Theo ông Trương Lâm Danh, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM thì từ đầu tháng 1 đến nay, TPHCM đã xảy ra 5 cuộc đình công đòi thưởng tết. Ông Danh cũng lo ngại tình trạng này có thể tiếp tục xảy ra do nhiều công ty vẫn không công bố thưởng tết.

Ngày 14-1 vừa qua, 150 công nhân công ty TNHH Nhật Lâm, quận Gò Vấp đã đình công vì cho đến nay công ty này chưa điều chỉnh lương tối thiểu, nợ lương tháng 12, không giải quyết phép năm 2009 và không công bố thưởng tết cho công nhân. Sau khi Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp xuống làm việc, ban giám đốc đã đồng ý trả lương và công bố thưởng tết. Sau đó công nhân đã quay lại làm việc.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  1900.0191

Tại Công ty Đông Bang Vina, quận 12, vào đầu tháng 1 vừa rồi, 170 công nhân cũng đã đình công đòi được biết tiền thưởng tết và thời gian chi trả. Ngay sau đó, ban giám đốc đã phải công bố mức thưởng tết, thấp nhất là 1 triệu đồng, và sẽ chi trả vào cuối tháng 1, công nhân mới giải tán.

Trên đây là hai trường hợp nêu ra trong nhiều trường hợp đình công xuất phát từ lo ngại của công nhân về việc không có tiền thưởng tết.

Mặc dù từ đầu tháng, Sở Lao động Thương binh Xã hội TPHCM đã công bố mức thưởng tết của các doanh nghiệp cho người lao động. Nhưng số công ty báo cáo chỉ dừng ở 1.000 công ty, trong khi số lượng doanh nghiệp hiện nay tại TPHCM lên đến hơn 40.000. Vì vậy, nếu có nhiều doanh nghiệp không thưởng tết thì cơ quan lao động cũng không nắm được.

Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Xa, Phó chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất TPHCM, thì các công ty mới chỉ báo cáo kế hoạch thưởng tết về cơ quan quản lý lao động chứ chưa thông báo rộng rãi đến người lao động. Cho đến chiều 26-1, mới chỉ có khoảng 50% doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp trước sức ép của công nhân và công đoàn, đã hứa hẹn miệng là sẽ thưởng tết cho người lao động, chứ không niêm yết công khai.

Một điểm chung là các doanh nghiệp đều không đưa ra thời gian thưởng cụ thể, vì sợ công nhân so sánh mức thưởng giữa công ty này với công ty khác cùng trong ngành hoặc cùng trong một khu công nghiệp. Cũng có nhiều doanh nghiệp chờ đến ngày 28, 29 tết mới trả thưởng, vì lo sợ nếu trả thưởng sớm, người lao động sẽ bỏ về quê hoặc so sánh mức thưởng với các doanh nghiệp cùng ngành nghề hoặc trong khu công nghiệp. Trong khi đó, nếu trả thưởng vào thời điểm cận tết như vậy  người lao động cũng không còn thời gian để mua sắm tết.

Làm sao để bảo vệ quyền lợi của người lao động nếu doanh nghiệp không thưởng tết? Trả lời câu hỏi này, ông Danh cho rằng, bản thân việc thưởng tết là do doanh nghiệp và người lao động, mà đại diện là công đoàn ký với nhau trong thoả ước tập thể. Chỉ khi trong thoả ước có cam kết mà doanh nghiệp không thực hiện thì người lao động mới có thể kiện doanh nghiệp ra toà.

Trong tình trạng hiện nay nhiều doanh nghiệp không có công đoàn, cũng không có thoả ước lao động tập thể thì về luật là không có khả năng buộc tội doanh nghiệp. Tuy vậy, ông Danh cho rằng, để giữ được lao động, doanh nghiệp nên thực hiện việc thưởng tết, vì đây cũng chính là những quyền lợi mà người lao động xứng đáng được nhận.

(Theo Kinh tế đô thị )

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích nghiên cứu, giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)