1. Khái quát về hình phạt theo quy định của pháp luật

– Cơ sở pháp lý: Điều 30 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Điều 30. Khái niệm hình phạt

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.

Vậy hình phạt là một chế định được pháp luật hình sự quy định và nó mang tính nghiêm khắc nhất đối với người phạm tội. Hình phạt sẽ do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.

Hơn nữa, hình phạt có mục đích rõ ràng, cụ thể, hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Trân trọng!

 

2. Tình huống thực tế về người dưới 18 tuổi phạm tội

Khách hàng: Kính thưa Luật sư LVN Group, khi một người 15 tuổi phạm tội thì người đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự không? Khi đó người 15 tuổi có thể sẽ phải chịu trách nhiệm về những hình phạt nào theo quy định của pháp luật ạ?

Xin cảm ơn!

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng Công ty LVN Group, câu hỏi của bạn, đội ngũ Luật sư LVN Group xin trả lời như sau:

Câu hỏi 1. Một người 15 tuổi phạm tội thì người đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự không? Câu trả lời là có, người này nếu họ có đầy đủ năng lực nhận thứ và năng lực điều khiển hành vi (năng lực trách nhiệm hình sự). Bởi theo quy định tại Điều 90 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định:“Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này.”

Vậy người này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các chương, điều khoản đã được quy định theo Bộ luật hình sự.

Câu hỏi 2. Những hình phạt mà người 15 tuổi có thể phải chịu theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

– Cơ sở pháp lý: Điều 98 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Điều 98. Các hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội phạm:

1. Cảnh cáo;

2. Phạt tiền;

3. Cải tạo không giam giữ;

4. Tù có thời hạn.

– Theo đó, hình phạt cảnh cáo có thể nói là hình phạt nhẹ nhất trong nhóm 4 hình phạt trên.

– HÌnh phạt tiền đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định. Vậy tình huống này, người đang 15 tuổi phạm tội không thể áp dụng hình phạt tiền theo quy định của pháp luật là hình phạt chính.

Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng. Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, thì không khấu trừ thu nhập của người đó.

Với trường hợp người phạm tội đang 15 tuổi, vậy người đó sẽ bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ này đối với tội rất nghiêm trọng. Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định.

– Hình phạt tù có thời hạn quy định như sau:

+ Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;

+ Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

Vậy với trường hợp này, người phạm tội bạn đang thắc mắc sẽ được áp dụng đối với nhóm người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, theo đó nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

Trân trọng!

 

3. Nguyên tắc xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Khách hàng: Thưa Luật sư, khi xử lý hình sự đối với người phạm tội dưới 18 tuổi cần thực hiện tho những nguyên tắc nào và nguyên tắc đó được quy định ở đâu ạ?

Cảm ơn!

Trả lời:

– Cơ sở pháp lý: Điều 91 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Theo đó, các nguyên tắc xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội gồm những nguyên tắc sau:

a. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

b. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:

+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

Theo đó:

  • Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
  • Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù.

+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

Theo đó:

  • Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy him cho xã hội rất ln mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù.

+ Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

c. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

d. Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.

e. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

f. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

g. Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm bởi vì tình tiết tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm là tình tiết tăng nặng đối với người phạm tội.

Trân trọng!

 

4. Giảm mức hình phạt đã tuyên theo quy định pháp luật hình sự

– Cơ sở pháp lý: Điều 63 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Giảm mức hình phạt đã tuyên cho người đã phạm tội nhằm mục đích khuyến khích người bị kết án chấp hành nghiêm hình phạt và tích cực cải tạo bản thân mình.

Theo điều 63 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về trường hợp giảm mức hình phạt đã tuyên cụ thể như sau:

a. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân.

b. Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên.

Điều đó có nghĩa người bị kết án chỉ được giảm thời hạn chấp hành hình phạt (của nhiều lần cộng lại) tối đa bằng 1/2 mức hình phạt đã tuyên. Quy định này là cho người bị kết án cải tạo không giam giữ và phạt tù có thời hạn. Riêng đối với người bị kết án là tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.

c. Trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm.

So với hai trường hợp bình thường được nêu ra ở trên, trường họp này có điều kiện xét giảm lần đầu (đã chấp hành hình phạt được 15 năm tù) tức là cao hơn và thời hạn thực tế phải chấp hành (là 25 năm) cũng cao hom vì là trường hợp nghiêm trọng hơn.

d. Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới ít nghiêm trọng do cố ý, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được một phần hai mức hình phạt chung.

Theo đó, Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm (điểm a khoản 1 điều 9 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017)

e. Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được hai phần ba mức hình phạt chung hoặc trường hợp hình phạt chung là tù chung thân thì việc xét giảm án thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Theo điều 9 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về các trường hợp này như sau:

  • Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
  • Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
  • Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

f. Đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm.

Vậy điều kiện xét giảm lần đầu đòi hỏi người bị kết án phải chấp hành hình phạt tù được 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm. Điều kiện xét giảm lần đầu (phải chấp hành hình phạt tù được 25 năm) và thời hạn thực tế phải chấp hành hình phạt (là 30 năm) cao hơn so với các trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 5 của điều luật đối với người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án tù chung thân và người bị kết án có hình phạt chung là tù chung thân vì đây cũng là trường hợp nghiêm trọng hơn.
Trân trọng!

 

5. Giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như thế nào?

Khách hàng: Kính thưa Luật sư LVN Group, anh chị hãy giúp tôi giải thích về vấn đề giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định ở đâu và nó thể hiện như thế nào?

Cảm ơn!

Trả lời:

– Cơ sở pháp lý: Điều 105 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Điều 105. Giảm mức hình phạt đã tuyên

1. Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu có tiến bộ và đã chấp hành được một phần tư thời hạn, thì được Tòa án xét giảm; riêng đối với hình phạt tù, mỗi lần có thể giảm đến 04 năm nhưng phải bảo đảm đã chấp hành ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên.

2. Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì được xét giảm ngay và có thể được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

3. Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt tiền nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định giảm hoặc miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại.

Theo quy định tại khoản 1 điều luật quy định như sau: “Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu có tiến bộ và đã chấp hành được 1/4 thời hạn, thì được Tòa án xét giảm; riêng đổi với hình phạt tù, mỗi lần có thể giảm đến 04 năm nhưng phải bảo đảm đã chấp hành ít nhất là 2/5 mức hình phạt đã tuyên.”
Theo khoản 2 của điều luật quy định: “Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì được xét giảm ngay và có thể được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.” Vậy trường hợp này, khi người dưới 18 tuổi phạm tội mà trong thời gian chịu trách nhiệm hình sự người đó hoặc đã lập công hoặc bị mắc bệnh hiểm nghèo thì có thể được xté giảm ngay hoặc được miễn luôn hình phạt còn lại.
Đối với khoản 3 của điều luật quy định: “Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt tiền nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định giảm hoặc miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại.” Vậy trường hợp âm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra hoặc lập công lớn của người dưới 18 tuổi phạm tội sẽ tùy vào các cơ quan có thẩm quyền đều tra, xem xét và qyết định.
Trân trọng!