Hiện nay có rất nhiều người không hề biết rằng việc giả mạo chữ ký của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy, mức phạt nào được áp dụng với tội danh giả mạo chữ ký theo quy định của pháp luật. Giả mạo chữ ký tùy thuộc vào mức độ và hậu quả gây ra thì giả mạo chữ ký có thể bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự.
1. Xử lý hành chính hành vi giả mạo chữ ký
Căn cứ vào từng tính chất của từng vụ việc, mục đích của hành vi giả mạo chữ ký mà người giả mạo chữ ký có thể bị xử lý bằng các biện pháp xử phạt hành chính được quy định tại Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 gồm:
– Cảnh cáo
– Phạt tiền
– Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn
– Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính
– Trục xuất.
Ngoài ra trong một số trường hợp cụ thể, pháp luật có những quy định riêng như:
– Trong lĩnh vực tư pháp:
Điều 24 Nghị định 67/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 2015 quy định sẽ phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của người thực hiện chứng thực.
– Trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm:
Điều 45 Nghị định 110/2013/NĐ-CP 2013 quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối hành vi giả chữ ký của người có quyền yêu cầu đăng ký trong đơn yêu cầu đăng ký hoặc văn bản thông báo.
– Theo quy định về quyền tác giả:
Điều 19 Nghị định 131/2013/NĐ-CP 2013 quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm
– Trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán:
Đối với hành vi giả mạo chữ ký trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập được quy định trong Nghị định 41/2018/NĐ-CP thì: người nào thực hiện hành vi giả danh người có thẩm quyền ký hoặc người được người có thẩm quyền ủy quyền để ký vào chứng từ kế toán thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
2. Xử lý hình sự khi làm giả chữ ký người khác
Hành vi giả mạo chữ ký của người khác mà gây nguy hiểm cho xã hội và đủ các yếu tố cấu thành nên tội phạm thì người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.Tội giả mạo chữ ký của người khác được quy định cụ thể căn cứ Điều 359 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 quy định về hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 359. Tội giả mạo trong công tác
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
b) Làm, cấp giấy tờ giả;
c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;
c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;
b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên;
b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Ngoài ra, nếu người thực hiện tội phạm giả mạo chữ ký trong hợp đồng mua bán, hợp đồng vay vốn, hợp đồng thế chấp … nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 về tội chiếm đoạt tài sản.
Qua đây, mọi người nên có ý thức cảnh giác khi được người khác nhờ ký hộ giấy tờ, giả mạo chữ ký bởi hành vi này là vô cùng nguy hiểm.
3. Dấu hiệu pháp lý của tội làm giả chữ ký người khác
Chủ thể: Đủ điều kiện về độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự, là người có chức vụ, quyền hạn ở trong một lĩnh vực nào đó.
Khách thể: Tác động làm sai lệch,tài liệu, giấy tờ của cá nhân cơ quan tổ chức, làm mất uy tín đến cá nhân tổ chức có tài liệu đó.
Mặt khách quan: Là việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người có thẩm quyền dẫn đến hậu quả cho xã hội.
Mặt chủ quan: Người thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp bởi xuất phát từ động cơ vụ lợi hoặc là vì động cơ cá nhân, nên sẽ thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp.
Khi tham gia vào quan hệ giao dịch dân sự mà người nào thực hiện thủ đoạn đoạn gian dối như hành vi giả mạo chữ ký để lừa người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
4. Khái niệm đơn yêu cầu trưng cầu giám định chữ viết
Mẫu đơn yêu cầu trưng cầu giám định chữ viết là văn bản yêu cầu được đương sự hoặc người có quyền và nghĩa vụ liên quan lập ra để yêu cầu về việc trưng cầu giám định chữ viết, nội dung đơn yêu cầu trưng cầu giám định chữ viết nêu rõ: thông tin người yêu cầu, nội dung yêu cầu…
Mục đích của đơn yêu cầu trưng cầu giám định chữ viết: khi cá nhân tham gia trong vụ án tố tụng, cần xác định chữ viết sẽ dùng đơn yêu cầu trưng cầu giám định chữ viết nhằm mục đích yêu cầu trưng cầu giám định chữ viết.
5. Mẫu đơn yêu cầu trưng cầu giám định chữ viết
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————
….…….., ngày…tháng…năm…
ĐƠN ĐỀ NGHỊ
(V/v: Trưng cầu giám định chữ viết)
Căn cứ: Luật giám định tư pháp năm 2013.
Kính gửi: Tòa án nhân dân (1)………
Tôi tên: (2) …….…., sinh ngày ……………
Địa chỉ: …………
Tôi hiện nay đang là …………….(tham gia vụ kiện dân sự, hình sự,…) và tôi đang gặp vấn đề về việc xác nhận chữ viết trong ……………( ở đâu là của ai).
Dựa trên yêu cầu thực tế và cấp thiết của việc giám định chữ viết để phục vụ cho việc giải quyết (3)………….(vụ án hình sự, dân sự,….)
Nay tôi có đơn này, kính đề nghị Quý tòa ra Quyết định trưng cầu giám định đối với …………
Cụ thể nội dung như sau:………………………………………………………
Kính mong Quý tòa xem xét, giải quyết. Xin chân thành cám ơn./.
Người làm đơn
(Ký và ghi rõ họ tên)
– Hướng dẫn soạn thảo đơn :
(1) Tên tòa án nhân dân nơi yêu cầu giám định;
(2) Thông tin người đề nghị: họ và tên, sinh ngày, địa chỉ;
(3) Nội dung yêu cầu kiểm định.
6. Những quy định về trưng cầu giám định chữ viết
Căn cứ quy định tại Điều 7 Luật giám định tư pháp 2013:
– Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp:
Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt;
Có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên.
Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn từ đủ 03 năm trở lên;
Đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự phải có chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định.
– Người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp:
Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
– Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định chi tiết khoản 1 Điều này đối với giám định viên tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
6.1. Quyền, nghĩa vụ của người trưng cầu giám định tư pháp
Được quy định tại Điều 21 Luật giám định tư pháp 2013
– Người trưng cầu giám định có quyền:
Trưng cầu cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này thực hiện giám định;
Yêu cầu cá nhân, tổ chức quy định tại điểm a khoản 1 Điều này trả kết luận giám định đúng nội dung và thời hạn đã yêu cầu;
– Người trưng cầu giám định có nghĩa vụ:
Lựa chọn tổ chức hoặc cá nhân thực hiện giám định phù hợp với tính chất, yêu cầu của vụ việc cần giám định;
Ra quyết định trưng cầu giám định bằng văn bản;
Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp;
Tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi trưng cầu giám định; thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định;
Bảo đảm an toàn cho người giám định tư pháp trong quá trình thực hiện giám định hoặc khi tham gia tố tụng với tư cách là người giám định tư pháp.
6.2. Quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp
Được quy định tại Điều 22 Luật giám định tư pháp 2013
– Người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 07 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.
– Người yêu cầu giám định có quyền:
Yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trả kết luận giám định đúng thời hạn đã thỏa thuận và theo nội dung đã yêu cầu;
Yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định;
Đề nghị Tòa án triệu tập người giám định tư pháp đã thực hiện giám định tham gia phiên tòa để giải thích, trình bày về kết luận giám định;
Yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại; yêu cầu giám định bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.
– Người yêu cầu giám định tư pháp có nghĩa vụ:
Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của người giám định tư pháp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu do mình cung cấp;
Nộp tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi yêu cầu giám định; thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định.
– Người yêu cầu giám định chỉ được thực hiện quyền tự yêu cầu giám định trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.