1. Quảng cáo mỹ phẩm

1. Khái niệm mỹ phẩm

       Khái niệm mỹ phẩm được quy định tại Điều 2 Thông tư số 06/2011/TT-BYT Quy định về quản lý mỹ phẩm: “Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và cơ quan sinh dục ngoài) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt”.

2. Khái niệm quảng cáo mỹ phẩm 

Theo Điều 2 Luật quảng cáo năm 2012: “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân”. Khái niệm này bao hàm cả quảng cáo thương mại lẫn quảng cáo phi thương mại. Về định nghĩa quảng cáo thương mại, Điều 102 Luật thương mại năm 2005 quy định: “Quảng cáo thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của mình”.

Khái niệm quảng cáo mỹ phẩm được quy định tại Điều 2 Thông tư 06/2011/TT-BYT: “Quảng cáo mỹ phẩm là các hoạt động giới thiệu, quảng bá mỹ phẩm nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất, bán, sử dụng mỹ phẩm”. Từ quy định này có thể thấy quảng cáo mỹ phẩm cũng là quảng cáo thương mại.

Từ quy định trên, ta có thể thấy quảng cáo mỹ phẩm chính là một hoạt động xúc tiến thương mại bởi vì nó mang những dấu hiệu, tính chất của hoạt động xúc tiến thương mại. Quảng cáo mỹ phẩm là hoạt động mang tính chất giới thiệu hàng hóa là mỹ phẩm cho người có nhu cầu sử dụng, chủ thể là đơn vị kinh doanh mỹ phẩm và với mục đích thúc đẩy việc tiêu thụ mỹ phẩm. Do đối tượng được quảng cáo ở đây là mỹ phẩm dùng trực tiếp trên con người nên việc quảng cáo và khuyến mại mỹ phẩm có những đặc điểm riêng so với hoạt động quảng cáo và khuyến mại hàng hóa, dịch vụ chung.

3. Quy định của pháp luật về quảng cáo mỹ phẩm

a. Chủ thể quảng cáo mỹ phẩm

Chủ thể: + Trực tiếp: Thương nhân Việt nam, chi nhánh thương nhân Việt Nam, chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

               + Gián tiếp: Thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại.

Cụ thể, các quy định của pháp luật về chủ thể quảng cáo mỹ phẩm cũng giống chủ thể quảng cáo thương mại nói chung, bao gồm: người quảng cáo thương mại, thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại, người phát hành quảng cáo thương mại và người cho thuê phương tiện quảng cáo. Các chủ thể này tham gia hoạt động quảng cao ở những khâu khác nhau với mục đích khác nhau. Quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể khi tham gia hoạt động quảng cáo được quy định tại Điều 103, các điều từ Điều 112 đến Điều 116 Luật thương mại năm 2005, các điều…. Luật quảng cáo năm 2012 và Điều 2 Thông tư 06/2011/TT-BYT.

– Người quảng cáo: Theo Điều 2 Thông tư 06/2011/TT-BYT, người quảng cáo là tổ chức, cá nhân có nhu cầu quảng cáo về mỹ phẩm do mình sản xuất, phân phối. Cũng theo Điều 21 Thông tư này thì người quảng cáo phải có Phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo theo quy định của pháp luật.

– Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình quảng cáo theo hợp đồng cung ứng dịch vụ quảng cáo với người quảng cáo.

– Người phát hành quảng cáo là tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm quảng cáo mỹ phẩm đến người tiêu dùng, bao gồm cơ quan báo chí, truyền thanh, truyền hình, nhà xuất bản, tổ chức quản lý mạng thông tin máy tính, người tổ chức chương trình văn hoá, thể thao, hội chợ, triển lãm và tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện quảng cáo khác.

b, Sản phẩm quảng cáo mỹ phẩm

Sản phẩm quảng cáo chứa đựng những thông tin được chuyển tải đến công chúng thông qua các phương tiện quảng cáo. Sản phẩm quảng cáo mỹ phẫm cũng như sản phẩm quảng cáo thương mại nói chung, bao gồm: “những thông tin bằng hình ảnh, hành động, âm thanh, tiếng nói, chữ viết, biểu tượng, màu sắc, ánh sáng chứa đựng nội dung quảng cáo thương mại” (Điều 105 Luật Thương mại năm 2005).

Có thể nói sản phẩm quảng cáo quyết định phần lớn sự thành công của một chiến dịch quảng cáo. Trong khi đó, mục tiêu thúc đẩy thương nhân tạo ra sản phẩm quảng cáo thương mại chính là lợi nhuận, là việc tiêu thụ hàng hóa, sử dụng dịch vụ được thúc đẩy thông qua quảng cáo. Do vậy, quảng cáo phải mang tính cạnh tranh, thể hiện được sự vượt trội của hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo so với hàng hóa, dịch vụ cùng loại. Giúp phân biệt với các hình thức khác như trung bày sản phẩm, giới thiệu sản phẩm, hội chợ triển lãm. Trên thực tế, không ít các nhà sản xuất, kinh doanh quá chú trọng điều này mà đưa ra những sản phẩm quảng cáo đề cao tính năng, lợi ích của hàng hóa dịch vụ bất chấp hậu quả mà nó có thể đem lại. Chính vì thế, việc tạo ra và sử dụng sản phẩm quảng cáo phải được đặt dưới sự điều chỉnh của pháp luật cũng như sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Với sản phẩm quảng cáo mỹ phẩm, yêu cầu đó càng trở nên cần thiết.

* Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm quảng cáo thương mại: Thương nhân có quyền đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm quảng cáo thương mại theo quy định của pháp luật. (Theo điều 108 Luật Thương mại 2005).

c. Phương tiện quảng cáo mỹ phẩm

Phương tiện quảng cáo thương mại là công cụ được sử dụng để giới thiệu các sản phẩm quảng cáo thương mại (Điều 106 Luật Thương mại năm 2005; Điều Luật Quảng cáo năm 2012). Theo Thông tư 06/2011/TT-BYT, quảng cáo mỹ phẩm được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, truyền thanh, trang thông tin điện tử (Internet, Website), sách, báo, tạp chí, tờ rơi, pano, áp phích, vật thể trên không, vật thể dưới nước hoặc các phương tiện quảng cáo khác. Việc sử dụng từng phương tiện quảng cáo cụ thể trong hoạt động quảng cáo mỹ phẩm phải tuân theo các quy định tại Thông tư này và như Luật Quảng cáo năm 2012.

Điều 23. Quảng cáo mỹ phẩm trên phương tiện truyền hình, truyền thanh

Quảng cáo mỹ phẩm trên phương tiện truyền hình, truyền thanh thì các khoản 1, 3, 4 Điều 22 phải được đọc to, rõ ràng. Trường hợp hiển thị bằng chữ trên màn hình các nội dung trên thì tốc độ hiển thị phải phù hợp và cỡ chữ quảng cáo đủ lớn bảo đảm rõ ràng, dễ đọc.

Điều 24. Quảng cáo trên báo chí, tờ rời

Quảng cáo trên báo chí, tờ rơi thì cuối trang đầu tiên của tài liệu quảng cáo mỹ phẩm phải in: (a) Số Phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo của Sở Y tế; b) ngày … tháng … năm … nhận hồ sơ hợp lệ ghi trên Phiếu tiếp nhận.

d, Nội dung của quảng cáo mỹ phẩm

Nội dung quảng cáo nói chung bao gồm thông tin về hoạt động kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ mà chủ quảng cáo muốn giới thiệu tới công chúng. Những thông tin này phải đảm bảo trung thực, chính xác, rõ ràng… Theo thông tư Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu chứng minh tính an toàn và hiệu quả của mỹ phẩm và phải tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của ASEAN. (Khoản 3, Điều 21, Thông tư 06)

Cụ thể, nội dung quảng cáo mỹ phẩm bảo gồm

1. Tên mỹ phẩm;

2.Tính năng, công dụng (nêu các tính năng, công dụng chủ yếu của mỹ phẩm nếu chưa thể hiện trên tên của sản phẩm);

3.Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường;

4. Lưu ý khi sử dụng (nếu có).

         Nội dung của quảng cáo mỹ phẩm hết giá trị trong các trường hợp sau:

– Mỹ phẩm có số đăng ký lưu hành, số Phiếu tiếp nhận bản công bố tiêu chuẩn chất lượng mỹ phẩm, số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã hết trị.

– Mỹ phẩm bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo ngừng sử dụng hoặc bị thu hồi sản phẩm

– Có những thay đổi về thông tin ảnh hưởng đến an toàn và chất lượng của mỹ phẩm.

* Trách nhiệm đối với nội dung sản phẩm quảng cáo thương mại:

– Thương nhân kinh doanh quảng cáo thương mại

– Người đứng đầu cơ quan quản lý các phương tiện quảng cáo thương mại chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo thương mại được quảng cáo trên phương tiện quảng cáo mà mình quản lý.

e, Những hành vi bị cấm trong quảng cáo mỹ phẩm

Theo quy định tại Điều 8 Luật quảng cáo 2012, có 16 hành vi quảng cáo bị cấm như sau: quảng cáo những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 7 của Luật  này; quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng; quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sửm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội; quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hung dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đnagr, Nhà nước; quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật…

* Xử phạt các vi phạm hành chính về quảng cáo thương mại: Đối với các hành vi vi phạm hành chính về quảng cáo thương mại thì áp dụng các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

II. Khuyến mại mỹ phẩm

1. Khái niệm khuyến mại mỹ phẩm

Theo Điều 88, Luật Thương mại năm 2005: “Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.”

2. Quy định của pháp luật về khuyến mại

a, Chủ thể của khuyến mại mỹ phẩm

+ Trực tiếp: Thương nhân Việt Nam, chi nhanh thương nhân Việt Nam, chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

+ Gián tiếp: Thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại

b, Các hình thức khuyến mại mỹ phẩm

     Có nhiều cách thức khác nhau để thương nhân dành cho khách hàng những lợi ích nhất định tùy thuộc vào nhu cầu, điều kiện cạnh tranh mà mỗi thương nhân sẽ lựa chọn cho mình một cách thức khuyến mại riêng biệt. Lợi ích mà khách hàng được hưởng có thể là lợi ích vật chất (tiền, hàng hóa) hay lợi ích phi vật chất (được cung ứng dịch vụ miễn phí).

Theo quy định tại Điều 92 Luật thương mại, các hình thức khuyến mại mỹ phẩm gồm:

 – Thực hiện khuyến mại thông qua hàng mẫu. Đây là cách thức mà thương nhân dùng mỹ phẩm là hàng mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền. Thông thường thương nhân thực hiện cách thức này khi tiến hành đưa ra thị trường một loại mỹ phẩm mới hoặc mỹ phẩm đã cải tiến, hàng mẫu sẽ là mỹ phẩm đã bán hoặc đang bán trên thị trường.

Ví dụ: như hãng mỹ phẩm Hàn Quốc Innisfree khi đưa ra thị trường dòng sản phẩm là serum mới thì khi đến chi nhánh bán hàng trong thời gian khuyến mại sẽ được dùng thử miễn phí loại serum này.

– Thực hiện khuyến mại thông qua quà tặng. Tặng quà được thực hiện đối với khách hàng có hành vi mua sắm mỹ phẩm của thương nhân. Mỹ phẩm làm quà tặng lúc này có thể là hàng hóa của thương nhân đang kinh doanh hoặc là hàng hóa của thương nhân khác.

Ví dụ: mua serum Klairs được tặng kèm kem dưỡng Klairs (tuýp nhỏ).

– Thực hiện khuyến mại thông qua giảm giá. Giảm giá mỹ phẩm là hành vi bán hàng trong thời gian khuyến mại với giá thấp hơn giá bán bình thường trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại mà thương nhân đã đăng ký hoặc thông báo.

Ví dụ: với trường hợp giảm giá khuyến mại của Centella với sản phẩm kem trị mụn mới. Giá bình thường của sản phẩm này là 600 nghìn đồng, nhưng trong thời gian khuyến mại (nhất là trong mùa dịch), giá sản phẩm được giảm 30% còn 420 nghìn đồng nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng.  

– Thực hiện khuyến mại thông qua bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ, phiếu dự thi. Phiếu mua hàng thường có ý nghĩa giảm giá hoặc có mệnh giá nhất định để thanh toán cho những lần mua sau. Phiếu sử dụng dịch vụ có thể cho phép sử dụng dịch vụ miễn phí, theo điều kiện do nhà cung ứng dịch vụ đưa ra. Phiếu dự thi có thể mang lại giải thưởng hoặc không mang lại lợi ích gì cho khách hàng, phụ thuộc vào kết quả dự thi của họ.

Ví dụ: mua đơn hàng trên 900 nghìn đồng ở siêu thị Big C sẽ được tặng phiếu mua hàng.

– Thực hiện khuyến mại thông qua tổ chức các sự kiện để thu hút khách hàng. Hình thức này khá đa dạng được thực hiện dưới nhiều hoạt động khác nhau như bốc thăm, quay số trúng thưởng,… nhằm mục đích cuối cùng là thu hút sự chú ý, kích cầu tiêu dùng mỹ phẩm.

Ví dụ: như sự kiện cào số trúng chuyến đi du lịch Hàn Quốc khi mua son Romand.

Ngoài ra, pháp luật không cấm thương nhân sử dụng các hình thức khác để khuyến mại nhưng khi tiến hành phải được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp nhận.

c. Hạn mức khuyến mại (Điều 5, Điều 6 Nghị định 37/2006/NĐ-CP ngày 4/4/2006)

Hạn mức theo đơn giá: Theo quy định của pháp luật hiện hành quy định mứcgiá tối đa cho hành hoá, dịch vụ khuyến mại không lớn hơn 50% giá trị hành hoá dịch vụ này trước thời điểm khuyến mại. 

Hạn mức tính theo tổng giá trị hành hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại. Tổng giá trị của hành hoá, dịch vụ mà thương nhân thực hiện trong một chương trình khuyến mại không lớn hơn 50% tổng giá trị hành hoá, dịch vụ khuyến mại trừ trường hợp khuyến mãi bằng  đưa  hàng  mẫu,  cung  ứng  dịch  vụ  hàng  mẫu dùng thử không phải trả tiền. 

Hạn mức thời gian khuyến mại: Tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại đối với một nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ không được quá 90 ngày trong năm, một chương trình khuyến mại không được quá 45 ngày. Quy định này áp dụng đối với các hình thức khuyến mại: bán hàng, cung ứng dịch vụ giá giảm hơn so với giá bán hàng cung ứng dịch vụ trước đó. Tổng thời gian thực hiện khuyến mại đối với một nhãn hiệu hàng hoá dịch vụ không được qua 180 ngày trong 1 năm và 1 chương trình khuyến mại không quá 90 ngày. Hạn mức này áp dụng đối với các hình thức bán hàng: cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính chất may rủi. 

d, Các hành vi bị cấm khuyến mại

Tương tự như khuyến mại các hàng hóa, dịch vụ khác, thương nhân thực hiện khuyến mại mỹ phẩm cũng không được thực hiện những hành vi khuyến mại bị cấm quy định tại Điều 100 Luật thương mại năm 2005.

 Khuyến mại thiếu trung thực hoặc gây hiểu lầm về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng. Đây là trường hợp khá là dễ gặp, nhất là đối với các hoạt động mua bán mỹ phẩm qua mạng online. Hình ảnh mỹ phẩm dùng để khuyến mại một kiểu, nhưng khi nhận hàng thì lại là 1 kiểu khác (khác về mẫu mã, chủng loại, kích cỡ), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi khách hàng.

     Khuyến mại để tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng, làm phương hại đến môi trường, sức khỏe con người và lợi ích công cộng. Trên thực tế, nhiều thương nhân đã lợi dụng các chương trình khuyến mại vào cuối năm để tiêu thụ các sản phẩm tồn kho, sắp hết hạn sử dụng, thậm chí là hàng giả. Bởi lẽ mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người nên đây là một hành vi bị cấm là vô cùng hợp lí.

     Ngoài ra còn có các hành vi bị cấm khác như hứa tặng, thưởng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng; Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh… Với sự ra đời và phát triển của nhiều hãng mỹ phẩm như hiện nay, thì các quy định trên của pháp luật đã hạn chế phần nào những hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng như bảo đảm cho người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm tốt. Đối với các hành vi vi phạm trên, hiện nay đã có Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng với các hành vi vi phạm hoạt động xúc tiến thương mại, với số tiền phạt cao nhất lên đến 50 triệu đồng.

III. Thực trạng và kiến nghị

1. Thực trạng quảng cáo mỹ phẩm

Sự xuất hiện của ngày càng nhiều càng loại sản phẩm mỹ phẩm cũng đồng nghĩa với việc số lượng các quảng cáo mỹ phẩm cũng ngày một tăng. Nhìn chung, các quảng cáo mỹ phẩm đã góp phần đưa sản phẩm mỹ phẩm của thương nhân tiếp cận được với khách hàng, giúp cho người tiêu dùng hiểu biết được phần nào thông tin về các sản phẩm mỹ phẩm từ đó có sự lựa chọn đúng đắn. Các quảng cáo mỹ phẩm đã tăng cường tình cạnh tranh trên thị trường mỹ phẩm, giúp thúc đẩy việc mua bán sản phẩm mỹ phẩm, góp một phần nào đó vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Nhờ có quảng cáo mỹ phẩm mà thị trường mỹ phẩm trở nên sôi động hơn, khách hàng và đặc biệt là phụ nữ có nhiều sự lựa chọn hơn. Các quảng cáo mỹ phẩm cũng đã góp phần đưa mỹ phẩm đến tay người tiêu dùng, phục vụ cho nhu cầu làm đẹp của mọi người dân. Theo đó thống kê của chi cục quản lý thị trường Việt Nam, hiện nay có đến hơn 50% sản phẩm mỹ phẩm đang bị làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng. (The ordinary, son thỏi M.A.C, nước tẩy trang Bioderma, các sản phẩm của innisfree…)

Trên thực tế, không ít các nhà sản xuất, kinh doanh quá chú trọng đến mục tiêu lợi nhuận mà đưa ra những sản phẩm quảng cáo đề cao tính năng, lợi ích của hàng hóa dịch vụ bất chấp hậu quả mà nó có thể đem lại. Chính vì thế yêu cầu với việc sử dụng sản phẩm quảng cáo mỹ phẩm đặt dưới sự điều chỉnh của pháp luật là cần thiết. Ngoài ra hoạt động quảng cáo mỹ phẩm trên internet hiện nay khá phổ biến, tự do và khó kiểm soát. Với sự xuất hiện và phát triển chóng mặt của các trang mạng xã hội như Facebook, Tiki, Shopee, Sendo… việc quản lý hoạt động quảng cáo mỹ phẩm ngày càng khó khăn.  Hiện các trang mạng xã hội cũng đã xuất hiện rất nhiều những loại mỹ phẩm handmade, sản phẩm giả, nhái, kem trộn tràn lan không chịu bất kỳ sự kiểm soát của cơ quan chức năng nào. 

2. Thực trạng hoạt động khuyến mại mỹ phẩm

Các chương trình khuyến mại mỹ phẩm diễn ra ngày một rầm rộ hơn. Nhất là các dịp đặc biệt như Quốc tế phụ nữ 8/3, Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 và ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Trên thực tế các hãng mỹ phẩm bao gồm những hãng mỹ phẩm có tên tuổi trên thị trường trong và ngoài nước cũng có những hoạt động khuyến mãi mỹ phẩm không đúng với quy định của pháp luật. Các đợt giảm giá, siêu giảm giá lên đến 90% vi phạm pháp luật pháp luật về khuyến mại mỹ phẩm nói riêng và quảng cáo hàng hóa dịch vụ nói chung nhưng việc xử lý các hành vi này còn hạn chế. Có những cửa hàng còn treo những biển giám giá 30%, 50% cả năm trời liền, trong khi tổng thời gian thực hiện giảm giá theo quy định là 90 ngày thực chất chỉ đánh lừa vào thị hiếu người dùng, gây nhầm lẫn. Các doanh nghiệp thực hiện không đúng cam kết với khách hàng, không theo thủ tục đăng ký khuyến mại thậm chí với tư duy của người bán hàng cho mình là người quyết định giá bán và khuyến mại. Khuyến mại không cần thông báo với cơ quan chức năng.

3. Kiến nghị

– Siết chặt, tăng cường công tác kiểm tra thực trạng hoạt động cấp phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo, giám định, chứng nhận chất lượng… đối với mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tại các tỉnh và thành phố trên cả nước.

– Kiến nghị các cấp có thẩm quyền biện pháp khắc phục những sơ hở, bất cập và nâng cao công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực mỹ phẩm, dược…

– Pháp luật cần quy định những hình thức chế tài xử phạt vi phạm hành chính nghiêm khắc hơn, thể hiện qua các quy định về hình thức xử phạt, mức tiền phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.  Đề xuất bổ sung các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, biện pháp buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp do thực hiện hành vi phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật.