Câu 1. Nêu những điều kiện thành lập và hình thức tổ chức công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở ?
Điều kiện thành lập hình thức tổ chức của công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở được quy định tại Điều 13 Điều lệ Công đoàn như sau:
Về điều kiện thành lập:
-Số lượng: Có từ 05 đoàn viên hoặc 05 người lao động trở lên và có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam;
– Công đoàn cơ sở được thành lập ở một hoặc một số đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp gồm những nơi sau đây:
+ Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập hợp pháp (trong đó bao gồm cả công ty con trong nhóm công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong trường hợp trụ sở chính đặt ở nơi khác);
+ Hợp tác xã có sử dụng lao động theo quy định pháp luật,
+ Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập hạch toán độc lập;
+ Cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị -xã hội, chính trị nghề nghiệp, xã hội – nghề nghiệp;
+ Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt nam, có sử dụng lao động là người Việt Nam;
+ Nhiều đơn vị có nguyện vọng hoặc không đủ điều kiện thành lập, có thể thành lập công đoàn cơ sở ghép.
Hình thức tổ chức công đoàn cơ sở:
Căn cứ theo số lượng đoàn viên, tính chất, địa bàn hoạt động, đơn vị lao động có thể tổ chức thành công đoàn cơ sở thành viên, Công đoàn bộ phận, Tổ công đoàn.
Câu 2. Trình bày tóm tắt quy trình thành lập công đoàn cơ sở:
Bước 1: Người lao động là đoàn viên công đoàn hoặc chưa là đoàn viên tiến hành vận động người lao động khác gia nhập công đoàn, liên kết thành lập công đoàn cơ sở.
Hình thức vận động: Tổ chức thành lập ban vận động thành lập công đoàn cơ sở để tiến hành vận động.
Bước 2: Tổ chức Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở gồm những người có uy tín, hiểu về tổ chức Công đoàn để tiếp tục tuyên truyền; nhận đơn xin gia nhập công đoàn và chuẩn bị Hội nghị thành lập công đoàn cơ sở. Trong quá trình vận động, Ban vận động có thể liên hệ công đoàn cấp trên gần nhất để được hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ.
– Khi có tối thiểu 5 người trở lên tự nguyện liên kết thành lập công đoàn thì trưởng ban vận động liên hệ công đoàn cấp trên để được giúp đỡ công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở.
Bước 3: Đại hội thành lập công đoàn cơ sở
Ban vận động tổ chức và điều hành đại hội thành lập công đoàn cơ sở. Ban có thể mời đoàn viên khác hoặc người lao động ngoài Ban đã có kinh nghiệm và uy tín tham gia điều hành cùng hoặc làm thư ký đại hội.
Thành phần hội nghị tham gia:
– Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở;
– Người lao động đã hoặc chưa là đoàn viên nhưng đã có đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam.
– Đại diện công đoàn cấp trên trực tiếp, người sử dụng lao động và các thành phần khác nếu có.
Nội dung Đại hội:
– Người điều hành tuyên bố lý do và giới thiệu các đại biểu tham dự.
– Báo cáo quá trình tuyên truyền vận động người lao động và công tác chuẩn bị tổ chức thành lập công đoàn cơ sở, danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn. Tuyên bố thành lập công đoàn cơ sở.
– Các thành phần tham dự phát biểu (nếu có).
– Bầu cử ban chấp hành công đoàn, bầu cử chủ tịch công đoàn bằng bỏ phiếu kín; người trúng cử có quá 1/2 số phiếu tán thành so với số phiếu thu về.
– Thông qua kế hoạch hoạt động của công đoàn cơ sở.
– Kết thúc đại hội thành lập công đoàn cơ sở, ban vận động bàn giao toàn bộ hồ sơ đại hội cho ban chấp hành hoặc đồng chí chủ tịch mới được bầu, gồm cả danh sách ban vận động để lưu hồ sơ, tài liệu thành lập công đoàn cơ sở. Ban vận động chấm dứt nhiệm vụ sau khi tổ chức thành công đại hội thành lập công đoàn cơ sở.
Bước 4: Sau đại hội:
– Tổ chức họp Ban chấp hành công đoàn cơ sở trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đại hội thành lập công đoàn cơ sở để bầu ban thường vụ, phó chủ tịch, ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra công đoàn (nếu đủ điều kiện).
– Trong 15 ngày làm việc kể từ khi kết thúc hội nghị, ban chấp hành lập hồ sơ đề nghị công đoàn cấp trên xem xét. Việc thành lập Công đoàn cơ sở, ban chấp hành chỉ hợp pháp khi có Quyết định của công đoàn cấp trên công nhận.
Bước 5: Công nhận, thông báo việc thành lập công đoàn cơ sở
Trong 15 ngày nhận được văn bản, công đoàn cấp trên xem xét, ra quyết định công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở; ban chấp hành công đoàn cơ sở, uỷ ban kiểm tra,… theo hồ sơ Ban chấp hành gửi. Nếu không đủ điều kiện công nhận thì thông báo bằng văn bản với đơn vị đề nghị biết.
– Trường hợp tại đơn vị không lập được Ban vận động hoặc không đủ điều kiện được công nhận thì công đoàn cấp trên vận động NLĐ vào công đoàn theo quy trình truyền thống.
– Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên thông báo việc thành lập công đoàn cơ sở
Bước 6: Ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức Đại hội công đoàn cơ sở lần thứ nhất trong thời gian 12 tháng kể từ ngày có quyết định công nhận.
Bước 7: Tổ chức hoạt động công đoàn cơ sở theo quy định Điều lệ công đoàn Việt Nam.
Câu 3. Trình bày nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở:
Nhiệm vụ, quyền hạn chung của công đoàn cơ sở được quy định tại Điều 15 Điều lệ Công đoàn gồm:
– Tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghĩa vụ của công dân; các chủ trương, nghị quyết của Công đoàn.
– Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động theo quy định của pháp luật Nhà nước.
– Giám sát hoặc tham gia giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, nội quy, quy chế, thỏa ước lao động tập thể và các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động theo quy định của pháp luật.
– Phối hợp với đơn vị sử dụng lao động xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc và chăm sóc sức khỏe cho người lao động; tổ chức phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, xã hội.
– Tổ chức thực hiện nghị quyết của công đoàn các cấp, chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đoàn viên và cán bộ công đoàn; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của công đoàn theo đúng quy định; thực hiện công tác phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh; tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại nơi làm việc; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát triển bền vững; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nhân dân trong sạch, vững mạnh.
Câu 4. Trình bày trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp đối với công đoàn?
Theo Điều 22 Luật Công đoàn năm 2012, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với Công đoàn như sau:
– Phối hợp với Công đoàn thực hiện chức năng, quyền, nghĩa vụ của các bên theo quy định của pháp luật.
– Tạo điều kiện cho người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
– Phối hợp với công đoàn theo quy định để xây dựng, ban hành và thực hiện quy chế phối hợp hoạt động.
– Thừa nhận và tạo điều kiện để công đoàn cơ sở thực hiện quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
– Trao đổi, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật khi Công đoàn đề nghị.
– Phối hợp với Công đoàn tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết, thực hiện Thoả ước lao động tập thể và Quy chế dân chủ cơ sở.
– Lấy ý kiến của công đoàn cùng cấp trước khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động.
– Phối hợp với Công đoàn giải quyết tranh chấp lao động và những vấn đề liên quan đến việc thực hiện pháp luật về lao động.
– Bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn, cán bộ công đoàn và đóng kinh phí công đoàn.
Câu 5. Ý nghĩa của việc xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh ? Các biện pháp thực hiện ?
Công đoàn cơ sở là nền tảng của tổ chức công đoàn, là nơi trực tiếp giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ của đoàn viên và người lao động, là nơi thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết của công đoàn cấp trên. Nếu xem hê thống công đoàn là một cơ thể sống thì công đoàn cơ sở là những tế bào của cơ thể ấy. Công đoàn cơ sở có mạnh thì cả hệ thống công đoàn mới mạnh.
Những biện pháp chủ yếu để xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh
– Xây dựng một ban chấp hành công đoàn cơ sở có năng lực, phân công trách nhiệm rõ ràng; xây dựng được kế hoạch và nội dung hoạt động phù hợp với từng thời điểm, tổ chức sinh hoạt theo định kỳ, thường xuyên rút kinh nghiệm trong công tác
– Thuờng xuyên chăm lo xây dựng tổ công đoàn, công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên vững mạnh; làm tốt công tác phát triển đoàn viên.
– Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, phuơng pháp và kỹ năng hoạt động của cán bộ Công đoàn thông qua hình thức tổng kết kinh nghiệm và tập huấn ngắn ngày với các nội dung thiết thực.
– Phối hợp tổ chức tốt hội nghị Cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động để công nhân, viên chức, người lao đôngtham gia;
– Xây dựng đuợc các quy chế hoạt động và phối hợp hoạt động, thực hiện hoạt động theo quy chế.
– Tổ chức mạng lưới, nhóm, tổ chuyên đề, cộng tác viên,… để thu hút quần chúng hoạt động.
– Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát;
– Xử lý tốt các mối quan hệ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
– Thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo và thực hiện chế độ báo cáo đối với công đoàn cấp trên.
– Các biện pháp khác.
Trường hợp quý khách hàng còn vấn đề vướng mắc hoặc băn khoăn về những nội dung trên hoặc các nội dung khác, Quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.0191 để được giải đáp thêm.
Trân trọng./.