Luật sư tư vấn:

1. Hành vi lấn, chiếm đất đai được hiểu như thế nào?

Căn cứ vào khoản 1 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định như sau:

“Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.”

Căn cứ vào khoản 2 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP một số quy định được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định như sau:

” 2. Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép;

b) Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;

c) Sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng đất và đã có quyết định thu hồi đất được công bố, tổ chức thực hiện nhưng người sử dụng đất không chấp hành (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp);

d) Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, hành vi được coi là lấn đất phải có dấu hiệu dịch chuyển thay đổi ranh giới, mốc giới của thửa đất trên thực tế so với diện tích đất ban đầu được nhận chuyển nhượng, với mục đích để mở rộng diện tích thực tế. Về hành vi chiếm đất thường là hành vi sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc giao quyền sử dụng.

Lấn, chiếm đất đai là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 12 của Luật Đất đai năm 2013.

 

2. Hành vi lấn, chiếm đất phi nông nghiệp bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Quy định cụ thể như sau:

Theo khoản 4, khoản 5 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP:

* Trường hợp lấn, chiếm đất phi nông nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

c) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

d) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.

* Trường hợp lấn, chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với vi phạm ở khu vực nông thôn và mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức..

Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Ngoài ra, theo khoản 7 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP đối tượng vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

* Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm,

* Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm

* Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất;

* Buộc thực hiện tiếp thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định đối với trường hợp sử dụng đất khi chưa thực hiện xong thủ tục giao đất, thuê đất

* Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

 

3. Thời hạn xử phạt hành chính với hành vi lấn chiếm đất

Ngày 19/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 01 năm 2020. Nghị định này thay thế Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Bãi bỏ điểm đ khoản 3 và điểm i khoản 6 Điều 57 của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ.

Theo đó, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 02 năm. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau: Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc theo quy định pháp luật thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm; Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm; Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính chuyển đến thì thời hiệu xử phạt được áp dụng theo quy định pháp luật tính đến thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định cụ thể thời điểm chấm dứt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Ngoài ra bên cạnh các quy định về các mức xử phạt các hành vi lấn chiếm đất phi nông nghiệp thì còn có các biện pháp khắc phục hậu quả đối với một số hành vi vi phạm hành chính có tính phổ biến như sau: 

– Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm lấn, chiếm. UBND cấp tỉnh sẽ căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm lấn, chiếm đất đai.

– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

– Buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định mà có được do hành vi lấn/chiếm.

– Buộc hoàn trả tiền chuyển nhượng/cho thuê đất không đúng quy định pháp luật; chấm dứt hợp đồng mua/bán/cho thuê tài sản gắn liền với đất không đủ điều kiện quy định.

 

4. Hành vi lấn, chiếm đất đai có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Tại điều 228 Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai cụ thể như sau:

– Người nào lấn chiếm đất, chuyển nhượng sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

+ Có tổ chức;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Tái phạm nguy hiểm.

– Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Theo đó nếu như đã bị xử phạt hành chính về hành vi lấn chiếm đất đai mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi lấn chiếm đất đai thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ 6 tháng đến 3 năm tù.

* Lưu ý: nếu hành vi lấn, chiếm đất là đất tại khi vực đô thị thì mức xử phạt phải được gấp đôi mức xử phạt thông thường.

 

5. Thủ tục khởi kiện buộc trả lại đất đã lấn chiếm

Thủ tục hòa giải cơ sở

Khoản 3, 4 Điều 202 Luật Đất đai 2013 quy định: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác”.

– Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

– Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã.

– Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

Như vậy, trước hết các bên cần tiến hành hòa giải theo quy định. Sau khi hòa giải không thành người bị lấn chiếm tiến hành thủ tục khởi kiện ra Tòa án theo quy định.

Hồ sơ khởi kiện theo đúng quy định của pháp luật

– Đơn khởi kiện

– Tài liệu, chứng cứ kèm theo

– Giấy tờ nhân thân (Chứng minh nhân dân, Căn cứ công dân, sổ hộ khẩu,…)

Thủ tục khởi kiện buộc trả lại đất đã lấn chiếm

Để buộc người lấn chiếm trả lại đất, người khởi kiện cần tiến hành các thủ tục cần thiết để được Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật. Thủ tục khởi kiện giải quyết tranh chấp như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện đến Tòa án nơi có đất bị lấn chiếm giải quyết trong thời hiệu pháp luật quy định.

Bước 2: Tòa ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí khi nộp hồ sơ hợp lệ.

Bước 3: Người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí rồi nộp lại biên lai cho Tòa.

Bước 4: Tòa án ra quyết định thụ lý và tiến hành thủ tục cần thiết để giải quyết.

 

6. Quy trình xử lý lấn chiếm đất đai như thế nào?

Quy trình xử lý lấn chiếm đất đai được thực hiện như sau:

– Khi phát hiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý buộc chấm dứt hành vi vi phạm. Việc buộc chấm dứt được thực hiện bằng lời nói, còi, hiệu lệnh, văn bản hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật tại Điều 55 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

– Lập biên bản về vi phạm hành chính theo hướng dẫn tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bổ sung bởi khoản 29 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020.

– Xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt tại Điều 60 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, được bổ sung bởi điểm d khoản 72 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020.

– Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản về hành vi vi phạm hành chính, đối với vụ vi phạm hành chính có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 1 tháng theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý phạm hành chính 2012, được sửa đổi bổ sung bởi khoản 34 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020.

– Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành theo hướng dẫn tại Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

– Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt theo theo hướng dẫn tại Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

– Tổ chức Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định theo Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Trong trường hợp bạn còn bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến vấn đề này hay các vấn đề khác như doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình, dân sự, hình sự, bảo hiểm,… cần giải đáp về mặt pháp lý các bạn đừng ngần ngại nhấc máy lên và gọi tới số tổng đài tư vấn pháp lý về đất đai: 1900.0191 để được đội ngũ Luật sư của LVN Group tư vấn pháp lý với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Chúng tôi rất hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng. Trân trọng!