1. Cơ sở pháp lý quy định về giải ngân vốn
– Thông tư 39/2016/TT-NHNN
– Thông tư 21/2017/TT-NHNN
2. Giải ngân vốn cho vay là gì ?
Xin chào công ty luật LVN Group. Tôi tên là Ngọc Anh, sống tại Thái Nguyên. Tôi đang tìm hiểu về hoạt động ngân hàng để phục vụ cho nhu cầu công việc. Tôi có thắc mắc về hoạt động giải ngân vốn vay của ngân hàng. Câu hỏi cụ thể là: Giải ngân vốn vay là gì?Pháp luật quy định như thế nào về giải ngân vốn vay? Vấn đề này được quy định tại văn bản pháp luật nào?
Rất mong nhận được giải đáp. Xin cảm ơn!
Trả lời:
Phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng được quy định tại Thông tư số 21/2017/TT-NHNN có hiệu lực thi hành ngày 2/4/2018.
Giải ngân được giải thích cụ thể tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này: Giải ngân vốn cho vay là việc tổ chức tín dụng cho vay giao cho khách hàng một khoản tiền thông qua việc sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, bằng tiền mặt để thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng theo mục đích vay vốn ghi trong thỏa thuận cho vay.
3. Phương thức giải ngân vốn vay cho khách hàng của tổ chức tín dụng là gì?
Xin chào công ty luật LVN Group. Tôi tên là Nhã, hiện đang sống tại Tây Ninh. Tôi có thắc mắc về vấn đề giải ngân vốn vay của ngân hàng. Trong đó nội dung tôi đang cần giải đáp đó là phương thức giải ngân vốn vay của tổ chức tín dụng được quy định như thế nào? Vấn đề này được quy định cụ thể tại văn bản nào?
Mong được Luật sư của LVN Group giải đáp. Xin cảm ơn!
Trả lời:
Khách hàng: là bên vay
Tổ chức tín dụng: bên cho vay
Bên thụ hưởng: Là pháp nhân, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có quyền thụ hưởng các khoản thanh toán, chi trả từ khách hàng trong việc mua bán tài sản, hình thành nên tài sản, cung ứng dịch vụ và các quan hệ hợp pháp khác, thuộc nhu cầu vay vốn theo thỏa thuận cho vay được ký kết giữa khách hàng với tổ chức tín dụng cho vay (hiểu đơn giản là bên mà bên vay có nghĩa vụ thanh toán)
Phương thức giải ngân vốn vay cho khách hàng của tổ chức tín dụng được quy định tại Điều 4, điều 5 Thông tư 21/2017/TT-NHNN. Trong đó sẽ có 2 phương thức giải ngân: Một là, sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; Hai là, sử dụng tiền mặt. Cụ thể:
3.1. Phương thức giải ngân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt
Phương thức giải ngân vốn cho vay sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt quy định tại điều 4 như sau:
1. Tổ chức tín dụng cho vay phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật để giải ngân vốn cho vay vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Việc chuyển số tiền giải ngân vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được tổ chức tín dụng cho vay thực hiện ngay trong ngày giải ngân vốn vay theo mục đích ghi trong thỏa thuận cho vay; trường hợp việc giải ngân vốn vay thực hiện sau giờ giao dịch thanh toán trong ngày của tổ chức tín dụng cho vay thì việc chuyển tiền được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo của tổ chức tín dụng đó.
2. Tổ chức tín dụng cho vay phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn cho vay vào tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trong các trường hợp:
a) Khách hàng thanh toán, chi trả cho các mục đích sử dụng vốn vay mà pháp luật quy định phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng;
b) Khách hàng là bên thụ hưởng có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay quyết định cho vay theo quy định của pháp luật;
c) Khách hàng trực tiếp thanh toán, chi trả tiền mua sản phẩm nông nghiệp thuộc lĩnh vực nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản từ cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, hộ kinh doanh và tổ hợp tác có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn để khách hàng thực hiện phương án sản xuất kinh doanh, phù hợp với mục đích vay vốn ghi trong thỏa thuận cho vay.
Theo đó, phương thức giải ngân vốn vay sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt sẽ được thực hiện như sau:
+ Chuyển thẳng số vốn vay vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng theo mục đích ghi trong thỏa thuận cho vay.
+ Chuyển vào tài khoản thanh toán của khách hàng trong 3 trường hợp: Một là, pháp luật quy định việc chi trả đó phải chi trả thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng; Hai là, khách hàng là bên thụ hưởng có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc phương án kinh doanh theo quyết định cho vay); Ba là, khách hàng trực tiếp thanh toán, chi trả tiền mua sản phẩm thuộc lĩnh vực nông, lâm, diêm, nghiệp.
3.2. Phương thức giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt
Phương thức giải ngân này được quy định tại Điều 5 Thông tư 21/2017/TT-NHNN. Cụ thể như sau:
Điều 5. Phương thức giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt
1. Tổ chức tín dụng cho vay được xem xét quyết định giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt trong các trường hợp:
a) Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;
b) Khách hàng là bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay quyết định cho vay theo quy định của pháp luật.
2. Khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng cho vay văn bản cam kết của bên thụ hưởng về việc bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Theo đó, tổ chức tín dụng phải giải ngân vốn vay bằng tiền mặt trong 2 trường hợp: Một là, khách hàng thanh toán cho bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; Hai là, Khách hàng là bên thu hưởng không có tài khoản thanh toán tại tổ chưc cung ứng dịch vụ thanh toán (đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả trước).
Không phải chỉ cần nói với tổ chức tín dụng là không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán mà khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng cho vay văn bản cam kết của bên thụ hưởng về việc không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Điều này nhằm loại trừ trách nhiệm của tổ chức tín dụng cho vay khi có hành vi vi phạm về phương thức giải ngân vốn vay.
4. Trường hợp nào ngân hàng phải giải ngân vốn vay không dùng tiền mặt?
Thưa Luật sư của LVN Group, em là Minh Hiếu sống và làm việc tại Hòa Bình. Em có thắc mắc về hoạt động cho vay của ngân hàng mong được Luật sư của LVN Group giải đáp. Luật sư cho hỏi trường hợp nào ngân hàng giải ngân vốn vay mà không được dùng tiền mặt ạ? Văn bản nào quy định điều này? Xin cảm ơn!
Trả lời:
Thông tư 21/2017/TT-NHNN quy định về phương thức giải ngân vốn vay cho khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, có 2 phương thức giải ngân vốn vay đó là thông qua dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và bằng tiền mặt.
Căn cứ quy định tại Điều 5 Thông tư này thì 04 trường hợp tổ chức tín dụng phải giải ngân vốn vay không dùng tiền mặt đó là:
+ Một là chuyển khoản thẳng vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo đúng mục đích vay theo quyết định cho vay
+ Hai là, chuyển khoản vào tài khoản thanh toán của khách hàng để khách hàng thực hiện việc chi trả theo quy định pháp luật phải chi trả qua tài khoản thanh toán của khách hàng
+ Ba là, khách hàng là bên thụ hưởng có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã ứng trước vốn tự có để chi trả cho các khoản theo mục địch vay.
+ Bốn là, chuyển vào tài khoản thanh toán của khách hàng để khách hàng trực tiếp chi trả cho việc mua sản phẩm thuộc lĩnh vực nông, lâm, diêm nghiệp từ cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, hộ kinh doanh và tổ hợp tác có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn.
5. Phương thức giải ngân vốn vay cho khách hàng sử dụng số tiền vay bằng đồng Việt Nam để mua ngoại tệ nhiều lần
Chào công ty luật LVN Group, tôi tên là Gia Khánh, hiện sống tại Phú Thọ. Tôi đang tìm hiểu về hoạt động giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng để phục vụ cho công việc. Luật sư giải đáp giúp tôi thắc mắc như sau: Đối với trường hợp khách hàng dùng vốn vay bằng đồng Việt Nam để mua ngoại tệ nhiều lần để thanh toán thì khi giải ngân ngân hàng phải sử dụng phương thức giải ngân nào theo quy định pháp luật? Rất mong được Luật sư của LVN Group giải đáp. Xin cảm ơn!
Trả lời:
Việc áp dụng phương thức giải ngân vốn cho vay đối với trường hợp khách hàng phải sử dụng số tiền vay bằng Đồng Việt Nam mua ngoại tệ nhiều lần để thanh toán được quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư 21/2017/TT-NHNN cụ thể như sau:
3. Trường hợp khách hàng phải sử dụng số tiền vay bằng Đồng Việt Nam mua ngoại tệ nhiều lần để thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng theo mục đích vay vốn ghi trong thỏa thuận cho vay:
a) Khách hàng mua ngoại tệ của chính tổ chức tín dụng cho vay:
(i) Trường hợp khách hàng sử dụng dịch vụ quản lý tài chính tập trung tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác không phải là tổ chức tín dụng cho vay: Khi có ngoại tệ bán cho khách hàng, tổ chức tín dụng cho vay thực hiện giải ngân vốn cho vay; số ngoại tệ bán từng lần được tổ chức tín dụng cho vay chuyển ngay vào tài khoản tiền gửi vốn chuyên dùng của khách hàng mở tại tổ chức tín dụng quản lý tài chính. Tổ chức tín dụng quản lý tài chính sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để thực hiện việc thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng theo yêu cầu của tổ chức tín dụng cho vay, phù hợp với quy định tại Thông tư này;
(ii) Trường hợp khách hàng không sử dụng dịch vụ quản lý tài chính tập trung hoặc sử dụng dịch vụ quản lý tài chính tập trung tại tổ chức tín dụng cho vay: Khi có ngoại tệ bán cho khách hàng, tổ chức tín dụng cho vay thực hiện giải ngân vốn cho vay; số ngoại tệ bán từng lần được chuyển ngay vào tài khoản tiền gửi vốn chuyên dùng của khách hàng mở tại tổ chức tín dụng cho vay. Tổ chức tín dụng cho vay sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để thực hiện việc thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng phù hợp với quy định tại Thông tư này.
b) Khách hàng mua ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác (bao gồm cả tổ chức tín dụng quản lý tài chính) không phải là tổ chức tín dụng cho vay:
(i) Trường hợp khách hàng sử dụng dịch vụ quản lý tài chính tập trung tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác không phải là tổ chức tín dụng cho vay: Sau khi nhận được số tiền giải ngân từ tổ chức tín dụng cho vay, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán ngoại tệ cho khách hàng và chuyển số ngoại tệ này vào tài khoản tiền gửi vốn chuyên dùng của khách hàng mở tại tổ chức tín dụng quản lý tài chính. Tổ chức tín dụng quản lý tài chính sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để thực hiện việc thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng theo yêu cầu của tổ chức tín dụng cho vay, phù hợp với quy định tại Thông tư này;
(ii) Trường hợp khách hàng không sử dụng dịch vụ quản lý tài chính tập trung hoặc sử dụng dịch vụ quản lý tài chính tập trung tại tổ chức tín dụng cho vay: Sau khi nhận được số tiền giải ngân từ tổ chức tín dụng cho vay, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán ngoại tệ cho khách hàng và chuyển số ngoại tệ này vào tài khoản tiền gửi vốn chuyên dùng của khách hàng mở tại tổ chức tín dụng cho vay. Tổ chức tín dụng cho vay sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để thực hiện việc thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng phù hợp với quy định tại Thông tư này.
Theo đó, pháp luật chia thành 2 trường hợp để áp dụng phương thức giải ngân: Một là khách hàng mua ngoại tệ tại chính tổ chức tín dụng cho vay; Hai là, khách hàng mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác. Và sau khi mua ngoại tệ dù ở tổ chức tín dụng cho vay hay mua của tổ chức tín dụng khác sẽ đều được chuyển vào tài khoản tiền gửi vốn chuyên dùng của khách hàng, và tổ chức tín dụng quản lý tài khoản vốn chuyên dùng của khách hàng sẽ sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung “giải ngân vốn vay là gì? Phương thức giải ngân vốn vay của các tổ chức tín dụng năm 2021”.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác!
Luật LVN Group (Sưu tầm và biên tập)