1. Hạ tầng tư duy và phát triển đất nước
Chúng ta đã nghe nói nhiều đến tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng kinh tế, nhưng chưa nghe nói đến tầm quan trọng của hạ tầng tư duy. Vì thế, bài này đưa ra một khái niệm mới: hạ tầng tư duy, và bước đầu thảo luận vai trò của nó với công cuộc phát triển đất nước.
Hạ tầng tư duy là gì?
Hạ tầng tư duy là toàn bộ những gì góp phần khai mở, hỗ trợ, giải phóng và phát huy khả năng tư duy của cá nhân và cộng đồng. Cấu trúc của hạ tầng tư duy gồm sáu yếu tố chính: Thành tựu tư tưởng của nhân loại (TTNL); Hệ tư tưởng, quan điểm sử dụng hiện thời (HTT-QĐ); Cơ chế pháp lý hỗ trợ (CCPL); Thói quen, kĩ năng tư duy cá nhân (TQ-KN); Văn hóa, môi trường làm việc (VH-MT); Liên thông, trao đổi tư tưởng (LT-TĐ).
Cấu trúc của hạ tầng tư duy
Mỗi yếu tố có vai trò khác nhau, nhưng có quan hệ chặt chẽ với nhau, có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau trong việc hình thành hạ tầng tư duy của đất nước. Cái này hoặc làm nền, hoặc là sản phẩm gián tiếp của cái kia, hoặc thúc đẩy hỗ trợ cho cái kia hình thành và phát triển. Cụ thể:
Thành tựu tư tưởng nhân loại tạo nền tảng và khung tư duy chung cho mọi cá nhân tiếp cận và sử dụng nó, không phân biệt địa lý, sắc tộc. Một đất nước tiếp thu được càng nhiều thành tựu tư tưởng của nhân loại thì hạ tầng tư duy của đất nước đó càng phong phú, vững chắc.
Hệ tư tưởng, quan điểm sử dụng hiện thời chi phối và quyết định việc hình thành các khung mẫu tư duy hiện thời của một đất nước, được hình thành thông qua do sự lựa chọn của quốc gia đó từ kho tàng tư tưởng nhân loại dưới sự chi phối của các đặc điểm lịch sử, kinh tế, văn hóa, địa lý cụ thể. Như vậy, hạ tầng tư duy của một đất nước phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn đúng hay sai, nếu đúng thì đã tối ưu chưa. Nếu đã tối ưu thì có cần điều chỉnh theo thời gian, khi các đặc điểm lịch sử, văn hóa, kinh tế cụ thể đã thay đổi.
Cơ chế pháp lý hỗ trợ có vai trò thúc đẩy việc và phát huy khả năng tư duy của cộng đồng, thông qua việc khuyến khích, hỗ trợ các nhân, tập thể trong việc khám phá, truyền bá, tiếp thu và sáng tạo tri thức (ví dụ các cơ chế khuyến học, hỗ trợ sinh viên, các giải thưởng… ), đồng thời bảo vệ quyền lợi của những cá nhân có các sản phẩm tư duy có giá trị (ví dụ luật bản quyền).
Thói quen, kĩ năng tư duy cá nhân quyết định việc các nhân đó có tư duy hiệu quả hay không, thông qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến hạ tầng tư duy của đất nước. Vì suy cho cùng, mọi thành tựu tư duy của cộng đồng đều là sản phẩm tư duy của các cá nhân. Tuy nhiên, thói quen và kĩ năng tư duy tốt như tư duy sáng tạo, tư duy phê phán, tư duy hệ thống không phải tự trên trời rơi xuống, mà hình thành trong quá trình đào tạo và rèn luyện không ngừng của mỗi cá nhân.
Văn hóa, môi trường làm việc ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen và hiệu quả làm việc của cá nhân, qua đó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển của hạ tầng tư duy. Nếu văn hóa và môi trường làm việc cởi mở, lành mạnh, tôn trọng sự khác biệt thì hạ tầng tư duy phong phú, đa dạng và linh hoạt. Ngược lại, sẽ chỉ là sự nghèo nàn, xập xệ và cứng nhắc một chiều.
Liên thông, trao đổi tư tưởnglàm cho hạ tầng tư duy được kết thành hệ thống vững vàng, biểu hiện dưới dạng một mạng lưới liên thông hữu cơ mà qua đó, tư tưởng được tự do lưu thông. Nếu không có liên thông, trao đổi tư tưởng, thì sản phẩm tư duy của mỗi cá nhân chỉ có tác động đến đời sống của cá nhân cụ thể đó, như một ngưới có trí tuệ nhưng sống giữa đảo hoang, mà không có tác động nào đáng kể đến hạ tầng tư duy và sự phát triển của đất nước mà cá nhân đó đang sinh sống.
Vai trò của hạ tầng tư duy
Nếu một người chỉ được coi là trưởng thành khi có thể suy nghĩ độc lập thì một đất nước cũng vậy. Đất nước chỉ trưởng thành khi có tư duy độc lập, phong phú và sáng tạo. Muốn vậy, phải có một hạ tầng tư duy vững chắc, lành mạnh, cởi mở và thông thoáng làm nền tảng.
Chính việc thiếu hạ tầng tư duy vững chắc đã đẻ ra những kiểu tư duy kì quặc trong mọi lĩnh vực của đời sống, ở mọi cấp độ. Lãnh đạo thì có tư duy nhiệm kì, tư duy đối phó, tư duy bằng cấp, thiên về hình thức và giải quyết những tình huống cụ thể mà thiếu tư duy chiến lược, tư duy tổng thể dài hạn. Trí thức, văn nghệ sĩ thì thiếu tư duy độc lập, tư duy phê phán và phản biện nên không thể vượt lên hướng dẫn sự phát triển của xã hội.
Ở trường thì thầy đọc trò chép mà không cần phải nghi ngờ những điều đọc chép đó đúng hay sai, có cẩn sửa chữa, bổ sung hay cải tiến gì không, nên sản phẩm là những cử nhân, kĩ sư luôn cần “cầm tay chỉ việc”, phải đào tạo lại vì không đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động. Ở nhà, người trên áp đặt người dưới và các thế hệ không biết cách đối thoại, tạo ra những xung đột, căng thẳng không đáng có.
Tất cả những điều này, kéo dài từ năm này qua năm khác, thế hệ này qua thế hệ khác, làm cho hạ tầng tư duy của dân tộc vốn đã manh mún, nghèo nàn và xập xệ lại ngày càng trở nên manh mún, nghèo nàn và xập xệ hơn. Kết quả là chúng ta luôn phụ thuộc vào tư duy của bên ngoài, theo cả không gian lẫn thời gian, có khi lùi lại đến hàng trăm năm và cách xa nửa vòng trái đất, dẫn đến việc không tạo ra được những thành tựu kinh tế, khoa học, nghệ thuật và tư tưởng gì đáng kể trong tương quan so sánh với thế giới bên ngoài.
Có một điều gần như được thừa nhận hiển nhiên: muốn phát triển kinh tế, phải có cơ sở hạ tầng kinh tế như đường xá, cầu cống, hệ thống thông tin, điện, nước… tốt. Cơ sở hạ tầng kinh tế càng tốt thì nền kinh tế sẽ phát triển càng nhanh. Mở rộng điều này sang mục tiêu phát triển đất nước như một tổng thể thì thấy: muốn phát triển đất nước, phải có hạ tầng tư duy tốt.
Hạ tầng tư duy tốt sẽ tạo ra những chính sách tốt và kịp thời điểu chỉnh các chính sách đó sao cho phù hợp trước những biến động của thời cuộc. Chính sách càng tốt, sự điều chỉnh chính sách càng kịp thời và thích hợp thì đất nước sẽ phát triển càng nhanh và vững chắc.
Không chỉ có ích cho việc ra chính sách và điều chỉnh chính sách của lãnh đạo, hạ tầng tư duy tốt còn tạo ra các thế hệ công dân có năng lực tư duy độc lập và sáng tạo, tạo điều kiện cho việc triển khai các chính sách tốt được thành công và thúc đẩy việc đề xuất các sáng kiến và chính sách mới.
Nếu hạ tầng tư duy manh mún, nghèo nàn và xập xệ, đất nước sẽ chỉ mãi quẩn quanh trong vòng nghèo hèn và lạc hậu. Xã hội khi đó sẽ chỉ là tập hợp của những đứa trẻ to xác. Đất nước sẽ mãi chỉ là đất nước vị thành niên.
Vậy thì tồn tại và phát triển làm sao trong cơn lốc toàn cầu hóa mà ở đó, sự cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt và gia tốc không ngừng?
Nếu trong các nền kinh tế nông nghiệp và công nghiệp cổ truyền, sự lặp đi lặp lại của một qui trình hoặc một khung mẫu tư duy là có thể bao biện được, thì trong nền kinh tế tri thức, nhưng gì đông cứng, khép kín sẽ là dấu hiệu của sự chết. Còn sự sáng tạo và thích ứng liên tục sẽ là biểu hiện và tiêu chuẩn của sự phát triển.
Tri thức là sản phẩm của tư duy, nên trong nền kinh tế tri thức, hạ tầng tư duy đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra những tri thức có giá trị. Thiếu hạ tầng tư duy, đất nước sẽ không chỉ quẩn quanh trong nghèo hèn và lạc hậu như trong các nền kinh tế nông nghiệp và công nghiệp cổ truyền, mà sớm hay muộn cũng sẽ bị tiêu diệt. Vì không có lý do gì cho anh tồn tại khi anh không có năng lực tư duy thích đáng trong một hình thái kinh tế mới mà ở đó tư duy phong phú và sáng tạo đóng vai trò quyết định sống còn.
Để tránh thảm họa đó, cần thiết hơn bao giờ hết, phải xây dựng được một hạ tầng tư duy đa dạng, vững chắc và thông thoáng về mọi mặt của đời sống cho đất nước. Trong quá khứ, chúng ta đã có những lúc, những nơi, những cá nhân làm được một phần việc này: tạo được một vài sản phẩm tư duy được thế giới thừa nhận, thể hiện hùng hồn qua công cuộc bảo vệ đất nước trước những thế lực ngoại xâm lớn hơn mình nhiều lần. Vậy thì không có lý do gì, trong hiện tại và tương lai, chúng ta không làm được như vậy.
Vấn đề là chúng ta muốn làm, và dám làm hay không?
2. Xây dựng hạ tầng tư duy
Khác với đầu tư cho hạ tầng kinh tế thường tốn kém đắt đỏ, đầu tư xây dựng hạ tầng tư duy rẻ hơn rất nhiều. Điều cần thiết đầu tiên để hình thành hạ tầng tư duy chỉ là một môi trường tự do học thuật, tư tưởng và trao đổi đúng nghĩa.
Khi tư tưởng của mọi cá nhân, nhất là của tầng lớp trí thức được giải phóng và tự do lưu thông, trao đổi thì hạ tầng tư duy sẽ từng bước hình thành. Mà điều này, đôi khi chỉ xuất phát từ một vài văn bản của Nhà nước.
Tiếp đó, phải củng cố và bồi đắp tất cả các yếu tố cấu thành hạ tầng tư duy.
Các thành tựu tư tưởng của nhân loại phải được giới thiệu và truyền bá càng nhiều càng tốt, tạo thực đơn lựa chọn phong phú cho cá nhân và lãnh đạo trong việc chọn hệ tư tưởng, quan điểm sử dụng, hình thành những khung mẫu tư duy mới, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn một cách sáng tạo, hiệu quả.
Hệ tư tưởng, quan điểm sử dụng cũng cần được cập nhật, xem xét lại một cách thường xuyên trên cơ sở những thành tựu tư tưởng mới của nhân lọai và có những điều chỉnh phù hợp khi điều kiện kinh tế, lịch sử, văn hóa cụ thể của đất nước đã có sự thay đổi hoặc thời cuộc đã có những biến đổi đáng kể.
Xây dựng và hoàn thiện cơ chế pháp lý hỗ trợ sao cho mọi cá nhân đều được khuyến khích tham gia vào việc hình thành và phát triển hạ tầng tư duy. Những cá nhân có đóng góp quan trọng cần được trân trọng và tưởng thưởng. Những sản phẩm tư duy có giá trị cần được bảo vệ.
Các thói quen và kĩ năng tư duy tích cực, hiệu quả như tư duy độc lập, tư duy sáng tạo, tư duy phê phán, tư duy hệ thống cần được giới thiệu, phổ biến và huấn luyện cho đại chúng, nhất là học sinh, sinh viên. Những thói quen tư duy tiêu cực, kém hiệu quả như tư duy đối phó, tư duy cục bộ, tư duy một chiều cần được loại bỏ.
Văn hóa, môi trường làm việc cũng cần được chỉnh trang, sửa đổi và cải tạo sao cho lành mạnh, cởi mở, tôn trọng sự khác biệt. Giao tiếp, trao đổi và cộng tác hiệu quả cần được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển. Quan liêu, áp đặt, cá nhân, cục bộ cần được loại bỏ thẳng thừng.
Lưu thông, trao đổi tư tưởng giữa các cá nhân cần được khuyến khích và bảo vệ. Tự do học thuật, tự do tư tưởng cần được đảm bảo. Chỉ có như thế, hạ tầng tư duy mới thông thoáng, lành mạnh và kết thành hệ thống vững chắc, trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Cũng chỉ có như thế, hoạt động tư duy của mỗi cá nhân mới có thể góp phần kiến tạo và phát triển hạ tầng tư duy cho đất nước. Nếu không có sự liên thông trao đổi, hạ tầng tư duy sẽ mãi mãi xập xệ, nghèo nàn vì chỉ là một mớ tư duy manh mún của các cá nhân cô lập.
Tuy chi phí đầu tư cho hạ tầng tư duy rất thấp, gần như là bằng không nếu so sánh với tổng đầu tư cho hạ tầng kinh tế, nhưng vai trò của hạ tầng tư duy lại lớn hơn vai trò của hạ tầng kinh tế trong việc phát triển đất nước. Vì hạ tầng tư duy đóng vai trò nâng đỡ, định hướng và dẫn dắt mọi hoạt động của xã hội, đảm bảo cho mọi kế hoạch được thành công ở mức cao nhất.
Không có hạ tầng tư duy làm cơ sở, những khoản đầu tư khổng lồ của hạ tầng kinh tế sẽ rơi vào lãng phí, kém hiệu quả, thậm chí phản tác dụng vì hủy hoại môi trường.
Vươn lên từ hạ tầng tư duy
Tư duy đẻ ra tư duy. Hạ tầng tư duy tốt sẽ đẻ ra những sản phẩm tư duy có giá trị. Những cá nhân có khả năng đóng góp vào việc kiến tạo hạ tầng tư duy cho dân tộc cần được trân trọng và tạo điều kiện phát huy tối đa khả năng của mình. Năng lực tư duy của mọi cá nhân cần được giải phóng.
Lấy trường hợp nhà triết học Trần Đức Thảo làm ví dụ. Ông là nhà triết học ở tầm quốc tế, được thế giới biết đến và trích dẫn. Những công trình của ông, dù không dễ đọc với đa số quần chúng, nhưng có tác dụng tạo nền tảng tư duy cho xã hội.
Nhưng rất tiếc, trong suốt một thời gian dài, chúng ta không khai thác tối đa khả năng tư duy của ông cũng như nhiều trí thức lớn khác, để bây giờ, những thế hệ đi sau phải ngậm ngùi trước một khoảng trống mênh mông của triết học và tư tưởng Việt Nam hiện đại.
Nếu chú trọng xây dựng hạ tầng tư duy trong mấy chục năm qua, có thể chúng ta đã có không chỉ một, mà nhiều Võ Nguyên Giáp, Trần Đức Thảo trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, được thế giới biết đến và thừa nhận. Quan trọng hơn, có thể chúng ta đã có được một hạ tầng tư duy tốt, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, trưởng thành và có vị thế cao hơn so với hiện giờ.
Nhìn sang các nước phát triển, thấy rằng họ phát triển được phần nhiều đều dựa vào một hạ tầng tư duy vững chắc và thông thoáng, có tác dụng tham vấn cho việc ra các chính sách lớn của lãnh đạo và định hướng cho mọi hoạt động của cá nhân và cộng đồng.
Họ cũng biết cách bồi đắp và phát triển hạ tầng tư duy qua các chính sách giáo dục và bồi dưỡng nhân tài. Chiến tranh, thiên tai có thể tàn phá cơ sở sản suất, nhà xưởng, đường xá chứ không thể tàn phá hạ tầng tư duy của đất nước. Điều đó giải thích vì sao những nước thua trận trong thế chiến thứ II như Đức, Nhật vẫn có thể vươn lên mạnh mẽ từ đống tro tàn.
Còn chúng ta, sau hơn ba mươi năm hòa bình, vẫn bếp bênh ở ngưỡng thoát nghèo, và phải đương đầu với vô số nan đề trong nỗ lực đuổi kịp các nước trong khu vực.
Hơn lúc nào hết, chúng ta phải bắt tay xây dựng và phát triển hạ tầng tư duy cho đất nước, mà khởi đầu là giải phóng năng lực tư duy của mọi cá nhân.
Tư duy cần được, và phải được, giải phóng một cách triệt để.
CIVILLAWINFOR Tổng hợp từ các bài viết của TS. Giáp Văn Dương đăng trên tuanvietnam.net các ngày 10/8/2009 và 11/9/2009 (Tên bài viết trên trang này do Civillawinfor đặt)
SOURCE: TUANVIETNAM.NET – TS. GIÁP VĂN DƯƠNG
Trích dẫn từ: http://tuanvietnam.net