1. Đại diện là gì?
Điều 134 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.Trong những trường hợp cá nhân, pháp nhân không có hoặc không đủ điều kiện để xác lập và thực hiện giao dịch dân sự thì có thể thông qua cá nhân, pháp nhân khác xác lập và thực hiện giao dịch đó. Vì thế: Đại diện là quan hệ giữa một bên là người đại diện với bên kia là người được đại diện, theo đó, người đại diện nhân danh và vì lợi ích của người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.Người đại diện có thể là cá nhân, có thể là pháp nhân. Trong đó, nếu cá nhân là người đại diện theo pháp luật thì phải là người có năng lực pháp luật dân sự và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Nếu pháp nhân là người đại diện thì phải có năng lực pháp luật phù họp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện vì lợi ích của người được đại diện. Neu cá nhân là người đại diện theo ủy quyền thì phải có năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch được xác lập, thực hiện vì lợi ích của người được đại diện.
Người được đại diện có thể là cá nhân, có thể là pháp nhân. Trong đó, cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó. Chẳng hạn, khi còn sống cá nhân không được ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện việc đồng ý hiến xác, hiến bộ phận cơ thể sau khi chết.
2. Quyền đại diện xác lập dựa trên căn cứ nào?
Đại diện bao gồm hai loại: Đại diện theo ủy quyền và đại diện theo pháp luật.
Đại diện theo ủy quyền được xác lập từ sự ủy quyền của người được đại diện cho người đại diện. Nói cách khác, quan hệ đại diện theo ủy quyền chỉ hình thành khi trước đó, giữa người được đại diện và người đại diện đã xác lập với nhau một quan hệ ủy quyền, trong đó người được đại diện là người ủy quyền, người đại diện là người được ủy quyền.
Đại diện theo pháp luật được xác lập theo một trong các căn cứ sau đây: theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.
+ Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Trong trường hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chỉ định người đại diện cho cá nhân.
+ Theo điều lệ của pháp nhăn: Đối với các pháp nhân thương mại thì người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là người được xác định theo điều lệ của chính pháp nhân đó.
+ Theo quy định của pháp luật: Theo quy định của pháp luật thì người đại diện theo pháp luật của cá nhân là: Cha, mẹ đổi với con chưa thành niên, Người giám hộ đổi với người được giám hộ….
3. Phạm vi đại diện được xác định như thế nào?
Phạm vị đại diện là giới hạn có thể, được xác định thông qua quyết định của cơ quan có thẩm quyền, điều lệ của pháp nhân, nội dung ủy quyền hoặc quy định khác của pháp luật mà trong đó, người đại diện được quyền xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự.
Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:
– Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
– Điều lệ của pháp nhân;
– Nội dung ủy quyền;
– Quy định khác của pháp luật.
Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo nguyên tắc trên thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập có hiệu lực không?
Điều 142 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về hậu quả pháp lí của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện thực hiện như sau:
1. Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:
a) Người được đại diện đã công nhận giao dịch;
b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;
c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện.
2. Trường hợp giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện thì người không có quyền đại diện vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch.
3. Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đã xác lập và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch hoặc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
4. Trường hợp người không có quyền đại diện và người đã giao dịch cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.
Như vậy, các giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với người có giao dịch được thực hiện trừ khi người này chấp nhận giao dịch đó hoặc không phản đối khi đã biết hay có lỗi làm cho người đã chấp nhận xác lập, thực hiện giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện.
Nếu giao dịch không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người có giao dịch được xác lập thì người đã xác lập giao dịch phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình, đồng thời người đã giao dịch có quyền đơn phưong chấm dứt hoặc hủy bỏ giao dịch đã xác lập và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ khi người này đã biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch.
Nếu giao dịch không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người có giao dịch được xác lập mà gây thiệt hại cho người này thì người xác lập giao dịch và người đã giao dịch phải liên đới bồi thường cho người có giao dịch được xác lập nếu họ đều cố ý xác lập, thực hiện giao dịch đó.
5. Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện
Vượt quá phạm vi đại diện được hiểu là việc người có quyền đại diện đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá giới hạn được xác định trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền, điều lệ của pháp nhân, nội dung ủy quyền hoặc quy định khác của pháp luật.
Vượt quá phạm vi đại diện thường ở hai dạng sau đây:
– Xác lập, thực hiện các giao dịch ngoài phạm vi có thể. Chẳng hạn, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân nhân danh pháp nhân xác lập giao dịch với thành viên khác của pháp nhân;
– Xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự mà giá trị của giao dịch vượt quá phạm vi có thể. Chẳng hạn, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân xác lập giao dịch có giá trị cao hơn giá trị mà điều lệ của pháp nhân đã giới hạn. Như vậy, phần vượt quá phạm vi đại diện được hiểu hoặc là các giao dịch nằm ngoài phạm vi có thể hoặc là phần giá trị vượt quá trong các giao dịch mà người đại diện được quyền xác lập.
Điều 143 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện như sau:
Điều 143. Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện
1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:
a) Người được đại diện đồng ý;
b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;
c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.
2. Trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.
3. Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch hoặc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
4. Trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Trân trọng./.