1/ Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật dân sự năm 2005;
2/ Hiệu lực của giao dịch dân sự do người chưa thành niên xác lập
Theo như thông tin mà bạn cung cấp thì con gái của bạn đã mua một chiếc điện thoại di động của một cửa hàng bán điện thoại cũ, như vậy, con gái của bạn đã xác lập một giao dịch dân sự với người chủ cửa hàng, căn cứ theo Điều 122 của bộ luật dân sự năm 2005 quy định về Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:
“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
2. Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.”
Trong đó, năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Theo quy định của pháp luật, do con bạn chưa đủ 18 tuổi nên cháu không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo điều kiện trên, căn cứ theo Điều 20 của Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi như sau:
“1. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.
2. Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Do hành vi mua điện thoại di động không được coi là giao dịch dân sự nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi, cũng như con bạn không có tài sản riêng mà tài sản đó là của vợ chồng bạn, do đó, giao dịch dân sự khi mua chiếc điện thoại di động là giao dịch không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và được coi là giao dịch dân sự vô hiệu căn cứ theo Điều 130 của bộ luật dân sự năm 2005 quy định như sau:
“Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Toà án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện.”
Như vậy, gia đình bạn có thể yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự nói trên là vô hiệu do không đủ điều kiện theo pháp luật, tòa án sẽ giải quyết cho bạn và tuyên bố về Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu căn cứ theo Điều 137 của bộ luật dân sự năm 2005 quy định như sau:
“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.”
Trân trọng ./.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Luật LVN Group biên tập