Công dân và nhiều nội dung quan trọng khác. Nội dung dưới đây giới thiệu và phân tích cơ bản về hai mô hình tố tụng đặc trưng là mô hình tố tụng hình sự kiểm soát tội phạm và mô hình tố tụng hình sự công bằng và sự đối sánh giữa chúng.

1. Một vụ án – hai quan niệm xử lý
Vụ án xảy ra tại Mỹ: Cảnh sát Williams nhìn thấy Peter Jones giật ví tiền của cô Virginia Spry và bỏ chạy. Cảnh sát Williams đã đuổi theo, bắt được Jones và tiến hành tra hỏi về vụ cướp. Jones thú nhận ngay hành vi phạm tội của mình và với sự chứng thực của viên cảnh sát Williams, chúng ta có thể khẳng định là Jones đã phạm tội. Nếu đối chiếu với pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, tình huống này có thể dẫn tới việc buộc tội và kết án một cách nhanh chóng và dứt khoát đối Peter Jones. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng hình sự Mỹ lại nhấn mạnh cách thức mà các nhân viên nhà nước (ở đây là viên cảnh sát Williams) sử dụng quyền lực được nhà nước giao cho mình để can thiệp vào cuộc sống của Peter Jones. Hành vi của viên cảnh sát sẽ được rà soát lại để xem xét tính hợp pháp. Ví như, nếu xác định được rằng, Jones thú tội mà không được nhắc nhở trước về “quyền được im lặng”[1] của anh ta thì lời thú tội này sẽ không được sử dụng để chống lại chính anh ta. Mà khi lời thú tội với tư cách là một bằng chứng đã không có giá trị, thì vụ án xét xử Jones sẽ không thể buộc tội được anh ta hoặc bị bác bỏ. Theo pháp luật Mỹ, Jones không “phạm tội về mặt pháp lý” đối với tội cướp ví tiền, vì pháp luật bảo vệ quyền được im lặng của anh ta và như vậy, pháp luật bảo vệ tính hợp nhất của quá trình tố tụng không được đưa vào áp dụng. Việc phạm tội thực tế có thể là hiển nhiên hay được phát hiện một cách hợp pháp, nhưng việc phạm tội về mặt pháp lý lại được xác định thông qua quá trình như đã mô tả.

Quy trình tố tụng hình sự của Hoa Kỳ trong vụ án Peter Jones nói trên đã làm không ít người ngạc nhiên, bởi vì, một thực tế hiển nhiên là cảnh sát Williams đã “bắt tận tay day tận trán” đối với hành vi giật ví tiền của Peter Jones, nhưng khi đưa ra xét xử thì toà án tuyên bố vô tội đối với Peter Jones chỉ vì lý do cảnh sát đã không thông báo quyền được im lặng cho Jones.

>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191

Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp - 1900.0191

Tư vấn pháp luật doanh nghiệp – Ảnh minh họa

Như vậy, nảy sinh một vấn đề tranh luận trong pháp luật tố tụng hình sự trên thế giới: một mặt muốn nhấn mạnh việc trừng trị tội phạm (kiểm soát tội phạm), một mặt muốn điều chỉnh hành vi của các nhân viên thừa hành pháp luật và đảm bảo các quyền công dân. Thực ra, vấn đề tranh luận này xuất phát từ một nguyên nhân sâu xa hơn, đó là sự cạnh tranh giữa những giá trị của của hai mô hình: Mô hình tố tụng hình sự kiểm soát tội phạm và Mô hình tố tụng hình sự công bằng.

Sự thực là hệ thống tố tụng hình sự nào cũng gặp phải một mâu thuẫn hay một sức ép giữa một bên là những yêu cầu về giải quyết nhanh chóng và hiệu quả các vụ án hình sự để đảm bảo sự ngăn ngừa các hành vi phạm tội, với một bên là việc đảm bảo tính công bằng để bảo vệ các quyền lợi của công dân (khi người này bị tình nghi là phạm tội). Bởi rằng, nếu chúng ta kích hoạt các yếu tố nhấn mạnh sự ngăn ngừa tội phạm thì vô hình trung, hay một tất yếu xảy ra là những “rào chắn” bảo vệ quyền lợi của công dân sẽ bị xâm hại; và ngược lại. Trên lý thuyết, có thể phân biệt hai mô hình tố tụng hình sự đặc trưng nêu trên, vì dù các quốc gia thường áp dụng mô hình hỗn hợp kết hợp giữa hai mô hình này, nhưng họ lại cũng thường “ưu tiên” áp dụng một mô hình nhất định trong hai mô hình đó.

2. Hai mô hình tố tụng hình sự đặc trưng
2.1. Mô hình tố tụng hình sự kiểm soát tội phạm

Hệ thống giá trị của mô hình này kết luận rằng, việc trấn áp các hành vi phạm tội là chức năng quan trọng nhất của tố tụng hình sự. Tính tối cao của chức năng này là cần thiết để đảm bảo tự do cho mọi người và để các công dân được an toàn về thân thể và tài sản. Tố tụng hình sự đảm bảo mục tiêu này bằng các hoạt động có hiệu quả nhằm sàng lọc những người bị tình nghi, xác định tội phạm và áp dụng các chế tài thích hợp đối với những người đã bị buộc tội.

Để được coi là hiệu quả, mô hình kiểm soát tội phạm này cần hoạt động tố tụng được tiến hành nhanh chóng, dứt khoát và có tỷ lệ buộc tội cao. Có thể so sánh mô hình này với một dây chuyền lắp ráp có một hệ thống băng chuyền chở các vụ kiện chuyển động không ngừng và có các công nhân là những người bảo vệ pháp luật trực tại các chốt, thực hiện các thao tác cụ thể để hướng các vụ kiện này đi tới kết quả cuối cùng. Tốc độ chuyển động của băng chuyền phải ở mức độ cao vì không có thủ tục nào mang tính hình thức làm cản trở hoạt động tố tụng và làm chậm quá trình chuyển động tới đích của các vụ kiện. Tốc độ xử lý trong mô hình này cũng cao vì các vụ kiện được xử lý theo các cách thức mang tính khuôn mẫu và trùng lặp. Theo cách hiểu này, mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm có thể được mô tả một cách thích hợp là một mô hình mang tính hành chính, hay gần như vậy.

Việc nhấn mạnh tính dứt khoát đồng nghĩa với việc giảm thiểu các cơ hội cho những thách thức đối với tố tụng và kết quả của tố tụng. Sử dụng phép ẩn dụ trên, chúng ta có thể chỉ ra những vấn đề có thể nảy sinh khi các công nhân của dây chuyền lắp ráp cần phải được đặt dưới sự kiểm soát của các giám thị. Hậu quả làm ngắt quãng dây chuyền sản xuất đã là tồi tệ, nhưng ta cứ thử hình dung hậu quả đối với “tính dứt khoát” sẽ còn tối tệ đến mức nào, nếu một sản phẩm đã được kết thúc cách đây vài tuần, thậm chí vài tháng lại bị trả lại cho những người công nhân của dây chuyền. Tất nhiên phép ẩn dụ ở đây chỉ là một cách nói. Một quy trình tố tụng hình sự hiệu quả nghĩa là khi vụ án được chuyển giai đoạn từ người bị hại, nhân chứng tới cảnh sát, tới công tố viên, thẩm phán thì mỗi một “công nhân” đều phải thực hiện công việc của mình một cách nhanh chóng mà không sợ bị phản bác về sau này.

Một kết thúc thành công trong mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm là một người bị bắt, nhưng không phạm tội, phải được giải thoát ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng, trong khi những người khác phải bị buộc tội một cách nhanh chóng và chắc chắn. Thực tế, mô hình này đã sử dụng quan niệm “suy đoán có tội” để mô tả xu hướng những người không được thả vì không chắc chắn là không phạm tội. Nguyên lý suy đoán phạm tội là cần thiết cho mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm vì nó cho phép hệ thống này xử lý một cách có hiệu quả một số lượng lớn các vụ án. Mô hình này thể hiện sự tin tưởng vào quá trình sàng lọc của cảnh sát và công tố viên khi họ quyết định thả những người bị tình nghi nhưng “hình như vô tội” và duy trì các hoạt động chống lại những người “hình như có tội”. Nghĩa là, sau khi đã có đủ bằng chứng buộc tội để có thể tiến hành các hoạt động tiếp theo, tất cả các hành vi tiếp theo đó cần phải nhắm thẳng vào người bị tình nghi với quan niệm rằng, họ chính là những người phạm tội.

Một điều cần đề cập trong phần phân tích về mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm là quá trình điều tra ban đầu của một vụ án là cực kỳ quan trọng. Các giai đoạn tố tụng tiếp theo cần phải được thực hiện hết sức ngắn gọn, đơn giản thì mới bảo đảm được tính nhanh chóng và dứt khoát của mô hình này.

2.2. Mô hình tố tụng hình sự công bằng

Nếu mô hình tố tụng công bằng được đưa vào thay thế cho dây chuyền lắp ráp được vận hành bằng mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm, thì một trong những thay đổi đầu tiên có thể sẽ là sự gia tăng về số lượng và mức độ thường xuyên của các hành vi kiểm tra chất lượng trên dây chuyền. Sự nhanh chóng và dứt khoát vốn được coi là mục tiêu của mô hình kiểm soát tội phạm, thì trong mô hình tố tụng công bằng, chúng lại bị xem như sự lạm dụng quyền lực nhà nước, vì mô hình tố tụng công bằng được xây dựng trên quan điểm tôn trọng các quyền cá nhân và hạn chế quyền lực của các cơ quan và quan chức nhà nước. Mô hình tố tụng công bằng nhấn mạnh một quy trình tìm kiếm bằng chứng nặng tính hình thức thông qua tranh tụng. Nếu cho rằng quy trình tranh tụng của mô hình này là chậm chạp và không dứt khoát thì cũng đúng: “Trước hết là vì hiệu quả trong việc đặt các cá nhân đối mặt một cách công bằng với quyền lực ghê gớm của nhà nước mà quá trình tố tụng trong mô hình này phải đặt dưới sự kiểm soát để tránh sự vận hành với năng suất tối đa”.

Một trong những phương thức để thực thi những giá trị chống lại quyền lực quá lớn của nhà nước là học thuyết có tội về mặt pháp lý. Có tội về mặt pháp lý khác với có tội thực tế. Điều này có thể thấy qua ví dụ sau đây, mà từ ví dụ này, khái niệm “cảnh báo Miranda” xuất hiện.

Chiều ngày 3/3/1963, một cô gái mười tám tuổi bị bắt cóc và bị cưỡng hiếp tại Phoenix, bang Arizona, Hoa Kỳ. Mười ngày sau, cảnh sát đã bắt Ernesto Miranda tại nhà, áp giải tới đồn và đặt người này vào hàng những người đứng để được nhận dạng. Nạn nhân đã nhận ra Miranda ngay và tên này đã bị đưa vào phòng riêng để thẩm vấn. Sau hai giờ thẩm vấn, Miranda đã ký giấy thú tội là hắn đã bắt cô gái và hiếp cô ta. Tại phiên toà, Luật sư của LVN Group của Miranda đã chỉ ra rằng, cảnh sát đã không thông báo cho Miranda biết về quyền được có Luật sư của LVN Group và quyền của Luật sư của LVN Group có mặt tại cuộc thẩm vấn (quy định này đã được xác lập bằng án lệ Escobedo kiện bang Illinois năm 1964). Miranda vẫn bị toà án sơ thẩm kết án, nhưng khi xét xử phúc thẩm, Toà án tối cao liên bang đã huỷ bản án sơ thẩm, bởi vì bị cáo đã thú nhận với cảnh sát mà không được báo trước rằng, bị cáo có quyền được từ chối việc tự kết tội mình hay quyền được im lặng (không khai báo) “không ai phải tham gia vụ án hình sự với tư cách là người làm chứng để chống lại chính mình”[2] và quyền có Luật sư của LVN Group đại diện. Toà án đã đưa ra các biện pháp tố tụng cần phải tuân thủ để những bằng chứng trong cuộc thẩm vấn được sử dụng chống lại chính bị cáo; đó là, nếu cảnh sát muốn thẩm vấn người bị buộc tội khi bắt giữ người đó thì bốn câu cảnh sát phải nói với người bị bắt giữ là: (1) Anh được quyền giữ im lặng; (2) Bất kỳ câu nói nào của anh có thể và sẽ được sử dụng để chống lại anh; (3) Anh có quyền trao đổi ý kiến với Luật sư của LVN Group; (4) Nếu anh không mời Luật sư của LVN Group thì một Luật sư của LVN Group sẽ được cử để đại diện cho anh.

Các biện pháp này sau đó được gọi là “cảnh báo Miranda”. Nói tóm lại, một người bị cảnh sát bắt giữ và thẩm vấn phải được thông báo về các quyền của mình trước khi bị thẩm vấn, thì những tuyên bố của cảnh sát chống lại anh ta mới có giá trị. Việc bắt giữ của cảnh sát ở đây được hiểu là hạn chế tự do của một người dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, nội dung trên có một ý nghĩa sâu xa hơn, khi một người phạm tội trên thực tế nhưng nếu anh ta không được điều tra, truy tố, xét xử theo đúng quy trình tố tụng thì về mặt pháp lý, anh ta có thể không bị buộc tội.

3. Nhận định về hai mô hình tố tụng hình sự
Mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm cho rằng, tự do quan trọng tới mức mọi hoạt động tố tụng đều phải hướng tới mục tiêu hạn chế tội phạm, trong khi mô hình tố tụng công bằng lại cho rằng, tự do quan trọng tới mức mọi hoạt động tố tụng đều cần phải đảm bảo rằng, các quyết định của toà án trong các vụ án hình sự phải được dựa trên những thông tin đáng tin cậy. Cả hai mô hình đều có mục tiêu là tự do xã hội. Một mô hình thì tìm cách đạt được mục tiêu đó bằng việc nhấn mạnh một thủ tục tố tụng hiệu quả đối với người vi phạm, trong khi mô hình kia thì nhấn mạnh việc hạn chế có hiệu quả sự can thiệp của nhà nước vào cuộc sống riêng tư của công dân. Vậy ai là người tạo ra mối đe doạ can thiệp vào tự do của công dân nhiều hơn? Mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm thì trả lời rằng, đó là tên tội phạm xâm hại cá nhân và tài sản của mọi người. Câu trả lời của mô hình tố tụng công bằng lại chỉ ra: đó chính là các nhân viên của nhà nước như cảnh sát và công tố viên. Cả những tên tội phạm và những viên cảnh sát hay công tố viên đều có thể xâm phạm tới quyền lợi của chúng ta, lấy đi tài sản và hạn chế sự tự do đi lại của chúng ta. Nhưng tự do xã hội cần phải được hiểu là mỗi công dân tuân thủ pháp luật phải được bảo vệ khỏi sự can thiệp vô lý của cả hai đối tượng trên. Tuy nhiên, dường như không thể đạt tới hai mục tiêu trên cùng một lúc. Mỗi mô hình đều nhấn mạnh cái mà bên kia thiếu hụt, nhưng không thể vì thế mà có thể kết luận mô hình nào tốt hơn mô hình nào.

4. So sánh hai mô hình tố tụng hình sự
Có một xu hướng cho rằng, các giá trị của mô hình tố tụng công bằng đối lập với các giá trị của mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm. Nhận định này không đúng, vì nó cho rằng mô hình tố tụng công bằng không quan tâm tới việc hạn chế tội phạm. Thực ra, sự khác biệt có thể nhìn thấy rõ nhất lại chính là ở quy trình tố tụng chứ không phải ở kết quả tố tụng. Để làm rõ nhận định này, chúng ta hãy xem bảng so sánh giữa hai mô hình tố tụng và luận giải khái quát về sự so sánh này:

Mô hình kiểm soát tội phạm
Mô hình tố tụng công bằng

1.Cho rằng quyền tự do của công dân quan trọng tới mức, mọi cố gắng đều phải hướng tới việc hạn chế tội phạm
Cho rằng quyền tự do của công dân quan trọng tới mức, mọi cố gắng đều phải hướng tới việc đảm bảo sự can thiệp của chính quyền vào quyền này phải luôn tuân thủ pháp luật

2. Ra các quyết định dựa trên các tình tiết phạm tội thực tế
Ra các quyết định dựa trên nguyên lý phạm tội về mặt pháp lý

3. Tuân theo các quy tắc nhấn mạnh việc hạn chế tội phạm
Tuân theo quy tắc nhấn mạnh mức độ can thiệp của chính quyền vào đời sống công dân

4. Nhấn mạnh tính hiệu quả của các hoạt động tố tụng
Nhấn mạnh tính hợp pháp trong các hoạt động tố tụng

5. Yêu cầu có tỷ lệ buộc tội cao thông qua tố tụng xét hỏi và cho phép loại bỏ những người dường như không phạm tội ra khỏi quá trình tố tụng ngay từ đầu
Yêu cầu các hoạt động tố tụng phải mang tính chính thức, tìm kiếm bằng chứng thông qua tranh tụng, mặc dù những yêu cầu này có thể hạn chế hiệu quả tối đa của hoạt động tố tụng

Thứ nhất, mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm đặt nhiệm vụ quan trọng là phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những công dân luôn tuân thủ pháp luật tránh khỏi sự xâm phạm của những hành vi phạm tội; mô hình tố tụng công bằng lại đặt nhiệm vụ quan trọng là bảo đảm các quyền của người bị tình nghi tránh tối đa sự xâm phạm từ phía cơ quan công quyền. Từ nội dung này, chúng ta không nên hiểu rằng, mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm để đạt được mục tiêu của mình thì phải tăng tỷ lệ buộc tội lên cao, còn mô hình tố tụng công bằng thì ngược lại. Thực ra, cả hai mô hình đều có mục đích cơ bản là tìm ra sự thật và mỗi mô hình đều hoạt động theo nguyên tắc người có tội phải bị trừng phạt, người vô tội phải được tự do. Điều khác biệt của hai mô hình trong nội dung này chỉ là sự nhấn mạnh hay thiên lệch về nhiệm vụ do từng mô hình đặt ra.

Thứ hai, để giải thích nội dung này, chúng ta quay trở lại vụ án Perter Jones đã nêu ở trên. Jones không phạm tội về mặt pháp lý theo mô hình tố tụng công bằng và phạm tội hiển nhiên theo mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm. Điều này dẫn đến một khác biệt là mô hình tố tụng công bằng quá quan tâm tới cách thức xử lý người bị tình nghi, mà đôi khi bỏ qua cả việc xác định liệu thực tế tội phạm có xảy ra không và liệu người bị tình nghi có thực sự là người phạm tội hay không, khi tính pháp lý của quy trình tố tụng không được đảm bảo; còn mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm chỉ cần xác định thực sự người tình nghi tiến hành hành vi phạm tội thì một bản án kết tội chắc chắn sẽ được tuyên cho người phạm tội.

Lưu ý, không phải mô hình tố tụng công bằng đã mở đường cho người phạm tội thoát tội trong một số trường hợp, mà thực chất ở đây, pháp luật hướng tới một mục tiêu lớn hơn là mọi công dân phải được xử lý theo một quy trình tố tụng đúng luật và công bằng (như nhau), đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Thứ ba, một câu hỏi được đặt ra là: ai là người tạo ra mối đe doạ can thiệp vào quyền và lợi ích của công dân nhiều hơn – người phạm tội hay cơ quan công quyền? Mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm thì trả lời rằng, đó là tên tội phạm xâm hại cá nhân và tài sản của mọi người. Câu trả lời của mô hình tố tụng công bằng lại là: đó chính là các nhân viên của nhà nước như cảnh sát và công tố viên. Bởi vậy, hai mô hình đều xây dựng và tuân theo những quy tắc nhất định để hạn chế những sự xâm hại mà hai mô hình xác định.

Thứ tư, tính hiệu quả của mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm trong nội dung này không đồng nhất với tính chính xác, mà là việc quá trình tố tụng được tiến hành nhanh chóng, dứt khoát và có tỷ lệ buộc tội cao. Tính hợp pháp trong tố tụng hình sự của mô hình tố tụng công bằng chính là việc đảm bảo quy trình tố tụng phải được tiến hành đúng theo những trình tự pháp luật quy định và công bằng đối với mọi công dân;

Thứ năm, thực ra vấn đề này đề cập đến giai đoạn xét xử tại toà, mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm cho rằng, việc xác định ai có tội, ai không có tội gần như được định đoạt ngay sau khi kết thúc giai đoạn điều tra, việc xét xử chỉ mang tính công khai hay tiếp tục quá trình điều tra, nên tỷ lệ buộc tội tại toà rất cao (những người dường như không phạm tội đã được loại bỏ từ giai đoạn điều tra). Trong khi đó, mô hình tố tụng công bằng cho rằng, vấn đề chỉ được quyết định tại toà án sau khi trải qua một quy trình tranh tụng công khai các bằng chứng và tranh luận giữa hai bên gỡ tội và buộc tội.

*

Trên đây là sự khác biệt giữa hai mô hình tố tụng, và sự khác biệt này dựa trên sự nhấn mạnh những yếu tố nhất định của quy trình tố tụng hình sự theo mục tiêu của từng mô hình đặt ra. Lưu ý, sự nhấn mạnh này không phải sự thiên lệch hoàn toàn, không phải bỏ rơi các yếu tố đối lập khác; mô hình tố tụng công bằng “ra các quyết định dựa trên nguyên lý phạm tội về mặt luật pháp” thì không phải không chú trọng đến việc “ra các quyết định dựa trên các tình tiết phạm tội thực tế”. Sự nhấn mạnh ở đây cần được hiểu là nhằm đảm bảo mô hình tố tụng được vận hành một cách tốt nhất; giả dụ việc bảo đảm sự can thiệp của chính quyền vào các quyền của công dân theo đúng pháp luật là yếu tố không thể thiếu trong việc vận hành mô hình tố tụng công bằng. /. 

Nguyễn Hà Thanh
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu lập pháp điện tử

__________________
[1] Theo “Cảnh báo Miranda”, pháp luật Mỹ quy định, nếu cảnh sát muốn thẩm vấn người bị buộc tội khi bắt giữ người đó thì bốn câu cảnh sát phải nói với người bị bắt giữ là: (1) Anh được quyền giữ im lặng; (2) Bất kỳ câu nói nào của anh có thể và sẽ được sử dụng để chống lại anh; (3) Anh có quyền trao đổi ý kiến với Luật sư của LVN Group; (4) Nếu anh không mời Luật sư của LVN Group thì một Luật sư của LVN Group sẽ được cử để đại diện cho anh.
[2] Điều bổ sung thứ 5 Hiến pháp Hoa Kỳ.

 (LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

—————————————————–

THAM KHẢO VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

2. Dịch vụ tư vấn cơ cấu lại doanh nghiệp;

3. Tư vấn thành lập doanh nghiệp tại Hà Nội;
4. Tư vấn xây dựng quy chế hoạt động cho doanh nghiệp;
5. Luật sư tư vấn vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại;
6. Luật sư tư vấn và giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp.