Trên Báo Thanh niên số 161 ngày 10/6/2010, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng, hiện nay, có ba vấn đề liên quan đến tăng vốn điều lệ là: không có tiền, tăng vốn dẫn đến tăng dư nợ cho vay vô tội vạ, khả năng quản trị của các ngân hàng không đảm bảo; bên cạnh đó, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa tỏ ra lo lắng về rủi ro của hệ thống ngân hàng ở Việt Nam “Điều đáng lo lắng nhất hiện nay của ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) là họ gần như bỏ đi hoàn toàn chức năng quản lý rủi ro. Tất cả các quyết định hàng ngày của Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và Tổng giám đốc đều không có tiếng nói của quản trị rủi ro”. Chúng tôi xin chia sẻ điều quan tâm nói trên, tuy nhiên, cũng cần phải làm rõ một số vấn đề, nếu không dư luận xã hội và các nhà quản lý chuyên ngành không thể không lo lắng. Vì vậy, trên diễn đàn này, chúng tôi xin được trao đổi với tác giả và cung cấp thêm thông tin để độc giả tham khảo. Nội dung bài viết của chúng tôi xoay quanh 3 ý kiến nêu trên.

>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp gọi số:1900.0191

1. Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam – quá trình phát triển

Cùng với quá trình cải tổ và phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường, hệ thống các tổ chức ở Việt Nam hình thành đa dạng về chủng loại và phát triển nhanh về chiều rộng lẫn chiều sâu. So với những năm đầu của thập kỷ 80, hiện nay, hệ thống NHTMCP(1) Việt Nam đã mạnh hơn nhiều.

Thời gian đầu, hệ thống NHTM ở Việt Nam còn manh mún. Hệ thống ngân hàng chia thành hai loại: NHTMCP đô thị với vốn pháp định là 50 tỷ đồng; NHTMCP nông thôn với vốn pháp định là 2 tỷ đồng. Vốn pháp định đã ba lần điều chỉnh: (i) lần 1, từ 2 tỷ lên 5 tỷ đồng đối với NHTMCP nông thôn; từ 50 tỷ đồng lên 70 tỷ đồng đối với NHTMCP đô thị; (ii) lần 2, điều chỉnh đồng loạt lên 1.000 tỷ đồng đối với NHTMCP đô thị; (iii) đến cuối năm 2010, các NHTMCP phải đáp ứng vốn pháp định đồng loạt là 3.000 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2009 ở Việt Nam có 37 NHTMCP (1) với tổng nguồn vốn chiếm khoảng 42 % toàn hệ thống NHTM(2). Tổng vốn điều lệ xấp xỉ 100.000 tỷ đồng, gấp gần hơn 2 lần vốn điều lệ của các NHTM Nhà nước cộng lại, chiếm khoảng 60% trên toàn bộ vốn điều lệ của hệ thống NHTM. Mạng lưới ngân hàng cổ phần phát triển nhanh chóng, có mặt khắp nơi trên cả nước – từ Lạng Sơn đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ; thậm chí nhiều NHTMCP đã có mặt tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Nguồn lực tài chính mà các NHTMCP huy động từ nền kinh tế chiếm tỷ trọng xấp xỉ 42% trên toàn nguồn huy động của cả hệ thống.

Với nguồn vốn dồi dào như trên, các NHTMCP đã có những đóng góp đáng kể cho phát triển của nền kinh tế. Dư nợ cho vay của hệ thống NHTMCP tính đến thời điểm cuối năm 2009 chiếm gần 35% thị phần của toàn hệ thống NHTM.

Trong các năm theo dõi và phân tích, các ngân hàng đều kinh doanh có lãi, thậm chí lãi cao.

2. Tăng vốn điều lệ liệu có gian nan không?

Theo Nghị định số 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 của Chính phủ, đến cuối năm 2010, các NHTMCP phải đảm bảo mức vốn pháp định là 3.000 tỷ đồng. Có nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng thực hiện Nghị định này của Chính phủ. Các ý kiến xung quanh vấn đề tăng vốn điều lệ như: các ngân hàng sẽ rất khó tăng vốn vì không có tiền, sẽ có ngân hàng không về được đích vào cuối năm; việc tăng vốn điều lệ sẽ tăng tổng tài sản, khi không lấy đâu ra lợi nhuận ngân hàng sẽ mở rộng tín dụng vô tội vạ; tăng vốn điều lệ sẽ vượt khả năng quản trị ngân hàng; làm giảm tỷ lệ cổ tức của cổ đông…

Chúng tôi chia sẻ các băn khoăn trên đây, tuy nhiên, không hoàn toàn đồng tình với cách đặt vấn đề như vậy.

Trước hết, về sự cần thiết phải tăng vốn. Trong tiến trình cải cách và hoàn thiện hệ thống ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu, hàng rào bảo hộ trong hoạt động tài chính ngân hàng phải dỡ bỏ; tăng cuờng độ an toàn và bền vững trong hoạt động thì vốn điều lệ có vai trò quan trọng không những đối với việc chống đỡ rủi ro mà còn đối với việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Như vậy, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết nhằm nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng. Về lý thuyết lẫn thực tiễn, điều này không có gì phải tranh luận. Vấn đề còn lại là các ngân hàng có khả năng thực hiện tăng vốn hay không?

Thứ hai, liệu các ngân hàng có thể tăng được vốn? Chắc chắn đợt tăng vốn lần này không phải dễ dàng đối với tất cả các ngân hàng. Nguyên nhân có nhiều, nhưng điều dễ nhận thấy là trong các năm 2008 – 2009, nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp nói riêng đối mặt với những khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính Mỹ và lan tỏa thành khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, biến động thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, cũng như tâm lý của các nhà đầu tư về cuộc khủng hoảng nói trên, trong chừng mực nhất định, có tác động đến việc tăng vốn điều lệ của các NHTM. Tuy nhiên, nói như vậy cũng không phải là hoàn toàn khó trong việc tăng vốn lần này đối với nhiều ngân hàng. Đơn cử, trong 12 NHTMCP hoạt động trên địa bàn Hà Nội thì đã có 6 ngân hàng về đích trước thời gian (Thời điểm cuối tháng 4/2010) (Bảng 1).

Bảng 1

Tên NH

Vốn ĐL

Tên NH

Vốn ĐL

NHTMCP Nhà Hà nội

3.000.000

NHTMCP Quân đội

5.300.000

NHTMCP  Hàng Hải

3.000.000

NHTMCP Quốc tế

3.000.000

Ngân hàng TMCP Kỹ thương VN

5.400.417

NHTMCP Đông Nam Á

5.068.545

Thứ ba, đối với quan ngại về việc sau khi tăng vốn điều lệ, ngân hàng sẽ mở rộng tín dụng vô tội vạ. Về cảm tính, tôi đồng tình với ý kiến đó, song về thực tiễn thì hoàn không như vậy. Chúng ta nên nhớ rằng, hệ thống NHTM Việt Nam đã có một bề dày lịch sử nhất định, đã tích lũy được những kinh nghiệm trong quản trị, điều hành, đặc biệt cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua đã để lại cho nhiều tổ chức, cá nhân những bài học quý giá. Nếu như ý kiến này được đưa ra cách đây 10-15 năm vào thời kỳ sơ khai của hệ thống thì có thể hiểu được. Ngày nay, với hệ thống quản lý và giám sát của các cơ quan chuyên ngành, cũng như hệ thống quản trị nội bộ tiên tiến thì việc “cho vay vô tội vạ” để có lãi sẽ không có ngân hàng nào thực hiện, mà nếu có thì cũng hãn hữu.

Kết quả nghiên cứu các ngân hàng đã “về đích” trên địa bàn Hà Nội đã minh chứng cho nhận định trên đây của chúng tôi. Trong số 6 ngân hàng đã tăng vốn, thì dư nợ tín dụng 30/4/2010 so với cuối năm 2009 tăng rất ít, thậm chí có ngân hàng giảm dư nợ.

Tình hình tăng trưởng dư nợ tín dụng của các ngân hàng đã đáp ứng yêu cầu vốn pháp định đến thời điểm 30/4/2010 so với 31/12/2009 (%) (Bảng 2).

Bảng 2

Ngân hàng

NHTMCP Nhà Hà nội

NHTMCP

Hàng hải

NHTMCP

Kỹ thương

NHTMCP

Quân đội

NHTMCP

Đông N.Á

NHTMCP

Quốc tế

4.2010/01.01.2010

        -9

         1,5

           5,8

         8,5

          1,8

       6,3

Như vậy, với tốc độ như trên thì bình quân cả năm dư nợ của các ngân hàng trong bảng 2 khó có thể vượt quá 25%.

3. Về việc “quên quản trị rủi ro”

“Điều đáng lo lắng nhất hiện nay của NHTMCP là họ gần như bỏ đi hoàn toàn chức năng quản lý rủi ro. Tất cả các quyết định hàng ngày của Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc không có tiếng nói của quản trị rủi ro” (TS Lê Xuân Nghĩa – Thanh niên số 161). Đem vấn đề này trao đổi với một số chuyên gia, đồng nghiệp, nhiều ý kiến không đồng tình với nhận định trên đây. Có thể, trong hoạt động của NHTM còn nhiều điểm yếu với các mức độ khác nhau. Có thể một vài ngân hàng nào đó chưa có hệ thống quản trị rủi ro và giám sát hoàn hảo (Ví dụ đối với ngân hàng mới đi vào hoạt động). Nếu thực tiễn đúng như nhận định rằng, “NHTMCP bỏ đi hoàn toàn chức năng quản lý rủi ro”, thì vấn đề không phải đơn giản nữa, có thể nói rằng, hệ thống NHTMCP coi như “hỏng”. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu và giảng dạy thì thực trạng không đến nỗi nghiêm trọng như vậy. Hiện nay, các NHTMCP đã áp dụng nhiều chương trình quản trị tiên tiến; có nhiều chính sách tín dụng đáp ứng yêu cầu quản trị rủi ro, nhiều ngân hàng đã thực hiện chương trình xếp hạng tín dụng nội bộ; quy trình thẩm định, phê duyệt và phân cấp phê duyệt khá chặt chẽ, thậm chí quá mức đến nỗi đi ngược lại với tiến trình cải cách hành chính… Thậm chí, nhiều ngân hàng chỉ cấp hạn mức phê duyệt tín dụng cho các đơn vị trực thuộc không quá 500 triệu đồng.

Theo chúng tôi, vào thời điểm nhạy cảm này, khi mà các ý kiến, quan điểm khác nhau nhìn nhận về tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước cần kiểm tra, đánh giá hệ thống quản trị rủi ro của NHTM, nếu ngân hàng nào chưa đáp ứng được yêu cầu về cả tổ chức, nội dung hoạt động thì phải hoàn thiện. Trên cơ sở kiểm tra, đánh giá, Ngân hàng Nhà nước cần có thông tin công khai để người dân nắm được thực trạng của hệ thống tài chính – ngân hàng hiện nay. Có như vậy, chúng ta mới đảm bảo được an ninh cho hoạt động của hệ thống ngân hàng, bởi lẽ quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng là một cấu thành quan trọng trong chuỗi các mắt xích an ninh tài chính quốc gia.

Nếu tôi là một khách hàng của NHTM nào đó về tín dụng hay tiền gửi, thông tin về việc “NHTM bỏ chức năng quản lý rủi ro”, tôi sẽ lập tức “bỏ chạy”.

4. Lạm bàn về việc tổ chức thực hiện Nghị định 141 của Chính phủ

Thời gian của lộ trình tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng không còn nhiều. Có thể, có một số ngân hàng nào đó không có đủ điều kiện tăng vốn, nhưng dưới sức ép sáp nhập, vì sự sống còn, họ sẽ tăng vốn bằng mọi giá, kể cả bằng các nguồn không hợp pháp và hợp lệ thì sự việc sẽ còn tồi tệ hơn.

Nên chăng lộ trình tăng vốn cần bổ sung thêm thời kỳ quá độ, sau ngày 31/12/2010. Điều đó có thể được xem xét, vì khi Nghị định 141 của Chính phủ ra đời, không ai có thể dự đoán được tình hình kinh tế – xã hội diễn ra không thuận lợi như vừa qua, đặc biệt là khủng hoảng tài chính thế giới.

Thời kỳ quá độ nói trên có thể là một năm. Trong năm đó, Ngân hàng Nhà nước cần có chế tài đối với các ngân hàng không đáp ứng đủ vốn theo lộ trình – đến 31/12/2010; cuå thïí:

– Đối với các ngân hàng đã đủ vốn điều lệ theo lộ trình, sẽ:

+ Xếp loại AAA.

+ Ưu tiên về tài sản cầm cố trong quan hệ tín dụng với Ngân hàng Nhà nước.

– Đối với ngân hàng không đủ vốn 3.000 tỷ đồng.

+ Xếp loại BBB hoặc CCC.

+ Áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đặc thù, cao hơn mức chung.

+ Hạn chế vay và yêu cầu phải có tài sản cầm cố.

+ Yêu cầu dự trữ thanh khoản cao hơn…

+ Tăng cường hoạt động kiểm soát từ phía Ngân hàng Nhà nước.

Kết thúc thời kỳ quá độ đó, ngân hàng nào không đáp ứng đủ vốn, sẽ sáp nhập hoặc được xử lí bằng các chế tài khác.

Thay cho lời kết

Nhìn nhận và đánh giá một hệ thống, một tổ chức, một con người cần phải đặt trong xu thế vận động và phát triển. Nếu quản lý hoặc tư tưởng quản lý được thực hiện và hình thành trên nền tảng phạm trù triết học “ cái chung trong cái riêng” thì hệ thống kinh tế – xã hội sẽ bền vững và ổn định hún.n

(1) NHTMCP không bao gồm 2 NHTM Nhà nước đã cổ phần hóa là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.

(2) Hệ thống NHTM bao gồm NHTM Nhà nước, NHTM cổ phần, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 12 NĂM 2010 – TS. PHAN VĂN TÍNH – Viện nghiên cứu quốc tế về hệ thống và biện chứng

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)