Nhiều quốc gia khác, nếu không áp dụng nguyên Luật Mẫu, thì cũng ban hành các luật trọng tài với nội dung tương tự hoặc tiến bộ hơn cả Luật Mẫu nhằm cố gắng phát triển hoạt động trọng tài ở quốc gia mình. Dù dưới hình thức nào, luật trọng tài ở các nước cũng đều quy định một số nội dung chính, mang tính thiết yếu để phát triển hoạt động trọng tài. Báo cáo này xin nêu tóm tắt một số nội dung chính trong luật trọng tài của các nước, đặc biệt là Singapore, Anh, Đức, Pháp, Thụy Sĩ là các quốc gia có hoạt động trọng tài phát triển bậc nhất thế giới.

Một đạo luật về trọng tài thường bao gồm các nội dung chính như sau:

1. Các Quy định chung

2. Thỏa thuận trọng tài

3. Thành phần Hội đồng trọng tài

4. Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài

5. Tố tụng trọng tài

6. Phán quyết

7. Hủy phán quyết

8. Thi hành phán quyết

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số quy định chính trong các phần nội dung nêu trên.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  1900.0191

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến – Ảnh minh họa

CHƯƠNG 1

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi áp dụng

Đây là một quy định quan trọng nhằm xác định phạm vi áp dụng và hiệu lực của luật trọng tài. Ở các nước áp dụng hai hệ thống chế định riêng biệt cho trọng tài quốc tế (có yếu tố nước ngoài) và trọng tài nội địa (không có yếu tố nước ngoài), thì việc xác định đạo luật nào áp dụng cho hoạt động trọng tài nào là rất cần thiết, vì mỗi loại chế định trọng tài sẽ có các quy định khác nhau. Đây là luật của các nước áp dụng Luật Mẫu như Singapore, Hong Kong, Úc, v.v. Tại các nước này, luật về trọng tài quốc tế áp dụng đối với các hoạt động trọng tài có yếu tố nước ngoài và luật trọng tài trong nước áp dụng đối với các hoạt động trọng tài còn lại.

Tuy nhiên, kể cả ở các nước chỉ áp dụng một hệ thống chế định cho các hoạt động trọng tài bất kể quốc tế hay nội địa (bất kể có yếu tố nước ngoài hay là không), việc xác định phạm vi điều chỉnh của luật trọng tài cũng rất quan trọng. Cụ thể, luật trọng tài cần xác định rõ hoạt động trọng tài nào thuộc phạm vi điều chỉnh của mình. Luật trọng tài các nước thường xác định việc này dựa trên khái niệm địa điểm trọng tài. Ví dụ, Luật Trọng tài năm 1996 của Anh quy định luật này áp dụng đối với mọi hoạt động trọng tài có địa điểm trọng tài là ở Anh. Địa điểm trọng tài là một khái niệm pháp lý do hai bên thỏa thuận hoặc hội đồng trọng tài xác định, chứ không đơn thuần là nơi tiến hành xét xử. Ví dụ, các bên có thể tiến hành xét xử tại Luân Đôn, nhưng nếu hợp đồng thỏa thuận là địa điểm trọng tài là ở Singapore, thì luật trọng tài của Anh vẫn không áp dụng. Ngược lại, nếu các bên tiến hành xét xử trọng tài ở Singapore, nhưng lại thỏa thuận địa điểm trọng tài là ở Anh, thì các quy định của luật trọng tài của Anh sẽ áp dụng cho tố tụng trọng tài đó. Quy định như vậy mang tính thông lệ được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới như Anh, Đức, Pháp, Singapore, Thụy Sĩ v.v.[1] Quy định như vậy sẽ tạo sự linh động cho các bên và hấp dẫn các bên tiến hành hoạt động trọng tài ở các nước này. Ví dụ, các bên, nếu thấy thuận tiện, hoàn toàn có thể tiến hành phân xử trọng tài tại một khách sạn ở Singapore mà không hề bị khoan ngại về việc bị luật trọng tài Singapore điều chỉnh vì trong hợp đồng các bên có thể đã thỏa thuận địa điểm trọng tài ở một nước khác, hoặc thỏa thuận áp dụng luật của một nước khác cho tố tụng trọng tài của mình.

Điều 2: Mất quyền phản đối

Một quy định chung khác trong phần này là quy định về một bên mất quyền phản đối nếu bên đó phát hiện bên kia hoặc thậm chí hội đồng trọng tài có mắc một sai phạm mà không hề phản đối trong một thời gian hợp lý hoặc trong thời hạn theo luật định. Quy định này tạo sự chắc chắn và công bằng cho các bên trong tố tụng trọng tài. Nếu một bên đã không phản đối trong một thời gian hợp lý hoặc trong thời hạn theo luật định, thì bên đó bị coi như là đã đồng ý hoặc bỏ qua sai phạm đó, để quá trình tố tụng có thể được tiếp diễn mà không bị gián đoạn.[2]

Điều 3: Thông báo

Một quy định khác trong phần này là quy định về cách thức các bên gửi thông báo cho nhau. Đây thường là một quy định khá tiêu chuẩn, quy định về cách thức gửi thông báo sao cho thông báo được coi là đã được gửi. Ví dụ, các bên nếu gửi thư cho nhau, thì chỉ được coi là đã gửi, nếu bên kia thực sự đã nhận được, hoặc nếu bên gửi chứng minh được đã gửi bảo đảm bằng đường bưu điện tới địa chỉ mới nhất của bên kia.[3]

CHƯƠNG 2

THỎA THUẬN TRỌNG TÀI

Điều 1: Định nghĩa thỏa thuận trọng tài

Điều này quy định thế nào là một thỏa thuận trọng tài. Về hình thức, luật trọng tài các nước thường quy định một thỏa thuận trọng tài phải được làm thành văn bản.[4] Văn bản này có thể là một quy định sẵn trong hợp đồng, hoặc một thỏa thuận riêng biệt ngoài hợp đồng chính. Văn bản có thể được thể hiện dưới hình thức tài liệu, telex, thư điện tử v.v. Ngoài ra, một số nước còn có quy định cụ thể hơn về hình thức thỏa thuận trọng tài ký kết với người tiêu dùng. Ví dụ luật của Anh quy định thỏa thuận trọng tài ký kết với người tiêu dùng phải phù hợp với quy định về pháp luật bảo về người tiêu dùng.[5] Luật của Đức quy định thỏa thuận trọng tài với người tiêu dùng phải được làm thành văn bản riêng.[6]

Về nội dung, hầu hết luật các nước đều chỉ đơn thuần quy định điều khoản trọng tài phải thể hiện thỏa thuận đưa tranh chấp ra trọng tài.[7] Thỏa thuận này có thể được lập trước hoặc sau khi tranh chấp phát sinh. Ngoài ra, luật pháp các nước không quy định chi tiết nội dung cụ thể của thỏa thuận trọng tài. Điều đó để các bên tự quyết định, miễn là phải thỏa mãn yêu cầu là một “thỏa thuận” theo luật pháp về hợp đồng của nước có liên quan và phù hợp với yêu cầu của pháp luật nước đó.

Điều 2: Tính độc lập của thỏa thuận trọng tài so với hợp đồng chính

Một nguyên tắc quan trọng của các chế định về trọng tài là hiệu lực của thỏa thuận trọng tài không gắn liền với hiệu lực của hợp đồng chính. Vì thế, nếu một hợp đồng chính bị tuyên vô hiệu, điều đó không có nghĩa là thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng đó cũng bị vô hiệu. Quy định này giúp cho các tranh chấp vẫn được giải quyết bằng con đường trọng tài kể cả khi hợp đồng bị chính hội đồng trọng tài tuyên là vô hiệu, ví dụ do có nội dung vi phạm pháp luật. Thỏa thuận trọng tài trong trường hợp đó sẽ được coi là tách riêng khỏi hợp đồng có nội dung vi phạm pháp luật đó.[8] Nói như vậy không có nghĩa là thỏa thuận trọng tài không bao giờ bị vô hiệu. Ví dụ luật pháp yêu cầu hợp đồng phải được cả hai bên ký kết, nhưng nếu hợp đồng chỉ được một bên ký, thì hợp đồng vô hiệu và bản thân thỏa thuận trọng tài trong đó cũng vô hiệu theo. Nhưng trong trường hợp này, thỏa thuận trọng tài vô hiệu là vì, kể cả khi được tách riêng, thỏa thuận này vẫn vô hiệu, chứ việc thỏa thuận trọng tài vô hiệu ở đây không phải là hậu quả của việc vô hiệu của hợp đồng chính.

Điều 3: Tòa án phải từ chối thụ lý khi có thỏa thuận trọng tài

Một điều quan trọng để các luật trọng tài thực sự có hiệu lực là tòa án phải từ chối thụ lý khi các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Bằng cách này, tòa án buộc các bên phải thực hiện cam kết giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Vì thế, luật trọng tài luôn có một quy định rõ ràng rằng nếu các bên đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên lại khởi kiện tại tòa án thì tòa án phải, nếu bên kia yêu cầu, từ chối thụ lý vụ tranh chấp trừ trường hợp tòa án tuyên rằng thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thể thực hiện được. Điều này được quy định rõ ràng trong Luật Mẫu, luật trọng tài của các nước Anh, Đức, Pháp, v.v.[9]

CHƯƠNG 3

THÀNH PHẦN HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI

Điều 1: Quy định về trọng tài viên

Hội đồng trọng tài bao gồm các trọng tài viên. Vì thế dường như một điều quan trong là trước hết cần phải quy định những ai có thể làm trọng tài viên. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít các nước quy định về tư cách, trình độ, bằng cấp hoặc các tiêu chuẩn khác của trọng tài viên. Luật Mẫu không hề có quy định này. Luật của Anh cũng không có. Luật của Pháp chỉ quy định chung là chỉ những người có đủ quyền công dân mới được làm trọng tài viên.[10] Điều này phản ánh việc luật pháp các nước hoàn toàn để cho các bên đương sự có toàn quyền chọn trọng tài viên các bên thấy thích hợp, bất kể quốc tịch, bằng cấp, trình độ, v.v. Miễn là các bên thấy tin tưởng là người đó có thể làm một trọng tài viên tốt và công minh. Điều này xuất phát từ lịch sử của ngành trọng tài là các bên muốn giải quyết tranh chấp thông qua một bên thứ ba một cách hiệu quả nhất, nhanh chóng nhất. Quốc tịch, trình độ, bằng cấp, chuyên môn của người thứ ba này tùy thuộc vào từng vụ việc và khó có thể quy định cứng nhắc. Vì thế, luật pháp các nước ít quy định về tiêu chuẩn trọng tài viên và việc chọn trọng tài viên là hoàn toàn do các bên quyết định. (Cần phân biệt việc này với việc các trung tâm trọng tài quy định hoặc bản thân các bên đương sự có thể thỏa thuận các tiêu chuẩn riêng cho trọng tài viên của họ để bảo đảm uy tín, chất lượng v.v. Nhưng đó là việc riêng của từng trung tâm và của các bên, không phải là quy định bắt buộc của pháp luật).

Bên cạnh đó, một số nước như Trung Quốc có quy định cụ thể về tiêu chuẩn trọng tài viên, ví dụ phải có bằng luật hoặc đã có kinh nghiệm thâm niên trong các ngành kinh tế, thương mại v.v.[11] Tuy nhiên, ít có nước nào khác quy định cụ thể như vậy.

Điều 2: Số lượng trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài

Một hội đồng trọng tài có thể bao gồm một thành viên, hai thành viên, ba thành viên hoặc nhiều hơn nữa, hoàn toàn do các bên thỏa thuận. Luật Mẫu và luật một số nước như Đức, đưa ra con số mặc định là ba, áp dụng trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.[12] Một số nước như Anh lại quy định con số mặc định là một.[13] Ngoài ra, luật của Anh còn quy định thêm rằng trong trường hợp các bên thỏa thuận là có 2 trọng tài viên, thì trừ khi các bên có thỏa thuận khác, cần phải chỉ định thêm một người làm chủ tịch.

Điều 3: Phương thức chỉ định trọng tài viên

Về vấn đề này luật các nước đều khá thống nhất. Về căn bản, các bên được quyền thỏa thuận phương thức lựa chọn trọng tài viên. Thông thường, với một hội đồng trọng tài gồm 3 thành viên, mỗi bên sẽ chỉ định một trọng tài viên và hai trọng tài viên đó sẽ chỉ định người thứ ba làm chủ tịch hội đồng trọng tài. Trong trường hợp các bên không lựa chọn trọng tài viên hoặc hai trọng tài viên do hai bên lựa chọn không thỏa thuận được chủ tịch hội đồng trọng tài thì quyền chỉ định sẽ thuộc về một bên thứ ba thường do các bên thỏa thuận trước (thường là một trung tâm trọng tài, đặc biệt là khi tiến hành tố tụng trọng tài tại trung tâm đó) hoặc nếu không có thỏa thuận thì việc chỉ định sẽ do tòa án có thẩm quyền của nước sở tại thực hiện.[14]

Ngoài ra, luật của một số nước có thể tạo cơ chế thuận lợi hơn cho một bên khi bên kia không hợp tác trong việc chỉ định trọng tài viên. Theo Luật Trọng tài của Anh, nếu các bên đã thỏa thuận trước là hội đồng trọng tài sẽ bao gồm 3 thành viên và một bên không chịu chỉ định trọng tài viên của mình, bên kia có thể đề nghị chỉ định trọng tài viên của mình là trọng tài viên duy nhất. Phán quyết của trọng tài viên duy nhất này sẽ có hiệu lực như thể các bên đã thỏa thuận hội đồng trọng tài chỉ bao gồm một trọng tài viên duy nhất mà thôi.[15]

Điều 4: Bãi miễn trọng tài viên

Luật trọng tài các nước thường quy định rằng trọng tài viên sau khi được chỉ định thì sẽ phải cung cấp các thông tin về các khả năng khiến cho trọng tài viên có thể không vô tư khách quan trong việc xét xử tranh chấp.[16] Nếu một bên không đồng ý với việc chỉ định một trọng tài viên (thường là do bên kia chỉ định) trên cơ sở trọng tài viên đó không vô tư khách quan hoặc có thể trên cơ sở trọng tài viên đó không thỏa mãn yêu cầu về trình độ, bằng cấp, chuyên môn do các bên đã thỏa thuận, luật trọng tài các nước thường quy định một thủ tục cho bên đó có thể yêu cầu bãi miễn trọng tài viên đó.

Nguyên tắc căn bản vẫn là tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Nếu một bên phản đối việc chỉ định trọng tài viên của bên kia và bên kia đồng ý với việc đó, thì trọng tài viên đó sẽ bị bãi miễn. Ngoài ra, trọng tài viên đó cũng có thể tự nguyện rút lui nếu đồng ý với lý do của bên phản đối. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận và trọng tài viên không đồng ý rút lui, bên phản đối trọng tài viên có thể yêu cầu hội đồng trọng tài hoặc sau đó là tòa án xem xét vấn đề này. Quyết định của tòa án sẽ là chung thẩm.[17]

Điều 5: Trách nhiệm của trọng tài viên

Hội đồng trọng tài có trách nhiệm xét xử công bằng, áp dụng các thủ tục hợp lý sao cho công việc xét xử diễn ra hiệu quả nhất.[18]

Ngoài ra luật trọng tài của một số nước thường miễn trách cho trọng tài viên trong phạm vi các công việc xét xử tranh chấp, để tạo điều kiện cho trọng tài viên xét xử vụ tranh chấp theo đúng suy nghĩ của mình, không phải e ngại lo sẽ bị một bên kiện. Ví dụ, luật trọng tài của Anh quy định trọng tài viên không phải chịu trách nhiệm về bất kỳ việc gì mình làm hoặc không làm trong vai trò là trọng tài viên trừ khi đó là hành động cố tình làm trái.[19] Điều này cũng được quy định trong một số quy tắc tố tụng trọng tài của một số trung tâm trọng tài quốc tế ví dụ Điều 34 của Quy tắc Trọng tài ICC.

CHƯƠNG 4

THẨM QUYỀN CỦA HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI

Điều 1: Quyền của Hội đồng trọng tài tự quyết thẩm quyền của mình

Một nguyên tắc căn bản trong luật trọng tài các nước trên thế giới là hội đồng trọng tài có thể tự quyết định thẩm quyền của mình (competence-competence). Điều này có nghĩa là nếu một bên có khiếu nại về việc vụ tranh chấp hoặc một khía cạnh nào đó trong vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của hội đồng trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu, việc này trước hết sẽ do hội đồng trọng tài quyết định.

Một số nước như Pháp, Thụy Sĩ, Ấn độ quy định rằng quyết định của hội đồng trọng tài trong việc này là chung thẩm và các bên không được quyền kháng cáo lên tòa án.[20] Tuy nhiên luật một số nước khác như Đức, kể cả Luật Mẫu lại quy định các bên được quyền kháng cáo vấn đề này lên tòa án và tòa án mới là cơ quan cuối cùng quyết định thẩm quyền của hội đồng trọng tài.[21]

Điều 2: Quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời

Luật trọng tài của các nước thường cho phép hội đồng trọng tài có quyền, theo yêu cầu của một bên, quyết định việc áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các bên nhằm bảo toàn chứng cứ, tài sản phục vụ việc giải quyết tranh chấp và thi hành phán quyết sau này.

Cụ thể, trong Luật Mẫu, hội đồng trọng tài có thẩm quyền yêu cầu một bên bảo toàn hiện trạng tranh chấp, không tẩu tán tài sản, giữ nguyên chứng cứ v.v. Tuy nhiên, bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng phải chứng minh được với hội đồng trọng tài rằng việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cần thiết và bên yêu cầu này cũng có thể phải đưa ra các bảo đảm ký quỹ để bảo đảm bên bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ không bị thiệt hại.[22]

Song song với việc hội đồng trọng tài có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tòa án có thẩm quyền của nước sở tại cũng có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của một bên.

CHƯƠNG 5

TỐ TỤNG TRỌNG TÀI

Điều 1: Quyền bình đẳng của các bên

Một nguyên tắc căn bản trong xét xử tranh chấp là các bên phải được đối xử công bằng và có cơ hội để trình bày đầy đủ lý lẽ, quan điểm của mình. Do vậy, luật trọng tài của đa số các nước đều quy định rõ vấn đề này. Luật Mẫu quy định cụ thể là các bên phải được đối xử công bằng và từng bên phải có cơ hội trình bày ý kiến của mình.[23] Luật trọng tài của Đức cũng quy định như vậy.[24] Luật của Anh quy định hội đồng trọng tài phải đối xử công bằng với cả hai bên và phải cho từng bên cơ hội để trình bày ý kiến của mình và phúc đáp ý kiến của bên kia.[25]

Điều 2: Các bên được tự do thỏa thuận thủ tục tố tụng

Trên nguyên tắc tôn trọng tự do ý chí của các bên, luật trọng tài của các nước đều quy định các bên được tự do thỏa thuận cách thức tiến hành tố tụng trọng tài, bao gồm cả các vấn đề liên quan đến thời gian, chứng cứ, thủ tục, v.v. Nếu các bên không có thỏa thuận, hội đồng trọng tài sẽ có thẩm quyền quyết định thủ tục tố tụng, phù hợp với quy định của pháp luật trọng tài có liên quan.[26]

Điều 3: Địa điểm trọng tài

Như nói trong Chương 1, địa điểm trọng tài là một khái niệm pháp lý, không nhất thiết gắn với địa điểm giải quyết tranh chấp. Các bên hoàn toàn tự do thỏa thuận địa điểm trọng tài. Nếu các bên không có thỏa thuận, hội đồng trọng tài sẽ xác định địa điểm trọng tài. Trừ khi các bên có thỏa thuận khác, hội đồng trọng tài có thể quyết định tổ chức xét xử ở những địa điểm khác tạo thuận lợi cho hội đồng, các bên v.v.[27]

Điều 4: Ngôn ngữ

Thông thường luật trọng tài của các nước đều cho các bên tự do thỏa thuận ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài, bao gồm cả ngôn ngữ nói trong các phần tranh luận và ngôn ngữ viết sử dụng trong các văn bản, tài liệu. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được, hội đồng trọng tài sẽ quyết định sử dụng một hoặc nhiều ngôn ngữ mà hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất.[28]

Điều 5: Bản đơn kiện chi tiết và bản tự bảo vệ

Luật trọng tài các nước đều quy định một thời hạn mặc định để bên nguyên đơn nộp bản đơn kiện chi tiết, trình bày cụ thể các cơ sở khởi kiện, lý lẽ, chứng cứ của mình và bên bị đơn nộp bản tự bảo vệ trình bày cụ thể các cơ sở khởi kiện, lý lẽ, chứng cứ phản bác của mình. Các bên có thể thỏa thuận hoặc hội đồng trọng tài cũng có thể áp dụng các thời hạn khác với thời hạn mặc định được quy định trong luật.[29]

Điều 6: Tiến hành xét xử có hoặc không có phiên xét xử

Luật trọng tài của các nước đều quy định hội đồng trọng tài có thể mở một phiên xét xử hoặc tiến hành xét xử chỉ trên cơ sở các văn bản tài liệu có sẵn mà không cần phải mở phiên xét xử. Tất nhiên, các bên, nếu muốn đều có thể yêu cầu hội đồng trọng tài mở phiên xét xử để các bên có thể trình bày ý kiến, lập luận của mình.[30]

Điều 7: Xét xử vắng mặt một bên

Trong trường hợp một bên không đến tham dự phiên xét xử, hội đồng trọng tài vẫn có thể tiến hành xét xử trên cơ sở yêu cầu, lý lẽ và lập luận của bên kia.[31]

Điều 8: Hội đồng trọng tài trưng cầu giám định

Ngoài việc quy định các bên được đưa chứng cứ, trưng cầu giám định, luật trọng tài các nước cũng quy định bản thân hội đồng trọng tài cũng có thể trưng cầu giám định hoặc yêu cầu một bên cung cấp các chứng cứ cần thiết.[32] Chi phí trong việc này được tính vào chi phí trọng tài và do hội đồng trọng tài phân bổ cho các bên cho phù hợp.[33]

CHƯƠNG 6

PHÁN QUYẾT

Điều 1: Cơ sở cho phán quyết

Phán quyết của hội đồng trọng tài phải được lập dựa trên một cơ sở nào đó, thông thường là dựa trên một cơ sở pháp lý nào đó. Vì vậy một điều quan trọng các luật trọng tài cần quy định là hội đồng trọng tài sẽ áp dụng luật nào để giải quyết tranh chấp, nhất là bởi vì một tranh chấp trong thương mại quốc tế có thể liên quan đến rất nhiều hệ thống luật pháp. Trên nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, luật trọng tài các nước thường quy định hội đồng trọng tài sẽ áp dụng hệ thống luật pháp các bên đã thỏa thuận lựa chọn để giải quyết tranh chấp.[34] Chỉ khi các bên không có thỏa thuận về lựa chọn luật, hội đồng trọng tài sẽ được quyền áp dụng một hệ thống luật pháp do hội đồng trọng tài quyết định tùy ý hoặc dựa trên một số nguyên tắc xung đột pháp luật.[35] Ngoài ra, luật pháp các nước cũng thường cho phép hội đồng trọng tài quyết định dựa trên tập quán, thông lệ thương mại.

Điều 2: Nguyên tắc phán quyết theo đa số

Luật trọng tài các nước thường quy định phán quyết của trọng tài, cũng như các quyết định khác của hội đồng trọng tài, thường được lập theo nguyên tắc đa số.[36] Trong trường hợp không đạt được đa số, thì ý kiến của chủ tịch trọng tài sẽ là quyết định.[37]

Điều 3: Hình thức và Nội dung Phán quyết

Phán quyết phải được làm bằng văn bản và nêu rõ lập luận, lý do cho kết luận trong phán quyết. Phán quyết phải có chữ ký của chủ tịch hoặc đa số trọng tài viên.[38] Việc một trọng tài viên không ký vào phán quyết sẽ không ảnh hưởng đến hiệu lực của phán quyết, miễn là phán quyết phải nêu rõ lý do tại sao trọng tài viên đó không ký vào phán quyết.

Phán quyết thường được coi là tuyên ở địa điểm trọng tài, kể cả khi trên thực tế phán quyết được tuyên ở một nước khác. Điều này bảo đảm toàn bộ tố tụng trọng tài và phán quyết đều được điều chỉnh theo một khung pháp luật thống nhất.[39]

Điều 4: Sửa chữa lỗi trong phán quyết

Một khi phán quyết đã được tuyên thì hội đồng trọng tài không thể thay đổi quyết định của mình. Tuy nhiên, luật trọng tài cũng thường quy định cho hội đồng trọng tài có thể tự mình, hoặc theo yêu cầu của một bên, sửa chữa các lỗi chính tả, tính toán hoặc các lỗi nhỏ mang tính kỹ thuật tương tự.[40]

Điều 5: Phán quyết ghi nhận việc hòa giải thành

Nếu trong quá trình tố tụng trọng tài, các bên tiến hành hòa giải được tranh chấp thì các bên có thể yêu cầu hội đồng trọng tài ghi nhận kết quả hòa giải thành trong một phán quyết và phán quyết đó sẽ có hiệu lực như một phán quyết trọng tài thông thường.[41] Điều này giúp cho kết quả hòa giải của các bên có hiệu lực ràng buộc theo pháp luật trọng tài.

Điều 6: Chi phí trọng tài

Phán quyết trọng tài thường xử lý vấn đề chi phí. Thường luật trọng tài các nước quy định hội đồng trọng tài có toàn quyền phân bổ chi phí trọng tài theo phương thức hội đồng trọng tài thấy phù hợp.[42]

CHƯƠNG 6

HỦY PHÁN QUYẾT

Điều 1: Cơ sở xin hủy phán quyết

Sau khi phán quyết trọng tài được tuyên ở một quốc gia, một bên có thể xin tòa án có thẩm quyền ở nước đó hủy phán quyết vì một số lý do nhất định. Các lý do này không liên quan đến nội dung phán quyết trọng tài mà liên quan đến thỏa thuận trọng tài và thủ tục tố tụng. Cụ thể, luật trọng tài các nước thường quy định các cơ sở xin hủy phán quyết bao gồm:

(a) Bên tham gia thỏa thuận trọng tài không có năng lực ký kết thỏa thuận hoặc thỏa thuận bị vô hiệu vì các lý do khác;

(b) Một bên không được thông báo đầy đủ về việc chỉ định trọng tài viên/tố tụng trọng tài hoặc không có cơ hội để trình bày ý kiến của mình;

(c) Phán quyết quyết định một vấn đề không thể được giải quyết bằng trọng tài hoặc nằm ngoài thẩm quyền của hội đồng trọng tài;

(d) Thành phần hội đồng trọng tài hoặc tố tụng trọng tài trái với thỏa thuận của các bên hoặc quy định của pháp luật; hoặc

(e) Phán quyết trái với trật tự công của quốc gia đó.[43]

Điều 2: Hậu quả của việc xin hủy phán quyết

Khi xem xét đơn xin hủy phán quyết, tòa án có thể yêu cầu trọng tài tiến hành một số biện pháp để sửa chữa những vấn đề có thể làm hủy phán quyết.[44] Nếu phán quyết bị hủy, luật pháp một số nước cho phép các bên bắt đầu lại quá trình trọng tài từ đầu.[45]

CHƯƠNG 7

THI HÀNH PHÁN QUYẾT

Luật pháp các nước thường quy định một bên có thể yêu cầu tòa án ra lệnh thi hành phán quyết trọng tài.[46]

T/M BAN SOẠN THẢO

LUẬT TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

Trưởng ban

Phạm Quốc Anh

Chú thích:

[1] Điều 1.2 của Luật Mẫu; Điều 2 Luật Trọng tài của Anh; Điều 176 Luật Trọng tài của Thụy Sĩ; Điều 1025 Luật Trọng tài của Đức

[2] Điều 4 của Luật Mẫu; Điều 1027 Luật Trọng tài của Đức.

[3] Điều 3 Luật Mẫu.

[4] Điều 7(2) của Luật Mẫu; Điều 5 Luật Trọng tài của Anh 1996; Điều 1443 Luật Trọng tài của Pháp; Điều 178 Luật Trọng tài của Thụy Sĩ; Điều 1031 Luật Trọng tài của Đức.

[5] Điều 89 Luật Trọng tài của Anh 1996.

[6] Điều 1031(5) Luật Trọng tài của Đức.

[7] Điều 7 của Luật Mẫu; Điều 6 Luật Trọng tài của Anh 1996; Điều 1442 Luật Trọng tài của Pháp; Điều 1029 Luật Trọng tài của Đức.

[8] Điều 7 của Luật Trọng tài của Anh 1996; Điều 178(3) Luật Trọng tài của Thụy Sĩ.

[9] Điều 8 Luật Mẫu; Điều 9 Luật Trọng tài của Anh 1996; Điều 1032 Luật Trọng tài của Đức; Điều 1458 Luật Trọng tài của Pháp.

[10] Điều 1451 Luật Trọng tài Pháp.

[11] Điều 13 Luật Trọng tài Trung Quốc 1994.

[12] Điều 10(2).

[13] Điều 15(3) Luật Trọng tài Anh 1996.

[14] Điều 11 của Luật Mẫu; Điều 15 của Luật Trọng tài Anh 1996; Điều 1035 Luật Trọng tài Đức; Điều 1455-1457 Luật Trọng tài Pháp; Điều 179(3) Luật Trọng tài Thụy Sỹ.

[15] Điều 17.

[16] Điều 12 Luật Mẫu.

[17] Điều 13 của Luật Mẫu; Điều 180 Luật Trọng tài Thụy Sĩ; Điều 23, 24 Luật Trọng tài Anh năm 1996; Điều 1036-1037 Luật Trọng tài Đức.

[18] Điều 33 Luật Trọng tài Anh năm 1996.

[19] Điều 29.

[20] Điều 1466 Luật Trọng tài Pháp; Điều 186(1) Luật trọng tài Thụy Sĩ; Điều 16 Luật Trọng tài Ấn độ 1996.

[21] Điều 1040 Luật Trọng tài Đức; Điều 16 Luật Mẫu.

[22] Chương IVA của Luật Mẫu; Điều 1041 Luật Trọng tài Đức; Điều 183 Luật Trọng tài Thụy Sĩ.

[23] Điều 18.

[24] Điều 1042(1).

[25] Điều 33.1.

[26] Điều 19 Luật Mẫu; Điều 1042 Luật Trọng tài của Đức; Điều 34 Luật Trọng tài của Anh.

[27] Điều 20 Luật Mẫu; Điều 1043 Luật Trọng tài của Đức; Điều 3 Luật Trọng tài của Anh.

[28] Điều 22 Luật Mẫu; Điều 1045 Luật Trọng tài của Đức.

[29] Điều 23 Luật Mẫu; Điều 1046 Luật Trọng tài của Đức.

[30] Điều 24 Luật Mẫu; Điều 1047 Luật Trọng tài của Đức.

[31] Điều 25 Luật Mẫu; Điều 1048 Luật Trọng tài của Đức; Điều 41 Luật Trọng tài Anh 1996.

[32] Điều 26 Luật Mẫu.

[33] Điều 37 Luật Trọng tài Anh năm 1996.

[34] Điều 28 Luật Mẫu; Điều 46 Luật Trọng tài Anh năm 1996; Điều 1050 Luật Trọng tài Đức; Điều 187 Luật Trọng tài Thụy Sĩ.

[35] Điều 28 Luật Mẫu; Điều 46 Luật Trọng tài Anh năm 1996; Điều 1050 Luật Trọng tài Đức; Điều 187 Luật Trọng tài Thụy Sĩ.

[36] Điều 29 Luật Mẫu; Điều 1052 Luật Trọng tài Đức.

[37] Điều 189 Luật Trọng tài Thụy Sĩ.

[38] Điều 31 của Luật Mẫu; Điều 189 Luật Trọng tài Thụy Sĩ; Điều 52 Luật Trọng tài Anh năm 1996.

[39] Điều 31 của Luật Mẫu; Điều 53 Luật Trọng tài Anh năm 1996.

[40] Điều 33 của Luật Mẫu; Điều 57 Luật Trọng tài Anh năm 1996.

[41] Điều 30 của Luật Mẫu; Điều 51 Luật Trọng tài Anh năm 1996.

[42] Điều 61 Luật Trọng tài Anh năm 1996.

[43] Điều 34 Luật Mẫu; Điều 68 Luật Trọng tài Anh 1996; Điều 1059 Luật Trọng tài Đức.

[44] Điều 34(4) Luật Mẫu.

[45] Điều 1059(5) Luật Trọng tài Đức.

[46] Điều 66 Luật Trọng tài Anh 1996