Em đang làm việc cho một công ty Ô tô ở TP HCM, vị trí của em là Kỹ Thuật Viên, phụ trách bên lĩnh vực sửa chửa, bảo hành. Hợp đồng lao động của em là loại có thời hạn – 2 năm: từ 04/04/2014 đến 03/04/2016. Trước ngày 31/08/2015. Em đã từng tham dự nhiều khóa học do Công ty tài trợ ở Thái Lan. Khi đi tham dự khóa học, mỗi lần em đều ký cam kết bằng văn bản là sẽ làm việc 2 năm kể từ ngày đầu tiên của khóa đào tạo ( không ghi rõ khóa đào tạo đầu tiên hay sau cùng, và ý kiến của công ty là khóa đào tạo sao cùng ). Vào khoảng thời gian này (31/08/2015), công ty có một khóa học nữa và yêu cầu em tham gia. Nhưng lúc này, em có dự định là sẽ nghỉ trong tương lai, cho nên em không dám tiếp tục đi học vì sợ ràng buộc từ cam kết. Em cũng đã thẳng thắng nêu rõ quan điểm của em với sếp, là em cũng đang có dự định xin nghỉ, em vẫn đồng ý đi học, nhưng em sợ rằng công ty sẽ cho rằng, em học xong, lấy bằng rồi nghỉ. Cho nên, em để công ty tự quyết định: nếu cho em đi thì em đi, nếu thấy lo ngại việc em có thể nghỉ thì em sẽ không đi. Và lúc này, sếp em đã thông báo là em khỏi đi. Và phòng hành chính nhân sự cũng yêu cầu em cho biết là khoảng thời gian nào em sẽ nghỉ để tính toán xem có bồi thường hay không.

Vì vậy, ngày 31/08/2015, em có gửi mail cho trưởng phòng nhân sự với nội dung sau: “Chào chị Hoa, em gửi chị thông tin mà em đã hứa. Em quyết định tháng 11 này em sẽ nghỉ nếu như em không phải đền tiền đi học. Em cảm ơn.”. Em chỉ nhận được phản hồi: “Chị đã nhận email. Cảm ơn em”. Sau đó vài ngày, sếp em – trưởng phòng dịch vụ có nói với em: “Bây giờ công ty không yêu cầu đền tiền, em viết đơn xin nghĩ việc ngay và đưa cho anh.”. Nhưng vì sếp em không đàng hoàng, nói lời không giữ lấy lời ( rất nhiều lần, rất nhiều người biết) và vì cũng là dự định nên em không chắc, và em đã không viết đơn xin nghỉ. Em không tin lời của sếp em, vì khi nói chỉ có em với sếp, không có gì để em làm chứng cứ trước pháp luật ( trong khi đi em ký cam kết bằng văn bản ). Nếu nó là thật thì chắc chắn sẽ có văn bản kèm theo, sếp sẽ đưa cho mình. Từ đó về sau, em cũng không nhận được bất kỳ một email hay một văn bản nào xác minh điều đó. Vì vậy, em hiểu rằng khi em nghỉ em sẽ phải đền tiền đi học tại Thái Lan. Tiền lương em thì ít, chỉ 6 triệu nên em không dám nghỉ và hủy bỏ kế hoạch của mình trước đó và em vẫn làm việc bình thường ở công ty. Rồi gần đây, Công ty tuyển thêm 2 nhân viên mới, và trên phòng nhân sự có gọi em lên và nói là: em đã viết mail nói tháng 11 nghỉ, giờ đến tháng 11 rồi, và công ty cũng đã chuẩn bị nhân sự mới, buộc em phải thôi việc. Em hoàn toàn bất ngờ, đúng là em có viết mail và nói rõ ràng, nhưng điều kiện em đưa ra, công ty không giải đáp tương ứng – để có giá trị pháp luật, nên em đã hủy bỏ kế hoạch của mình và quyết định tiếp tục làm việc ( cũng đã có nói trước đó – khi em vào xin chữ ký để nghỉ phép – chị Hoa hỏi khi nào em nghỉ – em nói là em đã hủy bỏ kế hoạch và không có nghỉ nữa ).

Ngày 18/11/2015, sếp kêu em vào và thông báo: “công ty đã quyết định cho em nghỉ việc vào ngày 19/11/2015”. Trong tờ quyết định có ghi là theo nguyện vọng của người lao động, và kết thúc hợp đồng lao động vào ngày 19/11/2015. Em đã lên làm việc với phòng nhân sự, nhưng họ nó đây là quyết định của công ty và em phải thực hiện theo. Cùng ngày, em đã gửi mail để trình bày sự việc là công ty không có một văn bản hay email nào có giá trị pháp lý tương ứng để thỏa mãn điều kiện mà trong mail em đã đưa ra. Cho nên, em không biết là mình phải nghỉ việc vào tháng 11 này. Vì vậy, Công ty chấm dứt hợp đồng với em “theo nguyện vọng của người lao động” là không đúng. Mặt khác, thông báo kết thúc hợp đồng lao động với em chỉ trong 1 ngày là sai với quy định của pháp luật. Em yêu cầu từ phía công ty phải có hướng giải quyết phù hợp với sự việc của em. Và em sẽ tiếp tục vào công ty làm việc chứ không nghỉ vào ngày 19/11, cho đến khi nào sự việc được giải quyết xong. Và ngày 19/11 em vào công ty làm, phòng nhân sự gọi em lên và nói: em không còn là nhân viên của công ty, em không được phép vào công ty, và sẽ cho bảo vệ chặn không cho em vào nữa, đồng thời sẽ kiểm tra đồ dùng cá nhân của em khi em ra ngoài. Họ còn nó, đó là quyết định của công ty, em không thể không nghe, và nếu em thích thì cứ đi kiện. Luật sư có thể tư vấn cho em:

1.Trong trường hợp này em nên làm gì?.

2. Cách giải thích và giải quyết của Công ty có đúng hay không?

3. Và nếu Công ty không đúng thì khả năng em kiện ra tòa có thắng kiện không?. Chi phí khởi kiện khoảng bao nhiêu?

4. Em có nên nhờ cơ quan nào giúp đỡ không?

Rất mong nhận được sự tư vấn của Luật sư !

Xin chân thành cảm ơn ! chúc Công ty ngày càng phát triển !

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mụctư vấn pháp luật lao độngcủa Công ty luật LVN Group.

Luật sư tư vấn pháp luật lao động gọi:1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật lao động 2012

Pháp lệnh số 10/2009 về án phí, lệ phí tòa án

– Nghị quyết số 01/2012

Nội dung phân tích:

Dựa trên những câu hỏi của bạn, chúng tôi đã sắp xếp để giải quyết từng vấn đề cho hợp logic như sau:

Thứ nhất: Về cách giải thích và giải quyết của công ty

– Căn cứ chấm dứt hợp đồng lao động: Phía công ty chấm dứt hợp đồng lao động với bạn không thuộc các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao đông tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2012 và cũng không nằm trong các trường hợp về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động tại khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động 2012. 

– Thời hạn báo trước: trường hợp của bạn là hợp đồng lao động xác định thời hạn do đó công ty muốn chấm dứt hợp đồng lao động với bạn phải báo trước 30 ngày ( Khoản 2 Điều 38 Bộ luật lao động 2012). 

Do đó trường hợp này công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật ( Điều 41 Bộ luật lao động 2012).

– Giải quyết hậu quả khi chấm dứt hợp đồng lao động: 

+ Công ty phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 42 Bộ luật lao động 2012:

Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

+ Ngoài những nghĩa vụ trên thì công ty phải có những trách nhiệm khác theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 47 Bộ luật lao động:

Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

……..

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

………

Thứ hai: Quyền của bạn khi công ty chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và sự giúp đỡ của cơ quan, tổ chức khác:

– Yêu cầu công ty nhận bạn quay trở lại làm việc nếu bạn muốn tiếp tục làm việc tại công ty theo khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động. Trường hợp bạn không muốn quay trở lại làm việc thì yêu cầu công ty bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 42 và  phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật lao động. 

– Nếu công ty không đồng ý đối với những yêu cầu hợp pháp mà bạn đưa ra thì bạn có quyền yêu cầu hòa giải viên lao động hòa giải tranh chấp giữa bạn và công ty (khoản 1 Điều 200 Bộ luật lao động 2012), nếu hòa giải viên hòa giải không thành thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết (khoản 2 Điều 200 Bộ luật lao động 2012).

Hoặc bạn yêu cầu Tòa án giải quyết mà không cần thông qua thủ tục hòa giải theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động 2012. 

Ngoài ra bạn còn phải chú ý đến thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân (điều 202 Bộ luật lao động 2012) và được công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật lao động: 

Điều 188. Vai trò của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động

1. Công đoàn cơ sở thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động; tham gia, thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động, quy chế dân chủ ở doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; tham gia, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động; đối thoại, hợp tác với người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.

….

Thứ ba: Chi phí khởi kiện 

Án phí bao gồm án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm, Tiền tạm ứng án phí bao gồm tiền tạm ứng án phí sơ thẩm và tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.(Điều 3 Pháp lệnh số 10/2009 về án phí, lệ phí tòa án
    Người nộp đơn yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự phải nộp tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự như sau: 
    –  Mức án phí dân sự sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm đồng thời chung thẩm đối với các vụ án dân sự không có giá ngạch là 50.000 đồng.
    – Mức án phí dân sự sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm đồng thời chung thẩm đối với các vụ án dân sự có giá ngạch được quy định như sau:
    + Giá trị tài sản có tranh chấp và mức án phí :  
 Trường hợp vụ án dân sự có giá ngạch nhưng giá trị tài sản có tranh chấp mà Tòa án dự tính từ 4.000.000 đồng trở xuống thì mức án phí dân sự sơ thẩm là 200.000 đồng (điểm a mục 2 Phần I Danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Pháp lệnh). Trường hợp này thì tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm là 100.000 đồng.
tương tự: 
    + Từ trên 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; án phí: 5% của giá trị tài sản có tranh chấp;  
    + Từ trên 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng; án phí: 5.000.000 đồng + 4% của phần giá trị có tranh chấp vượt quá 100.000.000 đồng ;  
    + Từ trên 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng; án phí: 9.000.000 đồng + 3% của phần giá trị có tranh chấp vượt quá 200.000.000 đồng ;
    + Từ trên 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; án phí: 18.000.000 đồng + 2% của phần giá trị có tranh chấp vượt quá 500.000.000 đồng ;  
    + Từ trên 1.000.000.000 đồng; án phí: 28.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị có tranh chấp vượt quá 1.000.000.000 đồng
Mức án phí dân sự phúc thẩm đối với tất cả các vụ án dân sự là 50.000 đồng. Người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong các vụ án dân sự không có giá ngạch hoặc có giá ngạch từ 1.000.000 đồng trở xuống phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm là 50.000 đồng

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật lao động bảo hiểm qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!         

Trân trọng./.

Bộ phận Luật sư Tư vấn pháp luật dân sự.