1. Khái niệm về hoạt động ngoại thương
Ngoại thương là những hoạt động buôn bán, trao đổi trên thị trường giữa các quốc gia theo nguyên tắc ngang bằng giá.
Ngoài trao đổi sản phẩm, ngoại thương còn bao gồm việc giao lưu văn hóa giữa các nước với nhau trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm và lưu giữ những nét đẹp của các quốc gia dân tộc đối với bạn bè quốc tế.
Như vậy, ngoại thương chính là hoạt động thương mại, buôn bán hàng hóa, dịch vụ giữa các đất nước với nhau. Khi hoạt động kinh tế vượt ra khỏi phạm vi một đất nước thì được gọi là hoạt động ngoại thương. Ngoại thương có thể bao gồm việc các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng hóa ra bên ngoài hoặc nhập khẩu về cho đất nước.
2. Đặc điểm của hoạt động ngoại thương
Với cách giải thích thuật ngữ “ngoại thương” là gì như trên có lẽ quý vị cũng phần nào nắm được khái quát về hoạt động ngoại thương. Vậy ngoại thương có những đặc điểm gì?
– Trong lĩnh vực ngoại thương quốc tế, những sản phẩm trong đây có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều so với các sản phẩm trong nước
– Tốc độ tăng trưởng của dòng sản phẩm vô hình có sự phát triển nhanh hơn so với những dòng sản phẩm hữu hình.
– Cơ cấu mặt hàng có sự biến đổi rõ rệt
– Phạm vi, phương thức cạnh tranh cũng như công cụ có sự phát triển rất đa dạng không chỉ về bao bì, giá cả, loại hàng, hình thức vận chuyển.
– Các hàng hóa trong lĩnh vực khoa học và công nghệ bán chạy hơn so với các dòng sản phẩm mang tính truyền thống.
3. Nội dung của hoạt động ngoại thương
Hiện nay, Việt Nam đã và đang rất chú trọng đến lĩnh vực ngoại thương và xem nó như một trong những ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, văn hóa, chính trị. Ngoại thương sẽ bao gồm những nội dung chính sau đây:
– Xuất nhập khẩu hàng hóa hữu hình như nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, máy móc, trang thiết bị, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng,…thông qua xuất nhập khẩu trực tiếp hoặc xuất nhập khẩu ủy thác
– Xuất nhập khẩu hàng hóa vô hình như các bí quyết công nghệ, bằng sáng chế, phát minh, phần mềm máy tính, quyền tác giả, độc quyền nhãn hiệu, thương hiệu…) thông qua xuất nhập khẩu trực tiếp hoặc xuất nhập khẩu ủy thác.
– Gia công thuê cho nước ngoài và thuê nước ngoài gia công
– Tái xuất khẩu và chuyển khẩu
– Xuất khẩu tại chỗ
4. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật quản lý ngoại thương 2017
– Về phạm vi điều chỉnh: Luật này quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.
Như vậy, Luật không điều chỉnh, can thiệp vào các hoạt động cụ thể của thương nhân, giữa các thương nhân với nhau mà điều chỉnh các quan hệ giữa nhà nước và thương nhân.
Ngoài ra, Luật chỉ điều chỉnh đối tượng là hàng hóa, không điều chỉnh đối tượng dịch vụ. Trong quá trình xây dựng Luật, có ý kiến đề nghị nên quy định trong Luật một số nguyên tắc quản lý chung cho cả hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, đối với xuất nhập khẩu dịch vụ, hiện nay theo quy định tại Quyết định số 28/2012/QĐ-TTg ngày 17/05/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì 12 nhóm ngành dịch vụ xuất, nhập khẩu đã được quy định cụ thể như du lịch, vận tải, bưu chính và viễn thông, xây dựng, bảo hiểm, tài chính, máy tính và thông tin… Theo đó, các lĩnh vực dịch vụ này được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật chuyên ngành (Luật Viễn thông, Luật Xây dựng, Luật Du lịch, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán…). Ngoài ra, do tính chất đặc thù của dịch vụ, việc xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ được thông qua 2 phương thức.
Một là, cung cấp qua biên giới, trong đó, nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ không gặp nhau; họ vẫn ở 2 nước khác nhau và dịch vụ được cung cấp từ nước này vào nước kia.
Hai là, tiêu dùng ngoài lãnh thổ, trong đó người sử dụng dịch vụ phải đi ra nước ngoài để tiếp cận dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ. Với 2 phương thức đặc thù như vậy, cùng với sự đa dạng của các loại hình dịch vụ, việc đề ra các quy tắc chung và các biện pháp quản lý chung cho xuất nhập khẩu dịch vụ trong một luật là không khả thi. Vì vậy, như tất cả các nước khác, Việt Nam sử dụng các biện pháp sau biên giới để quản lý. Các biện pháp này đều đã được cụ thể hóa trong các luật chuyên ngành. Nếu Luật Quản lý ngoại thương cũng quy định về xuất nhập khẩu dịch vụ, sẽ tạo nên sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật hiện hành. Mặc dù không điều chỉnh hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ nhưng Luật Quản lý ngoại thương đã quy định một số biện pháp mang tính chất hỗ trợ phát triển hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua hỗ trợ phát triển các dịch vụ liên quan trực tiếp đến xuất nhập khẩu hàng hóa.
– Đối tượng áp dụng: cơ quan quản lý nhà nước, thương nhân tham gia hoạt động ngoại thương, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khác có liên quan.
5. Nguyên tắc quản lý nhà nước về ngoại thương
Thực hiện quan điểm chỉ đạo, chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước cũng như bảo đảm thực hiện đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với xu thế hội nhập sâu rộng của nền kinh tế nước ta vào nền kinh tế khu vực và thế giới, Điều 4 của Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định nguyên tắc quản lý nhà nước về ngoại thương như sau:
“1. Nhà nước quản lý ngoại thương theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Bảo đảm minh bạch, công khai, bình đẳng, đơn giản hóa thủ tục hành chính; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu, gắn với quản lý nhập khẩu.
3. Bảo đảm thực hiện đầy đủ các nguyên tắc đối xử tối huệ quốc, đối xử quốc gia trong hoạt động ngoại thương theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
6. Về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý ngoại thương
Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trong quản lý ngoại thương tại Điều 7, cụ thể như sau:
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương, cản trở hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp, xâm phạm quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân quy định tại Điều 5 của Luật này.
– Áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương không đúng thẩm quyền; không đúng trình tự, thủ tục.
– Tiết lộ thông tin bảo mật của thương nhân trái pháp luật.
– Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bị cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, trừ trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 10 và khoản 1 Điều 14 của Luật này; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện mà không có giấy phép, không đáp ứng đủ điều kiện; hàng hóa không đi qua đúng cửa khẩu quy định; hàng hóa không làm thủ tục hải quan hoặc có gian lận về số lượng, khối lượng, chủng loại, xuất xứ hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; hàng hóa theo quy định của pháp luật phải có tem nhưng không dán tem.
– Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa mà vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 5 của Luật này.
– Gian lận, làm giả giấy tờ liên quan đến hoạt động quản lý ngoại thương.
7. Giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương
Luật quản lý ngoại thương 2017 quy định nguyên tắc tham gia giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương của cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước chỉ tham gia giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương liên quan đến quan hệ giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm quyền và lợi ích của Việt Nam được bảo vệ kịp thời, hợp lý giữa các bên tham gia tranh chấp. Các tranh chấp về ngoại thương giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài do các thương nhân giải quyết theo thỏa thuận, theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Điều 108).
Cụ thể, cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO và trong các Điều ước quốc tế về thương mại song phương, đa phương khác là bắt buộc đối với tất cả các quốc gia thành viên, theo đó mỗi thành viên có khiếu nại, tranh chấp với thành viên khác buộc phải đưa tranh chấp ra giải quyết bằng cơ chế này. Quốc gia thành viên bị khiếu nại không có cơ hội lựa chọn nào khác là chấp nhận tham gia giải quyết tranh chấp theo các thủ tục của cơ chế này.
Việt Nam đã là thành viên của WTO và của nhiều FTA song phương và đa phương nên có thể sử dụng cơ chế này cho các tranh chấp thương mại có thể có với các thành viên khác. Hiện tại, việc xem xét cơ chế giải quyết tranh chấp này cùng với hệ thống án lệ phong phú có ý nghĩa thực tiễn to lớn không chỉ trong việc hiểu chính xác các quy định của hiệp định thương mại mà còn góp phần bảo vệ các lợi ích chính đáng của Việt Nam trong quá trình thực thi hiệp định thương mại.
Do vậy, Luật đã có những quy định nêu rõ trình tự, thủ tục cũng như trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc giải quyết tranh chấp trong trường hợp do Chính phủ nước ngoài khởi kiện và cả trường hợp do Chính phủ Việt Nam khởi kiện.
8. Các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương
Luật quản lý ngoại thương 2017 quy định về chính sách phát triển hoạt động ngoại thương như là một trong những công cụ quản lý nhà nước quan trọng nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động ngoại thương theo cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Theo đó, chính sách phát triển hoạt động ngoại thương bao gồm một số nội dung như:
– Chính sách chung về phát triển hoạt động ngoại thương của nhà nước ta hiện nay như sau (Điều 103):
+ Nhà nước có chính sách phát triển hoạt động ngoại thương thông qua các biện pháp như hoạt động tín dụng, xúc tiến thương mại và các hoạt động hỗ trợ phát triển khác nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, nhập khẩu;
+ Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước và nước ngoài được tham gia phát triển hoạt động ngoại thương phù hợp với quy định của pháp luật;
+ Các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương phải phù hợp với định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, chiến lược ngoại thương trong từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ ban hành;
+ Các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương được thực hiện hiệu quả, có sự phối hợp với các biện pháp thúc đẩy đầu tư, du lịch.
– Luật cũng quy định một số chính sách đặc thù trong phát triển ngoại thương (Điều 104) bao gồm:
+ Chính sách phát triển hoạt động ngoại thương đối với sản phẩm có lợi thế cạnh tranh mà trong nước sản xuất được cũng như các sản phẩm công nghệ và nguyên liệu đầu vào cần thiết phục vụ sản xuất trong nước.
+ Chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tại các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn tham gia hoạt động ngoại thương.
– Luật còn quy định biện pháp phát triển ngoại thương thông qua hoạt động xúc tiến thương mại của các cơ quan, tổ chức (Điều 105) như:
+ Hoạt động của các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại trong nước;
+ Hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài;
+ Hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam;
+ Hoạt động của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, của cơ quan đại diện thương mại.
Hoạt động xúc tiến thương mại là một trong số ít các biện pháp hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp được WTO cho phép nhằm tăng cường thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài. Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu đã được khẳng định với mức tăng hàng năm là 10% tại các văn kiện của Đảng, Quốc hội, Luật đã quy định việc cấp, sử dụng, quản lý kinh phí này được quyết định phù hợp với pháp luật ngân sách nhà nước và chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu do Quốc hội quyết định.