1. Cái gì là giới hạn của giải thích pháp luật?

 Giới hạn của giải thích pháp luật là khoảng mà tất cả các vấn đề thuộc về giải thích pháp luật được phép thực hiện trong đó, không được vượt qua. Đó chính là phạm vi, mức độ mà “quyền tự quyết” của chủ thể giải thích được thể hiện. Tùy từng hệ thống pháp luật, cũng tùy từng quốc gia mà khoảng giới hạn này có quy định cụ thể khác nhau. Tuy nhiên, để mức độ, phạm vi của quyền tự quyết đó là biểu hiện của giới hạn giải thích pháp luật thì phải có sự xuất hiện của hàng loạt các yếu tố, như các nguyên tắc giải thích, chính sách pháp luật, chủ thể giải thích, đối tượng giải thích, thẩm quyền giải thích, phương pháp giải thích, hình thức giải thích, mục đích giải thích… mà hoạt động giải thích pháp luật được diễn ra đúng như thế, không làm khác, không xê dịch.

Theo truyền thống giải thích pháp luật, thì “giải thích pháp luật là hoạt động có lý trí, nó mang đến cho văn bản pháp luật một nghĩa chứa đựng trong ngôn ngữ (cộng đồng hoặc cá nhân) của văn bản đó”1. Khi giải thích, chủ thể giải thích, về nguyên tắc, phải là người có thẩm quyền, họ tiến hành các công đoạn giải thích pháp luật dựa trên ngôn ngữ của văn bản cần giải thích. Giới hạn của giải thích pháp luật nằm tại giới hạn của văn bản pháp luật, và giới hạn của văn bản pháp luật nằm tại ngôn ngữ của văn bản pháp luật đó. Ngôn ngữ văn bản là điểm đầu và cũng là điểm đến của quá trình giải thích. Đành rằng, khi giải thích, người ta có thể mang đến cho văn bản một nghĩa mở rộng hoặc hạn chế hơn nghĩa mà ngôn ngữ văn bản pháp luật có thể chứa đựng. Tuy nhiên, nếu như vậy, thì hoạt động giải thích lại nằm ở một phạm vi khác (sẽ phân tích sau). Aharon Barak đã lập luận: “Mỗi một ngữ nghĩa mà người giải thích đưa ra cho một văn bản pháp luật phải có một vị trí “Asimet” trong ngôn ngữ của văn bản. Nhà giải thích không phải là một nhà ngôn ngữ, nhưng nhà giải thích có thể phải đặt mình vào vị trí của nhà ngôn ngữ khi giải thích pháp luật. Một nhà giải thích không thể đưa ra nghĩa mà một nhà ngôn ngữ cũng không thể đưa ra nó”2. Vì vậy, trước hết, ngôn ngữ chính là giới hạn của giải thích pháp luật.

>> Luật sư tư vấn luật trực tuyến qua điện thoạigọi số:    1900.0191

Theo lý thuyết ngữ nghĩa học thì ngôn ngữ không phải là một công cụ rõ ràng. Learned Hand nói “từ ngữ là thất thường”, A. Holmes cũng nhấn mạnh “Ngôn ngữ không đảm nhiệm một sự đơn lẻ, duy nhất một nghĩa trong trạng thái bình thường của tất cả người nghe… Một từ không là viên pha lê, trong suốt và không thay đổi, nó là làn da của một tư duy sống động và có thể có màu sắc đa dạng, to lớn và nội dung theo hoàn cảnh và thời gian trong cái mà nó sử dụng”3. Ngôn ngữ cũng không hẳn hoàn toàn như nhận xét của A. Holmes, tuy nhiên, ngôn ngữ là cái vô cùng dễ uốn, nó có thể mơ hồ, có nhiều hơn một nghĩa, và có khả năng cần thiết cho các vấn đề có nghĩa khác nhau trong các ngữ cảnh khác nhau. Vậy nên, bản thân ngôn ngữ cũng phải có giới hạn. Giới hạn đó chắc chắn một điều là, ngôn ngữ không thể đảm nhận bất kỳ một nghĩa nào mà một người giải thích mong muốn. Nó “không phải chỉ là các từ ngữ mà có thể tìm kiếm trong một từ điển. Ngôn ngữ của văn bản phải chứa đựng cái mà chúng ta có thể suy ra từ văn bản, cấu trúc của nó, tổ chức và mối liên hệ giữa các sự cung cấp khác nhau của nó”4.  

Ở phạm vi khác, đặt ra khi văn bản pháp luật được giải thích không thể cung cấp một nghĩa mà có thể suy ra từ nghĩa ngôn ngữ của văn bản, hoặc nghĩa đó hoàn toàn “không ổn”, thì sẽ giải quyết như thế nào? Khi đó, giới hạn giải thích pháp luật lại phải được tiếp cận ở mức độ khác. Đó là cách giải thích mà khoa học pháp lý gọi là giải thích pháp luật theo nghĩa rộng5 và nó khác cơ bản đối với cách thức giải thích pháp luật truyền thống thông thường (đã phân tích ở trên). Giải thích pháp luật theo nghĩa rộng có thể đưa ra cho văn bản pháp luật cần giải thích một nghĩa nằm ngoài phạm vi nghĩa ngôn ngữ của nó, một nghĩa có thể được đưa ra từ vùng nghĩa bóng của từ ngữ văn bản pháp luật cần giải thích. Đây cũng chính là khi quyền tự quyết của nhà giải thích pháp luật được thể hiện. Khi sử dụng quyền tự quyết này, nhà giải thích đã dựa trên các nguyên tắc nhất định để có thể lấp đầy các khoảng trống trong văn bản; hoặc giải quyết mâu thuẫn mang tính quy phạm; hoặc sửa chữa lỗi trong văn bản; hoặc thay đổi ngôn ngữ trong văn bản để tránh sự vô lý; hoặc hoàn thành mục đích của văn bản bằng những thay đổi nhất định… Tuy nhiên, giải thích pháp luật theo nghĩa rộng không phải là không có giới hạn, đó là các chủ thể giải thích chỉ được giải thích theo nghĩa rộng khi được ủy quyền, khi được pháp luật cho phép, và chỉ chừng nào mọi biện pháp giải thích thông thường, dựa trên nghĩa ngôn ngữ của văn bản không thể thực hiện được. Việc ủy quyền giải thích theo nghĩa rộng bản thân nó cũng có giới hạn. Giới hạn đó không nằm ngoài các luật lệ về giải thích, các chính sách pháp luật, các nguyên tắc pháp lý của quốc gia, giới hạn đó cũng không thể quá xa lạ với ý thức pháp luật của đại bộ phận dân chúng… Như vậy, giới hạn của giải thích pháp luật theo nghĩa rộng chính là trong phạm vi được ủy quyền.

2. Ý nghĩa việc xác định giới hạn của giải thích pháp luật

Thứ nhất, giới hạn của giải thích thiết lập tính hợp pháp của hoạt động giải thích, tính hợp pháp này thể hiện ở việc các chủ thể được trao quyền giải thích pháp luật phải là các chủ thể đã được pháp luật quy định. Sản phẩm của giải thích pháp luật được thực hiện bởi chủ thể có thẩm quyền là sản phẩm có giá trị pháp lý, bắt buộc thi hành đối với các chủ thể liên quan nhất định. Sản phẩm đó đã được chắt lọc trên cơ sở tham khảo các giải thích pháp luật không chính thức, từ thực tiễn xã hội, từ cả hệ thống văn bản pháp luật, và thường là đã được các thẩm phán của tòa án, trong quá trình xét xử giải thích, phán quyết tại trung tâm của các cuộc tranh luận6. Đồng thời, trong vai trò của người giải thích chủ đạo, dựa trên tính hợp pháp của hoạt động xét xử – cái được tạo thành từ sự ủy quyền và phân chia quyền lực – thẩm phán chính là chủ thể xem xét cuối cùng đối với ý định của tác giả văn bản pháp luật.

Thứ hai, giới hạn của giải thích pháp luật giúp hạn chế lạm quyền.

Giới hạn của giải thích pháp luật chính là việc chỉ ra “quyền tự quyết” của chủ thể giải thích pháp luật xuất hiện khi nào, chủ thể giải thích được thực hiện quyền tự quyết đến đâu, tức là phạm vi, mức độ của quyền tự quyết đó. Quyền tự quyết của chủ thể giải thích pháp luật là khả năng của chủ thể bằng hành vi của mình, tự mình, trên cơ sở các quy định của pháp luật, thực hiện việc ra các phán quyết nhất định dựa vào sự lựa chọn của bản thân họ. Vậy khi nào thì xuất hiện quyền tự quyết? Khi mà ngôn ngữ ở đối tượng giải thích xuất hiện một khoảng mờ – nghĩa bóng. Một quy định pháp luật đưa ra, sẽ tồn tại ba vùng khác biệt, vùng thứ nhất đó là vùng nghĩa đen (được tạo thành hoàn toàn tại từ ngữ của văn bản), vùng thứ hai là vùng hoàn toàn không phải nghĩa đen (được tạo thành hoàn toàn không tại từ ngữ văn bản), và vùng thứ ba, vùng ở giữa vùng nghĩa đen và vùng hoàn toàn không phải nghĩa đen gọi là vùng nghĩa bóng, vùng “có vấn đề”, tức là vùng mà các từ ngữ được cho là vừa nằm ở vùng này (vùng nghĩa đen) và vừa nằm ở vùng kia (vùng hoàn toàn không phải nghĩa đen) của văn bản pháp luật đưa ra. Chỉ trong phạm vi này (vùng nghĩa bóng), nhà giải thích mới có quyền tự quyết để giải thích pháp luật7.

Giới hạn của giải thích pháp luật cũng sẽ chỉ rõ ràng rằng các chủ thể giải thích đến đâu, ở mức độ nào, cách thức ra sao. Tránh việc sử dụng quyền năng giải thích pháp luật của mình để thực hiện các mục đích khác, phục vụ các lợi ích khác. Ví dụ, theo cách giải thích thông thường, thẩm phán có thể không tạo ra một văn bản pháp luật mới, cách thức này đã đáp ứng được mục đích làm sáng tỏ nội dung cần giải thích. Còn nếu các thẩm phán cần phải tìm một nguồn khác trong quá trình giải thích do hệ thống giải thích thông thường không cung cấp cho họ, thì họ sẽ phải hoạt động cả ra ngoài phạm vi mà pháp luật quy định. Trong trường hợp này, việc xác định ranh giới giải thích là điều không thể lảng tránh. Ví dụ, tòa án được ủy quyền giải thích Bộ luật Hình sự, nếu việc giải thích của tòa án vượt ra ngoài phạm vi giải thích thông thường, ví như lấp đầy những chỗ trống trong cách định nghĩa các loại tội phạm mới, thì hoạt động này đã vượt khỏi giới hạn giải thích, vượt khỏi tính hợp pháp mà pháp luật đã trao cho họ. Giới hạn của giải thích sẽ chỉ ra rằng, khi nào thì thẩm phán giải thích Bộ luật Hình sự và khi nào thì họ được phép làm đầy những kẽ hở trong Bộ luật Hình sự. Hạn chế được lạm quyền ở giải thích pháp luật cũng chính là hạn chế việc lạm quyền trong hoạt động xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật.

3. Làm thế nào để giới hạn được giải thích pháp luật?

Thứ nhất là thiết lập luật lệ giải thích pháp luật. Luật lệ về giải thích pháp luật sẽ định hướng, xác định quy tắc hành vi cho các chủ thể giải thích pháp luật trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Luật này hướng dẫn các chủ thể giải thích, tác động trực tiếp đến ý thức pháp luật của họ, giúp họ quyết định được khi nào thì “nghĩ” như các nhà làm luật, khi nào thì không. Luật lệ giải thích sẽ là bức tường ngăn cản sự tự do tùy tiện của các chủ thể giải thích, đồng thời mô tả công khai bức tranh về hoạt động giải thích pháp luật đã và đang diễn ra trong thực tiễn cuộc sống, đó cũng là một hoạt động thể hiện sự hài hòa hóa các lợi ích và bảo vệ nhân quyền.

Pháp luật là tổng hợp các giá trị, trong đó có giá trị xã hội, văn hóa và chính trị. Luật lệ giải thích pháp luật tạo thành một phần của những văn hóa đó. Luật lệ giải thích sẽ cho phép thiết lập các quy trình giải thích, kế hoạch giải thích, giải pháp giải thích… và quan trọng nhất, luật lệ giải thích là cái giúp cho các văn bản pháp luật trong tay các nhà giải thích không trở thành “một cái rìu để tán”8 theo ý của họ. Luật lệ giải thích còn chính là cái ràng buộc đối với cả hệ thống pháp luật, đối với trách nhiệm của các nhà lập pháp.

Đưa ra luật lệ của giải thích chính là việc đưa các quy tắc, phạm vi, mức độ của quyền tự quyết vào khuôn khổ mà pháp luật định ra. “Quyền tự quyết khi giải thích pháp luật hoàn toàn không phải là ý tưởng bất chợt, nhưng để khống chế và sử dụng hợp lý nó bản thân chủ thể có quyền này phải bị đối mặt với mọi vấn đề thuộc quyền tự quyết của mình, điều này chỉ có thể đảm bảo bằng pháp luật. Khi đã có các quy định pháp luật hợp lý, các cán bộ giải thích sẽ phải chọn một trong các giải pháp: mà luật cho phép cán bộ đó quyền thực hiện; dựa trên nền tảng mà luật cho phép; đạt được thông qua những thủ tục mà luật cho phép. Sau khi chỉ ra rằng, người giải thích có quyền tự quyết để giải thích pháp luật, người đó phải đưa ra lý do giải thích pháp luật theo cách này hoặc cách khác. Nếu không có những mâu thuẫn trong nội dung của chính văn bản pháp luật đó thì chỉ có Hiến pháp, đạo luật giải thích và những quy tắc trong xây dựng pháp luật chung giới hạn quyền tự quyết của thẩm phán hoặc cán bộ trong việc giải thích để đưa ra quyết định”9.

Thứ hai là thiết lập cơ chế thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, có kiểm soát đối với luật lệ giải thích pháp luật. Cơ chế này sẽ là môi trường để thẩm định tính hợp pháp, hợp lý và chất lượng của các luật lệ giải thích. Để tạo lập được nó, cần phải có một sự tổng lực từ các thiết chế quan trọng nhất của cả ba nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp.

(1) Aharon Barak, “Porposive Interpretation in Law”, tr 29,  Princeton Uni, 2005.

(2) Aharon Barak, “Porposive Interpretation in Law”, tr 19,  Princeton Uni, 2005.

(3) Towne v. Eisner, 1918.

(4) Aharon Barak, “Porposive Interpretation in Law”, trang 22,  Princeton Uni, 2005.

(5) Xem Phạm Thị Duyên Thảo, Đôi điều về giải thích pháp luật theo nghĩa rộng, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 22, tháng 12/2009.

(6) Hart anh Sachs, supra p.3, note 3 at 1375.

(7) Ann Seidman, Robert B. Seidman Nalin Abeyesekere, Soạn thảo luật pháp vì tiến bộ xã hội dân chủ, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003.

(8) Aharon Barak, “Porposive Interpretation in Law”, trang 37, Princeton Uni, 2005.

(9) Ann Seidman, Robert B. Seidman Nalin Abeyesekere, Soạn thảo luật pháp vì tiến bộ xã hội dân chủ, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003.

Phạm Thị Duyên Thảo – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

http://www.nclp.org.vn/

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

——————————————————-

THAM KHẢO MỘT SỐ DỊCH VỤ TƯ VẤN LUẬT:

1. Tư vấn tách thửa đất đai;

2. Tư vấn pháp luật đất đai;

3. Tư vấn cấp lại sổ đỏ bị mất;

4. Tư vấn mua bán, chuyển nhượng đất đai;

5. Tư vấn đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

6. Tư vấn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do trúng đấu giá;