Ngày nay sở hữu tư nhân đã phát triển lên một trình độ mới về chất, quy mô sở hữu của nhiều Cty ngày càng đồ sộ và nhiều Cty tạo ra lượng tài sản có giá trị lớn hơn cả GDP của một số quốc gia. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, nhân loại càng ngày càng sáng tạo ra nhiều loại hình sở hữu mới. Ngoài sở hữu tài sản hữu hình, người ta không chỉ sở hữu những tài sản vô hình như các nhãn hiệu hàng hóa, bí quyết công nghệ mà còn sở hữu cả không gian ảo trên mạng Internet và tài sản ảo là những bit thông tin đang tràn ngập trên mạng thông tin toàn cầu.

>> Luật sư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191

Sự biến đổi về chất của kinh tế tư nhân

Chúng ta đang chứng kiến một thời đại các rào cản đầu tư, thương mại hàng hóa và dịch vụ dần bị dỡ bỏ, nền kinh tế thị trường mở đang tạo điều kiện dễ dàng cho kinh tế tư nhân lớn mạnh không ngừng. Trong quá trình phát triển, kinh tế tư nhân đã tồn tại dưới nhiều dạng như kinh tế cá thể, Cty và ngày nay là những Cty đa quốc gia. Sự lớn mạnh của các Cty đa quốc gia trong những năm cuối của thế kỷ XX cho thấy kinh tế tư nhân đã có sự phát triển vượt bậc với những thay đổi về chất. Các Cty đa quốc gia chính là biểu hiện của kinh tế tư nhân được quốc tế hóa, nó trở thành lực lượng hùng mạnh nhất của kinh tế tư nhân.

Trong nền kinh tế thị trường mở, quốc gia nào có nền kinh tế tư nhân tham gia nhiều nhất, đầy đủ nhất và sâu sắc nhất vào nền kinh tế toàn cầu thì quốc gia đó sẽ càng có ưu thế trong cạnh tranh. Dựa trên bối cảnh và xu thế phát triển này, mỗi quốc gia cần phải có chính sách phát triển kinh tế tư nhân thích hợp của mình, trong đó, phải đặc biệt chú ý đến sự hợp tác của kinh tế tư nhân trong nước với các công ty đa quốc gia cũng như trực tiếp tham gia vào các công ty đa quốc gia.

Phương tiện hiệu quả nhất để phát triển kinh tế

Vấn đề là kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước cùng song song tồn tại trong thế giới ngày nay nhưng tại sao kinh tế tư nhân lại tỏ ra năng động hơn, có sức sống hơn và phát triển mạnh mẽ hơn? Câu trả lời là kinh tế tư nhân có sự tương thích rất cao với kinh tế thị trường, đặc biệt là tính chất mở cửa thị trường ngày càng tăng, sự hợp tác và cạnh tranh quốc tế đòi hỏi các thực thể kinh tế phải rất linh hoạt và tự chủ trong hoạt động kinh doanh, điều này vốn là nhược điểm của kinh tế nhà nước.

Tính cạnh tranh cao của kinh tế tư nhân không phải ngẫu nhiên mà có, nó được hình thành thông qua hàng chuỗi các vụ phá sản của các Cty, đó chính là sự chọn lọc tự nhiên trong quá trình phát triển. Về phương diện tình cảm xã hội, người ta thấy ái ngại và thương xót mỗi khi có một vụ phá sản nào đó nhưng kinh tế có quy luật riêng của nó, không phụ thuộc vào tình cảm của chúng ta. Kinh tế tư nhân đối mặt với những thử thách khắc nghiệt như vậy để phát triển cũng như mỗi cá nhân chúng ta cần trải qua những gian lao, thậm chí vấp ngã để trở nên vững vàng hơn trong cuộc sống.

Giá trị nhân văn của kinh tế tư nhân

Thực tế cho thấy kinh tế tư nhân có vai trò đắc lực tạo ra sự phát triển của xã hội, tạo cho mỗi cá nhân vô số cơ hội có việc làm để khẳng định mình, để mưu cầu cuộc sống và hạnh phúc, tức là góp phần tạo ra con người với nhiều phẩm chất tốt đẹp hơn. Phát triển kinh tế, suy cho cùng không phải là mục tiêu mà chỉ là phương tiện. Mục tiêu tối thượng của nhân loại là xã hội phát triển, con người phát triển. Có thể nói rằng kinh tế tư nhân là một phương tiện quan trọng để con người có cơ hội hoàn thiện mình trong quá trình phát triển hướng thiện của nhân loại. Con người đã sáng tạo ra và quyết định lựa chọn kinh tế tư nhân để phát triển, nhưng đồng thời kinh tế tư nhân lại là môi trường tốt để con người tự thân phát triển, con người có cơ hội tự hoàn thiện vì sự phát triển của chính nó và thông qua đó phát triển toàn xã hội. Đó chính là giá trị nhân văn chân chính của kinh tế tư nhân.

Phát triển năng lực con người

Kinh tế tư nhân có cội nguồn từ cá nhân, vì vậy phát triển kinh tế tư nhân phải dựa trên nền tảng phát triển các giá trị cá nhân, phát triển năng lực cá nhân, phát triển con người. Có thể nói, không có sự phát triển năng lực cá nhân thì sẽ không có sự phát triển kinh tế tư nhân.

Một trong những yếu tố cạnh tranh của một cộng đồng xã hội chính là tính đa dạng của sự sáng tạo, mà tính đa dạng của sự sáng tạo là hệ quả tất yếu của sự đa dạng của những năng lực cá nhân. Sự đa dạng của năng lực cá nhân là kết quả trực tiếp của sự tôn trọng các giá trị cá nhân. Như vậy, có thể nói lý thuyết phát triển kinh tế tư nhân bắt nguồn từ lý thuyết phát triển con người.

Phát triển các quyền cá nhân

Sự phát triển xã hội gắn liền với sự phát triển ngày càng phong phú các quyền cá nhân. Sự phát triển của các quyền cá nhân đến lượt nó sẽ thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.

Không có các quyền cá nhân làm tiền đề thì không thể có các quyền của kinh tế tư nhân. Trong thực tế, hiện nay, những hiện tượng can thiệp vào đời sống cá nhân diễn ra tràn lan ở khá nhiều quốc gia. Khi chúng ta không xây dựng, không tôn trọng các quyền cá nhân, có nghĩa là các giá trị cá nhân không được pháp chế hóa, định chế hóa, hoặc chúng ta không nhận thức các quyền cá nhân như những động lực của sự phát triển cá nhân, như những không gian xã hội cần thiết cho một cá nhân phát triển thì không thể phát triển khu vực tư nhân lành mạnh được. Chừng nào một xã hội chưa tôn trọng các quyền cá nhân, kèm theo đó là sở hữu cá nhân thì xã hội đó không thể xây dựng khu vực kinh tế tư nhân một cách chuyên nghiệp được.

Tóm lại, kinh tế tư nhân là hình thức kinh tế tự nhiên của quá trình phát triển xã hội, tồn tại và phát triển ngoài ý muốn chủ quan của những nhà chính trị cho dù họ đại diện cho bất kỳ lực lượng xã hội nào, hoặc nhân danh ai, hoặc với mục đích nhân đạo hay cao cả đến đâu chăng nữa. Chừng nào con người còn cần đến kinh tế tư nhân như là một phương tiện hữu hiệu để xây dựng và kiến tạo cuộc sống của mình và đồng loại, thì kinh tế tư nhân còn tồn tại như một hành trang của con người trong tiến trình đi tới tương lai.

Nguyễn Trần Bạt – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc InvestConsult Group
Nguồn:
  Diễn đàn doanh nghiệp

———————————————————

THAM KHẢO VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

2. Dịch vụ tư vấn cơ cấu lại doanh nghiệp;

3. Tư vấn thành lập doanh nghiệp tại Hà Nội;

4. Tư vấn xây dựng quy chế hoạt động cho doanh nghiệp;

5. Luật sư tư vấn vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại;

6. Luật sư tư vấn và giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp.