Tuy nhiên, trong thời gian qua, tại Việt Nam các cơ quan tài phán (tòa án, trọng tài thương mại) chưa mạnh dạn nhìn nhận tính pháp lý đầy đủ của các chứng cứ giao dịch điện tử (CCGDĐT) trong quá trình giải quyết các vụ tranh chấp kinh tế, dân sự, lao động…Để đánh giá toàn diện giá trị pháp lý của CCGDĐT, sau đây chúng tôi sẽ nêu một số ý kiến và viện dẫn các căn cứ để chứng minh giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu và thông tin trong thông điệp dữ liệu.
Về khái niệm giao dịch dân sư, theo Điều 121 Bộ luật Dân sự (BLDS) “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.
Về hình thức của giao dịch dân sự, Điều 124 BLDS cũng khẳng định: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản”
Rõ ràng, cơ sở pháp lý của hình thức thông điệp dữ liệu đã được khẳng định một cách chắc chắn trong BLDS. Bên cạnh đó, theo Khoản 5, Khoản 6 Điều 4 Luật Giao dịch Điện tử (GDĐT) có hiệu lực ngày 01/03/2006, thì: “Dữ liệu là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự”, “Giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử”
“Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử” (Khoản 12 Điều 4 Luật GDĐT)
“Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác
Thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu” (Điều 10 Luật GDĐT)
Điều 12 Luật GDĐT khẳng định “Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản”.Không chỉ vậy, Điều 13 của Luật còn khẳng định mạnh mẽ hơn nữa: “Thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc.
Thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc khi đáp ứng được các điều kiện sau đây:
1. Nội dung của thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng một thông điệp dữ liệu hoàn chỉnh.
Nội dung của thông điệp dữ liệu được xem là toàn vẹn khi nội dung đó chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị thông điệp dữ liệu;
2. Nội dung của thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.”
Điều 14 Luật GDĐT nhấn mạnh “Thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ
1. Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu.
2. Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.”
Đối với thông tin trích xuất từ trang thông tin điện tử, theo Điều 23 Luật Công nghệ Thông tin (có hiệu lực ngày 01/01/2007) “Tổ chức, cá nhân có quyền thiết lập trang thông tin điện tử theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm quản lý nội dung và hoạt động trang thông tin điện tử của mình”.
Như vậy, với các căn cứ pháp lý được viện dẫn như trên, chúng ta có thể rút được 3 kết luận quan trọng sau:
– Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản pháp lý thông thường.
– Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản gốc nếu nó được bảo đảm toàn vẹn từ khi khởi tạo lần đầu, được lưu trữ và có thể truy cập được.
– Thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ.
Từ các kết luận trên, trường hợp doanh nhân muốn cung cấp là thông điệp dữ liệu làm chứng cứ để cơ quan tài phán xem xét giải quyết một vụ tranh chấp, thì việc cung cấp đó phải đảm bảo 2 yêu cầu:
– Thông điệp dữ liệu được in ra thành văn bản.
– Thông điệp dữ liệu gốc được lưu trữ trong CD, USB kèm đường dẫn để truy cập khi cần thiết (nếu là email cá nhân thì thông điệp dữ liệu đó phải được bảo toàn nguyên vẹn trong hộp thư-inbox).
Chúng tôi cho rằng: thông điệp dữ liệu gốc hoàn toàn có thể được xem như một văn bản gốc, bởi tính hiện thực khách quan, chính xác của nó. Trong trường hợp thông điệp dữ liệu được truy xuất từ các trang web, thì cơ quan tài phán có thể truy cập trực tiếp vào đường dẫn do đương sự cung cấp, hoặc nếu thông tin trong email cá nhân, thì kiểm tra hộp thư. Trang web chỉ được khởi tạo khi cá nhân, tổ chức chủ trang web đó đã mua tên miền và đăng ký với tư cách chủ sở hữu, còn email cá nhân cũng thể hiện tính duy nhất, vì muốn sử dụng email phải có mã khóa (password), không thể ngụy tạo được. Trường hợp cơ quan tài phán nghi ngờ có sự gian dối trong việc khởi tạo lại một tên email thông thường và thư điện tử đã gửi đi (email đăng ký trên Yahoo!, Googgle, Hotmail..) thì hoàn toàn có thể gửi một công văn đến công ty cung cấp dịch vụ để xác minh. Việc kiểm tra này hoàn toàn khả thi, khi hiện nay các nhà cung cấp email như Yahoo!, Googgle, Hotmail..có văn phòng đại diện hoặc trụ sở tại Việt Nam, hơn nữa, các công ty dịch vụ này đa số được thành lập tại Mỹ, châu Âu, nên họ có thái độ tôn trọng và hợp tác với cơ quan tài phán khi có yêu cầu. Do vậy, nếu các doanh nhân liên quan đến một vụ tranh chấp, có thể mạnh dạn cung cấp thông điệp dữ liệu gốc có liên quan cho cơ quan tài phán.
Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, thì việc doanh nhân sử dụng các phương tiện điện tử để gửi thông điệp dữ liệu phục vụ kinh doanh là hành vi phổ biến, do vậy việc cơ quan tài phán (tòa án, trọng tài) chấp nhận tính khách quan, xác thực, hiệu lực pháp lý đầy đủ của thông điệp dữ liệu gốc cũng là vấn đề tự nhiên, khi Bộ luật Dân sự, Luật Công nghệ Thông tin, Luật Giao dịch Điện tử đã đề cập, viện dẫn đầy đủ căn cứ pháp lý về các giao dịch thông qua phương tiện điện tử, thông điệp dữ liệu. Việc cơ quan tài phán nhanh chóng áp dụng cách giải quyết này sẽ làm cho một vụ tranh chấp hoặc việc dân sự được giải quyết toàn diện, chính xác, nhanh gọn và khách quan hơn, nâng cao tính pháp quyền hiện đại trong hoạt động của hệ thống cơ quan tiến hành tố tụng nước ta./.
SOURCE: DOANH NHÂN VÀ PHÁP LUẬT – THS. NGUYỄN HẢI VÂN – Công ty Luật hợp danh Đông Á
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
—————————————————-
THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:
1. Tư vấn pháp luật lao động
2.Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự
3. Tư vấn luật hành chính Việt Nam
4. Luật sư riêng cho doanh nghiệp
5.Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án
6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình