1. Thông tin tín dụng là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 58/2021/NĐ-CP, thông tin tín dụng là dữ liệu, số liệu, dữ kiện liên quan của khách hàng vay tại tổ chức tham gia của công ty thông tin tín dụng.
Trong đó, khách hàng vay là tổ chức, cá nhân được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng hoặc được tổ chức tham gia khác cung cấp dịch vụ cho thuê tài sản, mua hàng trả chậm, trả dần, cầm đồ có điều kiện về lãi suất, thời hạn, tiền thuê, biện pháp bảo đảm nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 7, khoản 8 Điều 3 Nghị định này:
- Thông tin định danh là thông tin định danh khách hàng vay theo quy định của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Thông tin tiêu cực về khách hàng vay là thông tin tín dụng về nợ xấu, vi phạm nghĩa vụ thanh toán, vi phạm pháp luật, bị khởi kiện, bị khởi tố và các thông tin bất lợi khác ảnh hưởng đến kết quả đánh giá khách hàng vay.
Vậy, Hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng là việc công ty thông tin tín dụng cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng cho các đối tượng sử dụng trên cơ sở các hoạt động thu thập, xử lý, lưu giữ thông tin.
2. Hoạt động của công ty cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng
2.1. Thu thập thông tin tín dụng
Thông tin tín dụng được thu thập bao gồm:
a) Thông tin định danh của khách hàng vay và những người có quan hệ với khách hàng vay (nếu có), gồm: bố đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con;
b) Thông tin về lịch sử cấp tín dụng, thuê tài sản, mua hàng trả góp, trả chậm và các giao dịch khác có điều kiện về lãi suất, thời hạn phải trả, tiền thuê;
c) Thông tin về lịch sử trả nợ, số tiền đã đến hạn hoặc chưa đến hạn, thời hạn phải trả, hạn mức tín dụng của khách hàng vay;
d) Thông tin về bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay;
đ) Các thông tin khác liên quan nhưng phải bảo đảm không vi phạm quyền của khách hàng vay, không bao gồm những thông tin về tài khoản tiền gửi và thông tin thuộc phạm vi, danh mục bí mật của Nhà nước.
2.2. Xử lý thông tin tín dụng
– Quá trình kiểm tra, phân loại, cập nhật thông tin tín dụng phải đảm bảo không làm sai lệch tính chất, nội dung thông tin tín dụng thu thập.
– Trên cơ sở nguồn thông tin tín dụng thu thập và lưu giữ, Công ty thông tin tín dụng tiến hành phân tích, đánh giá, tổng hợp thông tin để tạo lập các sản phẩm thông tin tín dụng.
– Công ty thông tin tín dụng chỉ được phép sử dụng thông tin tín dụng của khách hàng vay tối đa 05 năm gần nhất để tạo lập sản phẩm thông tin tín dụng.
2.3. Lưu giữ thông tin tín dụng
– Thông tin tín dụng phải được lưu giữ an toàn, bảo mật, phòng tránh được những sự cố, thảm họa có thể xảy ra và ngăn chặn sự xâm nhập, truy cập bất hợp pháp từ bên ngoài.
– Thông tin tín dụng về khách hàng vay được lưu giữ tối thiểu trong 05 năm kể từ ngày Công ty thông tin tín dụng tiếp nhận được.
2.4. Cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng
Công ty thông tin tín dụng cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng cho các đối tượng sau:
– Tổ chức cấp tín dụng có cung cấp thông tin cho Công ty thông tin tín dụng để xem xét cấp tín dụng cho khách hàng vay, kiểm soát các khoản tín dụng, thu hồi nợ và mục đích khác được pháp luật cho phép.
– Khách hàng vay để kiểm tra thông tin về bản thân tại kho dữ liệu của Công ty thông tin tín dụng hoặc làm tài liệu bổ sung cho việc xin cấp tín dụng.
– Công ty thông tin tín dụng khác để phục vụ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
– Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
2.5. Quyền và nghĩa vụ của Công ty thông tin tín dụng
– Quyền của Công ty thông tin tín dụng
a) Ký kết hợp đồng với các tổ chức và cá nhân về thu thập và cung cấp thông tin tín dụng theo quy định của pháp luật;
b) Trao đổi thông tin tín dụng với các Công ty thông tin tín dụng khác;
c) Được thu tiền dịch vụ cung cấp các sản phẩm thông tin tín dụng;
d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
– Nghĩa vụ của Công ty thông tin tín dụng
a) Đảm bảo các mục đích, nguyên tắc, nội dung của hoạt động thông tin tín dụng;
b) Đảm bảo các điều kiện về hoạt động thông tin tín dụng trong suốt quá trình hoạt động;
c) Báo cáo hoạt động thông tin tín dụng theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
d) Thực hiện đúng và đầy đủ hợp đồng dịch vụ thông tin tín dụng đã ký kết;
đ) Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận thông tin tín dụng;
e) Không vi phạm những hành vi bị cấm sau:
+ Thu thập, cung cấp, sử dụng trái phép các thông tin thuộc phạm vi, danh mục bí mật của Nhà nước.
+ Cố ý làm sai lệch nội dung thông tin tín dụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan.
+ Trao đổi thông tin tín dụng cho tổ chức, cá nhân khác không liên quan, sai đối tượng, bất hợp pháp.
+ Lợi dụng các hoạt động thông tin tín dụng để tư lợi cá nhân, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
+ Cản trở hoạt động thu thập và khai thác thông tin tín dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
+ Sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng cung cấp cho các đối tượng không được quy định.
g) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
3. Điều kiện cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng
– Có hệ thống cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu tối thiểu sau đây:
+ Có tối thiểu 02 đường truyền số liệu, trong đó mỗi đường truyền được cung cấp bởi 01 nhà cung cấp dịch vụ, để đảm bảo duy trì việc truyền đưa liên tục thông tin số;
+ Có trang thiết bị công nghệ thông tin phù hợp với mặt bằng công nghệ của hệ thống tổ chức cấp tín dụng và có khả năng tích hợp, kết nối được với các tổ chức cấp tín dụng;
+ Có hệ thống máy chủ, hệ thống phần mềm tin học và các giải pháp kỹ thuật để cập nhật, xử lý, lưu giữ thông tin tín dụng, thực hiện dịch vụ thông tin tín dụng đối với tối thiểu 5.000.000 khách hàng vay;
+ Có phương án bảo mật, an toàn thông tin;
+ Có phương án dự phòng thảm họa, đảm bảo không bị gián đoạn các hoạt động nghiệp vụ chính quá 04 giờ làm việc.
– Có vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng.
– Có người quản lý doanh nghiệp và thành viên Ban kiểm soát đáp ứng các điều kiện sau:
+ Đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty: Có bằng đại học hoặc trên đại học về một trong các chuyên ngành kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin và có ít nhất 03 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin.
+ Đối với thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên hợp danh: Có bằng đại học hoặc trên đại học, trong đó ít nhất 50% số thành viên có bằng đại học hoặc trên đại học về một trong các chuyên ngành kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin và ít nhất 03 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin.
+ Đối với Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc): Có bằng đại học hoặc trên đại học về một trong các chuyên ngành kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin và có ít nhất 02 năm giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin.
Đối với thành viên Ban kiểm soát: Có bằng đại học hoặc trên đại học về một trong các chuyên ngành kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin và có ít nhất 02 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán, ngân hàng, công nghệ thông tin.
Thời gian làm việc trực tiếp trong lĩnh vực công tác trên là thời gian được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc phân công làm việc trong lĩnh vực đó.
– Có phương án kinh doanh khả thi và không được kinh doanh ngành nghề khác ngoài nội dung hoạt động thông tin tín dụng quy định tại Nghị định này.
– Có tối thiểu 15 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô) cam kết cung cấp thông tin tín dụng và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài này không có cam kết tương tự với công ty thông tin tín dụng khác.
– Có văn bản thỏa thuận về quy trình thu thập, xử lý, lưu giữ và cung cấp thông tin tín dụng giữa công ty thông tin tín dụng với các tổ chức cấp tín dụng đã cam kết, trong đó phải có những nội dung tối thiểu sau đây:
+ Nội dung, phạm vi thông tin tín dụng được cung cấp;
+ Thời gian, địa điểm, phương thức cung cấp, truyền đưa thông tin, dữ liệu, sản phẩm thông tin tín dụng;
+ Nguyên tắc, phạm vi, mục đích sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng;
+ Nghĩa vụ thông báo cho khách hàng vay về việc sử dụng thông tin tín dụng của khách hàng vay;
+ Trách nhiệm của các bên trong việc điều chỉnh, sửa chữa sai sót trong quá trình cập nhật, truyền đưa, xử lý, lưu giữ, khai thác sử dụng thông tin;
+ Trách nhiệm của các bên trong việc rà soát, đối chiếu, kiểm tra chất lượng và lưu giữ thông tin tín dụng;
+ Trách nhiệm và sự phối hợp của các bên khi giải quyết khiếu nại của khách hàng vay;
+ Xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp;
+ Hiệu lực của văn bản thỏa thuận và đơn phương chấm dứt việc thực hiện thỏa thuận;
+ Các quyền, nghĩa vụ khác của các bên trong quá trình thu thập, xử lý, lưu giữ và cung cấp thông tin tín dụng.
4. Quy trình cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng
– Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận bao gồm:
+ Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận thoe mẫu số 01/TTTD ban hành kèm theo Thông tư 23/2016/NHNN
+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
+ Tài liệu chứng minh các điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định 10/2010/NĐ-CP và các quy định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế các điều kiện này (nếu có) bao gồm:
Thứ nhất: Điều lệ của doanh nghiệp;
Thứ hai: Hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng
Thứ ba: Danh mục và bản thuyết minh về trang thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm tin học phục vụ cho hoạt động thu thập, xử lý, lưu giữ và cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng;
Thứ tư: Xác nhận của ngân hàng thương mại về số dư tài khoản tiền gửi đồng Việt Nam, vàng, ngoại tệ, xác nhận của tổ chức định giá chuyên nghiệp đối với các tài sản góp vốn khác; hoặc xác nhận của tổ chức kiểm toán về vốn điều lệ của doanh nghiệp;
Thứ năm: Bảng kê danh sách các chức danh thuộc đội ngũ quản lý của doanh nghiệp;
Thứ sáu: Lý lịch tóm tắt của đội ngũ quản lý theo mẫu số 02/TTTD ban hành kèm theo Thông tư này; kèm theo các văn bằng, chứng chỉ, xác nhận thời gian làm việc trong lĩnh vực chuyên ngành của tổ chức liên quan;
Thứ bảy: Phương án kinh doanh theo mẫu số 03/TTTD ban hành kèm theo Thông tư này;
Thứ tám: Văn bản của các ngân hàng thương mại cam kết cung cấp thông tin tín dụng cho doanh nghiệp theo mẫu số 04/TTTD ban hành kèm theo Thông tư này;
Thứ chín: Văn bản thỏa thuận về quy trình thu thập, xử lý, lưu giữ và cung cấp thông tin tín dụng giữa doanh nghiệp với các tổ chức cấp tín dụng đã cam kết cung cấp thông tin tín dụng.
– Trình tự thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận
Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận; làm đầu mối, phối hợp với Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam, Cục Công nghệ tin học, Vụ Pháp chế thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận.
– Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp nhận, kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận của doanh nghiệp, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng xử lý như sau:
TH1: Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có văn bản yêu cầu doanh nghiệp bổ sung giấy tờ, tài liệu theo quy định;
TH2: Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thẩm định các điều kiện về vốn điều lệ, đội ngũ quản lý, năng lực quản lý rủi ro của doanh nghiệp và có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp thẩm định các nội dung:
- Cục Công nghệ tin học có ý kiến thẩm định các điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; quy trình công nghệ, phần mềm tin học xử lý, lưu giữ thông tin, cung cấp sản phẩm dịch vụ đáp ứng yêu cầu bảo mật, an toàn thông tin của doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy chứng nhận;
- Vụ Pháp chế có ý kiến thẩm định về hồ sơ, thủ tục, các vấn đề pháp lý liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận;
Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam có ý kiến thẩm định các điều kiện về phương án kinh doanh; nội dung văn bản thỏa thuận về quy trình thu thập, xử lý, lưu giữ và cung cấp thông tin tín dụng giữa doanh nghiệp với các tổ chức cấp tín dụng đã cam kết.
– Trong thời hạn tối đa mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, các đơn vị tham gia thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản gửi cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.
– Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ ý kiến thẩm định của các đơn vị, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tổng hợp ý kiến, soạn thảo văn bản trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (Thống đốc) quyết định cấp Giấy chứng nhận; trường hợp từ chối, Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
5. Các trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận
Nghị định nêu rõ, công ty thông tin tín dụng bị Ngân hàng Nhà nước thu hồi giấy chứng nhận trong các trường hợp sau:
a- Gian lận, giả mạo các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận;
b- Vi phạm nghiêm trọng một trong những hành vi bị cấm quy định tại Điều 6 Nghị định này;
c- Không đảm bảo duy trì các điều kiện quy định tại Điều 9 Nghị định này sau khi thực hiện phương án khắc phục theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;
d- Không khai trương hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận;
đ- Công ty thông tin tín dụng thực hiện giải thể theo quy định của pháp luật;
e- Công ty thông tin tín dụng bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 Nghị định này.