Những ảnh hưởng của dịch vụ Trò chơi trực tuyến (Game online) hiện được dư luận rất quan tâm. Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) với tư cách là cơ quan quản lý dịch vụ này đã tỏ ra sốt sắng giải quyết những bức xúc mà dư luận nêu, ngày 02/8/2010, Bộ TT&TT ra công văn số 2455/BTTTT-PTTH&TTĐT về tăng cường công tác quản lý đối với dịch vụ trò chơi trực tuyến gửi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Game online, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, UBND các tỉnh, thành phố, và các Sở TT&TT cùng các đơn vị chức năng của Bộ. Nội dung công văn này nêu rõ:

a. Yêu cầu các doanh nghiệp rà soát các hoạt động của mình, bảo đảm thực hiện đúng các điều kiện được quy định tại Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLB-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01/6/2006; đặc biệt chú trọng các quy định về quản lý giờ chơi, người chơi; tiết giảm tối các nội dung có yếu tố đối kháng, các hình ảnh, âm thanh mô tả kèm theo;

b. Tạm dừng thực hiện quảng cáo trò chơi trực tuyến dưới mọi hình thức.

c. Từ ngày 01/9/2010 ngừng cung cấp dịch vụ internet cho các đại lý Internet ngoài thời gian mở, đóng cửa hàng ngày theo quy định của chính quyền địa phương. Sở TT&TT các địa phương tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến, các đại lý internet; xử lý nghiêm các sai phạm.

d. Tạm dừng thẩm định, phê duyệt các nội dung kịch bản trò chơi mới trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét dự thảo quy chế mới.

Ngày 06/8/2010, Bộ TT&TT đã gặp gỡ với gần 40 Doanh nghiệp kinh doanh Game online và các nhà cung cấp đường truyền tại TP Hồ Chí Minh nhằm trao đổi một số giải pháp tình thế cấp bách về việc quản lý Game online. Trong cuộc gặp này, Bộ TT&TT cho rằng, các đại lý Internet (những cơ sở kinh doanh không có đại diện tại cuộc họp) là đối tượng chính gây nên ảnh hưởng xấu từ Game online. Từ quan điểm này, Bộ TT&TT nhấn mạnh giải pháp cắt đường truyền đến các đại lý Internet từ 23 giờ tối đến 06 sáng.

Giải quyết một vấn đề Kinh tế - Xã hội không thể bằng những biện pháp trái pháp luật

Tư vấn luật doanh nghiệp trực tuyến – Ảnh minh họa

Về những động thái trên của Bộ TT&TT, chúng tôi xin bình luận như sau:

1. Trong hệ thống những cơ sở kinh doanh liên quan trực tiếp đến dịch vụ Game online, gồm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Game online và các đại lý Internet, nhóm các đại lý Internet là nhóm yếu thế nhất, thu ít lãi nhất (chủ yếu lấy công làm lãi), vất vả nhất. Phải chăng vì là nhóm yếu thế nhất, nên được Bộ TT&TT “ưu ái” khi truy trách nhiệm về những vấn đề liên quan đến Game online?. Nếu quan chức nào thực sự nghĩ như vậy, theo chúng tôi họ đã thiếu đạo đức công chức khi hành xử đối với những nhóm yếu thế.

2. Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLB-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01/6/2006 thực chất là một văn bản xác định dịch vụ liên quan đến Game online thuộc những ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 1999 (Điều 6, khoản 2,3,4) và Luật Doanh nghiệp 2005 ( Điều 7, khoản 5) quy định “Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh”. Như vậy, thông tư trên đã trái Luật Doanh nghiệp ngay từ khi ban hành. Đáng lẽ, Bộ TT &TT cần hiểu rõ điều đó, nếu cho rằng dịch vụ Game online phải quản lý chặt chẽ, nên đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định quản lý dịch vụ Game online, không nên tự ý yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực hiện một văn bản trái Luật Doanh nghiệp. Theo chúng tôi, những quan chức liên quan của Bộ TT&TT cần tự kiểm điểm về việc không hiểu Luật Doanh nghiệp và từ nay nếu ban hành văn bản nào cũng nên tham khảo các văn bản pháp luật có liên quan, để tránh tiếng Bộ TT&TT là Bộ có luật riêng.

3. Việc Bộ TT&TT yêu cầu tạm dừng quảng cáo Game online là trái Pháp lệnh quảng cáo. Chưa có quy định nào của pháp luật cấm quảng cáo dịch vụ Game online, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này có quyền quảng cáo (hoặc không quảng cáo) những sản phẩm dịch vụ của họ được phép lưu hành, không cơ quan nào được quyền cấm đoán hoặc yêu cầu tạm dừng quảng cáo. Biên pháp này cũng không công bằng đối với những doanh nghiệp có sản phẩm mới được phép lưu hành, so với những doanh nghiệp có những sản phẩm đã chiếm lĩnh thị trường.

4. Việc yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet cắt đường truyền Internet từ 23 giờ đến 6 giờ sáng là trái với Bộ luật dân sự và Luật Thương mại. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet đều cam kết cung cấp dịch vụ 24/24 giờ, nếu những đại lý Internet không vi phạm hợp đồng và không vi phạm pháp luật dẫn đến cơ quan quản lý có thẩm quyền có văn bản yêu cầu cắt cung cấp dịch vụ Internet, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet cắt đường truyền Internet là vi phạm hợp đồng và có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 28/2009/NĐ-CP ngày 20/3/2009 của Chính phủ.

Như vậy, Bộ TT&TT đã yêu cầu doanh nghiệp làm trái luật, gây thiệt hại cho các đại lý Internet. Thực tế, sau giờ đóng cửa và trước giờ mở cửa, đại lý Internet vẫn cần sử dụng Internet cho các công việc chuẩn bị kinh doanh, phục vụ khách hàng và cho nhu cầu của chính gia đình mình (phần lớn chủ đại lý Internet là cá nhân hoặc hộ gia đình). Khi bị cắt Internet, họ vẫn phải đóng đủ tiền như trước. Mặt khác, không có gì đảm bảo việc cắt Internet trong những giờ như trên sẽ làm giảm các tụ điểm truy nhập Internet trong đêm vì những đại lý này có thể lách bằng cách sử dụng một thuê bao Internet khác hoặc phát sinh những điểm truy nhập Internet lậu về đêm không kiểm soát nổi.

5. Việc tạm dừng thẩm định, phê duyệt các nội dung kịch bản trò chơi mới thực chất là một biện pháp hạn chế kinh doanh hoặc cấm kinh doanh có thời hạn, là biện pháp trái Luật Doanh nghiệp như đã phân tích ở trên. Biện pháp này vô hình đã làm lợi cho những doanh nghiệp đang có dịch vụ Game online trên thị trường, đóng cửa thị trường đối với những doanh nghiệp có ý định đầu tư vào ngành nghề này, tạo một môi trường kinh doanh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Đáng tiếc, Bộ TT&TT là cơ quan quản lý về thông tin và truyền thông đã tự mình tuyên truyền cho giới đầu tư kinh doanh trong và ngoài nước rằng: Luật Việt nam có thể suy diễn hoặc thực hiện một cách tùy tiện theo ý chí chủ quan của những quan chức Việt nam. Cơ quan, công chức Việt nam không nhất thiết phải tuân theo Luật được Quốc hội ban hành. Nhóm yếu thế (tức không có quan hệ với giới quan chức quan trọng) sẽ bị thiệt thòi khi các quan chức xử lý những công việc “nhạy cảm”, thường sẽ là nạn nhân “thí tốt” cho các biện pháp, chính sách do các quan chức ban hành.

SOURCE: DIỄN ĐÀN CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM – VIBONLINE.COM.VN

LS. TRẦN VŨ HẢI – CÔNG TY LUẬT HÀ NỘI