WTO có 4 chức năng chính, đó là:

  1. Hỗ trợ và giám sát việc thực hiện các hiệp định của WTO;
  2. Thúc đẩy tự do hóa thương mại và là diễn đàn cho các cuộc đàm phán thương mại;
  3. Giải quyết tranh chấp thương mại giữa các thành viên;
  4. Rà soát chính sách thương mại của các thành viên.

>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi: 1900.0191

Luật sư tư vấn pháp luật đầu tư nước ngoài

Luật sư tư vấn pháp luật đầu tư nước ngoài Ảnh minh họa

Mục tiêu hoạt động của WTO là nhằm thúc đẩy tăng trưởng thương mại hàng hóa và dịch vụ trên thế giới; thúc đẩy sự phát triển các thể chế thị trường, giải quyết các bất đồng và tranh chấp thương mại giữa các nước thành viên trong khuôn khổ của hệ thống thương mại đa phương, phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của công pháp quốc tế; khuyến khích các nước hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, đồng thời nâng cao mức sống, tạo thu nhập, việc làm cho người dân các nước thành viên, bảo đảm các quyền và tiêu chuẩn lao động-xã hội tối thiểu được tôn trọng. WTO cũng đưa ra 4 nguyên tắc trong quan hệ thương mại, đó là: Chỉ được phép bảo hộ sản xuất và dịch vụ trong nước bằng thuế quan, không cho phép sử dụng các hạn chế định lượng (trừ trường hợp đặc biệt); thuế quan phải giảm dần và không tăng trở lại; áp dụng đãi ngộ tối huệ quốc; áp dụng đãi ngộ quốc gia.

Để thực hiện tốt chức năng và mục tiêu của mình, hoạt động của WTO chủ yếu dựa trên 18 hiệp định chính và 1 bộ quy tắc, bao gồm cả Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Agreement on Technical Barries to Trade – TBT).

Hiệp định TBT (sau đây gọi là Hiệp định) gồm 6 phần với 15 điều và 3 phụ lục, thừa nhận tầm quan trọng của các tiêu chuẩn quốc tế và các hệ thống đánh giá sự phù hợp, đồng thời mong muốn tăng cường việc xây dựng những tiêu chuẩn và hệ thống này. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn và văn bản pháp quy kỹ thuật cũng như các quy trình đánh giá sự phù hợp không được tạo ra những trở ngại không cần thiết đối với thương mại quốc tế. Các nước thành viên có quyền áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo đảm chất lượng hàng hóa xuất khẩu của mình hoặc để bảo vệ cuộc sống, sức khỏe con người, động, thực vật và bảo vệ môi trường… với điều kiện không tạo ra sự phân biệt đối xử hoặc không công bằng giữa các nước có điều kiện như nhau và phải phù hợp với các quy định của Hiệp định.

Đối tượng áp dụng của Hiệp định bao gồm tất cả các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp, trừ các yêu cầu đối với việc mua sắm sản phẩm do các cơ quan chính phủ đề ra và yêu cầu tiêu dùng của các cơ quan chính phủ, các biện pháp vệ sinh động vật và thực vật.

Trong việc ban hành và áp dụng các văn bản pháp quy kỹ thuật và tiêu chuẩn, Hiệp định yêu cầu các thành viên phải bảo đảm không phân biệt đối xử đối với các sản phẩm tương tự có xuất xứ từ bất cứ thành viên nào, không tạo ra những trở ngại không cần thiết đối với thương mại quốc tế; không được tiếp tục duy trì, áp dụng nếu bối cảnh hay mục tiêu đề ra khi ban hành không còn tồn tại hoặc có thể áp dụng phương thức ít gây hạn chế thương mại hơn. Dự thảo văn bản pháp quy kỹ thuật và tiêu chuẩn phải được đưa ra cho các thành viên góp ý kiến ít nhất là 60 ngày trước khi chính thức có hiệu lực (trừ trường hợp khẩn cấp) và phải giải thích, trả lời đầy đủ các câu hỏi của thành viên nếu có. Các văn bản pháp quy kỹ thuật và tiêu chuẩn đã ban hành phải được công bố để các thành viên biết và sao gửi nếu thành viên yêu cầu. Các quy định và quy trình đánh giá sự phù hợp cũng phải tuân thủ các nguyên tắc tương tự như trên.

Đối với công tác thông tin và trợ giúp, Hiệp định yêu cầu các thành viên phải có đầu mối liên lạc có khả năng trả lời tất cả những yêu cầu hợp lý của các thành viên khác và các bên quan tâm cũng như cung cấp những tài liệuliên quan tới văn bản pháp quy kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp. Khi có yêu cầu, các thành viên, đặc biệt là các nước phát triển, phải tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên khác trong việc soạn thảo các văn bản pháp quy kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp.

Việt Nam được kết nạp vào WTO ngày 07/11/2006 và chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này từ ngày 11/01/2007. Đối với Hiệp định TBT, Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ và toàn diện Hiệp định kể từ thời điểm gia nhập. Để thực hiện cam kết này, Chính phủ đã chủ động chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình hành động từ năm 2002, đồng thời ban hành Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 26/5/2005 về việc phê duyệt Đề án triển khai thực hiện Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại và Quyết định số 114/2005/QĐ-TTg ngày 26/5/2005 về việc thành lập và ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới Cơ quan thông báo và Điểm hỏi đáp của Việt Nam về hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Cho đến nay, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai thành lập mạng lưới văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp theo quy định. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện.

Việc thực hiện các yêu cầu của Hiệp định TBT của Việt Nam đã được triển khai kịp thời và đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động, vẫn còn một số hạn chế và tồn tại, như:

– Số lượng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện hành của Việt Nam chưa hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế còn khá lớn (chiếm trên 70%);

– Tiến độ xây dựng một số đề án liên quan đến hoạt động đánh giá hợp quy còn chậm do chưa có sự chỉ đạo sát sao và sự phối hợp tích cực giữa các cơ quan liên quan;

– Việc thành lập Điểm TBT tại một số địa phương còn gặp khó khăn;

– Tại các Điểm TBT đã được thành lập, cán bộ chủ yếu là kiêm nhiệm, công việc hoàn toàn mới mẻ nên nhiều khi còn lúng túng trong việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ cụ thể;

– Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiệp định TBT còn yếu.

Để thực hiện tốt việc triển khai áp dụng Hiệp định, trong năm 2007 và các năm tiếp theo, cần phải thực hiện một số công việc sau:

– Tập trung rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia; quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá hợp quy hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng yêu cầu của Hiệp định TBT;

– Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thực hiện các đề án về hoạt động đánh giá hợp quy;

– Nghiên cứu quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại liên quan đến Hiệp định TBT, chủ động xử lý các tranh chấp này, nếu có;

– Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về Hiệp định TBT; hỗ trợ các Điểm TBT địa phương trong thực hiện nhiệm vụ;

– Bổ sung nhân sự và tổ chức đào tạo cho mạng lưới cơ quan thông báo và điểm hỏi đáp về TBT bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ, đặc biệt là các quy trình thông báo và xử lý thông báo (Phụ lục I);

– Tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiệp định TBT tới các tổ chức, cá nhân liên quan.

Nghiên cứu và thực thi đầy đủ các quy định của Hiệp định là việc làm cần thiết của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

SOURCE: THS. VŨ THẾ QUANG – Cục Hàng hải Việt Nam