Câu 1. Nêu mục đích và nguyên tắc trong việc đánh giá cán bộ ?

Mục đích đánh giá cán bộ: Điều 27 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Sau đây gọi tắt là Luật Cán bộ, công chức) nhấn mạnh mục đích của việc đánh giá cán bộ là nhằm:

Làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Kết quả đánh giá là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ.

Nguyên tắc đánh giá cán bộ: Nguyên tắc đánh giá cán bộ được quy định tại Điều 2 Nghị định 90/2020/NĐ-CP gồm 04 nguyên tắc. Bốn nguyên tắc này tương tự với nguyên tắc đánh giá công chức và viên chức được chúng tôi tổng hợp trong Hỏi – đáp về cán bộ, công chức, viên chức kỳ số 4, kỳ số 5. Mời quý khách hàng tham khảo nội dung nguyên tắc đánh giá cán bộ tại các bài viết sau:

Hỏi đáp luật cán bộ, công chức, viên chức kỳ 4;

Hỏi đáp luật cán bộ, công chức, viên chức kỳ 5.

Câu 2. Nêu tầm quan trọng của việc đánh giá cán bộ ?

Đánh giá cán bộ là việc cấp có thẩm quyền nhận xét về những ưu, khuyết điểm nhằm tìm hiểu, đánh giá về phẩm chất và năng lực của người cán bộ tính tới thời điểm đánh giá. Việc đánh giá cán bộ mang ý nghĩa hết sức quan trọng bởi các lý do sau đây:

Thứ nhất, cán bộ là những người có đủ đức, đủ tài được quần chúng nhân dân gửi gắm niềm tin lựa chọn trong hàng chục triệu con người. Gánh vác trên vai sứ mệnh và niềm tin tưởng lớn lao như vậy, việc cán bộ có hoàn thành trọng trách và kỳ vọng của nhân dân, của Đảng và Nhà nước hay không là điều vô cùng quan trọng. Bởi lẽ đó mà đánh giá cán bộ là hoạt động không thể thiếu trong công tác cán bộ từ xưa cho tới nay.

Thứ hai, trong các khâu của công tác cán bộ gồm: Đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện các chính sách cán bộ thì Đánh giá là khâu đầu tiên, có ảnh hưởng tới kết quả của các khâu còn lại. Việc đánh giá đúng và chính xác, khách quan là cơ sở cho việc lựa chọn và sử dụng những người có đức và có tài phát huy tối đa nguồn lực cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ về cả phẩm chất lẫn năng lực, góp phần làm trong sạch bộ máy cán bộ, giúp giữ vững sức mạnh tập thể và tạo dựng niềm tin của quần chúng nhân dân đối với đội ngũ cán bộ. Ngược lại, nếu không đánh giá thường xuyên hoặc đánh giá không khách quan, chính xác sẽ dẫn đến việc sử dụng, khiên thưởng sai người, không đảm bảo chất lượng cán bộ, thủ tiêu sự phấn đấu của những người có tài, có đức, lâu dần dẫn đến mất động lực phát triển, nghiêm trọng hơn là mất đi sự tin tưởng, ủng hộ của quần chúng nhân dân, gây tổn hại tới uy tín của Đảng, Nhà nước, của cơ quan, đơn vị.

Bởi vậy, công tác đánh giá cán bộ có tầm quan trọng vô cùng đặc biệt là trong thời buổi đất nước đã và đang đi sâu vào hội nhập quốc tế và đứng trước nhiều khó khăn, thử thách, đây là lúc mà chúng ta thực sự và rất cần những tinh anh của đất nước toàn đức vẹn tài để đưa đất nước trên còn đường phát triển, giúp người dân cơm no áo ấm.

Câu 3. Trình bày các nội dung trong công tác đánh giá cán bộ ?

Theo quy định tại Điều 28 Luật Cán bộ, công chức, các nội dung đánh giá cán bộ gồm có: Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; Năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; Tinh thần trách nhiệm trong công tác; Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

Các tiêu chí chi tiết trong từng nội dung đánh giá nêu trên được quy định chi tiết như sau:

Tiêu chí về Chính trị tư tưởng: Gồm các chỉ tiêu về:

– Ýthức chấp hành chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình;

-Chỉ tiêu đánh giá tư tưởng, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng; kiên định lập trường; không dao động trước khó khăn, thách thức;

– Ý thức đặt lợi ích của Đảng, quốc gia – dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân;

– Hoạt động nghiên cứu, học tập, vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định và các văn bản của Đảng.

Tiêu chí về đạo đức và lối sống: Gồm các chỉ tiêu về:

– Không có hành vi tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, hách dịch, cửa quyền; không được có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa;

– Việc thực hiện lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị;

– Tinh thần đoàn kết, tinh thần xây dựng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong sạch, vững mạnh;

– Không được để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của cán bộ để trục lợi.

Tiêu chí về tác phong và lề lối làm việc: Gồm các chỉ tiêu đánh giá sau:

– Đánh giá trách nhiệm của cán bộ với công việc; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ;

– Có phương pháp làm việc khoa học, dân chủ, đúng nguyên tắc;

– Đánh giá tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ;

– Đánh giá về thái độ và phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực, đáp ứng yêu cầu của văn hóa công vụ.

Tiêu chí về y thức tổ chức kỷ luật: Gồm các chỉ tiêu đánh giá:

– Chấp hành sự phân công của tổ chức;

– Đánh giá việc thực hiện các quy định, quy chế, nội quy của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác;

– Ý thức thực hiện việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập theo quy định;

– Đánh giá việc báo cáo đầy đủ, trung thực, cung cấp thông tin chính xác, khách quan về những nội dung liên quan đến việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị với cấp trên khi được yêu cầu.

Tiêu chí về đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao: Gồm các chỉ tiêu

– Quán triệt, thể chế hóa và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị;

– Khả năng duy trì kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; có hay không để xảy ra các vụ, việc vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật phải xử lý, tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài; thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong phạm vi cơ quan, tổ chức, đơn vị;

– Khả năng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền và chỉ đạo, thực hiện công tác cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức tại cơ quan, tổ chức, đơn vị;

– Đánh giá các hoạt động xây dựng chương trình và kế hoạch hoạt động hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách, trong đó xác định rõ kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, lượng hóa bằng sản phẩm cụ thể.

Câu 4. Nêu các tiêu chí xếp loại chất lượng cán bộ

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Hoàn thành tốt nhiệm vụ Hoàn thành nhiệm vụ Không hoàn thành nhiệm vụ

Cán bộ đạt tất cả các tiêu chí sau:

– Thực hiện tốt các quy định về Chính trị tư tưởng, Đạo đức, lối sống, Tác phong, lề lối làm việc và Ý thức tổ chức kỷ luật và Đảm bảo kết quả thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ được giao theo quy  định tại Điều 3 Nghị định 90/2020/NĐ-CP,

– Hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao trong việc thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao,

– Các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ngành, lĩnh vực công tác được giao phụ trách, lãnh đạo, chỉ đạo đều hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Trong đó ít nhất 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ hoàn thành vượt mức,

– Tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên. Trong đó ít nhất 70% hoàn thành tốt hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cán bộ đạt tất cả các tiêu chí sau:

– Thực hiện tốt các quy định về Chính trị tư tưởng, Đạo đức, lối sống, Tác phong, lề lối làm việc và Ý thức tổ chức kỷ luật và Đảm bảo kết quả thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ được giao theo quy  định tại Điều 3 Nghị định 90/2020/NĐ-CP,

– Hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao trong việc thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao,

– Các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ngành, lĩnh vực công tác được giao phụ trách, lãnh đạo, chỉ đạo đều hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Trong đó có ít nhất 80% chỉ tiêu, nhiệm vụ hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng,

– Tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên.

 

Cán bộ đạt tất cả các tiêu chí sau:

– Thực hiện tốt các quy định về Chính trị tư tưởng, Đạo đức, lối sống, Tác phong, lề lối làm việc và Ý thức tổ chức kỷ luật và Đảm bảo kết quả thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ được giao theo quy  định tại Điều 3 Nghị định 90/2020/NĐ-CP,

– Các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao đều hoàn thành. Trong số đó có không quá 20% tiêu chí chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ hoặc hiệu quả thấp,

– Lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ngành, lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành trên 70% các chỉ tiêu, nhiệm vụ,

– Có ít nhất 70% cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên.

Cán bộ có một trong các tiêu chí sau:

– Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền. 

– Có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

– Cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ngành, lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành dưới 50% các chỉ tiêu, nhiệm vụ.

– Cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp liên quan đến tham ô, tham nhũng, lãng phí, bị xử lý theo quy định của pháp luật.

– Có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá.

Câu 5. Nêu trình tự, thủ tục đánh giá cán bộ ?

Bước 1: Cán bộ tự đánh giá, xếp loại chất lượng theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP.

Bước 2: Nhận xét, đánh giá cán bộ

– Tổ chức họp gồm thành phần là cán bộ được đánh giá và tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức nơi cán bộ công tác để nhận xét, đánh giá đối với cán bộ;

– Việc lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền lãnh đạo, quản lý trực tiếp của cán bộ được đánh giá do Cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ quyết định.

Bước 3:  Lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp ủy đảng cùng cấp nơi cán bộ công tác.

Bước 4: Xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ.

Bước 5: Thông báo kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ.

Nếu còn vấn đề vướng mắc hoặc băn khoăn về những nội dung trên hoặc các nội dung khác, Quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.0191 để được giải đáp thêm.

Trân trọng./