Việt Nam đang tổ chức thành công Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, một cộng đồng bao gồm 21 nền kinh tế năng động bên hai bờ Thái Bình Dương. Việt Nam đã đạt được những thành tích tăng trưởng kinh tế ngoạn mục suốt hơn 20 năm đổi mới. Đấy là những biểu hiện của đà phát triển lành mạnh.
Sau nhiều khó khăn, gian khổ chúng ta đã lại bắt đầu bước theo trào lưu chung của thế giới trong phát triển kinh tế và xã hội. Nhân dân Việt Nam đã khởi động quá trình chuyển biến vĩ đại ấy với bao nỗ lực. Vượt qua bao cản trở, từ năm này qua năm khác quá trình đó dần dần lấy được đà.
>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi: 1900.0191
Gần 10 năm sau khi khởi động quá trình đổi mới, ngày 4.1.1995 nước ta nộp đơn xin gia nhập WTO. Ngày 28.7.1995 Việt Nam gia nhập ASEAN. Năm 1998 Việt Nam tham gia APEC. Và tháng 11 này thực sự là một cột mốc mới trong quá trình hội nhập. Quá trình phát triển kinh tế xã hội và hội nhập đó đang có đà mạnh mẽ. Giữ, duy trì, tăng cường cái đà lành mạnh này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.
Khi một quá trình đã lấy được đà theo một hướng nào đó thì cái đà ấy sẽ giúp khắc phục những cản trở và giữ cho quá trình đi tiếp theo hướng đó. Đà càng lớn thì sức cuốn phăng cản trở của nó càng mạnh.
Để hiểu kỹ hơn quá trình này hãy làm quen với vài khái niệm kỹ thuật. Trong một hệ thống điều chỉnh, người ta phân biệt hai loại phản hồi. Phản hồi âm xuất hiện khi một phần đầu ra quay trở lại thành đầu vào ngược pha. Nói cách khác hệ thống phản hồi âm phản ứng đối với sự xáo động theo chiều ngược lại với xáo động.
Phản hồi âm giúp ổn định, duy trì hiện trạng. Có thể thấy vô vàn thí dụ về phản hồi âm trong cuộc sống. Chẳng hạn khi nóng ta đổ mồ hôi để làm mát cơ thể, để giảm “sự tăng nhiệt độ cơ thể” nhằm duy trì thân nhiệt ở mức ổn định; hay khi gặp lạnh chúng ta nổi da gà bịt lỗ chân lông khiến sự toả nhiệt giảm, thậm chí run “cầm cập” để làm nóng cơ thể.
Thí dụ khác, khi nhiệt độ trong phòng có điều hoà tăng lên, máy điều hoà bật làm giảm nhiệt độ, khi nhiệt độ giảm quá mức quy định nó tự động ngắt.
Người ta nói về phản hồi dương khi sự phản hồi đồng pha với đầu ra, hay khi hệ thống phản ứng với xáo động theo cùng chiều với xáo động. Thí dụ dễ thấy của phản hồi dương là hệ thống âm thanh rồ lên khi tiếng loa vang vào micro đủ mạnh.
Một thí dụ khác, khi thị trường cổ phiếu tăng, lòng tin (hay kỳ vọng) rằng giá cổ phiếu có lẽ sẽ còn tăng nữa khiến các nhà đầu tư mua thêm cổ phiếu, việc mua này lại đẩy giá cổ phiếu tăng thêm (phản hồi dương). [Nhưng biết rằng giá không thể tăng mãi, và nhất là khi thấy cổ tức không xứng với giá mua, việc này làm cho giá sẽ giảm xuống (phản hồi âm)].
Khi thị trường đi xuống và một số nhà đầu tư tin rằng giá sẽ còn xuống nữa nên kiềm chế việc mua vào (hay lại bán ra ồ ạt) làm cho giá càng xuống nữa (phản hồi dương), việc này có thể dẫn đến đổ vỡ thị trường.
Tóm lại phản hồi âm giúp ổn định, duy trì hiện trạng; còn phản hồi dương đẩy hệ thống ra ngày càng xa hiện trạng. Phản hồi dương có thể có kết quả đáng mong muốn, như tăng trưởng, nhưng cũng có thể có kết quả không mong muốn như gây ra đổ vỡ chẳng hạn.
Gắn cho giá trị “xấu” hay “tốt”, phản hồi dương kéo theo hai loại vòng mà người ta thường gọi là “vòng luẩn quẩn” hay “vòng ác” (vicious cirle) và “vòng đức” hay “vòng thiện” (virtuous cirle). Thí dụ điển hình về “vòng luẩn quẩn” là vòng nghèo đói.
Do nghèo nên không có các khoản tiết kiệm, không có vốn để đầu tư, không có đủ tiền cho học hành và đào tạo nên không có kỹ năng, không đủ tiền chăm sóc sức khoẻ nên ốm yếu… và tất cả những điều này làm cho hoạt động kém hiệu quả dẫn đến càng nghèo hơn.
Một thí dụ khác, trong thời bao cấp hàng hoá thiếu hụt, do thiếu hụt người dân có khuynh hướng tích trữ, việc tích trữ lại làm cho thiếu hụt càng trầm trọng thêm. Phá vỡ cái “vòng luẩn quẩn” ở khâu nào đó (thí dụ như khoán 10) có thể thủ tiêu “vòng luẩn quẩn”, rồi phản hồi dương có thể tạo ra “vòng đức”, “vòng thiện”.
Từ việc để cho người dân tự do kinh doanh dẫn đến tăng trưởng kinh tế, người ta giàu hơn, có của ăn của để, nên có vốn đầu tư, có sức khoẻ khá hơn, có thể học thêm kỹ năng,…, những cái đó tạo điều kiện cho họ kinh doanh hiệu quả hơn… và… dẫn đến tăng trưởng chung của đất nước.
Sự tăng trưởng làm cho nguồn thu của đất nước nhiều hơn và có thể xây dựng đường sá, xây trường học, mở mang hợp tác quốc tế,… việc ấy lại giúp các cá nhân và các doanh nghiệp hoạt động hữu hiệu hơn.
Có thể nói chúng ta đã phá vỡ được vòng luẩn quẩn và đã dần tạo ra được “vòng đức” thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên vẫn có nhiều thứ kìm hãm “vòng thiện” này và có thể tạo ra các “vòng luẩn quẩn”, như nạn tham nhũng chẳng hạn.
Đẩy mạnh hội nhập, khuyến khích tự do kinh doanh, tích cực chống tham nhũng, có các chính sách xã hội khôn khéo sẽ tăng cường đà cho “vòng thiện” cuốn phăng các vòng luẩn quẩn sắp hình thành, hay sẽ phá vỡ các “vòng luẩn quẩn” khi còn trong trứng nước. Hãy cố gắng giữ lấy cái đà đó.
TS. Nguyễn Quang A – Nguồn: Lao Động
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)