1. Giải quyết tranh chấp của WTO
Bản ghi nhớ giải quyết tranh chấp của WTO 1994 cũng áp dụng cả trong lĩnh vực chống phá giá.
Đầu tiên, các thành viên phải tham khảo lẫn nhau, nếu một thành viên cho rằng những lợi ích hợp pháp của họ đã quy định trong Hiệp định bị vô hiệu hoá hay bị giảm đi do hành động của một thành viên khác. Chỉ khi nào những cuộc tham khảo này không giải quyết được vấn đề và sau đó nước nhập khẩu triển khai hành động cuối cùng là áp dụng thuế chống phá giá hoặc là chấp nhận một cam kết giá cả, Hội đồng Giải quyết Tranh chấp của WTO mới tham gia.
2. Ví dụ về giải quyết một số vụ kiện về chống phá giá của WTO
a. Australia kiện Trung Quốc lên WTO về thuế nhập khẩu rượu vang
Ngày 19/6, Australia cho biết sẽ nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về mức thuế chống bán phá giá của Trung Quốc đối với rượu vang nhập khẩu từ Australia.
Trong thông báo, Chính phủ Australia nhấn mạnh quyết định này “nhằm bảo vệ các nhà sản xuất rượu của Australia” và phù hợp với “sự ủng hộ của chính phủ đối với hệ thống thương mại dựa trên quy tắc.” Tuy nhiên, thông báo lưu ý thêm rằng “Australia vẫn để ngỏ việc thảo luận trực tiếp với Trung Quốc để giải quyết vấn đề này.”
Mối quan hệ thương mại giữa Australia và Trung Quốc ngày càng xấu đi khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới liên tục đưa ra các quyết định áp thuế cao đối với hàng hóa Australia.
Rất nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Australia bị áp thuế quá cao hoặc bị đình chỉ nhập khẩu vào Trung Quốc, như lúa mạch, sợi bông, thịt bò, tôm hùm, rượu vang, gỗ và than đá.
Mới đây nhất, ngày 26/3, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo áp đặt các mức thuế chống bán phá giá dao động từ 116,2% đến 218,4% đối với rượu vang Australia nhập khẩu, có hiệu lực trong 5 năm tới. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rượu vang lớn của Australia.
Tuy nhiên, khối lượng rượu vang xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc đã giảm 29% xuống còn 96 triệu lít trong năm ngoái.
Trước đó, tháng 12/2020, Australia đã chính thức khởi kiện Trung Quốc lên WTO về việc áp đặt mức thuế cao hơn 80% đối với mặt hàng lúa mạch xuất khẩu của Australia.
Các quan chức Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cho biết giá trị thương mại của Australia với Trung Quốc tại hầu hết các ngành đã giảm mạnh 40% kể từ khi căng thẳng thương mại gia tăng.
b. Vụ kiện DS404 – vụ tranh chấp về chống bán phá giá
DS404 là vụ tranh chấp đầu tiên về chống bán phá giá mà Việt Nam khởi kiện ra WTO.
Ngày 01/02/2010, Chính phủ Việt Nam đã gửi yêu cầu tham vấn đến Chính phủ Hoa Kỳ liên quan đế các biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.
Các bên tham gia bao gồm: Việt Nam (nguyên đơn); Hoa Kỳ (bị đơn); Các bên thứ ba: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ.
Cụ thể, Việt Nam khiếu nại các biện pháp sau đây của USDOC là vi phạm quy định của WTO:
Sử dụng phương pháp Zeroing trong tính toán biên độ giao động bán phá giá;
Giới hạn số lượng bị đơn được lựa chọn điều tra trong điều tra ban đầu và rà soát hành chính;
Phương thức xác định thuế suất áp dụng đối với các bị đơn tự nguyện không được lựa chọn trong điều tra tại các đợt rà soát hành chính lần thứ 2 và 3;
Phương pháp xác định mức thế suất toàn quốc dựa trên thông tin sẵn có gây ra bất lợi đối với những DN Việt Nam không chứng minh được sự độc lập trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ với Nhà nước.
=> Kết quả: Ngày 11/07/2011 Ban hội thẩm đã ra báo cáo công bố Việt Nam thắng kiện và yêu cầu Mĩ phải điều chỉnh các biện pháp liên quan cho phù hợp theo quy định của WTO.
Theo đó, ta có một số nhận xét về vụ kiện này như sau:
Đối với vấn đề Zeroing: Phương pháp Zeroing là tách riêng từng giao dịch và chỉ lấy những giao dịch có biên độ dương để tính khối lượng bán phá giá. Còn các giao dịch có biên độ phá giá âm thì coi như không bán phá giá và không tính vào khối lượng bán phá giá chung. Cách thức này gọi là “quy về 0” và là chủ đề được tranh cãi gay gắt trong thực tiễn chống BPG quốc tế. Không chỉ có sự thiệt thòi hơn dành cho Doanh nghiệp xuất khẩu, cách thức quy về 0 còn không thuyết phục được về tính công bằng bởi vì sẽ làm sai lạc không chỉ biên độ bán phá giá mà cả kết luận về việc có tồn tại bán phá giá hay không.
Với việc áp dụng cách tính toán không hợp lý thông qua phương pháp Zeroing, DOC đã kết luận Việt Nam bán phá giá vào ngày 01/02/2005 và ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với các DN xuất khẩu tôm Việt Nam: công ty thủy sản Minh Phú (4.21%), công ty cổ phần chế biến thủy sản Minh Hải (4.13%), tổng công ty xuất nhập khẩu và chế biến thủy sản đông lạnh Cà Mau (4.99%) là ba DN bị đơn bắt buộc của Việt Nam trong vụ kiện.
Quyết định của DOC về mức thuế suất cuối cùng áp dụng đợt rà soát hành chính lần 2 là bất công và đã làm Doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam rơi vào tình thế rất khó khăn vì các DN của Việt Nam được DOC lựa chọn điều tra và tính thuế suất riêng (Minh Phú và Camimex) đều có mức thuế suất không đáng kể (làm tròn về 0). Mặc dù đã nộp đơn xin rà soát lại mức thuế suất nhưng các DN là bị đơn tự nguyện của Việt Nam không được DOC xem xét số liệu và hồ sơ để tính thuế riêng và cũng không được hưởng mức thuế suất bằng 0 khi mức thuế tính cho tất cả các bị đơn bắt buộc là 0 hoặc không đáng kể.
Vì thế, cơ quan phúc thẩm kết luận rằng việc tính biên độ bán phá giá theo thương vụ kết hợp với phương pháp quy về 0 vi phạm yêu cầu liên quan đến việc so sánh công bằng tại Điều 2.4 của ADA. Do vậy không cần kết luận thêm về việc phương pháp này vi phạm một quy định nào khác của WTO để giúp cho việc giải quyết tranh chấp hay thực hiện phán quyết. Kết luận này của Ban hội thẩm là phù hợp với kết luận trong nhiều tranh chấp trước đây của WTO về vấn đề tương tự, đảm bảo công bằng trong việc áp dụng pháp luật của WTO và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho Doanh nghiệp.
3. Hệ thống giải quyết tranh chấp – từ GATT đến WTO
Hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, được vận hành từ ngày 01/01/1995 đến nay.
Thực chất, hệ thống này được xây dựng trên cơ sở hệ thống giải quyết tranh chấp của GATT 1947. Trong suốt gần 50 năm trước khi WTO ra đời, hệ thống giải quyết tranh chấp của GATT 1947 được vận hành chỉ dựa trên hai điều khoản ngắn gọn – Điều XXII và Điều XXIII GATT 1947, cùng với một số nguyên tắc cũng như thông lệ được hệ thống hoá trong các quyết định và thoả thuận của các bên kí kết GATT 1947.
Vì vậy, cũng dễ hiểu khi hệ thống giải quyết tranh chấp của GATT đã không thể đưa ra những thủ tục cụ thể để giải quyết các tranh chấp một cách hiệu quả. Hơn thế nữa, hệ thống giải quyết tranh chấp của GATT 1947 còn có nhiều điểm hạn chế đáng kể, dẫn đến việc nảy sinh những vấn đề phức tạp vào những năm 1980.319 Do đó, rất nhiều bên kí kết của GATT 1947, kể cả các DCs và các nước phát triển, đều nhận thấy rằng cần phải thay thế hệ thống giải quyết tranh chấp của GATT 1947, vốn đã lạc hậu, đơn giản, được vận hành dựa trên sức mạnh, và giải quyết các tranh chấp chủ yếu thông qua các cuộc đàm phán mang tính ngoại giao, bằng một hệ thống cụ thể và được vận hành dựa trên các quy tắc để giải quyết các tranh chấp thông qua việc xét xử.
Trên cơ sở đó, sau các cuộc tranh luận kéo dài, một hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, được đàm phán trong khuôn khổ Vòng đàm phán Uruguay, đã được thiết lập. Hệ thống này được hình thành chủ yếu nhằm đưa ra một cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh chóng giữa các thành viên WTO liên quan đến các quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của WTO, cũng như nhằm bảo vệ an ninh và cung cấp khả năng có thể dự đoán của hệ thống thương mại đa phương.320 Hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO được vận hành dựa trên các nguyên tắc cơ bản như nguyên tắc ‘đồng thuận nghịch’, nguyên tắc bí mật trong tố tụng, nguyên tắc bình đẳng trong giải quyết tranh chấp và nguyên tắc dành sự đối xử đặc biệt cho các thành viên DCs.
4. Chống bán phá giá là gì?
Theo Điều VI Hiệp định GATT 1994 quy định về chống bán phá giá như sau: “Các bên kí kết nhận thấy rằng bán phá giá, với việc sản phẩm của một nước này được đưa vào kinh doanh trên thị trường của một nước khác với giá thấp hơn giá trị bình thường của sản phẩm này, phải bị lên án nếu việc đó gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại vật chất đáng kể cho một ngành kinh tế tại lãnh thổ của một bên kí kết hay thực sự làm chậm trễ sự thiết lập một ngành kinh tế trong nước”.
Theo đó, một sản phẩm bị coi là bán phá giá nếu giá xuất khẩu của sản phẩm đó thấp hơn giá có thể so sánh được trong điều kiện thương mại bình thường (giá trị bình thường) của sản phẩm tương tự được tiêu thụ tại thị trường nước xuất khẩu. Hiệp định ADA cho phép chính phủ các nước có biện pháp chống bán phá giá khi ngành sản xuất trong nước thực sự bị thiệt hại vật chất do việc bán phá giá gây ra. Muốn vậy, chính phủ nước có liên quan phải chứng minh được là có hành vi bán phá giá, tính được biên độ phá giá và chứng minh được rằng việc bán phá giá đang gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại vật chất đáng kể.
5. Biện pháp chống bán phá giá
Biện pháp chống bán phá giá thường được quy định là đánh thuế quan bổ sung lên sản phẩm bị coi là bán phá giá nhằm đẩy giá của sản phẩm đó ngang bằng với “giá trị bình thường” hoặc nhằm chấm dứt thiệt hại mà ngành sản xuất của nước nhập khẩu phải chịu.
Một biện pháp chống bán phá giá chỉ được áp dụng nếu việc phá giá gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại vật chất đáng kể cho ngành sản xuất của nước nhập khẩu.
Do đó, trước khi áp dụng biệp pháp chống BPG, nước nhập khẩu phải tiến hành điều tra kĩ càng, phù hợp với những quy trình tố tụng cụ thể.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng!
Luật LVN Group (Sưu tầm và biên tập).