1. Nêu các nguyên tắc khen thưởng và căn cứ xét khen thưởng theo Quyết định 1689/QĐ-TLĐ năm 2019 ?

Nguyên tắc khen thưởng và căn cứ để xét khen thưởng đối với đoàn viên công đoàn nói riêng và toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động và Công đoàn các cấp; tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước, tổ chức quốc tế và người có công xây dựng tổ chức Công đoàn được quy định tại Điều 4 Quyết định số 1689/QĐ-TLĐ năm 2019 về quy chế khen thưởng của tổ chức công đoàn gồm 6 nguyên tắc cơ bản sau:

Thứ nhất, khen thưởng cần dựa trên các điều kiện, tiêu chuẩn và các thành tích đã đạt được, không nhất thiết phải có hình thức khen thưởng mức thấp thì mới được khen thưởng mức cao hơn (không bắt buộc phải khen thưởng lần lượt, nếu điều kiện, tiêu chuẩn và các thành tích đạt được ở mức khen thưởng nào thì khen thưởng mức đấy). Chú trọng khen thưởng cho công đoàn cơ sở nhất là công đoàn cơ sở trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, cá nhân là người trực tiếp lao động, sản xuất và những cá nhân có nhiều sáng tạo, sang kiến trong lao động, sản xuất, công tác.

Thứ hai, nếu xem xét khen thưởng đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ căn cứ vào thành tích của tập thể do cá nhân đó lãnh đạo.

Thứ ba, trường hợp có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng và thành tích ngang nhau thì lựa chọn cá nhân nữ và tập thể có tỷ lệ nữ giới từ 70% trở lên. Nếu cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ thì thời gian giữ chức vụ để xem xét, khen thưởng quá trình cống hiến được giảm 1/3 so với quy định chung.

Thứ 4, đối với một thành tích đạt được không tặng thưởng nhiều hình thức. Trường hợp trong một năm công tác, một đối tượng có thể được nhiều cấp quyết định khen thưởng với các danh hiệu hoặc hình thức khác nhau nhưng nếu trong cùng một cấp khen thưởng đã khen thưởng toàn diện thì không khen thưởng chuyên đề và ngược lại. 

Các thành tích đã được khen thưởng theo đợt, theo chuyên đề không tính làm điều kiện, tiêu chuẩn đề nghị khen thưởng mức cao hơn mà chỉ được ghi nhận, và ưu tiên khi xét khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.

Thứ năm, công đoàn ngành trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng liên đoàn chỉ khen thưởng các đối tượng sau: Tập thể, cá nhân là đối tượng quản lý trực tiếp của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố khi tiến hành phát động thi đua theo chuyên đề.

Thứ sáu, thời gian trình khen thưởng lần tiếp theo được tính dựa vào thời gian lập được thành tích ghi trong quyết định khen thưởng trước. Trường hợp quyết định khen thưởng không ghi thời gian thì thời gian trình khen thưởng lần sau được tính dựa theo thời gian ban hành quyết định khen thưởng lần trước.

2. Nêu các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo Quyết định 1689/QĐ-TLĐ năm 2019 ?

Các danh hiệu thi đua gồm có:

1. Danh hiệu thi đua của Công đoàn gồm có:

– Đoàn viên Công đoàn xuất sắc,

– Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn; Cờ thi đua của Tổng liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương,

– Công đoàn cơ sở hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (gồm cả Nghiệp đoàn cơ sở),

– Tổ công đoàn xuất sắc (bao gồm tổ công đoàn, tổ nghiệp đoàn, công đoàn bộ phận và nghiệp đoàn bộ phận xuất sắc),

2. Danh hiệu vinh dự và danh hiệu thi đua của Nhà nước áp dụng bình xét khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng trong tổ chức Công đoàn gồm:

– Danh hiệu đối với tập thể: Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Thấy thuốc nhân dân,Thầy thuốc ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.

– Danh hiệu đối với cá nhân: Chiến sỹ thi đua toàn quốc, Chiến sỹ thi đua Tổng Liên đoàn, Chiến sỹ thi đua cơ sở, Lao động tiên tiến.

– Danh hiệu thi đua đối với tập thể: Cờ thi đua Chính phủ, Tập thể lao động xuất sắc, Tập thể lao động tiên tiến.

Các hình thức khen thưởng gồm:

– Hình thức khen thưởng của tổ chức Công đoàn gồm: Bằng khen của Tổng Liên đoàn, Bằng khen của Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn, Kỷ niệm chường “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn”, Giấy khen của Ban Chấp hành Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Công đoàn cơ sở; Giấy khen của Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp, Giám đốc các doanh nghiệp thuộc tổ chức Công đoàn, Giải thưởng Nguyễn Đức cảnh và Giải thưởng Nguyễn Văn Linh của Tổng Liên đoàn, Giải thưởng của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.

– Hình thức khen thưởng của Nhà nước áp dụng bình xét khen thưởng và đề nghị khen thưởng trong tổ chức Công đoàn: Huân chương, Huy chương, Danh hiệu vinh dự nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước, Kỷ niệm chương, Huy hiệu, Bằng khen, Giấy khen.

3. Điều kiện khen thưởng đoàn viên, tổ công đoàn xuất sắc và công đoàn cơ sở hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ?

Điều kiện khen thưởng, xét tặng danh hiệu “Đoàn viên công đoàn xuất sắc”: Danh hiệu này xét tặng cho các cá nhân có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

– Cá nhân thực hiện tốt các nhiệm vụ của đoàn viên theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam,

– Cá nhân đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao,

– Cá nhân có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan, đơn vị.

Điều kiện khen thưởng, xét tặng danh hiệu “Tổ công đoàn xuất sắc”: Đây là danh hiệu xét tặng cho các tập thế đạt đủ các tiêu chuẩn sau đây:

– Một là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

– Hai là tích cực tham gia các phong trào thi đua do Công đoàn phát động.

– Ba là biết kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị của đoàn viên và người lao động với chuyên môn đồng cấp và Công đoàn cấp trên.

– Bốn là giữ vững được sinh hoạt, nội bộ đoàn kết, giúp nhau khi gặp khó khăn; không có đoàn viên vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của Công đoàn, cơ quan, đơn vị.

Điều kiện khen thưởng, xét tặng danh hiệu “Công đoàn cơ sở hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”: Đây là danh hiệu dùng để xét tặng cho Công đoàn cơ sở đạt các tiêu chuẩn sau đây:

– Công đoàn cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

– Có thoả ước lao động tập thể (đối với CĐCS doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập); có các quy chế dân chủ ở cơ sở; có tập hợp ý kiến đoàn viên kiến nghị với cơ quan chức năng Nhà nước (hoặc thông qua công đoàn cấp trên) tạo điều kiện, cơ chế phù hợp, thuận lợi cho đoàn viên, người lao động có việc làm, nâng cao thu nhập (đối với nghiệp đoàn).

– Không để xảy ra việc đình công trái pháp luật hoặc ngừng việc tập thể.

– Không có tai nạn lao động chết người do lỗi chủ quan tại nơi làm việc.

– Không có đoàn viên hoặc cán bộ, công chức, viên chức là cán bộ chủ chốt của công đoàn vi phạm pháp luật đến mức bị xử lỷ kỷ luật từ cảnh cáo trở lên.

4. Điều kiện nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, “Chiến sĩ thi đua Tổng Liên đoàn”, “Chiến sỹ thi đua cơ sở”?

Điều kiện chung:

– Cá nhân là cán bộ công đoàn chuyên trách có hưởng lương từ ngân sách Công đoàn và các cán bộ, viên chức, công nhân, lao động làm việc trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành lập.

– Tập thể là Công đoàn cơ sở; Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; Liên đoàn Lao động cấp huyện, Công đoàn ngành địa phương, Công đoàn Viên chức cấp tỉnh, Công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất; đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc tổ chức Công đoàn; Các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn; Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.

Điều kiện riêng đối với từng danh hiệu:

Đối với danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”: 

– Cá nhân được xét tặng có thành tích xuất sắc được lựa chọn trong số những cá nhân có hai lần liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Tổng Liên đoàn”, trong đó có 6 năm liên tục đạt chiến sỹ thi đua cơ sở.

– Sáng kiến hoặc đề tài nghiên cứu khoa học để làm căn cứ xét tặng danh hiệu phải đạt điều kiện sau: có hiệu quả cao, phạm vi ảnh hưởng toàn quốc và được Hội đồng sáng kiến, Hội đồng khoa học cấp bộ, ngành, tỉnh đoàn thể Trung ương xem xét, công nhận, đánh giá mức độ ảnh hưởng của chúng.

– Thời điểm xét phong tặng danh hiệu: năm liền kề với năm đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Tổng Liên đoàn” lần thứ hai.

Đối với danh hiệu “Chiến sỹ thi đua Tổng Liên đoàn”:

– Cá nhân được xét tặng phải có thành tích xuất sắc tiêu biểu nhất và  được lựa chọn trong số những cá nhân có ba lần liên tục đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”.

– Sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học để làm căn cứ xét tặng danh hiệu đạt tiêu chuẩn sau:

+ Có hiệu quả cao,

+ Phạm vi ảnh hưởng tích cự trong hoạt động Công đoàn ở Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương,

Đối với danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”:

Cá nhân được xét tặng đạt đủ các điều kiện sau:

– Cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”.

– Cá nhân có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng và được cơ quan, tổ chức, đơn vị công nhận hoặc có sáng kiến cải tiến kỹ thuật hoặc có giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý được ứng dụng để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác và các sáng kiến, giải pháp đó được cơ sở công nhận.

Trường hợp sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội không thể xác định được bằng tiền nhưng được Hội đồng sáng kiến, Hội đồng khoa học của đơn vị đánh giá cao, Thủ trưởng đơn vị xác nhận về hiệu quả của sáng kiến đó thì cũng được coi là sáng kiến cấp cơ sở (Đây là đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp).

5. Trình bày thẩm quyền quyết định khen thưởng theo Quyết định 1689/QĐ-TLĐ 2019 ?

Thẩm quyền quyết định khen thưởng theo quyết định số 1689/QĐ-TLĐ 2019 gồm có:

1. Thẩm quyền của Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn, quyết định khen thưởng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng sau:

– Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn”;

– Danh hiệu “Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn”;

– Danh hiệu “Chiến sỹ thi đua Tổng Liên đoàn”;

– Bằng khen của Tổng Liên đoàn;

– Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn.

– Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” cho các ban, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc Tổng Liên đoàn.

– “Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh” của Tổng Liên đoàn;

– “Giải thưởng Nguyễn Văn Linh” của Tổng Liên đoàn.

2. Thẩm quyền của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương, quyết định khen thưởng các danh hiệu, bằng khen sau:

– Danh hiệu “Cờ thi đua của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương”.

– Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương.

– Danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến” đối với các tập thể, cá nhân ở cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Liên đoàn Lao động huyện, Công đoàn ngành tỉnh và tương đương; doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương quản lý trực tiếp.

– Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” đối với các ban, đơn vị trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương theo ủy quyền của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

3. Ban thường vụ Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, quyết định tặng thưởng danh hiệu sau:

– “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, “Tập thể lao động tiên tiến”, “Lao động tiên tiến” và Giấy khen.

– “Tập thể lao động xuất sắc” đối với các ban, các đơn vị trực thuộc Công đoàn Tổng công ty theo ủy quyền của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

4. Thủ trưởng cơ quan Tổng Liên đoàn quyết định khen thưởng các danh hiệu sau cho cá nhân, tập thể thuộc Cơ quan Tổng Liên đoàn:

– “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, danh hiệu “Lao động tiên tiến”, danh hiệu “Tập thể Lao động tiên tiến” và Giấy khen.

5. Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc Tổng Liên đoàn quyết định khen thưởng các danh hiệu:

–  “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến” và Giấy khen.

6. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động huyện, Công đoàn ngành địa phương và tương đương có thẩm quyền quyết định khen thưởng danh hiệu:

– “Công đoàn cơ sở hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và Giấy khen.

7. Ban chấp hành Công đoàn cơ sở quyết định khen thưởng các danh hiệu sau:

– “Đoàn viên Công đoàn xuất sắc”, “Tổ Công đoàn xuất sắc” và Giấy khen.

8. Các trường hợp khen thưởng khác ngoài các thẩm quyền trên sẽ do Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quyết định theo uỷ quyền của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Trân trọng ./.