Khách hàng: Kính thưa Luật sư, Luật sư của LVN Group hãy cho tôi biết về kỹ thuật lập pháp của một số chế định lớn trong phần chung Bộ luật Hình sự (năm 1999) như chế định loại trừ tính tội phạm của hành vi; trách nhiệm hình sự và các biện pháp tha miễn còn tồn tại những hạn chế gì?
Cảm ơn!
Trả lời:
1. Khái quát chung
Mặc dù trong Phần chung Bộ luật Hình sự Việt Nam (năm 1999) đã có các điểm mới và khác mà có thể được coi là ưu điểm vượt trội và không thể phủ nhận được so với Bộ luật trước đó (năm 1985) nhưng nếu xem xét theo 05 tiêu chí bắt buộc về kỹ thuật lập pháp của một văn bản lập pháp hình sự ưu việt trong nhà nước pháp quyền như xem xét về sự chặt chẽ về mặt cấu trúc; sự nhất quán về mặt logic pháp lý; tính chính xác về mặt khoa học cùng với sự khả thi về mặt thực tiễn;… thì khi tiếp tục đi sâu phân tích nội hàm các quy phạm Phần chung trong văn bản lập pháp hình sự thứ hai này của đất nước, cụ thể là chế định loại trừ tính tội phạm của hành vi; trách nhiệm hình sự và các biện pháp tha miễn trong Bộ luật Hình sự (năm 1999) có thể dễ dàng nhận thấy vẫn còn tồn tại một số hạn chế cho đến khi nó hết hiệu lực thi hành mà dưới đây là các hạn chế cơ bản, dưới đây chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi của bạn với những ý như sau:
2. Chế định trường hợp loại trừ tính tội phạm
Về những trường hợp loại trừ tính tội phạm của hành vi với một các chế định nhỏ thuộc nó, đó là:
– Tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể của hành vi;
– Sự kiện bất ngờ;
– Phòng vệ chính đáng;
– Tình thế cấp thiết và;
– Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Các chế định nhỏ này của trường hợp loại trừ tính tội phạm vẫn còn được quy định chung trong cùng Chương III với chế định lớn về tội phạm mặc dù bản chất pháp lý của chúng với một loạt các chế định nhỏ thuộc nó như là: đồng phạm, đa tội phạm, các giai đoạn thực hiện tội phạm,… hoàn toàn không thể giống nhau mà ngược lại chúng khác nhau; vì lẽ đó mà chúng cần được quy định thành một chương độc lập để loại trừ sự thiếu nhất quán về mặt logic pháp lý, tức là hình thức mâu thuẫn vởi nội dung, tên gọi của chương không đúng với các quy định trong chương đó.
3. Chế định về trách nhiệm hình sự
Chế định về trách nhiệm hình sự mặc dù có thể được xem là một chế định trung tâm, chủ yếu và quan trọng nhất với tính chất là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt toàn bộ các quy phạm của cả Phần chung và Phần riêng pháp luật hình sự, nhưng chế định này cũng vẫn còn chưa được điều chỉnh bằng các quy phạm riêng biệt trong một chương riêng biệt của Bộ luật Hình sự (năm 1999) và chính vì vậy nó còn những bất cập.
Thứ nhất, chế định về trách nhiệm hình sự thiếu hoàn toàn các quy phạm độc lập đề cập các định nghĩa pháp lý của ít nhất là 06 khái niệm quan trọng vẫn còn thiếu mà chính xác hơn là chưa bao giờ được ghi nhận một cách cụ thể và rõ ràng về mặt lập pháp trong pháp luật hình sự Việt Nam suốt mấy chục năm qua, ví dụ các khái niệm như sau:
– Trách nhiệm hình sự;
– Chủ thể của trách nhiệm hình sự
– Cơ sở của trách nhiệm hình sự
– Điều kiện của trách nhiệm hình sự
– Năng lực trách nhiệm hình sự
– Năng lực trách nhiệm hình sự hạn chế?….
Thứ hai, Chế định về trách nhiệm hình sự về cơ sở của trách nhiệm hình sự là nội dung thuộc chế định lớn trách nhiệm hình sự (chứ không phải thuộc chế định lớn về đạo luật hình sự) nhưng Bộ luật Hình sự (năm 1999) lại quy định nó cùng với các quy phạm về đạo luật hình sự trong Chương I của Bộ luật. Mặt khác, tên gọi của Điều 2 Bộ luật về “Cơ sở của trách nhiệm hình sự” hoàn toàn mâu thuẫn với nội dung mà nó đã ghi nhận trong điều luật này. Bởi lẽ, dưới góc độ pháp chế và bảo vệ các quyền con người bằng pháp luật hình sự trong nhà nước pháp quyền thì quan điểm được thừa nhận chung của thực tiễn tư pháp hình sự và khoa học luật hình sự: nếu như tên gọi là “cơ sở” của trách nhiệm hình sự, thì nội dung của nó (trách nhiệm hình sự) phải thể hiện được rằng cơ sở đó cụ thể là gì (“cấu thành tội phạm”, “lỗi”, hay là “việc thực hiện hành vi” bị luật hình sự cấm,…)? mà dựa vào đó các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án có thể truy cứu trách nhiệm hình sự chủ thể phạm tội. Nhưng rất tiếc là nội dung được quy định trong Điều 2 Bộ luật Hình sự (năm 1999) lại là điều kiện mà không phải cơ sở của trách nhiệm hình sự khi Bộ luật ấy sử dụng thuật ngữ như sau: “chỉ người nào… mới phải chịu”…
4. Kết luận về chế định trách nhiệm hình sự
Như vậy, trên cơ sở và điều kiện của trách nhiệm hình sự ta vừa phân tích (ở mục 3) nó là hai phạm trù có liên quan chặt chẽ và khăng khít với nhau nhưng không thể đồng nhất,giữa điều kiện và cơ sở khác nhau bởi vì lý do sau:
Thứ nhất, phạm trù trước là căn cứ chung (hành vi nguy hiểm cho xã hội được ghi nhận trong pháp luật hình sự) mà chỉ có và phải dựa vào đó cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền mới có thể đặt ra vấn đề trách nhiệm hình sự của chủ thể phạm tội;
Thứ hai, phạm trù sau là căn cứ riêng mà chỉ có khi nào tổng hợp đầy đủ chúng (5 căn cứ riêng do pháp luật hình sự quy định) thì chủ thể phạm tội mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Vì dù có đặt ra vấn đề trách nhiệm hình sự của một người nào đấy đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị pháp luật hình sự cấm, nhưng sau đó cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyển xem xét lại tất cả các khía cạnh của vụ án thì cũng không thể buộc chủ thể của hành vi nào đó phải chịu trách nhiệm hình sự nếu như căn cứ vào các quy định của pháp luật hình sự hiện hành mà thiếu (không hội đủ) 1 trong 5 điều kiện của trách nhiệm hình sự có tính chất bắt buộc sau đây mà 5 điều kiện này bao giờ cũng phải tương ứng với 5 dấu hiệu của tội phạm. 5 điều kiện đó là:
– Hành vi được thực hiện trong thực tê khách quan phải nguy hiểm cho xã hội;
– Hành vi đó phải bị coi là tội phạm theo pháp luật hình sự hiện hành;
– Chủ thể của hành vi phải có lỗi (cố ý hoặc vô ý) khi thực hiện nó;
– Chủ thể của hành vi phải có năng lực trách nhiệm hình sự khi thực hiện nó và;
– Chủ thể của hành vi phải đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện nó.
=> Như vậy, cách quy định như tại Điều 2 Bộ luật Hình sự (năm 1999) đã cho thấy, tên gọi của nó (Cơ sở của trách nhiệm hình sự) không đúng với nội dung mà nó ghi nhận (điều kiện của trách nhiệm hình sự).
Hơn nữa, mặc dù Điều 2 có quy định những điều kiện của trách nhiệm hình sự nhưng trong nội dung của nó cũng vẫn còn thiếu vì mới chỉ có hai điều kiện là: “phạm tội”, tức thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cộng tội (hành vi) đó “đã được Bộ luật Hình sự quy định”, tức bị pháp luật hình sự cấm, có nghĩa là vẫn còn thiếu thêm 3 điều kiện của trách nhiệm hình sự, đó là: người thực hiện hành vi đó có lỗi cố ý hoặc vô ý, có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định.
5. Chế định biện pháp tha miễn
Về các biện pháp tha miễn trong Bộ luật Hình sự (năm 1999) vẫn còn tồn tại các nhược điểm cơ bản, thể ta đi tìm hiểu dưới đây:
a. Thời hiệu trong pháp luật hình sự là chế định nhân đạo nhỏ thuộc chế định nhân đạo về các biện pháp tha miễn nhưng rất tiếc là trong Bộ luật Hình sự (năm 1999) đã chưa loại trừ được một số nhược điểm như là:
– Trong khi chưa có khái niệm thời hiệu (nói chung) trong pháp luật hình sự là gì? mà lại ghi nhận ngay định nghĩa pháp lý khái niệm của thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như định nghĩa pháp lý của khái niệm thời hiệu thi hành bản án kết tội;
– Mặc dù quan điểm được thừa nhận chung hoàn toàn đúng đắn cả trong khoa học luật hình sự và thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự là chế định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (và cả chế định miễn trách nhiệm hình sự nữa) là thuộc hệ thống các biện pháp tha miễn trong pháp luật hình sự thì lẽ ra nên sắp xếp chúng ở đằng sau các chế định có liên quan đến việc giải quyết vấn để trách nhiệm hình sự của người phạm tội nhưng trong Bộ luật Hình sự (năm 1999) thì ngược lại, chúng bị sắp xếp trong Chương IV, tức là ở trước ba chế định lớn là chế định: hình phạt (Chương V), biện pháp tư pháp (Chương VI) và quyết định hình phạt (Chương VII), điều này cho thấy rõ ràng là bất hợp lý và rất phi khoa học!
Với lý do là bởi lẽ, căn cứ vào lý luận luật hình sự và thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự, cũng như theo logic pháp lý và trình tự giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự, thì việc Tòa án áp dụng các biện pháp tha miễn (cả trách nhiệm hình sự và hình phạt) bao giờ cũng chỉ được diễn ra sau khi đã xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của vụ án cụ thể nào đó mà danh mục của chúng (cả trong Bộ luật Hình sự (năm 1999) và Bộ luật Hình sự năm 2015 hiện hành đều được ghi nhận thuộc chế định quyết định hình phạt). Ví dụ: Nếu tại thời điểm xét xử vụ án hình sự Tòa án thấy bị cáo có căn cứ xác đáng và đủ điều kiện do luật định để được hưỏng sự khoan hồng là không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (chứ chưa cần bàn đến việc miễn trách nhiệm hình sự) do đã hết thời hiệu rồi thì sẽ giải quyết như thế nào?
=> Như vậy, rõ ràng để tránh các nhược điểm thường gặp trong việc soạn thảo Bộ luật Hình sự, thì trình tự sắp xếp theo thứ tự lần lượt trước đến sau, từ đầu đến cuối của các chế định lớn trong Phần chung Bộ luật Hình sự ưu việt của một nhà nước pháp quyền đích thực (như đã phân tích ở trên) ví dụ như: (1) Đạo luật hình sự đến (2) Tội phạm rồi (3) Những trường hợp loại trừ tính tội phạm của hành vi đến (4) Trách nhiệm hình sự, (5) Các biện pháp cưỡng chế hình sự (tức bao gồm hình phạt và biện pháp tư pháp hình sự) rồi (6) Quyết định hình phạt và (7) Các biện pháp tha miễn; ngoài ra theo thứ tự này còn 01 chế định độc lập nữa đó là (8) Trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội.
Bên cạnh phân tích này vẫn còn thiếu một loạt các định nghĩa pháp lý của nhiều khái niệm cơ bản và rất cần thiết thuộc chế định các biện pháp tha miễn mà chúng có ý nghĩa to lớn và quan trọng về mặt khoa học – thực tiễn đối với việc bảo vệ các quyền con người bằng pháp luật hình sự nhưng Bộ luật Hình sự (năm 1999) vẫn thiếu các định nghĩa pháp lý của những khái niệm ấy như: Miễn trách nhiệm hình sự là gì?; Miễn hình phạt là gì?; Miễn chấp hành hình phạt là gì?; Giảm mức hình phạt đã (được) tuyên là gì; Hoãn chấp hành hình phạt tù?; Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là gì?; Án tích?; Đại xá là gì? và;Đặc xá là gì?
Ta thấy trong khi hai chế định nhỏ sau cùng (đại xá và đặc xá) đã tồn tại trong tất cả các Hiến pháp Việt Nam (từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay), thậm chí chỉ hơn một tháng ngay sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nưốc ta thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành sắc lệnh số 52 ngày 20/10/1945 “Về xá miễn cho một số tội phạm” gồm 7 điều.
Trân trọng!