I. MỞ ĐẦU

Trong thời gian tập sự hành nghề Luật sư của LVN Group tại Công Ty Luật TNHH BRENDEL & ASSOCIATES do Luật sư CRISTIAN ALEXANDER BRENDEL hướng dẫn, Người Tập Sự Hành Nghề Luật Sư* đã được Luật Sư Hướng Dẫn hướng dẫn thực hiện cũng như đã hỗ trợ Luật Sư Hướng Dẫn trong việc nghiên cứu, tra cứu các tài liệu, văn bản pháp luật liên quan đến các vụ việc tư vấn pháp luật và cung cấp dịch vụ pháp lý trong các lĩnh vực thương mại, lao động, thành lập doanh nghiệp, đăng ký thay đổi trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp và thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài, v.v. Từ những thực tiễn đó, Người Tập Sự Hành Nghề Luật Sư đã chọn vụ việc tư vấn về thủ tục đăng ký bổ sung quyền phân phối và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư để làm báo cáo thực hành vì các lý do sau đây:

a. Thứ nhất, từ khi Việt Nam sẽ mở cửa thị trường phân phối theo các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam đối với hoạt động phân phối, thị trường phân phối tại Việt Nam dần trở thành một trong những thị trường tiềm năng. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới hàng loạt các nhà phân phối có tiếng trên thế giới đã và đang xâm nhập thị trường Việt Nam. Bên cạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài, tính cạnh tranh của thị trường này cũng ngày càng tăng cao. Chính vì vậy, việc giữ nguyên và tiếp tục phát triển lĩnh vực kinh doanh hiện tại hoặc mở rộng lĩnh vực kinh doanh thông qua việc bổ sung quyền phân phối đối với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài nhất là công ty 100% vốn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thương mại đã được thành lập trước ngày Việt Nam gia nhập WTO tức là ngày 11/1/2007 (“Ngày Gia Nhập WTO”), thì việc bổ sung quyền phân phối hoặc quyền xuất nhập khẩu là mộtvấn đề cần quan tâm và suy sét cẩn thận.

b. Thứ hai, các quy định của Việt Nam về thực hiện quyền phân phối của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là những quy định mới và chỉ mới được ban hành sau Ngày Gia Nhập WTO. Do đó, việc nghiên cứu các quy định này là hết sức cần thiết. Đồng thời, đây là lĩnh vực mà Người Tập Sự Hành Nghề Luật Sư được Luật Sư Hướng Dẫn phân công, hướng dẫn thực hiện xuyên suốt từ thời điểm ban đầu cho đến khi hoàn tất nên Người Tập Sự Hành Nghề Luật Sư nghiên cứu rất kỹ vấn đề này.

Vì lý do bảo mật thông tin của khách hàng và dù đã được khách hàng cùng Luật Sư Hướng Dẫn đồng ý cho sử dụng vụ việc của khách hàng làm báo cáo, nhưng Người Tập Sự Hành Nghề Luật Sư xin được không nêu tên khách hàng. Do vậy, tên khách hàng trong báo cáo này đã được viết tắt và các tài liệu kèm theo đã được xóa tên khách hàng tại những dòng tương ứng. Người Tập Sự Hành Nghề Luật Sư xin được thứ lỗi vì sự bất tiện này.

II. NỘI DUNG VỤ VIỆC

2.1 Tóm tắt vụ việc

a. Thông tin khách hàng

Công Ty TNHH A là một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, 100% vốn nước ngoài thành lập tại Việt Nam theo Giấy Chứng Nhận Đầu Tư số 80xxx cấp lần đầu ngày 01/3/1995, sửa đổi lần thứ nhất vào ngày 29/6/2007 bởi Ban Quản Lý Các Khu Công Nghiệp Đồng Nai (“Công Ty A”). Căn cứ vào Giấy Chứng Nhận Đầu Tư, ngành nghề kinh doanh mà Công Ty A được phép tiến hành bao gồm:

– Sản xuất, chế biến, đóng gói và tiêu thụ các loại thức uống dinh dưỡng, các sản phẩm ngũ cốc, các sản phẩm cà phê, sữa các loại và các sản phẩm từ sữa, các loại nước hoa quả không ga, nước sốt và các chế phẩm làm nước sốt, gia vị và bột canh hỗn hợp các loại, mì ăn liền, trà hòa tan, bột kem thực vật các loại

– Kiểm tra chất lượng cà phê hạt do các công ty thuộc Tập đoàn A mua tại Việt Nam

– Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật có thu phí liên quan đến các sản phẩm của Tập đoàn Nestlé trong lĩnh vực sau:

+ Quản lý chất lượng sản phẩm;

+ Cung cấp các kết quả nghiên cứu về thói quen và khẩu vị tiêu dùng, thành phần dinh dưỡng, nhu cầu thị trường và các kiến thức về chủng loại sản phẩm;

+ Dịch vụ quản lý kho bãi và lưu kho hàng hóa;

+ Dịch vụ marketing cho sản phẩm (không bao gồm dịch vụ quảng cáo);

+ Dịch vụ hỗ trợ bán hàng và hậu mãi bảo đảm chất lượng sản phẩm và người tiêu dùng.

–  Nhập khẩu sản phẩm của các công ty thuộc tập đoàn A sản xuất (trừ những mặt hàng thuộc diện cấm theo quy định của pháp luật hiện hành và thuộc diệ hạn chế theo cam kết quốc tế trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên)

b. Yêu cầu của khách hàng (Công Ty A)

Sau khi biết được thông tin kể từ ngày 01/01/2009, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài được phép thực hiện quyền phân phối theo các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, vào khoảng tháng 5/2009, Công Ty A đã liên lạc và yêu cầu Công Ty Luật TNHH BRENDEL & ASSOCIATE, nơi Người Tập Sự Hành Nghề Luật Sư đang tập sự, cung cấp các dịch vụ pháp lý sau đây:

a. Cung cấp các tư vấn liên quan tới hoạt động phân phối của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; và

b. Tiến hành các thủ tục liên quan để bổ sung quyền phân phối cho Công Ty A. Với yêu cầu bổ sung quyền phân phối chủ yếu nhằm phục vụ cho các hoạt động khuyến mãi, tiếp thị và cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng cho các bệnh viện nhưng tại thời điểm hiện tại Công Ty A sẽ không thiết lập cơ sở bán lẻ.

2.2 Phân công công việc

Sau khi tiếp nhận yêu cầu của Công Ty A, Luật Sư Hướng Dẫn đã giao cho Người Tập Sự Hành Nghề Luật Sư các công việc sau đây:

a. Nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan đến các vấn đề Công Ty A yêu cầu cụ thể là các quy định về hoạt động phân phối và cam kết gia nhập WTO của Việt Nam về hoạt động phân phối của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

b. (Đề xuất ý kiến tư vấn đối với các yêu cầu của Công Ty A;

c. Soạn thảo các tài liệu để tiến hành bổ sung quyền phân phối và điều chỉnh Giấy Chứng Nhận Đầu Tư của Công Ty A; và

d. Cùng Luật Sư Hướng Dẫn đến làm việc với Ban Quản Lý Các Khu Công Nghiệp Đồng Nai (“Ban Quản Lý”) để nộp hồ sơ bổ sung quyền phân phối và điều chỉnh Giấy Chứng Nhận Đầu Tư  và nhận Giấy Chứng Nhận Đầu Tư Điều Chỉnh được cấp cho Công Ty A.

III. Ý KIẾN TƯ VẤN VÀ QUÁ TRÌNH TIẾN HÀNH THỦ TỤC ĐĂNG KÝ LẠI CHO CÔNG TY A

3.1 Tư vấn cho Công Ty A về các quy định về hoạt động phân phối

Sau khi được Luật Sư Hướng Dẫn phân công công việc, Người Tập Sự Hành Nghề Luật Sư  đã tìm kiếm, nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động phân phối sau đây:

Các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam;

– Luật Doanh Nghiệp số 60/2005/QH11 và Luật Đầu Tư số 59/2005/QH11 có hiệu lực từ ngày 01/7/2006;

– Quyết định 10/2007/QĐ-BTM của Bộ Thương Mại ngày 21/5/2007 công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá (“Quyết Định 10”);

– Nghị định 23/2007/NĐ-CP của Chính Phủ quy định chi tiết Luật Thương Mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực  tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam(“Nghị Định 23”);

– Thông Tư 09/2007/TT-BTM của Bộ Thương Mại ngày 17/07/2007 hướng dẫn thi hành Nghị Định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2007 quy định chi tiết Luật Thương Mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (“Thông Tư 09”);

– Thông tư 05/2008/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 14/4/2008 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2007/TT-BTM ngày 17/7/2007 của Bộ Thương mại hướng dẫn thi hành Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/02/2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (“Thông Tư 05”); và

– Công văn 6665/BCT-KH của Bộ Công Thương ngày13/7/2009 hướng dẫn cấp phép thực hiện Nghị Định 23/2007/NĐ-CP.

Và đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

– Theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, kể từ ngày 01/01/2009, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài được quyền thực hiện quyền phân phối. Do đó, Công Ty A, một công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, đã đáp ứng điều kiện về hình thức đầu tư này.

– Các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO trong đó có cam kết mở cửa hoạt động phân phối chỉ áp dụng cho thành viên của tổ chức WTO. Mà chủ đầu tư của Công Ty A là một thương nhân quốc tịch Thụy Sĩ, thành viên của WTO (chính thức gia nhập WTO vào ngày 01/7/1995). Theo đó, Công Ty A đáp ứng điều kiện để bổ sung quyền phân phối.

– Quyền phân phối bao gồm quyền bán buôn, bán lẻ, nhượng quyền thương mại, đại lý mua bán hàng hoá sản xuất tại Việt Nam và hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam, trừ hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa không được quyền phân phối quy định trong Quyết Định 10 và quyền thành lập cơ sở bán lẻ.

Công Ty A mong muốn tiến hành các hoạt động: bán hàng hóa, sản phẩm cho các nhà phân phối hiện tại của công ty, cho người tiêu dùng cho các hoạt động tiếp thị, quảng cáo,… và bán thức ăn dinh dưỡng cho các cơ sở y tế, bệnh viện.

Theo Nghị Định 23, bán buôn là hoạt động bán hàng hoá cho thương nhân, tổ chức khác có chức năng phân phối; không bao gồm hoạt động bán bán hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng cuối cùng. Và bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng.

Do đó, căn cứ vào quy định trên, Người Tập Sự Hành Nghề Luật Sư đề xuất phân loại hoạt động của Công Ty A như sau:

Bán sản phẩm cho người tiêu dùng trong các hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm mới,.. : đây là hoạt động bán lẻ vì là bán hàng tới người tiêu dùng cuối cùng

Bán hàng hóa, sản phẩm cho các nhà phân phối hiện tại của Công Ty A: Căn cứ vào Giấy Chứng Nhận Đầu Tư, Công Ty có quyền thực hiện quyền xuất nhập khẩu, đồng thời theo Thông Tư 05 và Thông Tư 09, thực hiện quyền xuất nhập khẩu là được quyền bán cho các công ty, tổ chức có chức năng phân phối (tức là các nhà phân phối) các hàng hóa, sản phẩm được phép nhập khẩu của mình. Vì vậy, Công Ty A với ngành nghề “thực hiện quyền xuất nhập khẩu”đã có quyền bán hàng hóa, sản phẩm cho các nhà phân phối mà không cần đăng ký thêm hoạt động này như là một hoạt động bán buôn.

Bán thức ăn dinh dưỡng cho các cơ sở y tế, bệnh viện: do Công Ty mong muốn bán hàng cho tất cả các cơ sở y tế, bệnh viện.Tuy nhiên, các cơ sở y tế và/hoặc bệnh viện có tềh là tổ chức có chức năng phân phối hoặc là tổ chức không có chức năng phân phối. Do đó, trong trường hợp các cơ sở y tế và/hoặc bệnh viện không có chức năng phân phối, chúng ta có thể xem các cơ sở này là người tiêu cùng cuối cùng. Còn trong trường hợp cơ sở y tế và bệnh viện là tổ chức có chức năng phân phối, thì hoạt động này được xem là hoạt động bán buôn.  Vì vậy, Công Ty A có thể thực hiện hoạt động bán buôn và bán lẻ sản phẩm thức ăn dinh dưỡng cho các cơ sở y tế và/hoặc bệnh viện.

– Hàng hóa được phân phối. Sản phẩm phân phối của Công Ty A ssẽ phải tuân thủ quy định tại Quyết Định 10.

– Thành lập cơ sở bán lẻ. Việc thành lập cơ sở bán lẻ là quyền của Công Ty A tùy thuộc vào cách thức phân phối hàng hóa và nhu cầu kinh doanh thực tiễn. Do đó, không nhất thiết Công Ty A phải đăng ký thành lập cơ sở bán lẻ khi bổ sung quyền phân phối lần này.

– Việc bổ sung quyền phân phối này, Ban Quản Lý sẽ phải hỏi ý kiến và xin chấp thuận của Bộ Công Thương, cơ quan quản lý về hoạt động phân phối. Do đó, thời gian cấp Giấy Chứng Nhận Đầu Tư Điều Chỉnh trên thực tế có thể lâu hơn so với quy định.

Luật Sư Hường Dẫn cũng đồng ý với ý kiến tư vấn do Người Tập Sự Hành Nghề Luật Sư đề xuất bên trên. Sau khi đã được Công Ty Luật TNHH BRENDEL & ASSOCIATES tư vấn về các vấn đề liên quan tới việc bổ sung quyền phân phối, Công Ty A đã quyết định tiến hành việc bổ sung quyền phân phối và điều chỉnh Giấy Chứng Nhận Đầu Tư.

3.2 Quá trình chuẩn bị hồ sơ bổ sung quyền phân phối và điều chỉnh Giấy Chứng Nhận Đầu Tư

a. Các tài liệu cần thiết cho việc bổ sung quyền phân phối và điều chỉnh Giấy Chứng Nhận Đầu Tư của Công  Ty A

Qua nghiên cứu các văn bản pháp luật nêu tại Mục 3.1 bên trên và cũng như thực tiễn công việc mà Người Tập Sự Hành Nghề Luật Sư được Luật Sư Hướng Dẫn phân công phụ trách, hồ sơ cần thiết để nộp lên Ban Quản Lý bao gồm các tài liệu sau:

–                     Bản Đăng Ký Điều Chỉnh Giấy Chứng Nhận Đầu Tư;

–                     Đơn Đề Nghị Cấp Giấy Phép Kinh Doanh;

–                     Giải Trình Khả Năng Đáp Ứng Điều Kiện của Dự Án;

–                     Bản Đăng Ký Nội Dung Thực Hiện Hoạt Động Mua Bán Hàng Hóa và Các Hoạt Động Liên Quan Trực Tiếp Đến Mua Bán Hàng Hóa;

–                     Biên Bản Họp Hội Đồng Thành Viên Công Ty A;

–                     Phụ Lục Điều Lệ Công Ty A;

–                     Báo Cáo Tình Hình Thực Hiện Dự Án;

–                     Báo Cáo Thực Hiện Quyền Xuất Khẩu, Quyền Nhập Khẩu;

–                     Báo Cáo Tài Chính Có Kiểm Toán năm 2007&2008 của Công Ty A;

–                     Giấy Xác Nhận Cơ Cấu Tổ Chức Quản Lý của Công Ty A;

–                     Các Giấy ủy Quyền Cần Thiết; và

–                     Giấy Chứng Nhận Đầu Tư và Giấy Chứng Nhận Đầu Tư Điều Chỉnh.

3.3 Chuẩn bị hồ sơ và tiến hành việc đăng ký bổ sung quyền phân phối và điều chỉnh Giấy Chứng Nhận Đầu Tư

a. Chuẩn bị hồ sơ

Trong quá trình hỗ trợ Luật Sư Hướng Dẫn chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ cần thiết để tiến hành, Người Tập Sự Hành Nghề Luật Sư nhận thấy một số vấn đề sau đây:

– Đối với Đơn Đề Nghị Cấp Giấy Phép Kinh Doanh

Đối với việc thành lập cơ sở bán lẻ, mặc dù tại thời điểm hiện tại Công Ty không có yêu cầu thành lập cơ sở bán lẻ nhưng chúng ta nên đăng ký quyền này theo hướng mở vì có thể sau này theo nhu cầu kinh doanh Công Ty A cần thành lập cơ sở bán lẻ. Đó cũng là 01 yếu tố thuận lợi cho việc xin thành lập cơ sở bán lẻ sau này. Cụ thể, trong đơn đăng ký, chúng ta nên ghi nhận là “việc thành lập cơ sở bán lẻ phụ thuộc vào điều kiện thị trường và quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào từng thời điểm”.

– Đối với Bản Đăng Ký Nội Dung Thực Hiện Hoạt Động Mua Bán Hàng Hóa và Các Hoạt Động Liên Quan Trực Tiếp Đến Mua Bán Hàng Hóa

Công Ty A chỉ được phép thực hiện bán và phân phối đối với các hàng hóa đã được đăng ký trong Bản Đăng Ký này. Cho nên chúng ta cần đăng ký danh mục hàng hóa theo hướng bao quát và rộng nhất có thể. Tuy nhiên, tránh việc đưa các hàng hóa không phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của Công Ty A.

Luật Sư Hướng Dẫn đã đồng ý với hướng doạn thảo đề xuất của Người Tập Sự Hành Nghề Luật Sư.

b. Tiến hành việc đăng ký bổ sung quyền phân phối và điều chỉnh Giấy Chứng Nhận Đầu Tư

Sau khi hoàn tất bộ hồ sơ đăng ký bổ sung quyền phân phối và điều chỉnh Giấy Chứng Nhận Đầu Tư, vào ngày 12/6/2009, Người Tập Sự Hành Nghề Luật Sư và Luật Sư Hướng Dẫn đã đến và nộp hồ sơ cho Công Ty tại Ban Quản Lý.

IV. KẾT QUẢ THỰC HIỆN VÀ KIẾN NGHỊ

4.1 Kết quả thực hiện

Sau khi đã hoàn tất và bổ sung các nội dung theo đúng yêu cầu của Bộ Công Thương và Ban Quản Lý Các Khu Công Nghiệp Đồng Nai, ngày , Ban Quản Lý Các Khu Công Nghiệp Đồng Nai đã cấp Giấy Chứng Nhận Đầu Tư Điều Chỉnh cho Công Ty A, trong đó ghi nhận:

a. Về ngành nghề kinh doanh: bổ sung thêm “thực hiện quyền bán buôn, bán lẻ (không gắn với thành lập cơ sở bán bẻ) cho các bệnh viện, trung tâm y tế đối với các sản phẩm dinh dưỡng y tế ( thuộc mã HS 1901), chế phẩm hỗn hợp các loại vitamin và khoáng chất để tăng cường dinh dưỡng và sản phẩm dinh dưỡng y tế (thuộc mã HS 2106) phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành” bên cạnh những ngành nghề nêu tại mục 2.1,a.

b. Về mục tiêu, quy mô của dự án đầu tư: quy định thêm đối với quyền phân phối “thực hiện quyền bán buôn, bán lẻ (không gắn với thành lập cơ sở bán bẻ) cho các bệnh viện, trung tâm y tế đối với các sản phẩm dinh dưỡng y tế ( thuộc mã HS 1901), chế phẩm hỗn hợp các loại vitamin và khoáng chất để tăng cường dinh dưỡng và sản phẩm dinh dưỡng y tế (thuộc mã HS 2106) phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Đối với hoạt động bán lẻ theo các chương trình khuyến mãi, tiếp thị và/hoặc giới thiệu sản phẩm mới của tập đoàn A: doanh nghiệp thực hiện theo pháp luật hiện hành có liên quan tới hoạt động khuyền mãi, tiếp thị sản phẩm” ngoài các mục tiêu, quy mô được ghi nhận trong Giấy Chứng Nhận Đầu Tư điều chỉnh lần 5 ngày 2/4/2009.

Tuy nhiên, hoạt động bán lẻ đến tay người tiêu dùng trong các chương trình khuyến mãi, tiếp thị và/hoặc giới thiệu sản phẩm mớitheo Bộ Công Thương là không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị Định 23 (mặc dù không viện dẫn các quy định pháp luật liên quan). Cho nên, Công Ty A phải thực hiện hoạt động này theo các quy định hiện hành về hoạt động khuyền mãi, tiếp thị sản phẩm và không được ghi nhận trong ngành nghề kinh doanh của Công Ty A.

(Người Tập Sự Hành Nghề Luật Sư qua đây xin đính kèm Giấy Chứng Nhận Đầu Tư trước khi điều chỉnh và sau khi điều chỉnh)

4.2 Kiến nghị

a. Đối với các công văn hướng dẫn: Bộ Công Thương cần viện dẫn quy định pháp luật đối với các hướng dẫn của mình để Công Ty A và Ban Quản Lý có cơ sở để thực hiện.

Đối với thời hạn cấp phép: Mọi hoạt động liên quan tới phân phối đều phải xin ý kiến của Bộ Công Thương, do đó không tránh khỏi việc bị quá tải và kéo dài thời hạn cấp phép so với quy định. Vì vậy, cần có biện pháp khắc phục tăng cường them nhân lực hoặc phân quyền cho các Sở Công Thương ở địa phương.

TÀI LIỆU ĐÍNH KÈM

Do nguyên tắc tính bảo mật cho khách hàng nên tác giả không đưa vào hồ sơ này.

MỤC LỤC

I. MỞ ĐẦU.. 3

II. NỘI DUNG VỤ VIỆC.. 4

2.1       Tóm tắt vụ việc. 4

2.2       Phân công công việc. 5

III. Ý KIẾN TƯ VẤN VÀ QUÁ TRÌNH TIẾN HÀNH THỦ TỤC ĐĂNG KÝ LẠI CHO CÔNG TY A 6

3.1       Tư vấn cho Công Ty A về các quy định về hoạt động phân phối 6

3.2       Quá trình chuẩn bị hồ sơ bổ sung quyền phân phối và điều chỉnh Giấy Chứng Nhận Đầu Tư  8

3.3       Chuẩn bị hồ sơ và tiến hành việc đăng ký bổ sung quyền phân phối và điều chỉnh Giấy Chứng Nhận Đầu Tư. 9

IV. KẾT QUẢ THỰC HIỆN VÀ KIẾN NGHỊ. 10

4.1       Kết quả thực hiện. 10

4.2       Kiến nghị… 11.

*Luật sư tập sự: ĐẶNG ĐÌNH THẮNG.

Luật sư hướng dẫn: CRISTIAN ALEXANDER BRENDEL

Sài Gòn năm 2010.

———————————————————-

THAM KHẢO VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

2. Dịch vụ tư vấn cơ cấu lại doanh nghiệp;

3. Tư vấn thành lập doanh nghiệp tại Hà Nội;
4. Tư vấn xây dựng quy chế hoạt động cho doanh nghiệp;
5. Luật sư tư vấn vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại;
6. Luật sư tư vấn và giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp.