Khách hàng: Kính thưa Luật sư LVN Group, Luật sư hãy giúp tôi làm rõ về các khái niệm: Cơ chế hành chính, cơ chế tư pháp của cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính. Có vấn đề pháp lý đặt ra và đề xuất hoàn thiện cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính hiện nay không? Thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” là gì?

Cảm ơn!

Trả lời:

 

1. Cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính ở Việt Nam

Ở Việt Nam, cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính được đặt nền móng ban đầu từ năm 1945 với việc ban hành Sắc lệnh 64 của Chính phủ về thành lập Ban Thanh tra chính phủ có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết các đơn thư khiếu nại của người dân.

Cho tới trước năm 1996, tức là trước khi thành lập Tòa hành chính thì cơ chế giải quyết khiếu nại ở Việt Nam là giải quyết bằng con đường hành chính. Các chủ thể có thẩm quyền trong giải quyết khiếu nại hành chính lúc này chỉ tập trung ở 2 chủ thể cơ bản nhất: thủ trưởng cơ quan hành chính; cơ quan thanh tra.

Năm 1996, với việc thành lập Tòa hành chính thì Việt Nam có thêm cơ chế thứ 2 để giải quyết các khiếu nại hành chính. Đó là cơ chế tư pháp. Như vậy, cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính bao gồm cả cơ chế hành chính và cơ chế tư pháp. Vấn đề này có liên quan đến quan điểm cho rằng việc giải quyết bằng con đường Tòa hành chính là giải quyết khiếu kiện hành chính chứ không phải là giải quyết khiếu nại hành chính. Nhưng có lẽ, xét về bản chất thì giải quyết khiếu kiện cũng là giải quyết khiếu nại mà thôi.

Như vậy, ở Việt Nam, hiện đang tồn tại hai cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính – cơ chế hành chính và cơ chế tư pháp. Hành lang pháp lý đế hai cơ chế này được vận hành là Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005), các đạo luật chuyên ngành, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 1998, 2006) và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Việc giải quyết các vụ án hành chính theo cơ chế tố tụng được thực hiện dựa trên những nguyên tắc của hoạt động tố tụng hành chính của cơ quan tư pháp, độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Khi xét xử các vụ án hành chính Tòa án chỉ căn cứ vào pháp luật và đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính hay hành vi hành chính bị kiện, trên cơ sở đó ra các bản án, quyết định.

Chức năng xét xử hành chính được quy định trong chức năng của hệ thống Toà án nhân dân. Hệ thống toà án có chức năng xét xử các vụ án hành chính bao gồm: Toà hành chính Toà án nhân dân tối cao; Toà hành chính Toà án nhân dân cấp tỉnh; Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm phán chuyên trách xét xử hành chính.

Việc tạo lập hai cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính như hiện nay là một quá trình phát triển không ngừng và ngày càng hoàn thiện, góp phần bảo đảm tốt hơn cho công dân thực hiện quyền khiếu nại đã được Hiến pháp quy định.

Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, các quan hệ trong xã hội ngày càng phức tạp, việc xung đột, tranh chấp phát sinh trong môi quan hệ giữa nhà nước và công dân là điều không tránh khỏi và ngày càng đa dạng.

Nhiều xung đột, tranh chấp giữa công dân với nhà nước đã được giải quyết ổn thoả thông qua việc giải quyết các khiếu nại hành chính. Mỗi năm, các cơ quan hành chính giải quyết hàng trăm ngàn vụ khiếu nại hành chính, Toà án nhân dân các cấp giải quyết hàng ngàn vụ

Ví dụ: Vào năm 2008, ngành Toà án đã thụ lý 1.399 vụ, đã giải quyết 1.234 vụ liên quan đến các khiếu nại hành chính.

Tuy nhiên, các cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính hiện nay còn một số vấn đề đang đặt cần khắc phục và từ đó ta có thể nêu một số kiến nghị riêng biệt đối với hai cơ chế: Cơ chế hành chính, cơ chế tư pháp của cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính ở hai mục dưới đây.

 

2. Đối với cơ chế hành chính của cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính

Ta có thể đưa ra một số kiến nghị đối với cơ chế hành chính như sau:

– Thứ nhất, khắc phục tình trạng người ra quyết định hành chính nhưng đồng thời là người ra quyết định giải quyết khiếu nại. Điều này có nguy cơ dẫn đến kết quả giải quyết thiếu khách quan. Trong thời gian tới, nên coi quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu như hiện nay chỉ là việc xem xét lại quyết định hành chính đã được ban hành với thủ tục nhanh, gọn (thậm chí có thể điều chỉnh thời hạn, thời hiệu khiếu nại).

Đồng thời, để hạn chế các sai lầm khi ban hành các quyết định hành chính, và giúp việc xem xét lại các quyết định hành chính đã được ban hành một cách nhanh, gọn, cần thiết lập cơ chế đốĩ thoại giữa cơ quan hành chính với đối tượng chịu sự tác động của quyết định hành chính trưởc khi quyết định đó được ban hành, thay vì quy định đối thoại trong giải quyết lần đầu như hiện nay.

– Thứ hai, mở rộng quyền khiếu nại của quyền khiếu nại của công dân đối với các văn bản pháp quy.

Ở trên thực tế, một số vụ khiếu nại đông người, dai dẳng có liên quan trực tiếp đến nội dung trong các văn bản pháp quy. Từ một văn bản pháp quy, cơ quan hành chính nhà nước ban hành các quyết định hành chính cá biệt, tác động đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Nếu ta chỉ xem xét giải quyết khiếu nại đối với các quyết định hành chính cá biệt thì chưa đủ tính thuyết phục, chưa giải quyết tận gốc vấn đề; Và để giải quyết dứt điểm, cần hoàn thiện cơ chế đánh giá tính hợp pháp, hợp lý của các ván bản pháp quy. Một số nước phát triển đã quy định công dân, tổ chức có quyển khiếu nại văn bản pháp quy và giải quyết bằng cơ chế hành chính hoặc cơ chế tư pháp.

– Thứ ba, quyết định hành chính và hành vi hành chính có rất nhiều điểm khác biệt. Vì vậy, trong cơ chế giải quyết khiếu nại theo con đường hành chính cần thiết lập riêng để giải quyết đối với từng loại khiếu nại.

– Thứ tư, về sự chuyên nghiệp hoá đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu giải quyết khiếu nại hành chính

– Thứ năm, về cơ chế giải quyết khiếu nại bằng con đường hành chính gắn liền với công tác tiếp dân và xử lý đơn thư, vì vậy, cần bóc tách tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại hành chính riêng để bảo đảm việc tiếp công dân gắn liền với giải quyết. Riêng đối với công tác tiếp công dân để gỉải quyết khiếu nại hành chính cần thiết lập mô hình tiếp công dân phân tán.

 

3. Đối với cơ chế tư pháp của cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính

Ta có thể đưa ra một số kiến nghị đối với cơ chế tư pháp của cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính như sau:

– Thứ nhất, mở rộng thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính, hướng tới quy định tất cả các loại tranh chấp hành chính đều có thể khỏi kiện vụ án hành chính tại Toà án, trừ một số vụ việc đặc biệt.

– Thứ hai, nghiên cứu cho phép đối tượng chịu sự tác động của quyết định hành chính, hành vi hành chính có thể khởi kiện ra toà ngay sau khi quyết định hành chính được ban hành.

– Thứ ba, nghiên cứu nâng cao hiệu lực phán quyết của Toà án. Trong một số trường hợp có thể coi bản án, quyết định của Toà án như một quyết định hành chính, có thể áp dụng trực tiếp mà không cần yêu cầu cơ quan hành chính thực hiện.

– Thứ tư, quy định rút ngắn thời hạn giải quyêt một số vụ khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính để bảo đảm kịp thời trong quản lý, đồng thời bảo đảm các quyền và lợi ích về tài sản của công dân.

– Thứ năm, tăng cường đội ngũ thẩm phán hành chính, nâng cao năng lực xét xử, bồi dưỡng kiến thức về quản lý hành chính để bảo đảm việc xét xử các vụ án hành chính đúng pháp luật.

 

4. Thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”

Cơ chế “một cửa” ở Việt Nam được triển khai ở một số địa phương sau khi Nghị quyết số 38/CP ngày 04/5/1994 của Chính phủ “Về cải cách một bước thủ tục hành chính trong giải quyết công việc của công dân và tổ chức” được ban hành. Quan điểm này đã được cụ thể hóa bằng mô hình “Một cửa một dấu” hoặc “Một cửa liên thông”.

Và từ năm 1995, nhiều địa phương đã chủ động thí điểm thực hiện áp dụng cơ chế giải quyết công việc theo cơ chế “một cửa”. TP. Hồ Chí Minh cùng với Hà Nội, Hải Phòng đã là một trong những địa bàn thử nghiệm đầu tiên, đặc biệt riêng với mô hình “một cửa một dấu” và “một cửa liên thông” thì TP. Hồ Chí Minh đã là nơi tiến hành thử nghiệm đầu tiên trong cả nước.

Như vậy, cơ chế “một cửa” có nghĩa là trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính có thể có nhiều bộ phận chức năng tham gia vào công việc cụ thể, nhưng cuối cùng chỉ cần một cơ quan có đủ thẩm quyền ra quyết định và đóng dấu.

Ở những nước phát triển, như Mỹ; vương quốc Anh gọi cơ chế này được gọi là “one stop shop” hoặc “one stop store” hay “one stop source”. Thuật ngữ này được sử dụng đầu tiên ở Mỹ vào cuối những năm 1920 đầu những năm 1930 nhằm mô tả một mô hình dịch vụ mà ở đó cho phép các khách hàng giải quyết các công việc một cách thuận lợi tại một nơi thay vì phải đến nhiều nơi để giải quyết.

Về bản chất, cơ chế “một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính là cách thức tổ chức công việc hợp lý, khoa học nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, tập trung việc giải quyết các dịch vụ hành chính công vào một đầu mối thống nhất để tạo thuận lợi cho các tổ chức và công dân khi có yêu cầu giải quyết các công việc tại cơ quan hành chính nhà nước. Người dân và tổ chức khi có nhu cầu liên hệ với cơ quan nhà nước chỉ cần đến một nơi nhất định để nộp các hồ sơ cần thiết theo sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng và nhận kết quả giải quyết công việc cũng chính tại địa điểm đó. Để thực hiện cơ chế “một cửa”, các cơ quan hành chính nhà nước phải thiết lập quy trình giải quyết công việc sao cho có thể xử lý hợp lý, nhanh chóng các yêu cầu của công dân.

 

5. Vai trò của cơ chế “một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính của Việt Nam

Đối với cơ chế “một cửa” được áp dụng đối với cấp quản lý sở – ngành là cơ chế hành chính mới được hình thành trong quá trình thực hiện mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, nhằm thay thế cho cơ chế “nhiều cửa” đã tồn tại ở miền Bắc nhiều chục năm trước thời kỳ đổi mới (1986), đối với miền Nam thì từ sau ngày 30/4/1975 cho đến trước Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986).

Với cơ chế “nhiều cửa” là một trong những phản ánh đặc trưng của toàn bộ hệ thống quản lý nước ta trước đây do đặc điểm thời chiến kéo dài và nhiều nguyên nhân khác nữa nên đã vận hành chủ yếu theo cơ chế cũ là cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp trong các mối quan hệ giải quyết thủ tục hành chính giữa các cơ quan công quyền với người dân và các tổ chức chính trị – xã hội; giữa các cơ quan công quyền với nhau. Cơ chế cũ đó đã ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, là khe hở nảy sinh nhiều tiêu cực bức xúc xã hội do các tệ nạn quan liêu, cửa quyền, chồng chéo, lãng phí, tham nhũng… Chính vì thế, khi chuyển sang kinh tế thị trường theo đường lối đổi mới của Đảng khởi nguồn từ Đại hội VI, cần thiết phải thay thế cơ chế cũ đã lạc hậu đó bằng một cơ chế mới, tiên tiến, phù hợp hơn.

Ta xét ở phương diện chung, vai trò của cơ chế “một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính của Việt Nam như sau:

– Cơ chế này khắc phục các thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo. Khi chưa thực hiện cơ chế “một cửa”, không những mỗi cơ quan hành chính tự đặt ra thủ tục của mình, mà mỗi phòng, ban chuyên môn trong đó cũng tự ý đề ra những quy định thủ tục riêng, gây phiền hà, nhũng nhiễu cho nhân dân. Tồn tại này được khắc phục khi các cơ quan hành chính thống nhất một bộ thủ tục hành chính chung và quy trình giải quyết được cụ thể, công khai để nhân dân được biết và thực hiện theo.

– Bộ máy hành chính nói chung và bộ máy cung ứng dịch vụ hành chính công nói riêng được tinh giản gọn nhẹ. Các đơn vị quản lý và giải quyết thủ tục hành chính được quy về một đầu mối và được tổ chức tập trung tại các nơi giải quyết thủ tục hành cho công dân và tổ chức.

– Thay đổi thái độ phục vụ của công chức, khắc phục dần tính cửa quyền, sách nhiễm, ban ơn do cơ chế cũ để lại. Chất lượng tiếp nhận, phân tích và xử lý công việc được nâng lên. Cơ chế làm việc mới này tạo điều kiện để đầy lùi tình trạng công chức đòi hối lộ, cửa quyền, những nhiễu, gây phiền hà cho dân. Trách nhiệm giải trình của công chức luôn được chú trọng.

– Khắc phục tình trạng cán bộ lãnh đạo mất nhiều thời gian vào các công việc sự vụ hành chính, không có thời gian dành cho những nhiệm vụ và chức năng quản lý khác; giảm dần việc các cán bộ lãnh đạo phải tham gia trực tiếp giải quyết các công việc sự vụ, khiếu kiện.

– Người dân không phải đi lại nhiều lần, qua nhiều khâu. Thời gian cung ứng các dịch vụ hành chính công được quy định rõ ràng, giảm chi phí thời gian và tăng cơ hội hoạt động của các tổ chức và công dân, điều này khắc phục được tình trạng các công chức của các phòng ban chuyên môn tự gia hạn thời gian xử lý hồ sơ cho người dân.

– Cơ chế “một cửa” khắc phục tình trạng tùy tiện đặt ra và thu các loại phí, qua đó thống nhất mức lệ phí đối với cùng một loại dịch vụ do các cơ quan hành chính ban hành ở các địa phương khác nhau cung cấp.

 

Trên đây là nội dung Luật LVN Group sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group (Sưu tầm và Biên soạn).