Mỗi sản phẩm muốn sử dụng SID Code được cấp một mã duy nhất. Trước đây SID Code được cấp cho định dạng CD, nhưng hiện nay nó được sử dụng cho cả CD và các các định dạng đĩa quang mật độ cao như SACD và DVD.

Đĩa quang được hiểu là bất kỳ phương tiện hoặc dụng cụ nào, trừ phần sản xuất, mà trên đó dữ liệu dưới dạng số hóa, có thể đọc được bằng một thiết bị quét quang học, sử dụng một nguồn sáng có mật độ năng lượng cao, ví dụ như tia laze, được lưu trữ hoặc có thể được lưu trữ.

SID Code được phát triển bởi các chủ sở hữu quyền và các nhà công nghiệp đĩa quang, trước hết nó là một công cụ chống sao chép bất hợp pháp. Kể từ khi được đưa ra giới thiệu năm 1994, SID Code đã chứng tỏ rằng nó đem lại lợi ích chủ yếu cho các nhà sản xuất đĩa quang, nó được sử dụng như một công cụ vừa để kiểm soát chất lượng, vừa tiếp thị cho sản phẩm. Hiện nay SID Code đã được áp dụng tại hơn 80% các Hãng sản xuất đĩa quang trên thế giới, đại diện cho hơn 90% khả năng sản xuất đĩa quang trên toàn cầu.

>> Luật sư tư vấn Luật sở hữu Trí tuệ qua điện thoại (24/7) gọi số:  1900.0191

Tại sao SID Code trở nên rất phổ biến đối với các hãng sản xuất đĩa quang? Bởi vì, trong khi cạnh tranh ngày càng tăng, lợi nhuận kinh doanh ngày càng giảm thì các hãng sản xuất phải làm mọi cách để nhằm thu hút khách hàng. SID Code chính là giải pháp tốt cho vấn đề này. Thông qua việc đảm bảo rằng chương trình nhận dạng nguồn được thực hiện một cách tỷ mỉ tại hầu hết các hãng sản xuất đĩa trên toàn thế giới, đã cho khách hàng thấy rằng các Hãng tôn trọng và bảo đảm các quyền sở hữu trí tuệ của khách hàng. SID Code là thành phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển của các Hãng sản xuất. Hiện nay, ngày càng có nhiều chủ sở hữu chương trình đưa ra điều kiện rằng các sản phẩm của họ chỉ có thể được sản xuất tại những Hãng áp dụng và thực hiện đầy đủ SID Code.

Hiện nay, các Hãng sản xuất đĩa quang đã sử dụng SID Code như là trung tâm của chiến dịch tiếp cận thị trường và kiểm soát chất lượng. Lãnh đạo của Hiệp hội Ghi Truyền thông Quốc tế (IRMA) yêu cầu sử dụng nhận dạng nguồn theo Chương trình phòng chống vi phạm bản quyền của IRMA. Xu hướng hiện nay ngày càng nhiều nước quy định trong luật pháp của mình bắt buộc sử dụng SID Code.

Việc áp dụng SID Code là kết quả trực tiếp của việc đĩa sao chép bất hợp pháp tăng nhanh. Đây là một vấn đề mang tính quốc tế.  Một tổ chức có cơ sở tại một nước có thể đặt hàng sao chép đĩa bất hợp pháp tại một nước thứ hai và sau đó phân phối tới một số nước khác. Các tổ chức tội phạm quốc tế và thậm chí các nhóm khủng bố cũng được chỉ ra rằng có liên quan tới đĩa quang bất hợp pháp.

Hiện nay đĩa quang được sử dụng bởi các nhà xuất bản, các công ty phần mềm máy tính, các hãng sản xuất phim, công nghiệp ghi âm để phân phối các sản phẩm của họ. Rất nhiều công ty trong số các nhóm nói trên hiện nay yêu cầu sử dụng SID Code trên tất cả các sản phẩm của họ như là một công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống đĩa quang bất hợp pháp.

Hiệp hội truyền thông ghi âm quốc tế (IRMA) đã thiết lập nên Chương trình Chống sao chép bất hợp pháp. Để được coi là phù hợp với chương trình này, các nhà máy, hãng sản xuất phải áp dụng mã SID Code trên tất cả các sản phẩm từ đĩa chủ, đĩa dập và đĩa trắng.

SID Code được Philips Electronics và IFPI quản lý miễn phí vì lợi ích của các nhà sản xuất đĩa quang và các chủ sở hữu quyền. Kể từ khi áp dụng SID Code, tất cả các đĩa được sản xuất từ hãng này đều có mã riêng để nhận ra Hãng. Philips Electronics là nhà cấp phép SID Code, cấp mã LBR và mã khuôn. Các hãng muốn áp dụng SID Code đều có thể đệ đơn tới Philips Electronics.

Hiện nay SID Code được áp dụng tại hầu hết các nước trên thế giới. Nhiều nước đã điều chỉnh việc áp dụng SID Code trong văn bản của Chính phủ quy định về sản xuất đĩa quang, như: Bulgaria, Trung quốc, Hongkong, Macau, Malaysia, Đài Loan và Ukraine .v.v…

Vậy câu hỏi được nêu ra là những ai nên áp dụng SID Code? Câu trả lời là những người liên quan đến việc sản xuất đĩa quang theo đơn đặt hàng và những người liên quan đến sản xuất đĩa chủ.

Việc áp dụng SID Code như thế nào? Việc có được và thực hiện SID Code rất đơn giản và thuận tiện. Các công ty nộp đơn tới Phòng Hồ trợ kinh doanh, sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn của Philips để được cấp mã SID Code riêng cho sản phẩm của mình. Muốn biết chi tiết hơn có thể tìm trong trang Web: www.licensing.philips.com Những người nộp đơn xin cấp SID Code khai chính xác sẽ được Philips sẽ cung cấp ngay lập tức mã SID Code thích hợp mà không phải nộp phí quản lý và các phí khác.

Mã khuôn SID Code

Mỗi mã nhận dạng nguồn (SID Code) được cấp sẽ bao gồm các chữ cái “IFPI” và sau đó là một số mã số gồm bốn hoặc năm ký số. Hai ký số cuối cùng của mã số sẽ do người được cấp giấy phép xác định, nhằm đảm bảo rằng mỗi khuôn dưới sự quản lý của người đó, kể cả những khuôn dự phòng, đều có một mã số SID Code riêng. Hai hoặc ba ký số đầu, tuỳ từng trường hợp cụ thể sẽ được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền và sẽ là độc nhất để xác định danh tính của người được cấp giấy phép sản xuất.

Ví dụ: Cơ quan có thẩm quyền có thể cấp một mã số SID Code là “IFPI A01xx” cho một đơn xin cấp giấy phép sản xuất. Ký số “A01” là duy nhất dành cho người được cấp giấy phép sản xuất. Sau đó, người được cấp giấy phép sản xuất phải dùng hai ký số cuối cùng để xác định một mã số duy nhất cho mỗi khuôn. Mã số cho khuôn thứ nhất có thể là “IFPI A0100”, mã số cho khuôn thứ hai có thể là “A0101, v.v…Với việc sử dụng các ký số gồm các số từ 0 đến 9 và các chữ cái từ A đến Z trong bản chữ cái phương Tây, trừ các chữ “I”, “O”,”S” và “Q”, người được cấp giấy phép sản xuất có thể tạo mã số duy nhất cho 1.024 khuôn khác nhau.

Mã số Khuôn SID Code phải được khắc bằng axít lên khối phản chiếu của mỗi khuôn sao cho Mã số Khuôn SID Code nằm trên mặt truy xuất hay mặt đọc của mỗi đĩa trong quá trình sản xuất. Không được khắc bằng axít Mã số Khuôn SID Code lên bất kỳ phần có thể dễ bị xóa bỏ nào hoặc không được gắn lên mặt kia (mặt mạ từ) của đĩa. Mã số Khuôn SID Code phải được gắn trong khoảng bán kính từ 7,5 đến 22 mm tính từ tâm đĩa. Mã số Khuôn SID Code phải có độ cao ký số trong khoảng 0,5 đến 1,0 mm. Mã số Khuôn SID Code phải được khắc bằng axít sâu từ 10 đến 25 micromét và phải rõ ràng dễ đọc trong suốt thời hạn sử dụng khuôn. Mã số Khuôn SID Code sẽ được đọc từ trái sang phải khi nhìn từ mặt truy xuất hoặc mặt đọc của đĩa . Các ký số “IFPI” phải là chữ in hoa và có thể được thể hiện theo hàng thẳng hoặc hàng tỏa tròn quanh tâm.

Các yêu cầu thêm đối với các định dạng đĩa quang mật độ cao như SACD và DVD: Không được gắn Mã số Khuôn SID Code tại vị trí làm che khuất Mã số Gốc SID Code hoặc bất kỳ ký số nào khác mà người sử dụng định ra. Mã số Khuôn SID Code phải được gắn lên tất cả các lớp đĩa, dù có chứa nội dung chương trình hợp lệ hay không, kể cả đĩa trắngg và đĩa ghi. Không được gắn Mã số Khuôn SID Code lên phần kẹp đĩa (clamping area). Mã số Khuôn SID Code phải có thể đọc được từ trái sang phải khi nhìn từ mặt ngoài của đĩa. Việc in chồng Mã số Khuôn với mục đích trang trí chỉ được phép thực hiện trên một đĩa quang mật độ cao.

Mã số Gốc SID CODE hay Mã số Gốc LBR

Mỗi Mã số Gốc SID Code được cấp sẽ bao gồm các ký số “IFPI” và sau đó là một mã số gồm bốn, năm hoặc sáu ký số bắt đầu bằng chữ “L”. Người được cấp giấy phép sản xuất sẽ được cấp một nhóm mã số liên tiếp và phải xác định một mã số riêng cho mỗi Bộ Xử lý Tín hiệu hoặc Bộ Ghi Tia Laze (LBR), tùy thuộc vào thiết bị ghi gốc nào đã được điều chỉnh để gắn Mã số SID Code, mà người đó quản lý.

Mã số Gốc SID Code phải được gắn vào dải ma trận (matrix band) của khuôn gốc khi bộc lộ trên LBR. Tất cả các phần sản xuất sau đó (kể cả các khuôn mẹ và khuôn dập) và tất cả các đĩa được sản xuất từ khuôn gốc đó sẽ mang Mã số Gốc SID Code đó. Mã số Gốc SID Code phải được gắn trong khoảng bán kính từ 18 đến 22 mm tính từ tâm đĩa, có độ cao ký số tối thiểu là 0,5 mm. Mã số Gốc SID Code phải được gắn tại phần được mạ kim loại của đĩa và phải rõ ràng dễ đọc mà không cần phải phóng to. Mã số Gốc SID Code sẽ được đọc từ trái sang phải khi nhìn từ mặt truy xuất hoặc mặt đọc của đĩa. Mã số Gốc SID Code phải được cài đặt vào phần sụn của LBR (tức là phần mềm tạo thành một phần bên trong máy mà người vận hành máy không thể dễ dàng tiếp cận) hoặc được nhúng vào phần điều khiển hệ thống (tức là hệ thống xử lý tín hiệu để điều khiển hoạt động của LBR) sao cho người vận hành hệ thống không thể thay đổi được mã số đó. Nơi dành riêng cho Mã số Gốc SID Code (được xác định bởi người sử dụng và nhà cung cấp LBR) phải gồm có một vòng cung 300. Mã số Gốc SID Code phải tách biệt rõ ràng so với các điểm đặc trưng khác.

Các yêu cầu thêm đối với các định dạng đĩa quang mật độ cao như SACD và DVD: Không được che khuất Mã số Gốc SID Code bằng vòng tiếp điểm (stack ring).

Đối với đĩa lớp đơn một mặt: Nếu mặt giả của đĩa được làm từ một đĩa chương trình tạm (scrap program disc), thì mặt đó sẽ mang Mã số SID Code, ngay cả khi mặt đó không được mạ kim loại.

Đối với đĩa lớp kép một mặt: Mã số Gốc SID Code phải được ghi vào cả Lớp 1 và Lớp 0. ít nhất một trong hai Mã số Gốc SID Code (ghi trên Lớp 1 hoặc Lớp 0) phải rõ ràng dễ đọc.

Đối với đĩa lớp đơn hai mặt: Mã số Gốc SID Code phải được ghi lên cả hai mặt đĩa. Tốt nhất là cả hai Mã số Gốc SID Code đó đều rõ ràng dễ đọc; nhưng cũng có thể chấp nhận được nếu một mã số bị che khuất do những hạn chế của phần in dữ liệu.

Kim Oanh (theo IFPI)

 (LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)