Câu 1. Tài chính Công đoàn được thu từ những nguồn nào ?
Tài chính Công đoàn có thể hiểu là tổng hợp nguồn thu, chi nhằm bảo đảm duy trì hoạt động của tổ chức Công đoàn và là công cụ đắc lực giúp Công đoàn thực hiện tốt vai trò chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Theo Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012, Nghị định số 191/2013/NĐ- CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn, nguồn thu tài chính công đoàn gồm có 4 nguồnchủ yếu sau đây:
Thứ nhất là đoàn phí công đoàn do đoàn viên đóng góp theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
Thứ hai là kinh phí do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;
Thứ ba là được ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ;
Thứ tư là các nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa thể thao, hoạt động kinh tế của tổ chức công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Câu 2. Tài chính Công đoàn được sử dụng vào những mục đích nào ?
Theo quy định tại Điều 27 Luật Công đoàn 2012, tài chính công đoàn được sử dụng cho các hoạt động nhằm mục đích thực hiện quyền, trách nhiệm của Công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn. Nội dung chi sử dụng tài chính công đoàn bao gồm các nhiệm vụ sau đây:
– Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động;
– Tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;
– Phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng hệ thống công đoàn vững mạnh;
– Tổ chức các phong trào thi đua do Công đoàn phát động;
– Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và cho tổ chức công đoàn;
– Tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch cho người lao động;
– Tổ chức các hoạt động về giới và bình đẳng giới;
– Thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động;
– Tổ chức các hoạt động động viên, khen thưởng người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác;
– Chi trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách và phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn không chuyên trách;
– Chi cho hoạt động của bộ máy công đoàn các cấp;
– Các nhiệm vụ chi khác theo quy định.
Câu 3. Mức đóng đoàn phí công đoàn của đoàn viên được quy định như thế nào ?
Theo Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016 về Quy định quản lý tài chính, tài sản công đoàn; thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu nộp tài chính công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành, mức đóng đoàn phí công đoàn được quy định như sau:
– Đoàn viên công đoàn tại công đoàn cơ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp hưởng lương theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định => mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.
– Đoàn viên công đoàn tại các công đoàn cơ sở doanh nghiệp nhà nước => mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương thực lĩnh (tiền lương đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của đoàn viên), mức đóng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.
– Đoàn viên công đoàn tại các công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước; các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập hưởng tiền lương không theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định; liên hiệp hợp tác xã; các tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; Văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam; Đoàn viên công đoàn công tác ở nước ngoài => mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội, mức đóng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.
– Đoàn viên ở các nghiệp đoàn, công đoàn cơ sở doanh nghiệp khó xác định tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí; đoàn viên công đoàn không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội => đóng đoàn phí theo mức ấn định nhưng mức đóng thấp nhất bằng 1 % mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.
Câu 4. Trách nhiệm đóng kinh phí công đoàn của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp được quy định thế nào ?
Kinh phí công đoàn có thể hiểu là một khoản tài chính công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng cho tổ chức công đoàn. Căn cứ đóng cũng dựa trên quỹ tiền lương mà doanh nghiệp đang làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Trách nhiệm đóng kinh phí công đoàn của doanh nghiệp được quy định tại Điều 26 Luật Công đoàn 2012 như sau:
– Mức đóng và căn cứ đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Phương thức đóng kinh phí công đoàn:
– Cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên đóng kinh phí mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng BHXH bắt buộc cho người lao động.
– Tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng BHXH bắt buộc cho người lao động.
– Tổ chức, doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả tiền lương theo chu kỳ SXKD đóng kinh phí công đoàn theo tháng hoặc quý một lần cùng với thời điểm đóng BHXH bắt buộc cho người lao động trên cơ sở đăng ký với tổ chức công đoàn.
Câu 5. Nguồn thu tài chính công đoàn được phân phối như thế nào ?
Theo quy định tại Điều 21, Điều 22 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016 và Quyết định 1764/QĐ-TLĐ năm 2020 sửa đổi quy định về tài chính công đoàn do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành, nguồn thu tài chính công đoàn được phân phối như sau:
Phân phối nguồn thu tài chính công đoàn cho công đoàn cơ sở.
– Công đoàn cơ sở được sử dụng 60% tổng số thu đoàn phí công đoàn. Phần kinh phí công đoàn phân phối cho công đoàn cơ sở theo hướng mỗi năm tăng 1% để đạt mức 75% đến năm 2025.
Phần đoàn phí công đoàn thu tăng thêm so với quy định tại Điều 23 Quyết định này và nguồn thu khác được để lại 100% cho công đoàn cơ sở sử dụng.
– Công đoàn cơ sở được phân cấp thu kinh phí công đoàn nộp lên công đoàn cấp trên ( là cấp được phân cấp quản lý tài chính công đoàn) tỷ lệ phần trăm trên tổng số thu kinh phí công đoàn và tổng số thu đoàn phí công đoàn theo hướng dẫn hàng năm của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn. Trong năm nộp kinh phí theo dự toán, khi có quyết toán nộp theo số thu quyết toán.
– Cấp kinh phí công đoàn cho công đoàn cơ sở không được phân cấp thu kinh phí công đoàn;
– Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở được sử dụng theo tỷ lệ phần trăm trong tổng số thu kinh phí công đoàn theo hướng dẫn hàng năm của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn để chi cho hoạt động tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, ký thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ, chăm lo cho người lao động tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp này.
Phân phối nguồn thu tài chính cho công đoàn các cấp trên cơ sở.
Theo quy định tại Điều 22 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ, công đoàn các cấp trên cơ sở được sử dụng theo tỷ lệ phần trăm trên tổng số thu kinh phí công đoàn và tổng số thu đoàn phí công đoàn theo hướng dẫn hàng năm của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn. Đối với nguồn thu khác của đơn vị nào thì đơn vị đó được sử dụng. Việc phân phối nguồn thu tài chính cho công đoàn các cấp trên cơ sở gồm:
– Phân phối nguồn thu tài chính công đoàn giữa Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở => Việc phân phối như thế nào do Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương quy định cho đến khi có hướng dẫn của Tổng Liên đoàn.
– Phân phối nguồn thu tài chính công đoàn giữa Tổng Liên đoàn với Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương. Việc phân phối được hướng dẫn như sau:
+ Trường hợp liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương có số thu kinh phí và đoàn phí công đoàn về cấp trên chênh lệch trên 10% so với số chi của đơn vị (bao gồm công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương) tính theo định mức chi Tổng Liên đoàn thông báo hàng năm, phải nộp kinh phí về Tổng Liên đoàn. Số kinh phí công đoàn phải nộp về Tổng Liên đoàn được tính theo công thức sau:
Số kinh phí nộp về Tổng Liên đoàn = Tổng toàn bộ số thu kinh phí công đoàn, đoàn phí công đoàn của đơn vị (vnđ) x Mức nộp (%)
Trong đó, mức nộp được quy định như sau:
Tổng số thu | Mức nộp |
Dưới 50 tỷ đồng | 0,5 % |
Từ 50 tỷ đồng – dưới 100 tỷ đồng | 1% |
Từ 100 tỷ đồng – dưới 150 tỷ đồng | 1,5% |
Từ 150 tỷ đồng – dưới 200 tỷ đồng | 2% |
Từ 200 tỷ đồng – dưới 250 tỷ đồng | 2,5% |
Từ 250 tỷ đồng – dưới 300 tỷ đồng | 3% |
Từ 300 tỷ đồng – dưới 350 tỷ đồng | 3,5% |
Từ 350 tỷ đồng – dưới 400 tỷ đồng | 4% |
Từ 400 tỷ đồng – dưới 450 tỷ đồng | 4,5% |
Từ 450 tỷ đồng – 500 tỷ đồng | 5% |
Trường hợp mức thu trên 500 tỷ đồng: Mức kinh phí phải nộp = Mức kinh phí phải nộp theo bảng trên + (Mức chênh lệch tăng thêm x 5,5%).Trong năm nộp theo dự toán, khi có báo cáo quyết toán nộp theo số quyết toán. Trường hợp số thu quyết toán vượt trên mức thu của bậc giao dự toán thì ngoài kinh phí nộp theo mức đã giao dự toán, phần chênh lệch tăng thêm thực hiện mức nộp của bậc trên liền kề.
+ Các đơn vị có số thu kinh phí và đoàn phí công đoàn về cấp trên cân đối được thu, chi hoặc chênh lệch từ 10% trở xuống so với số chi tính theo định mức chi Tổng Liên đoàn thông báo hàng năm được xác định là đơn vị tự cân đối thu, chi.
+ Các đơn vị không cân đối được thu, chi tính theo định mức cán bộ công đoàn chuyên trách, định mức chi, hệ số điều chỉnh đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa do Tổng Liên đoàn thông báo hàng năm, được cấp hỗ trợ phần chênh lệch.
– Số thu của Tổng Liên đoàn được sử dụng để:
+ Cấp cho Văn phòng Tổng Liên đoàn,
+ Cấp cho các đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn,
+ Cấp hỗ trợ cho các đơn vị theo quy định,
+ Dự phòng của Tổng Liên đoàn,
+ Các hỗ trợ cho các đơn vị theo quyết định của Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.
– Mức nộp kinh phí chỉ đạo phối hợp về Tổng Liên đoàn:
+ Công đoàn ngành trung ương và tương đường: Nộp bằng 4% số thu kinh phí công đoàn phần công đoàn cấp trên được sử dụng.
+ Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nộp bằng 4% số thu kinh phí công đoàn của đơn vị chỉ đạo phối hợp phần công đoàn cấp trên được sử dụng.
Trân trọng!