>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.0191
1. Khái niệm hình thức hợp đồng dân sự
Hình thức của hợp đồng dân sự là cách thức biểu hiện ra bên ngoài về những nội dung của hợp đồng dân sự dưới một dạng vật chất hữu hình nhất định. Theo đó, những điều khoản mà các bên đã cam kết thỏa thuận phải được thể hiện ra bên ngoài dưới một hình thức nhất định hay nói cách khác hình thức của hợp đồng là phương tiện để ghi nhận nội dung mà các chủ thể đã xác định. Tùy thuộc vào nội dung và tính chất của từng hợp đồng cũng như tùy thuộc vào uy tín, độ tin cậy lẫn nhau mà các bên có thể lựa chọn một hình thức nhất định trong việc giao kết hợp đồng trong từng trường hợp cụ thể.
Căn cứ quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 thì:
“Điều 116. Giao dịch dân sự
Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”
Theo đó, Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể về các hình thức giao dịch dân sự bao gồm:
“Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”
Như vậy, các chủ thể có thể lựa chọn các hình thức giao dịch dân sự phù hợp với giao dịch của mình để bảo đảm quyền và lợi ích cho các bên.
2. Hình thức giao dịch dân sự bằng lời nói (bằng miệng)
2.1 Định nghĩa
Hợp đồng bằng lời nói là những hợp đồng được giao kết dưới hình thức ngôn ngữ nói, bằng lời hay còn gọi là hợp đồng miệng.
Theo đó, các bên giao kết hợp đồng trao đổi với nhau bằng lời nói, trực tiếp hoặc thông qua điện thoại, điện đàm, gửi thông điệp điện tử bằng âm thanh (tiếng nói)…để diễn đạt tư tưởng và ý muốn của mình trong việc xác lập, giao kết hợp đồng. Trừ những loại hợp đồng pháp luật qui định hình thức bắt buộc, các hợp đồng đều có thể được lập bằng lời nói.
2.2 Biểu hiện và ưu điểm, nhược điểm
Do việc giao kết hợp đồng bằng lời nói có ưu điểm là cách thức giao kết đơn giản, gọn nhẹ, nhanh chóng và ít tốn kém nên được sử dụng phổ biến trong giao dịch dân sự. ví dụ như giao dịch cho vay, mượn tài sản giữ người thân, bạn bè hay hoạt động mua bán ở chợ….
Như vậy, hình thức hợp đồng bằng lời nói có thể được sử dụng trong những trường hợp:
- Các chủ thể có sự tin tưởng lẫn nhau;
- Các chủ thể là thành viên trong cùng một gia đình;
- Những giao dịch được thực hiện trong một thời gian ngắn.
Cũng vì sự tiện lợi của cách giao kết này mà trên thực tế, có nhiều hợp đồng đáng lẽ phải được lập bằng văn bản hoặc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực (chẳng hạn như hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng thuê bất động sản), nhưng để giản tiện, các bên thường lập dưới hình thức lời nói, nên đã dẫn đến những tranh chấp rất khó giải quyết. Khi một bên trong hợp đồng phủ nhận sự tồn tại của thỏa thuận do muốn trốn tránh nghĩa vụ, bên còn lại khó có thể chứng minh được do hình thức hợp đồng đã lựa chọn không đảm bảo tính pháp lý cao.
3. Hình thức giao dịch dân sự bằng văn bản
3.1 Định nghĩa
Văn bản là chữ viết trên một phương tiện chứa đựng cố định. Khác với hợp đồng bằng lời nói vốn không để lại bằng chứng “khẩu thuyết vô bằng”, thì hợp đồng bằng văn bản đảm bảo sự thể hiện rõ ràng ý chí các bên cũng như nội dung của tưng điều khoản hợp đồng mà các bên muốn cam kết.
3.2 Phân loại
Trong hình thức văn bản bao gồm 2 loại là: điện tử và văn bản truyền thống.
– Điện tử: giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về quy định về giao dịch điện tử.
– Văn bản truyền thống: là hình thức ngôn ngữ viết, được trình bày trên một chất liệu hữu hình nhằm thể hiện một nội dung xác định mà người ta có thể đọc, lưu giữ và bảo bảo đảm được sự toàn vẹn nội dung đó. Trong văn bản truyền thống bao gồm:
- “Giấy tay”, văn bản thường không có công chứng bao gồm văn khế, văn bản dưới dạng chứng nhận hợp đồng…và phiếu giữ xe, biên nhận…
- Văn bản có công chứng, chứng thực.
- Văn bản phải đăng kí, xin phép như: đăng kí hợp đồng, đăng kí quyền sỡ hữu, quyền sử dụng…
Theo quy định về hình thức hợp đồng tại Điều 119 của Bộ luật Dân sự 2015 thì giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản. Như vậy những hợp đồng điện tử cũng chính là hợp đồng dân sự mang hình thức văn bản.
Căn cứ quy định tại Điều 33 Luật giao dịch điện tử 2005 đã quy định:
“Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này.”
Theo đó, thông qua hình thức điện tử các bên có thể sử dụng thông điệp giữ liệu để thỏa thuận ký kết hợp đồng.
Theo Khoản 1, Điều 36, Luật Giao dịch điện tử 2005 thì:
“Giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng.”
Các bên tham gia có thể sử dụng thông điệp dữ liệu làm phương tiện để thể hiện ý chí và thực hiện giao kết hợp đồng. Chính vì thế, thông điệp dữ liệu điện tử cũng là một hình thức hợp đồng và ngày càng phổ biến trong xã hội hiện nay. Trong thực tiễn, có rất nhiều ví dụ về giao kết hợp đồng bằng văn bản điện tử gần gũi với đời sống hiện đại. Những hành vi mua, bán, tặng cho có thể thiết lập thông qua các trang điện tử hay các ứng dụng điện tử chuyên dụng như: Shopee, Sen đỏ, Tiki, Lazada. Trong đó, người mua chỉ cần thực hiện các thao tác thông qua ứng dụng như: chọn mặt hàng, ghi địa chỉ, chọn hình thức thanh toán,… Cùng với đó người bán sẽ vận chuyển hàng hóa đến địa chỉ của người mua theo thông tin dữ liệu điện tử.
Hợp đồng có công chứng chứng thực: đối với những hợp đồng có tính chất phức tạp, đối tượng hợp đồng là những tài sản mà Nhà nước cần phải quản lý, cần phải đăng ký quyền sử dụng và quyền sở hữu thì các bên giao dịch phải ký kết hợp đồng thông qua văn bản có công chứng, chứng thực. Bộ luật dân sự 2015 cũng đã quy định về các loại hợp đồng phải được công chứng, chứng thực như: Hợp đồng tặng cho bất động sản, hợp đồng về quyền sử dụng đất,… Có thể thấy rằng, hình thức công chứng, chứng thực hoặc đăng ký có giá trị chứng cứ cao nhất. Tuy nhiên, đối với những hợp đồng pháp luật không yêu cầu phải lập theo hình thức này nhưng để quyền lợi giữa các bên được đảm bảo các bên vẫn có thể chọn hình thức này để giao kết.
Như vậy, để nâng cao tính xác thực của những nội dung đã cam kết các chủ thể của hợp đồng dân sự có thể lựa chọn hình thức ký kết bằng văn bản.
Trong văn bản các bên phải ghi đầy đủ các nội dung cơ bản trong các điều khoản mục như:
- Đối tượng của hợp đồng;
- Số lượng, chất lượng;
- Phương thức, địa điểm, thời gian thực hiện hợp đồng;…
Hình thức bằng văn bản đảm bảo tính pháp lý cao đối với quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia.
Khi xảy ra tranh chấp văn bản giao kết là chứng cứ pháp lý chắc chắn hơn so với hình thức miệng.
4. Hình thức giao dịch dân sự bằng hành vi cụ thể
4.1 Định nghĩa
“Hành vi” là “danh từ chỉ những việc làm biểu hiện bên ngoài của một người”. “Cụ thể” là “tính từ chỉ những thực tế hiển nhiên được xác định”. “Hình thức hành vi cụ thể” là một hình thức thể hiện của hợp đồng hiểu theo nghĩa hẹp. Hình thức hợp đồng bằng hành vi cụ thể được nói đến trong trường hợp này không phải được diễn đạt bằng lời nói hay chữ viết mà chỉ được thể hiện bằng một hành động thuần túy. Hành vi cụ thể là một hình thức thể hiện của hợp đồng hiểu theo nghĩa hẹp. Bởi lẽ, việc tuyên bố ý chí bằng lời nói hay bằng chữ viết, suy cho cùng, cũng đều bằng hành vi của con người.
4.2 Biểu hiện và ưu điểm, nhược điểm
Hình thức hợp đồng bằng hành vi cụ thể được thể hiện ra bên ngoài khá đa dạng. Hành vi cụ thể thường được sử dụng để xác lập các hợp đồng thông dụng, được thực hiện ngay, và trở thành thói quen phổ biến của lĩnh vực hoạt động liên quan, tại nơi giao dịch được xác lập, hoặc hành vi cụ thể cũng được sử dụng phổ biến trong các hoạt động dịch vụ dành cho số đông đại chúng mà bên cung cấp dịch vụ đã có quy chế hoạt động rõ ràng đã được công bố. Ví dụ: hành vi mua báo hay mua vé số của người bán “dạo” hay mua hàng của người bán hàng “rong”, hành vi mua hàng trong các quán ăn tự phục vụ với món ăn tự chọn được làm sẵn (khi các bên đã biết rõ mặt hàng, giá cả và không cần trao đổi bằng lời trước khi kết lập hợp đồng),…
Trong nhiều trường hợp, khi một bên biết rõ nội dung lời đề nghị giao kêt hợp đồng từ phía bên kia và thể hiện đồng ý xác lập hợp đồng bằng một hành vi cụ thể, đã chuyển tín hiệu đồng ý đến cho bên kia biết thì hành vi cụ thể đó cũng được coi như hình thức biểu hiện của hợp đồng. Ví dụ: A hỏi mượn sách của B, tuy B không trả lời đồng ý bằng lời nói hay văn bản, nhưng B đã tự mang sách đến giao cho A, thì hành vi của B giao sách cho A là hành vi xác lập hợp đồng.
Ngoài ra, hợp đồng thực hiện bằng hành vi cụ thể có nội dung đơn giản, không phức tạp. Hợp đồng được thực hiện ngay tại thời điểm giao kết. Ví dụ: khi bỏ tiền vào máy điện thoại công cộng, người ta có thể thực hiện cuộc gọi ngay lập tức, hoặc bỏ tiền vào máy bán nước tự động… Về nghĩa vụ trong hợp đồng được xác định như nhau đối với mọi chủ thể chấp nhận giao kết hợp đồng (từ nghĩa vụ thanh toán, khoản tiền thanh toán đến phương thức thực hiện nghĩa vụ).
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự – Công ty luật LVN Group