1. Quy định của pháp luật

Một trong những quy định mới của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) là vấn đề thay đổi địa vị tố tụng của các đương sự tại phiên tòa sơ thẩm. Điều 219 quy định:

“1. Trong trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố của mình, thì bị đơn trở thành nguyên đơn và nguyên đơn trở thành bị đơn.

2. Trong trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập trở thành bị đơn”.

1.1. Nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố

Theo Khoản 1 Điều 175 BLTTDS, trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, người được thông báo phải nộp cho tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu có… Cùng với việc đó, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn (Khoản 1 Điều 176). Thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập được thực hiện theo quy định của Bộ luật này về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn.

Như vậy, việc phản tố của bị đơn phải được tiến hành theo các quy định về thủ tục từ trước khi mở phiên tòa. Và Khoản 1, Điều 219 BLTTDS được hiểu đúng là áp dụng cho trường hợp bị đơn đã có yêu cầu phản tố và đã thực hiện xong những quy định về quyền phản tố từ trước khi mở phiên tòa theo quy định của pháp luật. Điều này có nghĩa, Khoản 1 Điều 219 không áp dụng cho trường hợp tại phiên tòa mà có yêu cầu phản tố của bị đơn.

1.2. Nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện, bị đơn rút yêu cầu phản tố, nhưng người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là người có quyền và lợi ích liên quan cần giải quyết trong vụ án. Người này không phải là nguyên đơn vì không phải là người khởi kiện và cũng không được người khác khởi kiện cho mình. Họ cũng không phải là bị đơn vì không bị nguyên đơn hoặc người khác khởi kiện. Tuy nhiên, việc giải quyết quyền và nghĩa vụ giữa nguyên đơn và bị đơn sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của họ nên họ tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi của mình với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại Khoản 4, Điều 56 BLTTDS. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể tham gia về phía nguyên đơn hoặc bị đơn, gọi là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập. Hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng với những yêu cầu chống lại cả nguyên đơn và bị đơn trong vụ án. Với vị trí này, sự tham gia của họ trong tố tụng được xác định là sự tham gia của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Theo Khoản 2 Điều 61 BLTTDS, người có quyền lại, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có các quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn. Thủ tục thực hiện yêu cầu độc lập được quy định tại Điều 178 về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn.

Để hiểu đúng Khoản 2 Điều 219, cần phải thống nhất rằng, trong trường hợp này, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đã tham gia tố tụng từ trước khi mở phiên tòa, đã làm thủ tục yêu cầu độc lập tương tự như thủ tục khởi kiện của nguyên đơn: có đơn yêu cầu, sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu theo thông báo của tòa án (nếu có), nộp tạm ứng án phí… Đây là những căn cứ pháp lý cho việc nếu tại phiên tòa, nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn.

2. Thực tiễn áp dụng

Những căn cứ pháp lý để có thể thực hiện việc thay đổi địa vị tố tụng tại phiên tòa của các đương sự đã được quy định rõ trong luật. Vấn đề là ở chỗ, Điều 219 BLTTDS không gây tranh cãi về lý luận, nhưng trong thực tế, sẽ áp dụng điều luật này như thế nào đang là một vấn đề lớn được nhiều người quan tâm, nhất là các thẩm phán trực tiếp xử lý vụ việc.

2.1. Như đã phân tích, theo quy định của pháp luật, bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đã thực hiện thủ tục phản tố, thủ tục yêu cầu độc lập. Hồ sơ vụ án cho đến trước khi mở phiên tòa đã xác định ai là nguyên đơn, ai là bị đơn, ai là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Việc xác định này được thể hiện trong rất nhiều văn bản có trong hồ sơ vụ án, như thông báo về việc thụ lý vụ án (Điều 174), đơn yêu cu phản tố của bị đơn, các biên bản lấy lời khai hoặc bản tự khai, biên bản hòa giải theo Điều 186, quyết định đưa vụ án ra xét xử theo Điều 195 của BLTTDS… Ví dụ, trong quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi rõ tên, địa chỉ của nguyên đơn, bị đơn hoặc người khởi kiện khác yêu cầu tòa án giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Không chỉ dừng lại ở các loại giấy tờ có trước khi mở phiên tòa, tại phiên tòa cũng có những tài liệu ghi rõ tư cách của đương sự là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đó là biên bản phiên tòa. Theo diễn biến phiên tòa, tại phần thủ tục bắt đầu, Chủ tọa sẽ kiểm tra tư cách của các đương sự tham gia phiên tòa đúng vị trí tố tụng được xác định theo quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tại thời điểm này, nguyên đơn vẫn đang là nguyên đơn; bị đơn vẫn là bị đơn dù bị đơn có yêu cầu phản tố; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vẫn là người có yêu cầu độc lập. Biên bản phiên tòa ghi nhận và phản ánh đúng tinh thần này.

Nhưng sang phần thủ tục hỏi, diễn biến bắt đầu thay đổi. Trước hết, chủ tọa hỏi nguyên đơn: “Đề nghị nguyên đơn cho biết nguyên đơn có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện hay không?”. Giả sử nguyên đơn trả lời: “… tôi quyết định rút lại toàn bộ yêu cầu khởi kiện của mình”. Để có cơ sở pháp lý đúng để xử lý yêu cầu của nguyên đơn, chủ tọa sẽ phải đặt tiếp câu hỏi với bị đơn, nếu trong vụ án này, bị đơn có yêu cầu phản tố: “… đề nghị bị đơn cho biết có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu phản tố của mình hay không?”. Bị đơn trả lời: “Tôi giữ nguyên toàn bộ yêu cầu phản tố của mình”.

Phiên toà diễn ra theo đúng Khoản 1 Điều 219 BLTTDS. Chủ tọa phiên tòa có thể thay mặt Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bố: “Căn cứ Khoản 1 Điều 219, toà tuyên bố, địa vị tố tụng của đương sự thay đổi như sau: Bắt đầu từ thời điểm này, nguyên đơn trở thành bị đơn, bị đơn trở thành nguyên đơn”. Tuyên bố của chủ tọa được thư ký phiên tòa thể hiện trong biên bản phiên tòa. Tình trạng bất ổn bắt đầu xuất hiện: phần đầu của biên bản ghi A là nguyên đơn, B là bị đơn, nhưng đoạn sau thì ngược lại, A lại trở thành bị đơn, B trở thành nguyên đơn. Tương tự, khi viết bản án, phần đầu án ghi A là nguyên đơn, B là bị đơn, đến phần quyết định lại ghi A là bị đơn, B là nguyên đơn.

Từ thực tế bất ổn này, có ý kiến cho rằng, trong trường hợp này, tòa án nên làm lại hồ sơ vụ án. Theo đó, tất cả các giấy tờ trong hồ sơ đều thể hiện từ đầu rằng A là bị đơn, B là nguyên đơn. Tất nhiên, đây cũng chỉ là một ý kiến xuất phát từ thực tế của việc áp dụng Khoản 1 Điều 219 BLTTDS. Nếu làm như vậy thì không bảo đảm tính khách quan của vụ án và không phản ánh đúng diễn biến của vụ án.

Vấn đề cũng xảy ra tương tự đối với trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình.

2.2. Những bất cập trên cho thấy cần phải phân tích tính pháp lý của Điều 219.

Trước hết, cần phải khẳng định vị trí tố tụng của đương sự được quyết định bởi yêu cầu và lợi ích của họ cần giải quyết trong vụ án. Chính yêu cầu của đương sự đã tạo ra các bên trong tố tụng, gồm bên nguyên và bên bị. Về căn bản, vị trí tố tụng của các bên là không thay đổi. Đối với trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện, yêu cầu giải quyết vụ án không còn sẽ là căn cứ pháp lý để tòa án chấm dứt giải quyết vụ án. Xét dưới góc độ lý luận, hướng giải quyết này phải coi là chủ đạo trong hoạt động giải quyết vụ án, từ đó mới tìm kiếm cách thức giải quyết đối với những vấn đề phát sinh khác.

Trong thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự trước khi có BLTTDS, có tình huống là trong vụ án dân sự, nguyên đơn rút đơn khởi kiện nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố. Và tại thời điểm này, cũng có nhiều quan điểm giải quyết, nhưng một quan điểm thường được các thẩm phán áp dụng là, nếu có việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn, thì tòa án phải đình chỉ vụ án theo Khoản 2 Điều 46 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và hướng dẫn bị đơn khởi kiện thành một vụ án mới. Trong vụ án mới, người là bị đơn trong vụ án trước đương nhiên là nguyên đơn, còn nguyên đơn trong vụ án trước trở thành bị đơn.

Rất tiếc, BLTTDS không đi theo hướng này. Việc quy định về thay đổi địa vị tố tụng của đương sự đã không chỉ là việc trái về lý luận mà còn không thể xử lý được trong thực tế về hồ sơ vụ án. Và rắc rối hơn nữa, hướng dẫn mới nhất của Tòa án nhân dân tối cao về thủ tục giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn sơ thẩm trong Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 không giải quyết được vấn đề quan trọng là hồ sơ vụ án được xử lý thế nào, mà còn làm vấn đề tiếp tục phức tạp hơn: nếu nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố của mình, thì HĐXX ra quyết định đình chỉ xét xử đối với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công bố việc thay đổi địa vị tố tụng của đương sự: bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn.

Nếu nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập thì HĐXX ra quyết định đình chỉ xét xử đối với toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, của bị đơn, công bố công khai tại phiên tòa việc thay đổi địa vị tố tụng tùy theo mối quan hệ giữa các đương sự.

Toàn bộ diễn biến trên được phản ánh trong biên bản phiên tòa và bản án.

Hướng dẫn trong Nghị quyết 02 về vấn đề này dẫn đến kết quả, HĐXX sẽ có một quyết định đình chỉ xét xử yêu cầu của người rút (nguyên đơn, hoặc nguyên đơn và bị đơn phản tố), sau đó ra bản án giải quyết yêu cầu của đương sự giữ nguyên yêu cầu. Trong khi đó, chỉ cần ra bản án trong đó có phần nhận định đối với phần rút đơn, đình chỉ yêu cầu của người rút, thay đổi địa vị tố tụng và các quyết định giải quyết vụ án. Rõ ràng, việc hướng dẫn trong Nghị quyết 02/2006 chưa giải quyết được vấn đề.

3. Kiến nghị

Không chỉ là việc cơ quan có thẩm quyền (Tòa án nhân dân tối cao) cần có hướng dẫn thực hiện Điều 219 BLTTDS, mà chắc chắn đây là vấn đề mà nhà làm luật cần nghiên cứu cẩn thận để có quy định phù hợp khi sửa BLTTDS. Và xét cho cùng, chỉ có thể là những tư duy khác về vấn đề rút đơn khởi kiện được quy định trong BLTTDS sửa đổi, mới có thể giải quyết triệt để vấn đề này.

Và điều cơ bản, cần phải thống nhất quan điểm là trong vụ án, khi nguyên đơn đã rút đơn khởi kiện thì vụ án nhất thiết phải đình chỉ. Đối với bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, do họ đã làm thủ tục phản tố, thủ tục yêu cầu độc lập giống như đối với thủ tục khởi kiện của nguyên đơn, đã nộp tạm ứng án phí, tòa án có quyền tách yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập giải quyết thành vụ án khác theo cơ sở pháp lý được quy định tại Khoản 2, Điều 38 BLTTDS về nhập hoặc tách vụ án: “…Tòa án có thể tách một vụ án có các yêu cầu khác nhau thành hai hoặc nhiều vụ án nếu việc tách và việc giải quyết các vụ án bảo đảm đúng pháp luật…”.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP – TS. LÊ THU HÀ – Học viện Tư pháp

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích nghiên cứu, giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)