phận khác may mắn hơn được chứng kiến những ngày Cách mạng tháng Tám 1945 và dấn thân vào dòng chảy của sự nghiệp chung. Họ nhập được vào dòng chảy ấy, vì những nguyên lý của Nguyễn Ái Quốc năm xưa đã được thể hiện trong Cương lĩnh đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận Việt Minh.
1. Người mình không có thương phẩm. (Nhà duy tân Lương Văn Can nói về những yếu kém của doanh nhân người Việt thuở mới manh nha) |
Thực tiễn của đất nước trong cuộc cách mạng vĩ đại này là tầng lớp hữu sản, trong đó có các doanh nhân đã trở thành một lực lượng của dân tộc. Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh được giải thích là biểu trưng cho lực lượng ấy, trong đó một cánh là tầng lớp doanh nhân (sĩ – nông – công – thương – binh).
Nhiều doanh nhân còn có cơ hội phục vụ kháng chiến bằng tài và lực của mình. Đây chính là thời kỳ tuy ngắn ngủi nhưng được xác lập vị thế tương xứng nhất.
Trong thư gửi giới công thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một nguyên lý vô cùng sáng suốt: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này” (như trên, tập IV, tr.49).
Nhưng cũng có một thực tiễn và cũng là một bi kịch của lịch sử. Đó là ước vọng làm giàu của những doanh nhân tham gia vào sự nghiệp cứu nước và chống ngoại xâm, đã bị những tháng chiến tranh khắc nghiệt chi phối, không có cơ được phát huy trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới. Mặt khác, tầng lớp doanh nhân đã bị triệt tiêu do những nhận thức ấu trĩ một thời…
Vì thế mà, chúng ta có thể mạnh dạn mà nói rằng, một tầng lớp doanh nhân Việt Nam đích thực, được coi là một lực lượng dân tộc, có vị thế quan trọng cùng công nhân, nông dân và trí thức trong công cuộc Đổi mới.
Việc Thủ tướng chấp nhận hàng năm có “Ngày doanh nhân Việt Nam”, tổ chức các đối thoại với doanh nhân, Quốc hội xây dựng những thể chế để doanh nhân có cơ hội phát triển v.v… là những biểu hiện lần đầu tiên xuất hiện và trở thành một môi trường ngày càng thông thoáng cho doanh nhân phát triển.
Doanh nhân đã được tôn vinh là “những chiến sĩ xung kích thời bình”… Điều đó cũng có nghĩa là doanh nhân Việt Nam tuổi thực còn rất trẻ. Truyền thống mà lớp người tiền bối trong những điều kiện lịch sử chưa thực sự là những “doanh nhân Việt Nam” theo đúng nghĩa, mới chỉ là “chủ nghĩa dân tộc” mà 80 năm trước Nguyễn Ái Quốc đã phát hiện.
Do vậy, doanh nhân Việt Nam phải ý thức được sự non trẻ của mình để có thể phát huy được sức trẻ đầy sức mạnh và sức sáng tạo của mình. Đồng thời khắc phục những non nớt mà tuổi trẻ nào cũng phải vượt qua như những thử thách.
Xin được nhắc lại những điều mà Cụ cử Lương Văn Can, một trong những nhà yêu nước tiêu biểu của phong trào Duy Tân cách đây một thế kỷ, người tiên phong gây dựng “đạo làm giàu” năm xưa, khi nói về những yếu kém của giới doanh nhân từ thuở mới manh nha, để các bạn doanh nghiệp trẻ hãy soi vào những điều người xưa đã cảnh tỉnh.
Dương Trung Quốc
Theo Tiền Phong