1. Thế nào là hoạt động kinh doanh vận tải?
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 86/2014/NĐ-CP thì chúng ta có thể hiểu về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như sau:
Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc sử dụng xe ô tô vận tải hàng hóa, hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi; bao gồm kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp.
Trong đó, Kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp dịch vụ vận tải và thu cước phí vận tải trực tiếp từ khách hàng. Kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó đơn vị kinh doanh vừa thực hiện công đoạn vận tải, vừa thực hiện ít nhất một công đoạn khác trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ và thu cước phí vận tải thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ đó.
Điểm d khoản 4 điều 11 nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về lộ trình gắn phù hiệu xe đối với những loại xe chưa được gắn phù hiệu trước khi Nghị định này có hiệu lực như sau:
“đ) Trước ngày 01 tháng 7 năm 2018 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn.”
2. Quy định về việc cấp phù hiệu, biển hiệu
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 55 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT quy định như sau:
“Điều 55. Quy định về cấp phù hiệu, biển hiệu
2. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, theo hợp đồng, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc và xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu cho xe ô tô tham gia kinh doanh trong danh sách xe do đơn vị đề nghị theo quy định tại khoản 5 Điều này.”
Như vậy, khi công ty của bạn có Giấy phép kinh doanh vận tải hàng hoá thì công ty phải cấp phù hiệu cho xe ô tô của công ty.
3. Thủ tục xin cấp phù hiệu cho xe ô tô
Căn cứ tại khoản 5 Điều 55 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT và điểm b khoản 11 Điều 1 Thông tư 60/2015/TT-BGTVT sửa đổi điểm b khoản 5 Điều 55 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT, bạn cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp phù hiệu gồm:
“a) Giấy đề nghị cấp phù hiệu theo mẫu quy định tại Phụ lục 24 của Thông tư 63/2014/TT-BGTVT
b) Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực giấy đăng kiểm (chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường), giấy đăng ký xe ô tô và hợp đồng thuê phương tiện với tổ chức, cá nhân cho thuê tài chính hoặc cho thuê tài sản, hợp đồng dịch vụ giữa thành viên và hợp tác xã nếu xe không thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải. Đối với những phương tiện mang biển số đăng ký không thuộc địa phương nơi giải quyết thủ tục hành chính thì Sở Giao thông vận tải nơi nhận hồ sơ phải lấy ý kiến xác nhận về tình trạng của xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải của Sở Giao thông vận tải địa phương nơi phương tiện mang biển số đăng ký theo quy định tại khoản 12 Điều này.
c) Cung cấp tên Trang thông tin điện tử, tên đăng nhập, mật khẩu truy cập vào thiết bị giám sát hành trình của các xe đề nghị cấp phù hiệu.”
Như vậy, hồ sơ xin cấp phù hiệu xe bao gồm:
– Giấy đề nghị cấp phù hiệu xe (mẫu phụ lục 24, Thông tư 63/2014/TT-BGTVT)
– Bản sao kèm bản chính để đối chiếu/Bản sao có chứng thực giấy đăng kiểm
– Giấy đăng ký xe ô tô
– Hợp đồng thuê xe (nếu có)
– Cung cấp tên Trang thông tin điện tử, tên đăng nhập, mật khẩu truy cập vào thiết bị giám sát hành trình của các xe đề nghị cấp phù hiệu.
– Nơi nộp hồ sơ xin cấp phù hiệu cho xe ô tô:
Sau khi chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ trên, bạn cần nộp hồ sơ đến Sở giao thông vận tải nơi công ty có trụ sở chính hoặc có trụ sở chi nhánh để được giải quyết.
– Mức phí xin cấp phù hiệu cho xe ô tô: Khi làm phù hiệu cho xe ô tô thì không mất phí.
Kể từ khi nhận hồ sơ đúng quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc đối với phương tiện mang biển đăng ký tại địa phương nơi giải quyết thủ tục hành chính và 08 ngày làm việc đối với phương tiện mang biển số đăng ký không thuộc địa phương nơi giải quyết thủ tục hành chính, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm cấp phù hiệu cho đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị có xe nội bộ.
Trường hợp từ chối không cấp, Sở Giao thông vận tải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Mức phạt khi không gắn phù hiệu xe
Theo Khoản 5 Điều 24 Nghị định 46/2016/NĐ-CP Xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ như sau:
“5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 30% đến 50%;
b) Điều khiển xe quá thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 65 của Luật Giao thông đường bộ;
c) Điều khiển xe không có hoặc không gắn phù hiệu theo quy định (đối với loại xe có quy định phải gắn phù hiệu) hoặc có phù hiệu nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp.”
Như vậy, đối với hành vi điều khiển xe mà không gắn phù hiệu theo quy định trong trường hợp bắt buộc phải gắn phù hiệu xe thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bùi Thị Điệp – Chuyên viên tư vấn pháp luật Công ty Luật TNHH LVN Group