Trình bày vị trí của Công đoàn Việt Nam trong hệ thống chính trị – xã hội ?

Theo quy định pháp tại Hiến pháp 2013, Luật Công đoàn năm 2012, Điều lệ Công đoàn và một số văn bản hướng dẫn liên quan, vị trí của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị – xã hội được thể hiện như sau:

– Thứ nhất, Điều 1 Luật Công đoàn năm 2012 và phần lời mở đầu Điều lệ Công đoàn 2020 đã nêu rõ, Công đoàn trước tiên là một tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động.

– Thứ hai, Công đoàn là một thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

– Thứ ba, quan hệ giữa Công đoàn với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là quan hệ hợp tác, phối hợp để thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm của các bên theo quy định của pháp luật, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ.

Nêu vai trò của Công đoàn Việt Nam ?

Công đoàn Việt Nam hiện nay đang giữ vai trò to lớn trong hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế và cả văn hoá, xã hội. 

Thứ nhất, trong lĩnh vực chính trị: Công đoàn là cầu nối giúp tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và quần chúng nhân dân, đặc biệt là nhân dân lao động, đảm bảo sự ổn định trong tư tưởng chính trị của quần chúng nhân dân, tạo dựng niềm tin của quần chúng nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng. Bảo đảm và giúp nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình để từng bước hoàn thiện chế độ xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng và nâng cao hiệu quả của hệ thống trính chị xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, trong lĩnh vực kinh tế: Công đoàn tham gia xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế nhằm xoá bỏ chế độ quan liêu, bao cấp, củng cố nguyên tắc tập trung dân chủ. Góp phần củng cố những thành tựu kinh tế văn hoá và khoa học kỹ thuật đă đạt được trong những năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành phần kinh tế trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo bên cạnh đó còn liên kết và hỗ trợ các thành phần kinh tế khác phát triển có lợi cho nền kinh tế và giúp ổn định dân sinh. Đẩy mạnh công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước, từng bước đưa kinh tế tri thức vào Việt Nam, góp phần nhanh chóng hội nhập với khu vực và thế giới. 

Thứ ba, trong lĩnh vực xã hội: Công đoàn có vai trò quan trọng trong việc tham gia xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, tính tổ chức kỷ luật, trình độ văn hoá, khoa học kỹ thuật, có hiểu biết chính trị, và thực sự trở thành lực lượng nòng cốt của khối liên minh công – nông – trí thức, làm nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân, là cơ sở vững chắc đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng và tăng cường sức mạnh của Nhà nước. Nhờ có sự tham gia của tổ chức Công đoàn, cuộc sống của quần chúng nhân dân lao động được quan tâm, bảo đảm hơn góp phần giảm thiếu tệ nạn xã hội, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.

Thứ tư, trong lĩnh vực tư tưởng, văn hoá: Trong xu hướng hội nhập khu vực, hội nhập quốc tế, giao lưu với nhiều nền văn hoá trên thế giới, Công đoàn có vai trò trong việc giác ngộ tư tưởng của công nhân, viên chức và người lao động. Lấy tư tưởng Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho hành động và phát huy giá trị, văn hoá truyền thống, nhân cách cao đẹp của con người Việt Nam – Hoà nhập nhưng không hoà tan mà vẫn mang đậm bản sắc dân tộc trong công cuộc hội nhập xây dựng nền văn minh nhân loại.

Trình bày hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam

Điều lệ Công đoàn 2020 quy định: Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất, được tổ chức theo các cấp sau đây:

Thứ nhất, Công đoàn cấp Trung ương hay còn gọi là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thứ hai, Công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương bao gồm: Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công đoàn ngành trung ương và tương đương.

Thứ ba, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở bao gồm:

– Liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là liên đoàn lao động cấp huyện);

– Công đoàn ngành địa phương;

– Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (sau đây gọi chung là công đoàn các khu công nghiệp);

– Công đoàn tổng công ty;

– Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác.

Thứ tư, Công đoàn cấp cơ sở gồm: Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.

Trình bày quyền và trách nhiệm của Công đoàn ?

Quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn được quy định từ Điều 10 đến Điều 17 Luật Công Đoàn năm 2012. Các quyền và trác nhiệm này cụ thể trên từng lĩnh vực như sau:

Trong lĩnh vực lao động, công đoàn có vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động. Cụ thể:

– Công đoàn cơ sở thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động; tham gia, thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động, quy chế dân chủ ở doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; tham gia, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động; đối thoại, hợp tác với người sử dụng lao động xây dựng  quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.

– Ở những nơi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện vai trò của công đoàn cơ sở đối với người lao động.

– Hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động, Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục người lao động, Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định pháp luật.

– Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể, Đại diện cho người lao động hoặc tập thể người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động hoặc tập thể người lao động bị xâm phạm, Đại diện cho tập thể người lao động tham gia tố tụng trong vụ án lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động và người lao động.

– Tham gia với đơn vị sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện thang, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động.

– Đối thoại với đơn vị sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động, Tham gia với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động.

– Kiến nghị với tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động hoặc của người lao động bị xâm phạm.

Trong lĩnh vực kinh tế, xã hội: Công đoàn tham gia vào quản lý nhà nước, quản lý về kinh tế – xã hội trong lĩnh vực lao động là chủ yếu và một số lĩnh vực khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn.

Trong lĩnh vực pháp luật: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyền trình dự án luật, pháp lệnh ra trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Công đoàn các cấp có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật có liên quan đến tổ chức công đoàn, quyền, nghĩa vụ của người lao động. Tuyên truyền, phổ biến, giáo giục pháp luật cho người lao động và Tổ chức tư vấn pháp luật cho người lao động.

Trong hoạt động công đoàn: Công đoàn có vai trò phát triển đoàn viên công đoàn và công đoàn cơ sở; Tham dự các phiên họp, cuộc họp, kỳ họp và hội nghị của các cơ quan, tổ chức hữu quan cùng cấp khi bàn và quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động.

Trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra: Công đoàn tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chế độ, chính sách, pháp luật khác có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Nêu quyền và trách nhiệm của đoàn viên công đoàn khi tham gia tổ chức Công đoàn ?

Về quyền của đoàn viên công đoàn, Điều 18 Luật Công đoàn năm 2012 quy định đoàn viên công đoàn có các quyền sau:

– Đoàn viên công đoàn có quyền yêu cầu Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm.

– Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của Công đoàn; được thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến Công đoàn, người lao động; quy định của Công đoàn.

– Đoàn viên được ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; chất vấn cán bộ lãnh đạo công đoàn; kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ công đoàn có sai phạm.

– Được Công đoàn tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí pháp luật về lao động, công đoàn.

– Được Công đoàn hướng dẫn giúp đỡ tìm việc làm, học nghề; thăm hỏi, giúp đỡ lúc ốm đau hoặc khi gặp hoàn cảnh khó khăn.

– Tham gia hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch do Công đoàn tổ chức.

– Đề xuất với Công đoàn kiến nghị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động.

Về trách nhiệm của đoàn viên công đoàn, Điều 19 Luật Công đoàn năm 2012 quy định đoàn viên công đoàn có trách nhiệm như sau:

– Chấp hành và thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghị quyết của Công đoàn; tham gia các hoạt động công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.

– Học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; rèn luyện phẩm chất giai cấp công nhân; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

– Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, lao động có hiệu quả và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tổ chức công đoàn.