Công ty TNHH tuyên bố phá sản thì trách nhiệm của các thành viên thế nào ?

Thưa Luật sư, Công ty trách nhiệm hữa hạn XYZ có vốn điều lệ là 15 tỷ do 3 thành viên góp vốn. Anh A 5 tỷ, anh B 7 tỷ và chị C 3 tỷ. Năm 2015, công ty tuyên bố phá sản, số nợ lên đến 20 tỷ đồng. Vậy theo số vốn điều lệ của công ty đăng là 15 tỷ thì công ty phải dùng toàn bộ 15 tỷ này để trả nợ. Còn 5 tỷ còn lại các thành viên có chịu trách nhiệm trả không ? Vì sao ? Cảm ơn Luật sư !!!

-Biện Mỹ Chi

Trả lời:

Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp, trong đó:

a) Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50;

b) Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 48 của Luật này;

c) Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các Điều 52, 53 và 54 của Luật này.

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

3. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được quyền phát hành cổ phần.

Như vậy, đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên thì sau khi chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp thì các thành viên không có nghĩa vụ phải thanh toán khoản nợ còn lại.

 

Nhờ tư vấn luật doanh nghiệp: Vay vốn đầu tư khi công ty bên bờ vực phá sản ?

Thưa Luật sư của LVN Group, Tôi đang là một cổ đông sáng lập 1 công ty cổ phần. Nay công ty đang bên bờ vực phá sản nhưng CTHĐQT vẫn quyết vay vốn đầu tư tiếp. Nếu sau này công ti có phá sản thì tôi có phải chịu gì trước pháp luật và chịu gì trước khoản vay đó không. Mong vp tư vấn giúp tôi. Mong sớm phản hồi ạ. Xin chân thành cảm ơn!

-Miên Ngô Trọng

Trả lời:

Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Công ty cổ phần

1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;

c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này.

2. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

3. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại để huy động vốn.

Như vậy, căn cứ theo quy định của pháp luật thì trong trường hợp công ty phá sản, bạn và các cổ đông khác chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, có nghĩa là bạn cũng có trách nhiệm thanh toán khoản vay trên bởi khoản vay đó cũng được coi là khoản nợ chung của công ti.

 

Tư vấn thủ tục và quy trình phá doanh nghiệp theo luật định  ?

Ông B mở công ty TNHH MTV “X” làm về may mặc xuất khẩu trụ sở Bình Dương. Tháng 10 năm 2011 do khó khăn về nguyên vật liệu đầu vào cty “X” của ông B tiến hành góp vốn sản xuất với doanh nghiệp tư nhân “Y” trụ sở tại Tiền Giang để sản xuất sợi và 1 số sản phẩm phụ trợ may mặc, dự kiến DN mới thành lập có trụ sở tại KCN Sóng thần tỉnh bình dương, xin hỏi:

1. Việc góp vốn kinh doanh trên có phù hợp quy định pháp luật không ? vì sao ?

2. Nếu việc góp vốn trên là hợp pháp thì DN mới thuộc loại hình nào theo quy định của luật doanh nghiệp ? Lý do lựa chọn loại hình DN đó?

3. Giả sử đến đầu 2015 do chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế khiến DN ( là sự hợp tác của ông B và DNTN “Y”) bị các chủ nợ nộp đơn yêu cầu TAND tuyên bố DN phá sản . Xác định thẩm quyền của tòa án sẽ giải quyết đơn yêu cầu kể trên ?

-Hương Lan

Trả lời:

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì chủ doanh nghiệp tư nhân và chủ công ty TNHH 1 thành viên hoàn toàn có thể góp vốn cùng nhau mở 1 doanh nghiệp mới. Khoản 4 điều 183 Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ quy định: Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. 

Như vậy chủ doanh nghiệp tư nhân Y hoàn toàn có thể cùng góp vốn với chủ công ty X để mở doanh nghiệp tại Bình Dương trừ trường hợp điều lệ của công ty có quy định khác.

Khoản 3 điều 183 Luật Doanh nghiệp 2014 xác định: Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh. Do đó, nếu ông B và chủ doanh nghiệp Y cùng góp vốn mở 1 doanh nghiệp mới thì doanh nghiệp đó có thể được tổ chức dưới dạng công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Trong trường hợp muốn mở doanh nghiệp dưới hình thức công ty cổ phần thì ông B và chủ doanh nghiệp Y phải tìm thêm 1 người góp vốn nữa do pháp luật quy định số cổ đông tối thiểu của công ti cổ phần là 03.

Điều 110. Công ty cổ phần

1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;

c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này.

2. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

3. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại để huy động vốn.

 Khoản 1 Điều 8 Luật Phá sản năm 2014 quy định Tòa án nhân dân (TAND) cấp Tỉnh có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với Doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hợp tác xã tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp sau:

– Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;

– Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;

– Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;

– Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Toà án nhân dân cấp huyện) mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.

Khoản 2 Điều 8 Luật Phá sản năm 2014 quy định TAND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với DN, HTX có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp trên bị các chủ nợ nộp đơn yêu cầu TAND tuyên bố phá sản thì tòa án có thẩm quyền giải quyết sẽ là TAND cấp huyện nơi có trụ sở của doanh nghiệp đó.

Tư vấn về trường hợp cty bị đóng MST và không có khả năng thanh toán nợ ?

Kính gửi! Cty chúng tôi là cty XK, thành lập từ 20-10-2015. Do chúng tôi bị khách hang nhận hang mà ko thanh toán nên chúng tôi rơi vào tình trạng phá sản. Hiên cty chúng tôi đã bị đóng MST vì lý do chậm đăng ký tài khoản mail. Cũng đang nợ 1 doanh nghiệp số tiền 70tr đồng. Thực tế chúng tôi không có khả năng thanh toán nợ và muốn Luật sư tư vấn giúp tôi: – Cá nhân tôi là đại diện pháp luật có bị truy tố không? – Trường hơp Doanh nghiệp kia kiện chúng tôi ra tòa, chúng tôi sẽ bị truy tố không? Xin cảm ơn rất nhiều!

-Anh Vu

Pháp luật Hình sự không quy định truy tố TNHS đối với cá nhân, tổ chức mất khả năng thanh toán dẫn đến phá sản. Chỉ trong trường hợp bạn có hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm hay các hành vi gian dối khác để chiếm đoạt tài sản được quy định trong Bộ luật Hình sự thì mới có thể bị truy tố. Nếu không có các dấu hiệu trên thì trường hợp này của bạn và doanh nghiệp bạn chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ trả nợ vay.

Khoản 1 Điều 4 Luật phá sản 2014:

“Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”.

Trong trường hợp doanh nghiệp trên làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp của bạn thì nếu đủ điều kiện thụ lý, tòa án sẽ tiến hành hòa giải giữa 2 doanh nghiệp trước. Nếu không thể hòa giải, tòa án sẽ mở thủ tục phá sản, trong trường hợp doanh nghiệp của bạn không có phương án phục hồi kinh doanh hợp lí và bắt buộc phải tuyên bố phá sản thì tòa án sẽ ra quyết định tuyên bố phá sản, thanh lí tài sản của doanh nghiệp bạn mà không tiến hành hoạt động ” truy tố”.

Mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp vui lòng gọi: 1900.0191 đội ngũ Luật sư của LVN Group, chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp luôn sẵn sàng tư vấn, giải đáp mọi vướng mắc pháp lý của Bạn.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn luật doanh nghiệp – Công ty luật LVN Group