Câu 1. Đối tượng nào được gia nhập vào tổ chức Công đoàn Việt Nam ?
Đối tượng được gia vào tổ chức Công đoàn theo quy định tại Điều 1 Điều lệ Công đoàn và Điều 3 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ năm 2020 hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn là người Việt Nam làm công có hưởng lương trong các đơn vị sử dụng lao động đang hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp; cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp.
– Người hưởng lương, định suất lương và phụ cấp, đang làm việc trong cơ quan thuộc hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội cấp xã.
– Người lao động làm việc, làm công hưởng lương đang làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã.
– Người lao động đang làm việc trong các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.
– Người lao động tự do, làm việc hợp pháp thuộc khu vực lao động phi chính thức (gia nhập công đoàn khi có nguyện vọng và sinh hoạt theo hình thức nghiệp đoàn cơ sở)
– Người lao động được cơ quan có thẩm quyền cử làm đại diện quản lý phần vốn của Nhà nước, đang giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
– Ngoài các đối tượng trên có thể xem xét kết nạp các đối tượng sau đây vào công đoàn, nghiệp đoàn khi có đủ điều kiện:
+ Người lao động tự do, làm việc hợp pháp thuộc khu vực lao động phi chính thức (gia nhập công đoàn khi có nguyện vọng và sinh hoạt theo hình thức nghiệp đoàn cơ sở)
+ Người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động được ký kết giữa các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam với nước ngoài, có thời hạn một năm trở lên.
Câu 2. Trình bày thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam ?
– Người gia nhập Công đoàn phải tán thành Điều lệ Công đoàn và có đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam.
– Nơi đã có công đoàn cơ sở, Ban chấp hành công đoàn cơ sở nhận, xem xét đơn, quyết định kết nạp và tổ chức lễ kết nạp đoàn viên.
Có thể kết nạp cùng lúc nhiều đoàn viên. Trừ trường hợp có lý do chính đáng, tất cả những ngưới được kết nạp phải có mặt trong buổi lễ. Công đoàn cơ sở sẽ công bố quyết định kết nạp đoàn viên, trao quyết định và trao thẻ đoàn viên công đoàn.
– Nơi chưa có công đoàn cơ sở: Người có nguyện vọng xin gia nhập công đoàn sẽ nộp đơn trực tiếp lên công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi gần nhất hoặc nộp cho ban vận động thành lập công đoàn cơ sở (nếu có BVĐ TL CĐCS).
Trường hợp nộp đơn cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở: công đoàn cấp trên phải xem xét, quyết định việc kết nạp hoặc không kết nạp đoàn viên và giới thiệu nơi sinh hoạt cho đoàn viên khi có quyết định kết nạp, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nộp đơn.
Trường hợp nộp đơn cho ban vận động: Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nộp đơn mà công đoàn cơ sở vẫn chưa được thành lập thì người nộp đơn có quyền chuyển đơn lên công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xem xét, quyết định kết nạp và giới thiệu nơi sinh hoạt cho đoàn viên phù hợp.
– Trường hợp đoàn viên đã ra khỏi tổ chức công đoàn có nguyện vọng gia nhập lại phải có đơn xin gia nhập lại nộp cho công đoàn cơ sở nơi làm việc.
Ban chấp hành công đoàn cơ sở xem xét , thẩm định nếu đủ điều kiện thì sẽ đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp quyết định kết nạp lại.
Câu 3. Đoàn viên công đoàn khi tham gia tổ chức Công đoàn có quyền và trách nhiệm gì ?
Quyền của đoàn viên khi tham gia Công đoàn Việt Nam:
– Đoàn viên công đoàn có quyền yêu cầu Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm.
– Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của Công đoàn; được thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến Công đoàn, người lao động; quy định của Công đoàn.
– Đoàn viên được ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; chất vấn cán bộ lãnh đạo công đoàn; kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ công đoàn có sai phạm.
– Được Công đoàn tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí pháp luật về lao động, công đoàn.
– Được Công đoàn hướng dẫn giúp đỡ tìm việc làm, học nghề; thăm hỏi, giúp đỡ lúc ốm đau hoặc khi gặp hoàn cảnh khó khăn.
– Tham gia hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch do Công đoàn tổ chức.
– Đề xuất với Công đoàn kiến nghị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động.
Trách nhiệm của đoàn viên khi tham gia Công đoàn Việt Nam:
– Chấp hành và thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghị quyết của Công đoàn; tham gia các hoạt động công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
– Học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; rèn luyện phẩm chất giai cấp công nhân; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
– Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, lao động có hiệu quả và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tổ chức công đoàn.
Câu 4. Thẻ đoàn viên công đoàn là gì ? Mục đích của thẻ đoàn viên ?
Thẻ đoàn viên công đoàn là căn cứ xác nhận tư cách đoàn viên của tổ chức công đoàn với một cá nhân cụ thể. Thẻ đoàn viên công đoàn sẽ được phát khi cá nhân được kết nạp trở thành đoàn viên của tổ chức công đoàn. Khi được cấp thẻ, đoàn viên được hưởng các quyền và lợi ích theo quy định đồng thời cũng phải thực hiện các nghĩa vụ của người đoàn viên công đoàn.
Mục đích của việc cấp và quản lý thẻ đoàn viên công đoàn nhằm thực hiện một cách có hiệu quả việc quản lý đoàn viên, nâng cao ý thức, trạch nhiệm của tổ chức trong việc giúp đỡ, phát triển đoàn viên, giúp xác định chính xác số lượng đoàn viên để thực hiện các chính sách hỗ trợ, chăm lo cho đời sống của đoàn viên. Bên cạnh đó, mỗi khi nhìn thấy tấm thẻ đoàn viên, đoàn viên sẽ tự ý thức được trách nhiệm của mình khi trở thành đoàn viên công đoàn. Thẻ đoàn viên công đoàn được sử dụng để:
– Biểu quyết tại đại hội, hội nghị của tổ chức công đoàn khi cần thiết;
– Chuyển sinh hoạt công đoàn, tham gia các hoạt động do công đoàn tổ chức (nếu có yêu cầu phải sử dụng thẻ đoàn viên),
– Khi cần sự tư vấn, giúp đỡ của công đoàn các cấp,
– Xuất trình thẻ đoàn viên với công đoàn cấp trên để được tham gia sinh hoạt tạm thời khi nơi làm việc chưa có tổ chức công đoàn, tổ chức công đoàn nơi làm việc bị giải thể hoặc trong thời gian nghỉ việc do chấm dứt hợp đồng lao động chưa tìm được việc làm
– Sử dụng thẻ đoàn viên để được hưởng ưu đãi khi sử dụng dịch vụ từ các thiết chế công đoàn, các hình thức liên kết, hợp tác khác của công đoàn.
Phân loại thẻ đoàn viên công đoàn. Hiện nay, thẻ đoàn viên công đoàn gồm hai loại là thẻ đoàn viên thông thường và thẻ đoàn viên liên kết.
Thẻ đoàn viên thông thường là loại thẻ được in trên phôi thẻ nhựa, chỉ có các thông tin về đoàn viên, gắn mã vạch quản lý đoàn viên.
Thẻ đoàn viên liên kết là loại thẻ có các thông tin y hệt thẻ đoàn viên thông thường nhưng được tích hợp thêm chức năng thẻ ATM của Ngân hàng VietinBank. Hiểu đơn giản là, đoàn viên có thể sử dụng thẻ đoàn viên liên kết này để rút tiền thay vì sử dụng thẻ ATM riêng.
Câu 5. Cán bộ công đoàn được quy định như thế nào tại Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ năm 2020 ?
Điều 4 Điều lệ công đoàn quy định về cán bộ công đoàn như sau:
Cán bộ công đoàn là người đảm nhiệm các chức danh từ tổ phó công đoàn trở lên thông qua bầu cử tại đại hội hoặc hội nghị công đoàn; được cấp có thẩm quyền chỉ định, công nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ công đoàn hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn
Theo đó, cán bộ công đoàn bao gồm: Cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn không chuyên trách.
Cán bộ công đoàn chuyên trách là người do đại hội, hội nghị công đoàn các cấp bầu ra hoặc được cấp có thẩm quyền của công đoàn bổ nhiệm chỉ định để đảm nhiệm các công việc mang tính thường xuyên trong tổ chức công đoàn. Cán bộ công đoàn chuyên trách phân thành cán bộ công đoàn chuyên trách có hưởng lương từ nguồn tài chính công đoàn và do công đoàn trực tiếp quản lý, được hưởng các chính sách cán bộ theo quy định và cán bộ công đoàn chuyên trách không hưởng lương từ nguồn tài chính công đoàn.
Cán bộ công đoàn không chuyên trách là người do đoàn viên tín nhiệm bầu ra. Cán bộ không chuyên trách và chuyên trác không hưởng lương từ tài chính công đoàn thì việc quản lý và thực hiện chính sách cán bộ do tổ chức công đoàn và đơn vị, doanh nghiệp cùng phối hợp thực hiện theo nguyên tắc: Đơn vị, doanh nghiệp thực hiện trả lương, nâng ngạch, bậc lương và các chế độ, chính sách quản lý cán bộ theo quy định chung của đơn vị, doanh nghiệp. Công đoàn cấp trên thực hiện chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về nghiệp vụ, hoạt động cũng như giám sát việc thực hiện chính sách trên theo quy định pháp luật và thực hiện chế độ phụ cấp theo hướng dẫn của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
Lưu ý: Các trường hợp sau đây không được kiêm nhiệm chức vụ chủ tịch công đoàn cơ sở (nếu có công đoàn cơ sở):
– Người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là người đại diện chủ doanh nghiệp hoặc người được quyền ký hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước;
– Người giữ chức vụ tổng giám đốc, giám đốc doanh nghiệp nhà nước, thủ trưởng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp khu vực nhà nước.
Trường hợp quý khách hàng còn vấn đề vướng mắc hoặc băn khoăn về những nội dung trên hoặc các nội dung khác, Quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.0191 để được giải đáp thêm.
Trân trọng./.