Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.0191

1. Cơ sở pháp lý:

– Luật trẻ em năm 2016

– Luật An ninh mạng năm 2018

2. Bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em

Bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em là trách nhiệm của nhiều chủ thể, trong đó đóng vai trò trung tâm, chủ đạo là Nhà nước. Theo đó, bảo vệ quyền riêng tưcủa trẻ em là việc Nhà nước chủ động ngăn chặn sự vi phạm đến quyền này từ phía các bên thứ ba, thể hiện ở việc Nhà nước chủ động xây dựng các biện pháp và thực hiện cơ chế phòng ngừa, xử lý những hành vi vi phạm quyền riêng tư của trẻ em.

3. Những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em

Việc pháp luật sớm ghi nhận và có những quy định căn bản nêu trên trong các lĩnh vực của hệ thống pháp luật có thể xem là những thành tựu bước đầu về mặt pháp lý của bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em ở Việt Nam.Các quy định này đã phần nào thể hiện trách nhiệm, nhận thức của Nhà nước trong quá trình hiện thực hóa các quyền của trẻ em căn bản, góp phần vào sự phát triển toàn diện của thế hệ tương lai của dân tộc.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, pháp luật về quyền riêng tư của trẻ em còn bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định.

3.1. Về độ tuổi pháp lý của trẻ em

Theo quy định của Luật Trẻ em, trẻ em là người dưới 16 tuổi. Với quy định này, khoảng gần ba triệu trẻ em lứa tuổi 16-17, trong đó bao gồm hàng trăm nghìn em có hoàn cảnh đặc biệt, không được hưởng một số chính sách xã hội dành cho việc hỗ trợ, chăm sóc và bảo vệ của trẻ em, trong đó có khía cạnh bảo vệ quyền riêng tư .

3.2. Cách tiếp cận việc bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em

Hầu hết các điều khoản của Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1990 đều đề cập đến trách nhiệm của quốc gia trong việc bảo vệ các quyền của trẻ em trong đó có quyền riêng tư . Cùng với đó, một văn kiện khác ghi nhận “thực hiện quyền riêng tư là… một trong những nền tảng của xã hội dân chủ”; đồng thời yêu cầu các quốc gia phải: “tôn trọng và bảo vệ quyền riêng tư, kể cả trong bối cảnh giao tiếp kỹ thuật số; có biện pháp chấm dứt vi phạm các quyền đó; tạo điều kiện để ngăn chặn các vi phạm, bao gồm cả việc đảm bảo pháp luật quốc gia có liên quan tuân thủ nghĩa vụ của mình theo luật nhân quyền quốc tế; xem xét các thủ tục, quá trình thực hiện pháp luật… nhằm tăng cường quyền riêng tư bằng cách đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả tất cả các nghĩa vụ của quốc gia theo luật nhân quyền quốc tế”. Theo đó, trẻ em là chủ thể hoàn toàn của quyền, quốc gia là chủ thể hoàn toàn mang nghĩa vụ. Quốc gia phải thông qua các hoạt động đa dạng, trong đó nổi bật là việc xây dựng, thực thi và đảm bảo toàn bộ hệ thống pháp luật phải thể hiện được trách nhiệm, cơ chế hiện thực hóa trách nhiệm của nhà nước trong quá trình bảo vệ QRT của trẻ em.

Soi chiếu vào các quy định của pháp luật hiện hành, có thể thấy, việc hiện thực hóa quyền của trẻ em nói chung, bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em nói riêng đang không thật sự theo hướng tiếp cận trên. Điển hình có thể kể đến Luật trẻ em năm 2016, đối tượng áp dụng của Luật này là “Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ sở giáo dục, gia đình, công dân Việt Nam; cơ quan, tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cá nhân là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam” (Điều 3). Điều này cho thấy trẻ em – chủ thể của quyền – bị loại ra ngoài đối tượng áp dụng. Bên cạnh đó, quy định này còn thể hiện, đây là văn bản quản lý nhà nước về trẻ em và coi trẻ em là đối tượng cần được chăm sóc và bảo vệ. Cách tiếp cận này kéo theo rất nhiều quy định về quyền và nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước và các tổ chức khác nhau liên quan tới trẻ em, và đặc biệt biến các cơ quan, tổ chức này, thậm chí cả nhà trường và gia đình trở thành các cấp giám sát hành chính đối với việc thực hiện quyền của trẻ em.

3.3. Cơ chế bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em còn nằm trong cơ chế bảo vệ chung của quyền riêng tư

Việc chưa thực sự có cơ chế riêng trong quá trình bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em là điều bất lợi. Bởi vì, nhóm đối tượng của hoạt động này có đặc điểm đặc thù là chưa có sự hoàn thiện về mặt thể chất, tinh thần, những hậu quả mang lại cho trẻ em khi quyền riêng tư bị xâm phạm là rất lớn nếu như có sự chậm trễ trong quá trình ngăn chặn hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả.

Nguyên tắc bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em được mặc định trong hệ các nguyên tắc chung về bảo vệ quyền trẻ em, chưa kể đến sự rời rạc và thiếu thống nhất của các nguyên tắc, cụ thể:

Một là, nội dung 5 nguyên tắc được ghi nhận (Điều 5 Luật Trẻ em) cho thấy, tinh thần của Công ước Quốc tế về trẻ em năm 1990 đã không được lĩnh hội triệt để. Thậm chí, với nguyên tắc thứ nhất – “Bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận” (Khoản 1 Điều 5), đã cho thấy nhận thức chưa thật sự đầy đủ của pháp luật Việt Nam về chủ thể của quyền trẻ em, đó là: “không tiếp cận xây dựng đạo luật này từ việc trân trọng xác định trẻ em là chủ thể của các quyền tự nhiên vốn có của mình” mà lại “gắn cho các em “bổn phận”. Quy định về các bổn phận này của các em hoàn toàn không có ý nghĩa pháp lý, bởi các em có không tuân thủ thì người ta lại nhìn thấy trách nhiệm của người lớn, của Nhà nước hay của gia đình, nhà trường…”. Đồng thời, hai nguyên tắc ở khoản 4 và khoản 5 Điều 5 chính là một quyền cụ thể (Điều 12 – quyền tự do quan điểm, biểu đạt) của Công ước năm 1990. Việc thiết kế các nguyên tắc bảo đảm quyền của trẻ em theo cách thức này đã làm cho các nguyên tắc vừa thiếu lại vừa thừa, bởi bản thân các nguyên tắc ở khoản 4 và khoản 5 đã nằm trong các nguyên tắc ở khoản 1; đặc biệt, thể hiện việc chưa nhận thức đúng bản chất của bảo đảm quyền của trẻ em. Theo đó, các nguyên tắc bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em cũng chịu chung những hạn chế như vậy.

Hai là, đối với việc bảo vệ trẻ em và quyền riêng tư của trẻ em trên không gian mạng, cả Luật Trẻ em và Nghị định hướng dẫn thi hành đều không có quy định mang tính nguyên tắc, trong khi đây là khía cạnh mang nhiều đặc thù, có tác động lớn đến thời gian, phạm vi, mức độ, tính chất của việc xử lý các vi phạm liên quan. Đặc thù lớn nhất của bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em chính là việc phòng ngừa và xử lý hành vi xâm phạm quyền này trong thực tế. Tuy nhiên, quy định của pháp luật về cơ chế phòng ngừa còn thiếu cụ thể.

Thứ tư, ở góc độ xử lý vi phạm, pháp luật bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em hiện nằm trong các quy định chung, chủ yếu ở khía cạnh xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể; các biện pháp xử lý khi có vi phạm quyền riêng tư nói chung trong đó có trẻ em là: ngăn chặn, yêu cầu tạm ngừng, ngừng cung cấp thông tin mạng; đình chỉ, tạm đình chỉ thiết lập, cung cấp và sử dụng mạng viễn thông, mạng Internet, sản xuất và sử dụng thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến; yêu cầu xóa bỏ, truy cập xóa bỏ thông tin vi phạm liên quan; phong tỏa, hạn chế hoạt động của hệ thống thông tin; đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền theo quy định của pháp luật….

Cách thức quy định này tạo nên sự nửa chừng về trách nhiệm của cả cơ quan có thẩm quyền trong quản lý nội dung thông tin trên mạng và các doanh nghiệp kinh doanh mạng trong việc bảo vệ quyền riêng tư. Cả cơ quan có thẩm quyền và chủ thể kinh doạnh mạng đều có “trách nhiệm tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá, phân loại mức độ an toàn cho trẻ em được gửi tới; bảo đảm việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em” (Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em). Tuy nhiên, Nghị định này và Luật An ninh mạng năm 2018 lại quy định, khi quyền riêng tư của trẻ em bị xâm phạm trên không gian mạng, thì yêu cầu xóa bỏ và dừng các hành vi vi phạm chỉ được đặt ra đối với cá nhân hoặc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mạng. Đây không chỉ là sự mâu thuẫn về quy định của pháp luật, mà là sự bất cập về chủ thể có nghĩa vụ ngăn chặn hành vi vi phạm quyền riêng tư của trẻ em. Bởi lẽ, trong tương quan với thiệt hại mà nạn nhân phải gánh chịu, các nhà mạng là chủ thể ít bị ràng buộc nhất, không trực tiếp phải chịu những tổn thất về tinh thần hoặc thể chất, cũng không phải chủ thể phải chịu các trách nhiệm công vụ hay chính trị nếu để vi phạm xảy ra. Sự bất cập này đã góp phần tạo nên sự chậm trễ trong quá trình xử lý các trường hợp xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em trên không gian mạng.

Các quy định về xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến nội dung thông tin trên internet mới chỉ dừng ở việc xử lý các hành vi vi phạm với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý, như người sử dụng, người kinh doanh mà không có quy định về xử lý vi phạm với chủ thể có thẩm quyền, nếu như trong quá trình quản lý đã thực hiện không đúng hoặc không hiệu quả thẩm quyền quản lý của mình. Việc thiếu khuyết các quy định xác định trách nhiệm công vụ của chủ thể có thẩm quyền đã làm cho các quy định khác liên quan đến bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em kém hiệu quả. Đơn cử, Luật Trẻ em năm 2016 quy định được cho là tiến bộ là đã xác định trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, nhưng dễ nhận thấy, đó đều là trách nhiệm mang tính tích cực – trọng trách mà thiếu vắng quy định về trách nhiệm pháp lý nếu người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã này vi phạm các trọng trách được giao. Các quy định của pháp luật liên quan đến công chức cấp xã hay xử lý vi phạm hành chính cũng chưa hề được bổ sung cho hệ thống, logic.

Đặc biệt, các quy định liên quan đến giới hạn quyền riêng tư của trẻ em cũng đang chịu những hạn chế chung về giới hạn quyền con người. Cơ chế cho phép chủ thể có thẩm quyền thu thập các thông tin riêng tư của trẻ em vì các lý do như bảo vệ lợi ích, sức khỏe, đạo đức cộng đồng, của người khác hoặc an ninh mạng hiện chưa thật sự hợp lý. Có thể lấy ví dụ ở Luật An ninh mạng, khi có nguy cơ hoặc các vấn đề liên quan đến an toàn, an ninh thông tin trên mạng internet, các biện pháp như giám sát, kiểm tra, thu thập, đăng phát thông tin riêng tư của trẻ em vẫn được tiến hành. Nếu không có quy định rõ về phạm vi, thời gian, trường hợp, mức độ của việc giới hạn quyền đó, thì quyền riêng tư của trẻ em rất dễ bị xâm phạm từ chính các hoạt động tưởng rằng hợp pháp của các chủ thể công quyền.

4. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em

Thứ nhất, cần tiếp cận việc bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em nói riêng, bảo vệ quyền của trẻ em nói chung cho đúng với nội hàm, bản chất của nó, đó là: quyền của trẻ em; trẻ em là chủ thể toàn diện của quyền; đồng thời, Nhà nước là chủ thể có nghĩa vụ, phải thực hiện tất cả các hoạt động để làm cho quyền riêng tư của trẻ em không bị xâm hại, mọi vi phạm đều bị xử lý thích đáng; từ đó xây dựng hệ thống pháp luật cho phù hợp, sao cho nếu để xảy ra vi phạm, không thực hiện hiệu quả nghĩa vụ, thì Nhà nước sẽ là chủ thể đầu tiên và cuối cùng phải gánh chịu nghĩa vụ pháp lý cho mọi vi phạm liên quan.

Thứ hai, cần xây dựng cơ chế: nhà mạng phải trực tiếp và chủ động xử lý vi phạm quyền riêng tư của trẻ em khi được tin báo, mà không cần phải chờ yêu cầu từ phía Nhà nước. Nhà nước phải giám sát, kiểm tra hoạt động của nhà mạng trong quá trình xử lý vi phạm. Muốn nhà mạng và Nhà nước thực hiện được đúng trách nhiệm của mình, thì phải có quy định của pháp luật cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm pháp lý tương ứng. Giải pháp này sẽ khắc phục được những vi phạm từ việc “không hành động” của các chủ thể công quyền trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước. Bởi lẽ, ngoài việc quy định trách nhiệm trực tiếp cho các nhà mạng, thì công quyền cũng phải trở thành đối tượng chịu sự giám sát, chịu trách nhiệm về kết quả công tác bảo đảm quyền riêng tư của trẻ em trong tương quan với bảo đảm quyền tự do internet. Pháp luật chỉ thực sự có hiệu lực và hiệu quả khi trách nhiệm pháp lý được xác định đến cùng. Chỉ khi nào Nhà nước đảm bảo được hiệu quả giải quyết vi phạm nội dung thông tin về trẻ em trên mạng của các nhà mạng, khi đó mới hoàn thành chu trình quản lý nhà nước.

Thứ ba, cần quy định cụ thể về giới hạn quyền, để bảo đảm quyền riêng tư nói chung, quyền riêng tư của trẻ em nói riêng. Trong các quy định pháp luật đó, cần minh bạch về thẩm quyền, nội dung, trình tự, phạm vi, thời gian áp dụng các biện pháp như theo dõi, giám sát thư tín, điện thoại, internet, thu thập thông tin riêng tư của trẻ em, đồng thời xây dựng cơ chế giám sát, khiếu nại, khiếu kiện khi có vi phạm.

Thứ tư, cần thay đổi quy định về độ tuổi là trẻ em ở Việt Nam: dưới 18 tuổi, thay vì dưới 16 như hiện nay, để có thể “cải cách hệ thống pháp lý về bảo vệ trẻ em và công lý cho trẻ em độ tuổi 16 đến dưới 18, nhằm đảm bảo mọi trẻ em dưới 18 tuổi đều được tiếp cận các dịch vụ, bảo vệ toàn diện và nhận thức được quyền của mình”. Việc thay đổi độ tuổi này vừa phù hợp với quy định chung của Công ước Quyền trẻ em năm 1990, vừa là cốt lõi của nguyên tắc công bằng – nền tảng trong quá trình thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn cầu và mục tiêu “Không để một ai bị bỏ lại phía sau” mà Việt Nam đang theo đuổi. “Vận dụng phương pháp tiếp cận mang tính công bằng sẽ hỗ trợ và cho phép Việt Nam tiếp cận được các đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cũng như bảo đảm sự phát triển trong tương lai và sự thịnh vượng của quốc gia”.

Thứ năm, xây dựng các nguyên tắc bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em phải xác định cho được các quy chuẩn của hành động và tìm ra chủ thể chịu trách nhiệm pháp lý cho sự vận hành hiệu quả, chứ không phải chỉ là các quy định mang tính chung chung, khẩu hiệu. Các nguyên tắc có thể là: i) Nhà nước là chủ thể bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em; ii) Bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên cơ sở không có bất kỳ phân biệt đối xử nào; iii) Lợi ích tốt nhất của trẻ em là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động liên quan; iv) Các chủ thể bảo đảm quyền riêng tư phải đáp ứng các tiêu chuẩn và phải bị giám sát; v) Bảo đảm quyền, lợi ích, trách nhiệm của cha mẹ và các chủ thể tương đương trong quá trình bảo đảm quyền riêng tư.

Thứ sáu, thiết lập cơ chế riêng cho bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em, trong đó “sớm xây dựng cơ quan chuyên trách bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân với thẩm quyền xem xét khiếu nại, thực hiện quyền thanh tra, giám sát cũng như nghiên cứu hoàn thiện chính sách pháp luật, thúc đẩy quyền riêng tư”. Cơ quan chuyên trách này phải là chủ thể mang tính đầu mối, tổng thể để chịu trách nhiệm cho việc bảo vệ quyền riêng tư của trẻ, hoạt động trên hệ các nguyên tắc chặt chẽ về đảm bảo tính nhanh chóng trong việc chấm dứt hành vi vi phạm, khắc phục thiệt hại và xử lý thích đáng hành đối tượng vi vi phạm quyền riêng tư của trẻ em.

Thứ bảy, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến xác định trách nhiệm của gia đình, cha mẹ trong việc bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em theo hướng nâng cao năng lực và khả năng chống chịu cho cha mẹ và người chăm sóc, ngăn ngừa, can thiệp và phản hồi sớm đối với các hành vi vi phạm. Cha mẹ, người giám hộ của trẻ em cần có các quy định của pháp luật phù hợp, đủ để nhận thức được nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của mình trong bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em. Để cha mẹ là chủ thể trước tiên có những biện pháp bảo vệ chính quyền riêng tư của con cái, thông qua việc lường định được mặt trái của tự do internet, từ đó hạn chế việc vô tư đăng phát thông tin, hình ảnh, hoạt động của con em mình trên không gian mạng.

Thứ tám, xác định rõ các trường hợp vi phạm và quy định cụ thể về các dạng chế tài cho hành vi vi phạm quyền riêng tư của trẻ em. Trước mắt, cần ban hành, bổ sung hướng dẫn về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quyền riêng tư để có cơ sở cho việc truy cứu trách nhiệm pháp lý và xử lý các hành vi thuộc loại này. Cũng cần tăng mức phạt tiền đối với các trường hợp thành viên gia đình làm lộ, phát tán các thông tin thuộc bí mật đời tư của trẻ em để nâng cao nhận thức về quyền riêng tư và bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em.

Thứ chín, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về tư pháp vị thành niên, hướng tới xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện hơn với trẻ em và nhạy cảm hơn về giới nhằm đảm bảo rằng mọi trẻ em tiếp cận với hệ thống tư pháp sẽ được phục vụ và bảo vệ tốt hơn. Đồng thời, thiết lập các cấu trúc cùng nguồn nhân sự chuyên về tư pháp trẻ em (ví dụ như các tòa án và đơn vị cảnh sát chuyên giải quyết các vấn đề liên quan tới bảo vệ trẻ em) để đảm bảo trẻ em được pháp luật bảo vệ tốt hơn, phù hợp với độ tuổi, sự phát triển và các nhu cầu riêng biệt của từng em.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập