1. Bảo lãnh là gì?
Định nghĩa về biện pháp bảo lãnh được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 335 Bộ luật dân sự 2015:
Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Hình thức của biện pháp bảo lãnh
Theo Điều 362 Bộ luật dân sự cũ thì bảo lãnh phải được lập thành văn bản.
Điều 362. Hình thức bảo lãnh
Việc bảo lãnh phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản bảo lãnh phải được công chứng hoặc chứng thực.
Tuy nhiên, theo quy định về biện pháp bảo lãnh trong Bộ luật dân sự 2015 lại không quy định về hình thức của bảo lãnh.
Theo thông tư 18/2012/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng thì đưa ra hai hình thức thể hiện cam kết bảo lãnh là thư bảo lãnh và hợp đồng bảo lãnh.
Bảo lãnh ngân hàng (sau đây gọi là bảo lãnh) là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên bảo lãnh cam kết bằng văn bản với bên nhận bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh; bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh theo thỏa thuận.
Theo khoản 9 Điều 3 Thông tư 18/2012/TT-NHNN:
Cam kết bảo lãnh là văn bản bảo lãnh của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh theo một trong các hình thức sau:
a) Thư bảo lãnh là văn bản cam kết của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh về việc bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh;
b)Hợp đồng bảo lãnh là văn bản thỏa thuận giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh hoặc giữa bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh và các bên có liên quan (nếu có) về việc bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh;
c) Hình thức cam kết khác do các bên tự thỏa thuận không trái với quy định của pháp luật Việt Nam.
Như vậy, khi các tổ chức tín dụng đứng ra làm người bảo lãnh thì việc bảo lãnh phải được lập thành văn bản. Còn trong trường hợp nếu bên bảo lãnh không phải là tổ chức tín dụng thì việc bảo lãnh không nhất thiết phải lập thành văn bản.
Việc Bộ luật dân sự năm 2015 không quy đinh về hình thức của bảo lãnh là một điểm tích cực. Bởi lẽ, việc không quy định về hình thức bảo lãnh sẽ giúp các bên linh hoạt hơn, chủ động hơn trong việc thiết lập quan hệ bảo lãnh. Các bên có thể tự do lựa chọn hình thức là văn bản, bằng lời nói, bằng hành vi cụ thể, trừ trường hợp pháp luật bắt buộc phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Tuy nhiên, do không được lập thành văn bản, nên, nếu trường hợp bên bảo lãnh từ chối thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì đây sẽ là một vướng mắc lớn. Rõ ràng, bên nhận bảo lãnh không có chứng cứ hay tài liệu nào để chứng minh bên bảo lãnh đã đứng ra bảo lãnh, do đó, quyền yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh của bên nhận bảo lãnh sẽ không thể thực hiện được.
Pháp luật của nhiều nước trên thế giới có yêu cầu thể hiện việc bảo lãnh dưới dạng văn bản. Việc yêu cầu bảo lãnh thể hiện dưới dạng văn bản giúp chúng ta dễ dàng nhận biết sự tồn tại của bảo lãnh và thông thường việc yêu cầu giao dịch thể hiện bằng văn bản chỉ có vai trò chứng cứ (chứng minh sự tồn tại của giao dịch). Tuy nhiên, trách nhiệm của người bảo lãnh là rất lớn (thực hiện nghĩa vụ của người khác) nên có pháp luật như pháp luật của nước Đức đưa ra yêu cầu văn bản như một điều kiện có hiệu lực của bảo lãnh.
Do đó, để bảo vệ chính giao dịch bảo lãnh của bản thân, mọi người nên chủ động trong việc lựa chọn hình thức bảo lãnh, tốt nhất các bên nên thỏa thuận việc bảo lãnh được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực để khi có tranh chấp, vướng mắc thì các bên có thể bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
3. Bên được bảo lãnh có phải trả tiền thù lao cho bên bảo lãnh không?
Theo quy định tại Điều 337 Bộ luật dân sự 2015 thì:
Điều 337. Thù lao
Bên bảo lãnh được hưởng thù lao nếu bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh có thỏa thuận.
Thông thường trong quan hệ bảo lãnh thì bên được bảo lãnh và bên bảo lãnh có mối quan hệ gia đình hoặc thân quen, cho nên việc bảo lãnh thường không có thù lao. Tuy nhiên, các bên có thể thỏa thuận về một khoản thù lao mà bên bảo lãnh sẽ được nhận từ bên được bảo lãnh. Trường hợp, công việc bảo lãnh là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như hoạt động bảo lãnh của Ngân hàng thì có thù lao theo thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định.
Ví dụ: A đứng ra bảo lãnh cho B vay tiền của C, A và B có thỏa thuận rằng hằng tháng B sẽ trả cho A số tiền là 1 triệu đồng làm tiền thù lao.
4. Chưa đến hạn, bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay bên được bảo lãnh không?
Theo Khoản 2 Điều 339 Bộ luật dân sự 2015:
Bên nhận bảo lãnh không được yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi nghĩa vụ chưa đến hạn.
Theo nguyên tắc chung của bảo lãnh nếu bên được bảo lãnh không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện thay toàn bộ nghĩa vụ. Trường hợp này không cần thiết phải chứng minh tại sao bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ mà nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh ngay sau khi bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ.
Nếu các bên thỏa thuận là bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ thì khi bên được bảo lãnh hoàn toàn không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ thay bên được bảo lãnh.
Trong thời hạn thực hiện nghĩa vụ chính, bên được bảo lãnh phải tự mình thực hiện nghĩa vụ, nếu bên được bảo lãnh xét thấy mình hoàn toàn không có khả năng thực hiện nghĩa vụ, thì bên bảo lãnh chưa phải thực hiện nghĩa vụ thay vì thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh chưa đến hạn trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trường hợp bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh có nghĩa vụ đối nhau có nghĩa là bên nhận bảo lãnh cùng đồng thời phải thực hiện một nghĩa vụ đối với bên được bảo lãnh mà hai nghĩa vụ này có đủ điều kiện bù trừ nghĩa vụ theo Điều 378 Bộ luật dân sự, thì các bên phải bù trừ nghĩa vụ cho nhau, do vậy trường hợp này nếu bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ nữa, cho nên bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
5. Trách nhiệm liên đới trong thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
Nghĩa vụ liên đới theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
Theo Điều 338 Bộ luật dân sự 2015 thì khi nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập, bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình.
Như vậy có thể thấy, người nhiều bảo lãnh cho một người có thể làm phát sinh nghĩa vụ liên đới.
6. Miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
Theo Điều 341 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:
Điều 341. Miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
1. Trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
2. Trường hợp chỉ một trong số nhiều người cùng bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.
3. Trường hợp một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại.
Khi bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ, thì nghĩa vụ đó được chuyển cho bên bảo lãnh, cho nên khi bên nhận bảo lãnh miễn thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì nghĩa vụ chấm dứt theo khoản 3 Điều 372 Bộ luật dân sự 2015, vì vậy, người được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đó nữa, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc luật có quy định khác.
Trường hợp nhiều người cùng bảo lãnh liên đới, khi một người được miễn phần nghĩa vụ bảo lãnh thì phần nghĩa vụ này chấm dứt, cho nên những người bảo lãnh khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.
Trường hợp có nhiều người nhận bảo lãnh liên đới, khi bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ thì một người nhận bảo lãnh có quyền thay mặt những người nhận bảo lãnh khác yêu cầu người bảo lãnh thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Neu một người nhận bảo lãnh miễn nghĩa vụ bảo lãnh cho người bảo lãnh thì người bảo lãnh sẽ thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Trân trọng./.