1. Đối tượng chứng minh
1.1 Khái niệm đối tượng chứng minh trong Tố tụng hình sự
Đối tượng chứng minh trong tố tụng hình sự là tất cả những vấn đề mà Luật tố tụng hình sự quy định cần phải làm rõ để xác định bản chất vụ án hình sự và các tình tiết khác có liên quan. Và dựa trên cơ sở chứng minh đó các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra bản án và các quyết định tố tụng phù hợp trong quá trình gaiir quyết vụ án hình sự
1.2 Các nội dung chủ yếu của đối tượng chứng minh
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về các nhóm đối tượng cần chứng minh bao gồm:
– Những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự
– Những vấn đề chứng minh khác
* Những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự
Căn cứ vào Điều 86 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về chứng cứ ta có thể suy ra những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự, bao gồm những vấn đề sau:
– Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
– Ai là người thực hiện hành vi phạm tội, có lỗi hay không có lỗi, do lỗi cố ý hay vô ý, có năng lực trách nhiệm hình sự hay không, mục đích hoặc động cơ phạm tội;
– Những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;
– Tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;
– Nguyên nhân và điều kiện phạm tội;
– Những tình tiết khác có liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt.
* Những vấn đề cần chứng minh khác
Ngoài những vấn đề cần chứng minh được quy định nêu trên, trong một số các trường hợp đặc biệt còn có những nội dung sau cần phải được chứng minh:
– Đối với những vụ án do người dưới 18 tuổi thực hiện, ngoài những vấn đề cần phải chứng minh được quy định tại Điều 86 thì Điều 416 Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định về những vấn đề cần chứng minh đối với nhóm đối tượng này, như sau:
- Tuổi, mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi.
- Ðiều kiện sinh sống và giáo dục.
- Có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục.
- Nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội.
– Trong những trường hợp có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự do bị mắc các bệnh tâm thần hoặc mắc bênh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì cơ quan điều tra phải làm sáng tỏ vấn đề này theo quy định tại Điều 448 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Cụ thể như sau:
“Điều 448. Điều tra đối với người bị nghi về năng lực trách nhiệm hình sự
1. Đối với vụ án mà có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự, Cơ quan điều tra phải làm sáng tỏ:
a) Hành vi nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra;
b) Tình trạng tâm thần và bệnh tâm thần của người có hành vi nguy hiểm cho xã hội;
c) Người có hành vi nguy hiểm cho xã hội có mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình hay không.
2. Khi tiến hành tố tụng, Cơ quan điều tra phải bảo đảm có người bào chữa tham gia tố tụng từ khi xác định được người có hành vi nguy hiểm cho xã hội mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi. Người đại diện của người đó có thể tham gia tố tụng trong trường hợp cần thiết”.
2. Nghĩa vụ chứng minh
Điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về trách nhiệm chứng minh tội phạm như sau: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội”.
Như vậy việc chứng minh các đối tượng cần chứng minh trong một vụ án hình để nhằm làm sáng tỏ bản chất của vụ án thuộc về trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội không có trách nhiệm chứng minh điều này.
Mặc dù theo quy định của Luật thì bị can, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội nhưng có quyền đưa ra các chứng cứ và yêu cầu để chứng minh là mình không có tội hoặc đưa ra các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Việc đưa ra các chứng cứ yêu cầu chứng chứng minh là quyền của bị can, bị cáo và Luật tố tụng hình sự có những quy định cụ thể để đảm bảo cho họ thực hiện các quyền này của mình.
3. Quá trình chứng minh trong vụ án hình sự
Chứng minh là việc sử dụng các chứng cứ để làm sáng tỏ vụ án, sáng tỏ bản chất của vụ án. Việc thu thập chứng cứ được dùng làm căn cứ để chứng minh là một quá trình phản ánh nhận thức của con người từ chưa biết đến biết, từ biết ít đến biết nhiều và từ hiện tượng đến bản chất. Quá trình chứng minh bao gồm các bước như sau:
* Thu thập chứng cứ
Thu thập chứng cứ là việc ghi nhận, thu giữ và bảo quản chứng cứ của cơ quan tiến hành tố tụng làm cho chứng cứ có đầy đủ giá trị chứng minh và hiệu quả sử dụng. Việc thu thập chứng cứ phải được tiến hành bằng những biện pháp của Luật tố tụng hình sự và do người tiến hành tố tụng thực hiện mới đảm bảo là chứng cứ có giá trị chứng minh.
Khi thu thập chứng cứ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có thái độ khách quan, toàn diện, thu thập hết các loại chứng cứ từ các nguồn khác nhau và đúng các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật để tránh việc thu thập một cách tràn lan, đồng thời không bỏ xót chứng cứ. Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.
* Kiểm tra chứng cứ
Chứng cứ khi được thu thập thì không được sử dụng ngay mà phải tiến hành kiểm tra để xác định tính xác thực và hợp pháp của chứng cứ. Điều 108 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về kiểm tra, đánh giá chứng cứ, cụ thể như sau:
“Điều 108. Kiểm tra, đánh giá chứng cứ
1. Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự.
2. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án”.
Việc để kết luận hành vi của một người nào đó là tội phạm có liên quan đến những quyền lợi thiết thân của con người, thậm chí quyền được sống, do vậy chứng cứ khi sử dụng phải được kiểm tra xác minh. Việc tiến hành kiểm tra chứng cứ được tiến hành bằng các biện pháp sau:
– Phân tích từng thuộc tính của chứng cứ xem xét các thuộc tínhd đó có đảm bảo giá trị chứng minh hay không và có phù hợp với thực tế khách quan hay không;
– So sánh, đối chiếu giữa các chứng cứ có thể thu thập được với nhau xem có phù hợp không, nếu có mâu thuẫn thì do đâu và các chứng cứ thu thập được có phù hợp với thực tiễn diễn biến của vụ án hay không;
– Tìm các chứng cứ mới để làm sáng tỏ những chứng cứ vừa thu thập được
* Đánh giá chứng cứ
Đánh giá chứng cứ là hoạt động phân tích của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhằm xác định giá trị chứng minh của chứng cứ đối với những vấn đề cần phải giải quyết trong vụ án hình sự. Việc đánh giá chứng cứ phải dựa vào các quy định của Luật hình sự về tội phạm và hình phạt, trên cơ sở đó xác định giá trị chứng minh của các chứng cứ về sự việc phạm tội, các dấu hiệu của cấu thành tội phạm, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự…..Nói cách khác chính là việc dựa vào Luật hình sự để đánh giá tính liên quan của chứng cứ với đối tượng chứng minh và giá trị chứng minh của từng chứng cứ. Việc đánh giá chứng cứ phải dựa vào các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự để đánh giá tính hợp pháp của chứng cứ, xác định chứng cứ có được chứa đựng ở những nguồn và thu thập bằng biện pháp của Luật tố tụng hình sự hay không. Phải dựa vào ý thức pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng để đánh giá chứng cứ trên cơ sở phép duy vật biện chứng với nguyên lý một sự vật hay một hiện tượng trong trạng thái luôn phát triển và xem xét nó trong mối quan hệ với sự vật, hiện tượng khác.
Nội dung đánh giá chứng cứ là xác định giá trị và ý nghĩa của chứng cứ trong mối quan hệ với đối tượng chứng minh nên phải đánh giá từng chứng cứ trong mối quan hệ với đối tượng chứng minh nên phải đánh giá từng chứng cứ, sau đó đánh giá toàn bộ chứng cứ để rút ra kết luận về vụ án. Đánh giá từng chứng cứ nhằm xác định giá trị của chứng cứ đó, tức là chứng cứ đó chứng minh cho đối tượng nào của vụ án, hiệu quả chứng minh cao hay thấp. Thông thường những chứng cứ trực tiếp, chứng cứ gốc có giá trị chứng minh cao nên khi thu thập cần chú ý tới loại chứng cứ này. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi đánh giá chứng cứ phải dựa vào các đặc điểm của nguồn chứng cứ, sự kiện thực tế khách quan được phản ánh trong chứng cứ, đồng thời kết hợp với kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn của mình để rút ra những kết luận chính xác, phù hợp với quy luật khách quan của vụ án.
Đánh giá tổng hợp chứng cứ là xem xét toàn bộ các chứng cứ đã thu thập được nhằm xác định đã có đủ hồ sơ để chứng minh tội phạm hay chưa. Trên cơ sở đánh giá mối quan hệ giữa các chứng cứ đối chiếu với thực tế khách quan xem có phù hợp hay không để đưa ra các kết luận về vụ án.
Luật LVN Group