>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191
Cuộc cạnh tranh hiệu quả (CTHQ)- cạnh tranh không ngừng nâng cao chất lượng, đồng thời hạ giá thành sản phẩm- là cuộc cạnh tranh bảo vệ tốt nhất quyền đó và là cuộc cạnh tranh duy nhất được WTO ủng hộ. Nhưng, cuộc CTHQ và quyền TDQĐTD hầu như không được LCT của ta để ý đến. Đó mới là nguyên nhân thực sự của giá sữa cao hiện nay.
Điểm đặc biệt- một nghịch lý mang đặc trưng Việt nam- trong hiện tượng giá sữa cao là NTD vẫn chấp nhận giá cao, không chỉ cao hơn nhiều so với các nước, mà còn vượt xa thu nhập thực tế của họ. Cái gì khiến họ chấp nhận giá cả bất hợp lý như vậy? Điều gì khiến các công ty sữa quốc tế đổ xô vào Việt nam?
Đã là kinh tế thị trường thì Nhà nước (NN) không thể kiểm soát giá cả, trừ một số ngoại lệ. Các tác nhân hoạt động trên thị trường-trong đó có NTD – tự xác định giá cả trong cơ chế hoạt động CTHQ. CTHQ cũng là cạnh tranh lành mạnh nhằm bảo vệ quyền TDQĐTD. Bất kỳ hoạt động CT nào khiến NTD quyết định mua không theo chất lượng và giá cả mặt hàng, đều là cạnh tranh không lành mạnh (CTKLM).
Luật CT của ta chỉ cấm một vài hình thức hoạt động CT gây nhầm lẫn, hoàn toàn không cấm CT gây ngộ nhận (xác tín không đúng với sự thật). Trong khi gây ngộ nhận là một trong số các hoạt động CTKLM phổ biết nhất, thể hiện dưới rất nhiều hình thức. Các công ty kinh doanh sữa thường xuyên quảng cáo sản phẩm của họ có các vi chất tăng trí thông minh, sản xuất theo công thức đặc biệt làm tăng sức đề kháng của trẻ; sử dụng bác sĩ nhi khoa, chuyên gia dinh dưỡng nhận xét về sản phẩm v…v, khiến NTD tin (một cách ngộ nhận) rằng đó là sản phẩm tốt nhất, thích hợp nhất-thậm chí là duy nhất- cho bé yêu của họ. Vì tương lai con trẻ, họ sẵn sàng hạn chế những chi tiêu khác để có tiền mua bằng được sản phẩm tốt nhất ấy. Đó không phải tâm lý sính ngoại, mà là văn hóa tiêu dùng ngộ nhận.
Chi phí thu hút NTD bằng cách làm họ ngộ nhận thấp hơn rất nhiều so với chi phí đầu tư sản xuất nâng cao chất lượng, lại có hiệu quả tức thì, nên doanh nghiệp kinh doanh sữa tập trung khai thác tối đa hình thức quảng cáo gây ngộ nhận. Họ thi nhau dùng những mỹ từ thêu dệt, thổi phồng, tuyệt đối hóa sản phẩm, quảng cáo ở mọi nơi, tranh nhau sử dụng bác sĩ, chuyên viên dinh dưỡng cho quảng cáo.
Do luật CT cũng không cấm hoạt động CT lợi dụng điểm yếu của con người, rất nhiều doanh nghiệp tập trung cạnh tranh theo cách lợi dụng lòng trắc ẩn, lòng tham, thói thích thử vận may của NTD theo kiểu: mua sữa vì trẻ em nghèo; mua sữa hộp trúng số vàng bằng đúng trọng lượng bé v…v. Đây chính là cuộc cạnh tranh quảng cáo. Doanh nghiệp chi tiền ngày càng nhiều để thông qua quảng cáo tạo sức ép tâm lý khiến NTD mua hàng không phải vì chất lượng và giá cả thật sự. Khi giá cả không còn phản ánh đúng quan hệ hợp lý giữa chất lượng – giá thành và không còn là yếu tố quyết định mua của NTD, nó dễ dàng bị doanh nghiệp thao túng tùy thích.
Nằm trong nhóm hành vi cạnh tranh KLM tác động tiêu cực đến quyền TDQĐTD, cạnh tranh gây ngộ nhận và lợi dụng điểm yếu của con người đi ngược lại cuộc CTHQ và bị cấm triệt để tại rất nhiều nước. Luật chống CTKLM của Đức phạt nặng doanh nghiệp gây ngộ nhận, giám đốc doanh nghiệp có thể bị đến 03 năm tù.
Đáp ứng đòi hỏi của NTD, của công luận, cơ quan công quyền đã điều tra, so sánh thành phần, chỉ tiêu chất lượng từng loại sữa và công bố rộng rãi. Việc so sánh như vậy là cần thiết, giúp NTD hiểu rõ chất lượng thực sự của sữa, để dễ dàng và không bị ngộ nhận khi quyết định tiêu dùng. Thế nhưng, việc làm này của các cơ quan công quyền lại là bất hợp pháp vì vi phạm LCT. Khoản 1, Điều 45 LCT của ta cấm so sánh hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Trước 1995, nhiều nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) cũng cấm quảng cáo so sánh. Do nhu cầu bảo vệ người tiêu dùng, khuyến khích CTHQ, sau 1995 EU đã thống nhất bỏ điều cấm này và khuyến khích mạnh mẽ quảng cáo so sánh. Trên thị trường quốc tế, quảng cáo so sánh đã trở thành một hoạt động CT rất phổ biến. Chúng ta cấm quảng cáo so sánh, nhưng không hề định nghĩa thế nào là quảng cáo so sánh.
Nhân vụ giá sữa cao, ta mới phát hiện thêm nhiều hành vi CTKLM chưa được qui định trong LCT. Có hàng trăm hành vi CTKLM trong thực tiễn, nhưng LCT chỉ qui định vỏn vẹn 09 hành vi CTKLM. Điều 45 LCT viết „Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong Luật này bao gồm:…“ sau đó liệt kê 09 hành vi. Lẽ ra chỉ cần viết: Cấm doanh nghiệp thực hiện các hành vi CTKLM, mà đặc biệt là:…(liệt kê 09 hành vi), thì đã khác lắm rồi. Khoản 10, Điều 45 còn làm mọi chuyện trở nên đặc biệt khó xử khi qui định các hành vi CTKLM mới (ngoài 09 hành vi) chỉ bị cấm khi nó được chính phủ qui định (công nhận) là không lành mạnh. Chưa nói đến chuyện vi phạm thẩm quyền của tư pháp, lập pháp, khoản 10 này gián tiếp khuyến khích doanh nghiệp thực hiện hoạt động CT dù đi ngược lại đạo lý kinh doanh. Bởi họ không sợ bị trừng phạt cho đến khi công luận liên tục lên tiếng, đủ để chính phủ xét xem liệu hành vi ấy có bị coi là KLM hay không.
Nhà nước có nhiệm vụ bảo đảm một môi trường cạnh tranh tự do, trong đó doanh nghiệp được tự do cạnh tranh. NN có thẩm quyền can thiệp, ngăn cản việc lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường, sự hình thành các trung tâm độc quyền có thể hạn chế quyền tự do CT của doanh nghiệp. Trong môi trường tự do CT, doanh nghiệp có trách nhiệm CT lành mạnh, bảo vệ và thúc đẩy CTHQ. NN không có thẩm quyền can thiệp vào cuộc CTHQ của doanh nghiệp. Việc Cục Quản lý Cạnh tranh (QLCT) tiến hành điều tra về giá sữa khi không có các biểu hiện độc quyền, lạm dụng vị trí thống lĩnh, liên kết tăng giá, không có đơn khiếu nại, là không đúng thẩm quyền. Cục QLCT có thể nhân danh quyền lợi chung tiến hành điều tra, nhưng phải là điều tra về hành vi CTKLM, nghĩa là điều tra cách thức nâng giá sữa có đi ngược lại chuẩn mực đạo lý kinh doanh hay không, chứ không phải vì sao giá cao. Lẽ ra, Cục QLCT phải tiến hành điều tra việc tăng giá xăng, điện, nước của các công ty độc quyền NN từ lâu rồi, chứ không phải lại đi điều tra giá sữa theo cái cách như hiện nay. Tại sao giá một số sản phẩm khác, chẳng hạn ô tô, cũng cao hơn các nước khác vài lần mà không bị điều tra? Phải chăng cơ quan công quyền chỉ điều tra khi công luận lên tiếng, chứ không phải trên cơ sở trách nhiệm luật định?
Cấm quảng cáo so sánh, chúng ta đã hạn chế tối đa cơ hội tìm hiểu, đánh giá chất lượng sản phẩm giữa các doanh nghiệp của người tiêu dùng. Không cấm quảng cáo gây ngộ nhận,chúng ta khuyến khích doanh nghiệp „xỏ mũi“ người tiêu dùng bằng ngộ nhận. Chính chúng ta đã tạo ra văn hóa tiêu dùng ngộ nhận cho NTD, phong trào cạnh tranh bằng ngộ nhận, bằng lợi dụng điểm yếu của con người cho doanh nghiệp, đã làm luật CT không thể đi vào thực tiễn kinh doanh. Có thể trừng phạt doanh nghiệp vì đã khai thác- một cách hợp pháp-những yếu kém có thật của hệ thống luật pháp, của sự quản lý NN không?
Nhà nước dù rất muốn, cũng không đủ khả năng kiểm soát, kiềm chế giá cả một cách hữu hiệu như thị trường. Hãy để cho thị trường thông qua Luật CT làm điều đó. Nên sửa ngay lập tức-một cách cơ bản- Luật CT của chúng ta.
SG ngày 19.07.2009
NVN
Tài liệu đối chiếu:
A. Luật EU(Sắc lệnh 97/55/EG) và Điều 2 UWG Luật chống CTKLM của CHLB Đức:
“(1) Quảng cáo so sánh là bất kỳ quảng cáo nào trực tiếp hay gián tiếp làm nhận ra một người cùng cạnh tranh hoặc các hàng hóa hay dịch vụ được chào hàng của người cùng cạnh tranh.
(2) Quảng cáo so sánh đi ngược lại đạo lý tốt đẹp theo qui định tại Điều khoản tổng quát chung, nếu sự so sánh:
1. không so sánh hàng hóa hay dịch vụ cho cùng một nhu cầu hoặc cho cùng mục đích;
2……”
Điều khoản tổng quát chung:
„Ai trong quan hệ kinh doanh nhằm mục đích cạnh tranh mà thực hiện những hành vi đi ngược lại đạo lý tốt đẹp thì có thể bị buộc không được thực hiện chúng và bồi thường
thiệt hại.“
B. Luật CT Việt nam:
„Điều 45. Quảng cáo nhắm cạnh tranh không lành mạnh.
Cấm doanh nghiệp thực hiện các hoạt động quảng cáo sau đây:
- So sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác;
- …“
„ Điều 3. Giải thích từ ngữ.
4. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.“
BÀI ĐƯỢC ĐĂNG DƯỚI SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ – GS. TS. NGUYỄN VÂN NAM