Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.0191

1. Cơ sở pháp lý:

– Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP

2. Vì sao cần thiết xác định hiệu lực thời gian của án lệ?

Đối với văn bản pháp luật thì việc xác định hiệu lực về thời gian tương đối rõ ràng theo các nguyên tắc hiệu lực về thời gian thường được quy định trong một đạo luật chuyên biệt.

Trong khi đó, những vấn đề liên quan đến việc xác định thời điểm có hiệu lực và thời điểm chấm dứt hiệu lực của án lệ không rõ ràng bởi các án lệ thường tồn tại dưới hình thức các bản án, quyết định.

Khi tòa án ban hành các bản án, quyết định là nhằm giải quyết vụ việc đang đặt ra chứ không phải nhằm mục đích làm luật để áp dụng về sau. Vì vậy, khi tòa án bác bỏ án lệ cũ thay thế bằng án lệ mới dẫn đến vấn đề rất phức tạp là cần phải xác định hiệu lực của án lệ mới như thế nào. Án lệ này chỉ có thể áp dụng đối với những hành vi, sự kiện xảy ra sau khi bản án, quyết định được ban hành hay còn có thể áp dụng đối với những hành vi, sự kiện xảy ra trước ngày bản án, quyết định được ban hành.

Tòa án ở các nước thông luật lẫn ở các nước dân luật đều gặp rất nhiều khó khăn để giải quyết vấn đề này.

3. Quan điểm về xác định hiệu lực về thời gian của án lệ

Có thể nói, đây là một trong những vấn đề phức tạp và gây tranh cãi nhất trong việc thực hiện chức năng áp dụng án lệ của tòa án ở các nước thông luật. Không có một nguyên tắc chung thống nhất về việc xác định hiệu lực của án lệ ở các nước thông luật, thậm chí các thẩm phán trong cùng một hội đồng xét xử cũng có những quan điểm trái chiều về vấn đề này. Nhìn chung, có hai khuynh hướng xác định hiệu lực của án lệ khi thay đổi án lệ như sau:

3.1. Khuynh hướng xác định hiệu lực hồi tố (retrospective overruling)

Khuynh hướng này gắn với quan niệm cho rằng, tòa án thực hiện chức năng xét xử giải quyết cụ thể vụ việc đặt ra trước tòa án chứ không phải thực hiện chức năng lập pháp giống như nghị viện – tạo ra các quy phạm mang tính khái quát để áp dụng về sau. Tòa án ban hành các bản án, quyết định là nhằm giải quyết vụ việc – vấn đề pháp lý đang đặt ra trước tòa án chứ không phải nhằm mục đích làm luật để các tòa án áp dụng về sau. Nói cách khác, tòa án tập trung đưa ra giải pháp nhằm giải quyết vấn đề pháp lý đang đặt ra chứ không quan tâm đến hiệu lực trở về trước của quyết định đó (án lệ). Vì vậy, khi tòa án áp dụng án lệ mới sẽ dẫn đến tình trạng hiệu lực hồi tố của án lệ.

Chẳng hạn, khi giải quyết vụ Boomers v Atlantic Cement Co năm 1970, Tòa phúc thẩm New York đã bác bỏ án lệ cũ được hình thành trong vụ Whalen và Union Bag Paper Co năm 1913 (Whalen v Union Bag Paper Co 208 N. Y. 1. (N. Y. 1913) và quyết định bị đơn không phải đóng cửa nhà máy. Nếu tòa án áp dụng án lệ cũ thì yêu cầu đóng cửa nhà máy của nguyên đơn sẽ được chấp nhận. Rõ ràng áp dụng án lệ mới này dẫn đến tình trạng hiệu lực hồi tố – sự kiện, hành vi xảy ra trước khi tòa án tạo lập án lệ mới. Một ví dụ khác, là R và R năm 1991 (R v R [1992] 1 A.C. 599, House of Lords) do Tòa tối cao của Anh giải quyết. Tòa này đã bãi bỏ án lệ trước đây cho rằng tội hiếp dâm không tồn tại trong quan hệ hôn nhân và kết án người chồng (bị cáo) phạm tội hiếp dâm khi đã cố ý thực hiện hành vi hãm hiếp người vợ. Trách nhiệm hình sự được xác định theo án lệ này của tòa án rõ ràng cũng mang tính hồi tố.

Khuynh hướng này được ủng hộ bởi học thuyết tuyên bố pháp luật (declartory of law theory) của các luật gia thông luật cổ điển như Hale, Blackstone…. Theo đó, các thẩm phán không làm ra luật mà chỉ tuyên bố, khám phá cái gì là pháp luật. Các phán quyết của tòa án là hiện thân của pháp luật chứ không phải là pháp luật. Vì vậy, Blackstone cho rằng không thể đồng nhất pháp luật với quan điểm của thẩm phán bởi vì có thể xảy ra tình trạng thẩm phán có lỗi trong việc xác định nội dung của pháp luật. Như vậy, khi tòa án bác bỏ án lệ cũ thay thế án lệ mới cũng có nghĩa là tòa án sau sửa lỗi các thẩm phán trước khi xác định không đúng nội dung của pháp luật nên vấn đề hiệu lực hồi tố của án lệ không đặt ra theo học thuyết tuyên bố pháp luật.

Ngoài ra, khuynh hướng này cũng phản đối khuynh hướng chỉ xác định hiệu lực về sau của án lệ bởi các lý do chủ yếu sau:

a. nếu cho phép tòa án xác định hiệu lực về sau của án lệ sẽ biến các thẩm phán thành các nhà lập pháp thực thụ nên sẽ dẫn đến nguy cơ tòa án lấn át quyền lập pháp của nghị viện;

b. có thể tạo ra tình trạng bất bình đẳng trước pháp luật khi đơn giản chỉ dựa vào thời điểm ban hành quyết định của tòa án. Đến nay, các nước thông luật theo khuynh hướng này điển hình là Úc, Anh.

3.2. Khuynh hướng xác định hiệu lực về sau (prospective overruling)

Việc chấp nhận hiệu lực hồi tố của án lệ khi bác bỏ án lệ dường như đi ngược lại với yêu cầu của nguyên tắc pháp quyền. Pháp luật là những quy tắc hướng dẫn hành vi nên nó cần phải được các chủ thể biết trước, nghĩa là cần phải bảo đảm tính dự đoán của pháp luật. Các luật gia La Mã cổ đại thường có hai thành ngữ: “Nulla peona sine crimen”- (no penalty without a crime – không thể áp dụng hình phạt nếu không phải là tội phạm); “nulla crimen sine lega”- (no crime without a law – không thể coi là tội phạm nếu pháp luật không quy định). Một trong tám nguyên tắc của pháp quyền theo Lon Fuller yêu cầu là pháp luật phải có hiệu lực về sau (prospective). Jeremy Bentham đã phê phán phương thức tạo ra pháp luật thông luật (án lệ) của các thẩm phán một cách đột ngột thông qua việc so sánh một cách hình tượng như sau: “Các thẩm phán tạo ra pháp luật án lệ. Bạn có biết họ tạo ra như thế nào không? Cũng giống như một người tạo ra luật cho con chó của mình. Đến khi con chó của bạn đã làm điều gì rồi lúc đó bạn mới cho rằng nó đã vi phạm, rồi trừng phạt nó. Đây là cách bạn làm luật cho chó của mình: và đây cũng là cách mà các thẩm phán làm luật cho bạn và tôi”. Vì vậy, áp dụng hiệu lực hồi tố khi thay đổi án lệ thường bị các học giả phê phán, cũng có thể xem là điểm hạn chế của nguyên tắc án lệ (doctrine of stare decisis).

Có thể nói, các thẩm phán của tòa án ở Hoa Kỳ là những người tiên phong theo khuynh hướng xác định hiệu lực về sau của án lệ nhằm tránh hệ quả tiêu cực của việc áp dụng hiệu lực hồi tố của án lệ. Vụ án nổi tiếng mở màn cho khuynh hướng xác định hiệu lực về sau của án lệ ở Hoa Kỳ là vụ Great Northern Railway v Sunburst Oil & Refining Co. Trong vụ việc này, Tòa tối cao của bang Montana bác bỏ án lệ cũ hình thành trong vụ Doney v Northern Pacific Railway Co. năm 1921 với lý do án lệ này đã giải thích văn bản pháp luật không đúng. Tuy nhiên, Tòa này lại xác định án lệ mới – cách giải thích mới chỉ có hiệu lực sau ngày tòa án ra phán quyết, còn vụ việc hiện tại vẫn áp dụng án lệ cũ – cách giải thích cũ nên bên bị (Sunburst) vẫn thắng kiện. Vụ việc này được xem xét bởi Tòa Tối cao Liên bang Mỹ năm 1932, yêu cầu của Railway xem xét về tính hợp hiến của quyết định này. Tòa tối cao Liên bang đã từ chối yêu cầu của Railway bằng một quyết định thống nhất giữa các thẩm phán được viết bởi Thẩm phán Cardozo. Nội dung của quyết định này cho rằng, trong việc xác định phạm vi tuân theo án lệ một bang có thể tự mình lựa chọn xác định hiệu lực về trước hoặc về sau bởi Hiến pháp Liên bang không cấm điều này.

Các học giả thông luật thường phân chia hiệu lực về sau trong trường hợp bác bỏ án lệ thành hai hình thức:

– Án lệ mới có hiệu lực về sau mang tính thuần túy (pure prospectivity), xác định hiệu lực của án lệ mới chỉ áp dụng đối với các vụ việc xảy ra sau ngày ban hành phán quyết, còn vụ việc đang được tòa án giải quyết vẫn áp dụng án lệ cũ. Ví dụ, án lệ được hình thành trong vụ Great Northern Railway Co. v. Sunburst Oil & Refining Co là hình thức xác định hiệu lực về sau mang tính thuần túy. Hình thức này bị phê phán bởi nhiều lý do: (i) cản trở quá trình phát triển bình thường của thông luật; (ii) hạn chế các bên đương sự tham gia kiện tụng bởi lẽ dù án lệ có thay đổi thì tình trạng pháp lý của họ cũng không thay đổi; (iii) biến các thẩm phán thành các nhà lập pháp thực thụ dẫn đến nguy cơ lấn át quyền lập pháp của nghị viện.

– Án lệ mới có hiệu lực về sau mang tính lựa chọn (selective prospective), xác định án lệ mới không những áp dụng đối với các vụ việc xảy ra trong tương lai (sau ngày ban hành phán quyết) mà còn áp dụng đối với vụ việc hiện tại tòa án đang giải quyết. Điểm hạn chế rõ ràng của hình thức này là có thể tạo sự bất bình đẳng giữa vụ việc tòa án giải quyết đưa ra án lệ mới với các vụ việc tương tự nhưng chưa xét xử.

Nhằm tránh sự chỉ trích vào những điểm hạn chế của hình thức xác định hiệu lực về sau của án lệ mới, cả trong thực tiễn tư pháp lẫn các bài viết học thuật gần đây có xu hướng thay thế hình thức “prospective overruling” (bác bỏ có hiệu lực về sau) bằng hình thức “non –retroactive overruling” (bất hồi tố khi bác bỏ án lệ).

Hiệu lực bất hồi tố khi bác bỏ án lệ là không áp dụng án lệ mới trước ngày ra phán quyết nhưng phải xem xét áp dụng hiệu lực này là cần thiết trong từng vụ việc, tình huống tranh chấp cụ thể chứ không phải đương nhiên mọi trường hợp khi có án lệ mới đều chỉ áp dụng hiệu lực về sau.

Điều này dẫn đến nhu cầu xây dựng những tiêu chí nhất định để tòa án dựa vào đó có thể xác định sự cần thiết của việc áp dụng hiệu lực bất hồi tố của án lệ nhằm bảo đảm tính ổn định, có thể dự đoán và công bằng của pháp luật. Hình thức hiệu lực bất hồi tố của án lệ mới thường được áp dụng đối với các vụ việc trong lĩnh vực pháp luật hình sự, pháp luật công.

Hình thức này được Tòa tối cao Hoa Kỳ áp dụng vào năm 1971 trong vụ Chevron Oil Co v Huson. Trong vụ việc này, thẩm phán Stewart đưa ra ba yếu tố hay tiêu chuẩn để đánh giá cho việc áp dụng hiệu lực bất hồi tố của án lệ sau đây: (i) án lệ mới phải tạo ra một nguyên tắc mới của pháp luật hay không; (ii) kết quả và sự tác động của quy tắc án lệ mới nếu áp dụng hiệu lực hồi tố; (iii) phạm vi quy mô các vụ việc rơi vào tình trạng bất bình đẳng trước pháp luật nếu áp dụng hiệu lực bất hồi tố của án lệ.

Tuy nhiên, đến đầu những năm 1990, Tòa này đã thay đổi quan điểm là chấp nhận áp dụng hiệu lực hồi tố của án lệ khi thay đổi án lệ.

Ở các nước dân luật, vấn đề cần xác định hiệu lực về thời gian của các phán quyết tư pháp đặt ra chậm hơn các nước thông luật bởi vì ở các nước này không tồn tại nguyên tắc án lệ bắt buộc cũng như các quyết định tư pháp là một loại nguồn luật chính thức bắt buộc.

Theo nguyên tắc phân quyền thì quyền lập pháp được trao cho nghị viện nên các quyết định của tòa án không tạo ra các quy phạm pháp luật mang tính bắt buộc chung mà bị buộc phải tuân theo văn bản pháp luật và tập quán. Vì vậy, văn bản pháp luật thì không áp dụng hiệu lực hồi tố, nhưng các quyết định có chứa giải pháp pháp lý mới mang tính hồi tố. Hơn nữa, án lệ ở các nước dân luật vận hành theo nguyên tắc jurisprudence constante – án lệ được hình thành thông qua hàng loạt các quyết định tư pháp có cùng khuynh hướng (cùng giải pháp pháp lý). Vì vậy, khó có thể xác định hiệu lực về thời gian của án lệ một cách chính xác được.

Mặc dù vậy, việc áp dụng hiệu lực hồi tố của án lệ khi tòa án thay đổi giải pháp pháp lý hay án lệ cũng để lại những hệ quả tiêu cực, ví dụ như, phá bỏ tính có thể dự báo của pháp luật, làm xáo trộn các quan hệ xã hội, gia tăng chi phí…

4. Nguyên tắc xác định hiệu lực thời gian của án lệ theo quy định của pháp luật Việt Nam

Pháp luật hiện hành có quy định rõ thời điểm phát sinh hiệu lực lẫn thời điểm chấm dứt hiệu lực của án lệ. Thời điểm phát sinh hiệu lực của án lệ được quy định tại khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết số 04/2019/NQ – HĐTP: “Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố”. Còn thời điểm chấm dứt hiệu lực của án lệ được quy định tại Điều 9 của Nghị quyết số 03/2015/NQ – HĐTP như sau:

“1. Án lệ đương nhiên bị bãi bỏ trong trường hợp án lệ không còn phù hợp do có sự thay đổi của pháp luật.

2. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định, việc bãi bỏ án lệ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Án lệ không còn phù hợp do chuyển biến tình hình;

b) Bản án, quyết định có nội dung được lựa chọn phát triển thành án lệ đã bị hủy, sửa toàn bộ hoặc phần liên quan đến án lệ”.

Những quy định này dẫn đến cách xác định thời điểm có hiệu lực của án lệ ở Việt Nam khác với cách xác định ở các nước khác trên thế giới.

Như chúng ta đã biết, ở hầu hết các quốc gia thông thường vấn đề về hiệu lực thời gian của án lệ không được quy định cụ thể, rõ ràng trong các văn bản pháp luật bởi vì án lệ tồn tại dưới hình thức các bản án, quyết định của tòa án. Tòa án ban hành các bản án, quyết định là nhằm giải quyết vụ việc đặt ra trước tòa án chứ không phải ban hành pháp luật để áp dụng cho các vụ việc về sau. Vì vậy, thời điểm có hiệu lực của án lệ được xác định vào thời điểm tòa án ban hành bản án, quyết định nhưng ở Việt Nam xác định thời điểm có hiệu lực của án lệ là “sau 30 ngày kể từ ngày công bố’”.

Trong trường hợp bãi bỏ án lệ thì “Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành thông báo bãi bỏ án lệ, trong đó xác định rõ thời điểm án lệ bị bãi bỏ”.

Thông qua những quy định này có thể thấy rằng, ở Việt Nam có xu hướng xác định hiệu lực về sau của án lệ khi có sự thay đổi án lệ (pure prospective overruling). Còn vấn đề có cho phép tòa án áp dụng hiệu lực trở về trước (hồi tố) của án lệ hay không và trong trường hợp nào có thể áp dụng hiệu lực hồi tố thì pháp luật hiện hành không có quy định. Vì vậy, có thể hiểu rằng, các tòa án ở Việt Nam hiện nay không được phép áp dụng hiệu lực hồi tố của án lệ. Thực chất, nếu xác định rõ thời điểm có hiệu lực của án lệ và chỉ áp dụng hiệu lực về sau của án lệ mới có thể dẫn tình trạng bất bình đẳng, nguyên tắc tương tự không thể thực hiện trong hoạt động áp dụng án lệ bởi sự gián đoạn của thời gian có hiệu lực của án lệ. Hai vụ việc A và B có tình tiết tương tự nhau nhưng xảy ra ở hai thời điểm khác nhau có thể không được giải quyết như nhau. Nếu vụ việc A xảy ra trước một ngày so với thời điểm có hiệu lực của án lệ tức là tòa án phải áp dụng án lệ cũ. Trong khi vụ việc B xảy ra sau một ngày so với vụ việc A thì tòa án áp dụng án lệ mới có kết quả có thể khác so với kết quả của vụ việc A. Như vậy, nếu chỉ chấp nhận hiệu lực về sau thì các vụ việc giống nhau nhưng giải quyết khác nhau nên không thể đạt được sự công bằng. Thực chất, cách thức quy định rõ thời điểm phát sinh và chấm dứt hiệu lực phù hợp với nguồn văn bản pháp luật chứ không phù hợp với nguồn luật án lệ. Bởi vì sự thay đổi của văn bản pháp luật luôn phải trải qua một quá trình dài và mang tính dự báo còn sự thay đổi của án lệ không thể mang tính dự báo.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập