Câu 1: Trình bày nội dung đánh giá công chức ?

Theo quy định tại Điều 59 Luật cán bộ, công chức năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2019, công chức được đánh giá dựa trên các nội dung sau:

Một là đánh giá việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

Hai là đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc;

Ba là đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;

Bốn là đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; tiến độ và chất lượng thực hiện nhiệm vụ của công chức. Đối với việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể;

Năm là đánh giá tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ;

Sáu là đánh giá công chức thông qua việc đánh giá thái độ phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp đối với những vị trí tiếp xúc trực tiếp hoặc trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.

Đây là sáu nội dung đánh giá cơ bản đối với hầu hết công chức thông thường. Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo hoặc quản lý, các chỉ tiêu đánh giá có phần khắt khe hơn. Tức là ngoài sáu mục nêu trên, nội dung đánh giá với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn phải thêm các nội dung sau:

Bảy là kế hoạch và kết quả làm việc, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý. Trong đó, việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cá nhân phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách. Mức xếp loại chất lượng của cá nhân không cao hơn mức xếp loại chất lượng của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách;

Tám là tiến độ hoàn thành và chất lượng các công việc được giao;

Chín là năng lực lãnh đạo, quản lý;

Mười là năng lực tập hợp, đoàn kết.

Câu 2. Nêu ý nghĩa của hoạt động đánh giá công chức ?

Bất kỳ một hệ thống đánh giá nào khi được ban hành cũng đều nhằm mục đích nhất định. Hệ thống các tiêu chí đánh giá công chức được ban hành, mục tiêu cốt lõi là nhằm làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đối với đội ngũ quản lý, việc đánh giá đúng, chính xác kết quả làm việc của công chức sẽ cung cấp thông tin cho bộ phận thực hiện công tác quản lý công chức. Kết quả đánh giá công chức chính là căn cứ để lựa chọn, sắp xếp, bố trí, đề bạt, sử dụng công chức đúng với năng lực, sở trường, khen thưởng, biểu dương công chức có thành tích tốt;kỷ luật, xử lý các trường hợp chưa tốt hoặc vi phạm. Bên cạnh đó, kết quả đánh giá này cũng là căn cứ để đội ngủ quản lý công chức nhanh chóng, chủ động trong việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện bổ khuyết chuyên môn và trình độ của công chức cho phù hợp với vị trí làm việc và sự kỳ vòng của quần chúng nhân dân. 

Đối với chính bản thân công chức, hoạt động đánh giá công chức cung cấp thông tin phản hồi cho công chức biết về năng lực, trình độ và khả năng thực hiện công việc hiện tại đang ở mức độ nào, giúp họ phấn đấu để tự hoàn thiện mình và làm việc tốt hơn.

Đối với quần chúng nhân dân, chúng ta thường nghĩ đánh giá là đánh giá công chức vậy thì có ý nghĩa gì với quần chúng nhân dân? Trên  thực tế, có một số nội dung đánh giá công vô cùng có liên quan tới mức độ hài lòng khi sử dụng dịch vụ công của người dân. Việc đưa ra các tiêu chí đánh giá công chức một cách công khai, minh bạch có sự tham gia của quân chúng nhân dân sử dụng dịch vụ công đã tạo điều kiện cho người dân có cơ hội trực tiếp bộ lộ quan điểm, nhận xét của mình – người trực tiếp sử dụng dịch vụ công với công chức – trực tiếp thực hiện dịch vụ công đó. Điều này có hai ý nghĩa, thứ nhất là đóng góp vào công tác hoàn thiện phẩm chất, đạo đức, trình độ chuyên môn và thái độ phục vụ của công chức. Thứ hai, nhờ việc đánh giá này, người dân tới sử dụng dịch vụ công quả thực được đón tiếp niềm nở, đúng quy trình và bớt nhiều hành động sách nhiễu, gây khó khăn.

Câu 3. Trình bày nguyên tắc đánh giá công chức ?

Nguyên tắc đánh giá công chức được quy định tại Điều 2 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, có 04 nguyên tắc gồm:

1. Bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác; không nể nang, trù dập, thiên vị, hình thức; bảo đảm đúng thẩm quyền quản lý, đánh giá công chức.

2. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể; đối với công chức lãnh đạo, quản lý phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách.

3. Công chức có thời gian công tác trong năm chưa đủ 06 tháng thì không thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng nhưng vẫn phải kiểm điểm thời gian công tác trong năm, trừ trường hợp nghỉ chế độ thai sản.

Công chức nghỉ không tham gia công tác theo quy định của pháp luật trong năm từ 03 tháng đến dưới 06 tháng thì vẫn thực hiện đánh giá nhưng không xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Công chức nghỉ chế độ thai sản theo quy định của pháp luật thì kết quả xếp loại chất lượng trong năm là kết quả xếp loại chất lượng của thời gian làm việc thực tế của năm đó.

4. Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng công chức theo quy định được sử dụng làm cơ sở để liên thông trong đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên.

Câu 4. Trình bày tiêu chí chi tiết trong các nội dung đánh giá công chức ?

Các tiêu chí đánh giá công chức – Các tiêu chí đánh giá công chức được quy định tại Điều 3 Nghị định 90/2020/NĐ-CP. Các tiêu chí đánh giá công chức gồm:

1. Tiêu chí về Chính trị tư tưởng

– Đánh giá về ý thức chấp hành chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình;

– Đánh giá tư tưởng, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng; kiên định lập trường; không dao động trước mọi khó khăn, thách thức;

– Đánh giá ý thức của công chức trong việc đặt lợi ích của Đảng, quốc gia – dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân;

– Đánh giá thái độ, ý thức trong việc nghiên cứu, học tập, vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định và các văn bản của Đảng.

2. Tiêu chí về đạo đức và lối sống

– Công chức không được có hành vi tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, hách dịch, cửa quyền; không được có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa;

– Đánh giá việc thực hiện lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị;

– Đánh giá tinh thần đoàn kết, xây dựng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong sạch, vững mạnh;

– Công chức không được để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.

3. Tiêu chí về tác phong và lề lối làm việc

– Công chức phải có trách nhiệm với công việc; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ;

– Có phương pháp làm việc khoa học, dân chủ, đúng nguyên tắc;

– Công chức cần có tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ;

– Phải giữ thái độ đúng mực và phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực, đáp ứng yêu cầu của văn hóa công vụ.

4. Tiêu chí về y thức tổ chức kỷ luật

– Ý thức trong việc chấp hành sự phân công của tổ chức;

– Ý thức trong việc thực hiện các quy định, quy chế, nội quy của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác;

– Ý thức trong việc thực hiện việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập theo quy định;

– Đánh giá ý thức trong việc báo cáo đầy đủ, trung thực, cung cấp thông tin chính xác, khách quan về những nội dung liên quan đến việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị với cấp trên khi được yêu cầu.

5. Tiêu chí về đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao

Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:

– Đánh giá việc quán triệt, thể chế hóa và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị;

– Đánh giá khả năng duy trì kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; không để xảy ra các vụ, việc vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật phải xử lý, tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài; phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong phạm vi cơ quan, tổ chức, đơn vị;

– Đánh giá khả năng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; chỉ đạo, thực hiện công tác cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức tại cơ quan, tổ chức, đơn vị;

– Đánh giá hoạt động xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách, trong đó xác định rõ kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, lượng hóa bằng sản phẩm cụ thể.

Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:

– Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; khối lượng, tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ;

– Đánh giá thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp đối với những vị trí tiếp xúc trực tiếp hoặc trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.

Câu 5. Trình bày quy trình đánh giá công chức ?

Đối với công chức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị:

Bước 1 : Công chức tự đánh giá, xếp loại chất lượng

Công chức làm báo cáo tự đánh giá, nhận mức xếp loại kết quả công tác theo chức trách, nhiệm vụ được giao theo mẫu số 02 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP.

Bước 2 : Tổ chức cuộc họp tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác để nhận xét, đánh giá đối với công chức.

Thành phần tham dự :

– Toàn thể công chức của cơ quan, đơn vị ;

– Tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên cùng cấp và người đứng đầu các đơn vị cấu thành (nếu đơn vị cấu thành có quy mô lớn thì người đứng đầu các đơn vị cấu thành có thể tham gia ý kiến bằng văn bản)

Nội dung cuộc họp :

– Công chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp ;

– Các thành viên tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến, các ý kiến phải được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.

Bước 3 : Lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp ủy đảng cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác.

Bước 4 : Cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cơ quan có thẩm quyền đánh giá tổng hợp ý kiến nhận xét, đánh giá từ cuộc họp đánh giá và từ ý kiến từ cấp uỷ đảng cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác và đề xuất nội dung đánh giá, mức xếp loại chất lượng đối với công chức.

Bước 5: Cấp có thẩm quyền quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng đối với công chức.

Bước 6 : Cấp có thẩm quyền đánh giá công chức thông báo bằng văn bản cho công chức và thông báo công khai về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng.

Đối với cấp phó của người đứng đầu và công chức thuộc quyền quản lý của người đứng đầu:

Bước 1, Bước 2 tương tự như đánh giá đối với công chức là người đứng đâu.

Bước 3: Lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp ủy đảng cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác đối với cấp phó của người đứng đầu.

Công chức thuộc quyền quản lý của người đứng đầu không phải thực hiện bước này.

Bước 4: Xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng công chức

– Đối với công chức là cấp phó của người đứng đầu, việc đánh giá thực hiện như sau: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp ủy đảng cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác  và tài liệu liên quan (nếu có) để quyết định nội dung đánh giá và mức xếp loại chất lượng đối với công chức.

– Đối với công chức thuộc quyền quản lý của người đứng đầu thì việc đánh giá được thực hiện căn cứ vào ý kiến tại cuộc họp nhận xét, đánh giá quy định tại điểm b khoản này quyết định nội dung đánh giá và mức xếp loại chất lượng đối với công chức.

Bước 5: Ra quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, thông báo bằng văn bản cho công chức và thông báo công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng.

Trân trọng!