Xin chào các bạn! Đây là văn bản của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam ban hành, tôi mới được biết:
Tìm hiểu chính sách chi trả các khoản tiền gửi tiết kiệm những năm 1980 trở về trước* *10:51-04/10/2010″
Huy động tiền gửi tiết kiệm là một nghiệp vụ truyền thống của ngân hàng thương mại. Thực hiện tốt chính sách huy động tiền gửi tiết kiệm sẽ tạo sự yên tâm cho người gửi tiền, nâng cao uy tín của ngân hàng và giúp hệ thống ngân hàng có thể huy động được tối đa các nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân để đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh
Tuy nhiên, việc tính toán để chi trả các khoản tiền gửi tiết kiệm có thời hạn gửi đã quá lâu thường rất phức tạp, đòi hỏi phải nắm bắt và áp dụng các chế độ, chính sách một cách phù hợp. Đặc biệt, đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm từ trước khi hệ thống ngân hàng Việt Nam chuyển cơ chế hoạt động từ một cấp sang hai cấp (tháng 5/1990), việc thực hiện chính sách tiết kiệm có nhiều thay đổi nên nhiều tổ chức tín dụng còn lúng túng, chưa thống nhất trong việc chi trả cho khách hàng. Dưới đây xin giới thiệu các chính sách chi trả đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm của khách hàng gửi từ những năm 1980 trở về trước để bạn đọc tham khảo.
1. Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm của bộ đội gửi lại trước khi đi chiến trường: mặc dù các khoản tiết kiệm này đã được chi trả tập trung trong năm 1993, song đến nay, vẫn có một số khách hàng tìm được Sổ (Thẻ) bị thất lạc từ trước và đem đến ngân hàng yêu cầu được chi trả. Về việc này, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn số 528/CV-NH1 ngày 16/12/1992 hướng dẫn tính toán quy đổi. Cụ thể:
– Số tiền gốc tiết kiệm được quy đổi theo công thức:Y = (A : B) x C
Trong đó:
Y là Số tiền gốc phải chi trả,
A là Số tiền gốc trên số tiết kiệm,
B là Giá gạo tại thời điểm gửi, áp dụng thống nhất là 0,20 đồng/kg theo giá thời điểm tháng 2/1959, gần sát với thời điểm gửi tiền,
C là Giá gạo tại thời điểm thanh toán là giá gạo tẻ thường trên thị trường Thành phố Hà Nội đăng trên Báo Thị trường của Bộ Công thương tại thời điểm gần nhất với ngày chi trả.
– Số tiền lãi tiết kiệm được tính theo công thức sau: X = (M x N) x 5%/năm
Trong đó:
X là Số tiền lãi phải chi trả
M là Số tiền gốc phải chi trả,
N là Số năm gửi tiết kiệm. Trường hợp người gửi tiền gửi vào Ủy ban Thống nhất, tổ chức tín dụng tính toán lãi tiền gửi tiết kiệm tính từ thời điểm ghi trên Phiếu thu của Ủy ban Thống nhất.
Lãi suất 5%/năm là lãi suất bình quân tính cho cả thời kỳ của thẻ tiết kiệm.
Như vậy, tổng số tiền tiết kiệm phải chi trả cho khách hàng là số tiền gốc và số tiền lãi phải chi trả tính theo 2 công thức trên đây. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý các sổ tiết kiệm được thanh toán theo quy định trên đây là những sổ tiết kiệm của bộ đội trước khi đi chiến trường của các năm 1960-1961-1962, do Bộ Quốc phòng lập sổ theo từng người. Ngân hàng thương mại cần đối chiếu với hồ sơ lưu trữ để đảm bảo chi trả đúng người, đúng chế độ.
2. Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm của dân cư trong khoảng thời gian từ 1983 – 1985: đây là khoảng thời gian diễn ra sự kiện phát hành đồng tiền Ngân hàng mới, thu đổi tiền Ngân hàng cũ theo Quyết định số 01/HĐBT-TĐ ngày 13 – 9 – 1985 của Hội đồng Bộ trưởng ( nay là Chính phủ ), với quy định 10 đồng tiền cũ đổi được 1 đồng tiền mới. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người có tiền gửi tiết kiệm, Quyết định số 01/HĐBT-TĐ đã quy định mọi số tiền gửi tiết kiệm vào Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa theo các thể thức tiết kiệm do Hội đồng Bộ trưởng ban hành mà còn số dư đến ngày thu đổi thì được quy đổi theo tỷ lệ như sau:
– Tiền gửi từ ngày 1 – 3 – 1978 trở về trước được quy đổi theo tỷ lệ 1 đồng cũ bằng 1 đồng mới.
– Tiền gửi từ ngày 2 – 3 – 1978 đến ngày 31 – 5 – 1981 được quy đổi theo tỷ lệ 2 đồng cũ bằng 1 đồng mới.
– Tiền gửi từ ngày 1 – 6 – 1981 đến ngày 31 – 12 – 1984 được quy đổi theo tỷ lệ 6 đồng cũ bằng 1 đồng mới.
– Tiền gửi từ ngày 1 – 1 – 1985 đến ngày 31 – 7 – 1985 được quy đổi theo tỷ lệ 9 đồng cũ bằng 1 đồng mới.
– Tiền gửi từ ngày 1 – 8 – 1985 đến ngày đổi tiền thì theo tỷ lệ 10 đồng cũ bằng 1 đồng mới.
Để triển khai kịp thời chính sách này, Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư số 8/NH-TT ngày 28/10/1985 hướng dẫn việc quy đổi tiền gửi tiết kiệm theo tỷ lệ ưu đãi trong kỳ thu đổi tiền. Thông tư số 8/NH-TT quy định cụ thể cách tính quy đổi theo tỷ lệ ưu đãi phải căn cứ vào số dư ở các thời điểm quy định, số dư ở thời điểm nào thì quy đổi theo tỷ lệ quy định cho thời điểm đó, thời điểm có số dư tăng thì quy đổi số tăng theo tỷ lệ quy định cho thời điểm đó, thời điểm có số dư giảm thì quy đổi số giảm theo tỷ lệ quy định cho thời điểm đó. Cộng số tiền ở các thời điểm có số dư tăng, trừ đi số tiền ở các thời điểm có số dư giảm là số tiền được quy đổi.
Căn cứ chính sách chung và chính sách ưu đãi đối với tiền gửi tiết kiệm trên đây, các ngân hàng thương mại cần tính toán chính xác số dư tiền gửi tiết kiệm mà khách hàng gửi vào Ngân hàng theo tỷ lệ trên đây và số lãi tiền gửi tiết kiệm trong từng thời kỳ theo quy định của Nhà nước khi khách hàng xuất trình các Sổ (Thẻ) tiết kiệm. Nhà nước không có quy định nào khác về việc ngân hàng đảm bảo giá trị tiền gửi của dân bằng thóc hay bằng vàng… đối với các hình thức tiết kiệm trong thời kỳ này.
Về nơi thực hiện chi trả, theo nguyên tắc, Thẻ (Sổ) tiết kiệm phải được thanh toán tại Ngân hàng trước đây mà khách hàng gửi tiền. Tuy nhiên, do sự chuyển đổi từ hệ thống ngân hàng từ một cấp sang hai cấp khi có Pháp lệnh Ngân hàng nên hồ sơ của khách hàng đã được Ngân hàng Nhà nước bàn giao sang các Ngân hàng thương mại Nhà nước (Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam). Do vậy, khách hàng cần liên hệ với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn để có thể nắm biết hiện Ngân hàng thương mại Nhà nước nào nhận bàn giao hồ sơ của mình và được hướng dẫn về thủ tục.
Để tạo thuận lợi cho khách hàng khi thanh toán tiền gửi tiết kiệm và thực hiện đầy đủ chính sách đối với người gửi tiền, Ngân hàng thương mại Nhà nước nơi lưu giữ hồ sơ tiền gửi tiết kiệm cần hướng dẫn, xác định nơi chi trả cụ thể cho khách hàng và có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng được thanh toán đầy đủ, chính xác theo quy định của Nhà nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người gửi tiền.
Khi làm thủ tục thanh toán, khách hàng cần xuất trình đầy đủ các giấy tờ cần thiết như Bản chính Thẻ (Sổ) tiết kiệm và các giấy tờ liên quan (nếu có); Chứng minh thư nhân dân của người nhận tiền kèm theo các giấy tờ xác nhận là người thừa kế hợp pháp theo quy định của pháp luật về số tiền gửi tiết kiệm nêu trên hoặc giấy ủy quyền của người thừa kế hợp pháp số tiền đó. Đối với khách hàng là thân nhân liệt sỹ, để đảm bảo chi trả đúng đối tượng, Ngân hàng cần đề nghị nộp thêm bản sao có công chứng bằng “Tổ quốc ghi công” hoặc các giấy tờ khác có giá trị pháp lý chứng nhận là liệt sỹ.
Tôi rất mong được các bạn cung cấp thêm thông tin – văn bản để hiểu rõ hơn các thông tin như sau:
-Trong phần: “2. Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm của dân cư trong khoảng thời gian từ 1983 – 1985: đây là khoảng thời gian diễn ra sự kiện phát hành đồng tiền Ngân hàng mới, thu đổi tiền Ngân hàng cũ theo Quyết định số 01/HĐBT-TĐ ngày 13 – 9 – 1985 của Hội đồng Bộ trưởng ( nay là Chính phủ ), với quy định 10 đồng tiền cũ đổi được 1 đồng tiền mới. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người có tiền gửi tiết kiệm, Quyết định số 01/HĐBT-TĐ đã quy định mọi số tiền gửi tiết kiệm vào Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa theo các thể thức tiết kiệm do Hội đồng Bộ trưởng ban hành mà còn số dư đến ngày thu đổi thì được quy đổi theo tỷ lệ như sau:
– Tiền gửi từ ngày 1 – 3 – 1978 trở về trước được quy đổi theo tỷ lệ 1 đồng cũ bằng 1 đồng mới….” xin phép cho hỏi rõ hơn là “trở về trước” ở đây cụ thể là đến khoảng thời gian nào: năm 1945 hay năm 1954 hay năm 1960?
– Các khoản tiền cá nhân trong Ngân Hàng NN Việt Nam chưa rút hoặc chưa chi trả trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến năm 1960 sẽ được chi trả theo giá trị quy đổi nào trong thời điểm hiện nay, có được quy đổi giá trị tương đương như giá trị vàng hay giá gạo như ở phần :”1. Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm của bộ đội gửi lại trước khi đi chiến trường: mặc dù các khoản tiết kiệm này đã được chi trả tập trung trong năm 1993, song đến nay, vẫn có một số khách hàng tìm được Sổ (Thẻ) bị thất lạc từ trước và đem đến ngân hàng yêu cầu được chi trả. Về việc này, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn số 528/CV-NH1 ngày 16/12/1992 hướng dẫn tính toán quy đổi…..” ?
– Để tiến hành thực hiện việc chi trả như trên thì tôi phải đến làm việc với cơ quan nào ? và cần những hồ sơ giấy tờ chi tiết cụ thể gì? Rất mong nhận được sự trả lời sớm nhất từ phía các bạn.Xin chân thành cảm ơn.
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật thuế công ty Luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn luật thuế gọi: 1900.0191
Trả lời :
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Cơ sở pháp lý:
– Quyết định 01-HĐBT-TĐ ngày 13 tháng 9 năm 1985 của Hội đồng bộ trưởng về việc phát hành tiền ngân hàng mới, thu đổi tiền ngân hàng cũ;
– Nghị định 312-TTg ngày 20 tháng 8 năm 1959 về thành lập quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa;
– Sắc lệnh số 15/SL ngày 06 tháng 3 năm 1951 thành lập ngân hàng quốc gia Việt Nam;
– Thông tư 8-NH/TT ngày 28 tháng 10 năm 1985 của Ngân hàng nhà nước hướng dẫn việc quy đổi tiền gửi tiết kiệm theo tỷ lệ ưu đãi trong thời kỳ thu đổi tiền 14 tháng 9 năm 1985;
Nội dung tư vấn:
Thắc mắc của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
– Tiền gửi từ ngày 1-3-1978 trở về trước theo Quyết định 01-HĐBT-TĐ ngày 13 tháng 9 năm 1985 là thời điểm nào?
Theo quyết định 01-HĐBT-TĐ ngày 13 tháng 9 năm 1985 thì tiền gửi trước ngày 1-3-1978 trở về trước sẽ được quy đổi theo tỷ lệ một đồng cũ bằng một đồng mới khi mà gửi tiền tiết kiệm vào Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa theo các hình thức do Hội đồng bộ trưởng quy định. Như vậy, từ khóa ở đây là Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa. Quỹ này được thành lập vào ngày 20 tháng 8 năm 1959 theo Nghị định số 312-TTg ngày 20 tháng 8 năm 1959. Điều 3 Nghị định này có quy định:
Điều 3. – Ngân hàng quốc gia Việt nam phụ trách tổ chức các quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa, cần nghiên cứu ban hành kịp thời những thể lệ và biện pháp huy động tiền tiết kiệm thích hợp với sinh hoạt của nhân dân lao động thuận tiện cho việc gửi tiền vào và rút tiền ra của mọi người.
Như vậy, Ngân hàng quốc gia Việt Nam sẽ đảm nhận phụ trách nhận gửi các khoản tiền tiết kiệm. Điều đó có nghĩa trước ngày 1-3-1978 có thể được tính tới năm 1959, tuy nhiên trước đó đã có hình thức gửi tiết kiệm vào ngân hàng quốc gia Việt Nam. Ngân hàng quốc gia Việt Nam thành lập theo sắc lệnh 15/SL ngày 06 tháng 3 năm 1951. Tức là vào khoảng những năm 50 của thế kỷ trước đã diễn ra hoạt động gửi tiết kiệm và được quy đổi theo Quyết định 01-HĐBT-TĐ theo tỷ lệ một đồng cũ bằng một đồng mới.
– Thủ tục nhận chi trả các khoản tiền các nhân là bộ đội chưa rút hoặc chưa chi trả trong khoảng thời gian 1954-1960?
+ Về nguyên tắc là gửi tiền ở đâu thì Ngân hàng ở đó sẽ tiến hành chi trả, tuy nhiên từ khi có cơ chế hai cấp trong hệ thống ngân hàng thì Ngân hàng nhà nước sẽ bàn giao cho các ngân hàng thương mại. Chính vì vậy, để biết rằng ngân hàng nào tiến hành chi trả thì bạn phải đến Ngân hàng nhà nước cấp tỉnh để hỏi hồ sơ của mình đã được chuyển cho ngân hàng nào.
+ Hồ sơ: Bản chính Thẻ (Sổ) tiết kiệm và các giấy tờ liên quan (nếu có); Chứng minh thư nhân dân của người nhận tiền kèm theo các giấy tờ xác nhận là người thừa kế hợp pháp theo quy định của pháp luật về số tiền gửi tiết kiệm nêu trên hoặc giấy ủy quyền của người thừa kế hợp pháp số tiền đó. Đối với người là thân nhân liệt sỹ, để đảm bảo chi trả đúng đối tượng thì phải nộp thêm bản sao có công chứng bằng “Tổ quốc ghi công” hoặc các giấy tờ khác có giá trị pháp lý chứng nhận là liệt sỹ.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự.