1. Nêu các nguyên tắc xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn theo Quyết định số 1602/QĐ-TLĐ năm 2017.

Theo quyết định số 1602/QĐ-TLĐ năm 2017 quy định hình thức xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn, khi xử lý kỷ luật đối với cá nhân và tập thể vi phạm phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

Thứ nhất, tuân thủ nguyên tắc khách quan, nghiêm minh, đúng pháp luật và đúng quy định của tổ chức công đoàn.

Thứ hai, cá nhân là cán bộ công đoàn vi phạm tới mức nào thì xử lý kỷ luật theo mức đó. Nếu tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết hình sự, không được ém nhẹm, xử lý nội bộ.

Nếu bị Toà án kết án là có tội, cán bộ công đoàn sẽ đương thôi giữ chức vụ do bầu cử, bổ nhiệm khi bản án, quyết định của toà án có hiệu lực pháp luật.

Trường hợp cán bộ bị phạt tù nhưng không được hưởng án treo thì buộc thôi việc.

Ngoài ra, nếu bị xử phạt bằng hình phạt thấp hơn thì tuỳ nội dung, mức độ, tính chất, tác hại và nguyên nhân vi phạm mà xem xét, thi hành kỷ luật đối với cán bộ vi phạm theo quy định.

Thứ ba, với một hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần bằng một hình thức kỷ luật. Trường hợp có từ hai hành vi vi phạm trở lên, phải xem xét từng hành vi vi phạm sau đó quyết định một hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đối với hành vi vi phạm nặng nhất (trừ trường hợp xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc).

Thứ tư, nếu cá nhân vi phạm trong thời gian đang thi hành kỷ luật thì xử lý như sau: Áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang áp dụng. Trường hợp hình thức kỷ luật mới đã cao hơn so với hình thức kỷ luật đang áp dụng thì nâng hình thức kỷ luật mới lên một mức nặng hơn so với hình thức kỷ luật sẽ áp dụng với hành vi vi phạm mới.

Thứ năm, trường hợp cá nhân vị phạm và đã bị xử lý kỷ luật về đảng, chính quyền, chuyên môn thì tuỳ theo mức độ vi phạm có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn thì trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, chính quyền, chuyên môn, phải xem xét, xử lý kỷ luật công đoàn nhưng không được cao hơn hình thức kỷ luật đảng, chính quyền, chuyên môn đã kỷ luật.

Thứ sáu, Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi cán bộ, đoàn viên công đoàn bị xử lý kỷ luật, cấp có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức đảng, chính quyền, chuyên môn đang quản lý cán bộ, đoàn viên đó.

2. Nêu các hình thức kỷ luật được áp dụng trong tổ chức công đoàn ?

Các hình thức xử lý kỷ luật theo quyết định số 1602/QĐ-TLĐ 2017 gồm có:

– Khiển trách: Áp dụng với Tập thể ban chấp hành, ban thường vụ, Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp và các tổ chức trong hệ thống công đoàn; Đoàn viên, Cán bộ công đoàn chuyên trách/ không chuyên trách.

– Cảnh cáo: Áp dụng với Tập thể ban chấp hành, ban thường vụ, Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp và các tổ chức trong hệ thống công đoàn; Đoàn viên, Cán bộ công đoàn chuyên trách/ không chuyên trách.

– Giản tán: Áp dụng với Tập thể ban chấp hành, ban thường vụ, Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp và các tổ chức trong hệ thống công đoàn.

– Khai trừ: Áp dụng với đoàn viên công đoàn.

– Cách chức: Áp dụng với cán bộ công đoàn chuyên trách/ không chuyên trách.

– Hạ bậc lương: Áp dụng với cán bộ công đoàn chuyên trách.

– Buộc thôi việc: Áp dụng với cán bộ công đoàn chuyên trách.

3. Nêu các trường hợp chưa bị xem xét kỷ luật, không bị kỷ luật ?

Cán bộ, đoàn viên công đoàn chưa bị xem xét kỷ luật nếu đang trong các thời gian sau:

– Mang thai, nghỉ thai sản hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi (trường hợp nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được áp dụng cả đối với cán bộ/đoàn viên nữ và nam).

– Mắc bệnh hiểm nghèo, Đang điều trị nội trú tại bệnh viện khi ốm nặng (trường hợp này phải có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền theo quy định) hoặc Tạm thời đang mất khả năng nhận thức (trường hợp mất khả năng nhận thức phải có quyết định hoặc bản án của Toà án).

– Bị tạm giam, tạm giữ để chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật.

Cán bộ, đoàn viên công đoàn vi phạm nhưng không bị xử lý kỷ luật nếu:

– Cán bộ, đoàn viên đã qua đời.

– Cán bộ, đoàn viên đã kịp thời báo cáo với cấp có thẩm quyền khi phải thi hành theo quyết định trái pháp luật mặc dù đã tỏ rõ ý kiến không tán thành nhưng không được xem xét giải quyết, buộc phải chấp hành theo quyết định đó và đã được bảo lưu ý kiến.

– Chủ động báo cáo với lãnh đạo, nghiêm túc, thành khẩn nhận khuyết điểm, tích cực phối hợp với đơn vị để khắc phục hậu quả trước khi sự việc xảy ra.

– Hành vi vi phạm thực hiện trong tình thế bất khả kháng khi thi hành nhiệm vụ, công vụ đã được cấp có thẩm quyền xác nhận.

– Cán bộ, đoàn viên bị mất năng lực hành vi dân sự.

4. Trình bày các nội dung vi phạm và hình thức xử lý kỷ luật đối với đoàn viên công đoàn ?

Đoàn viên công đoàn bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách nếu có một trong các hành vi sau:

– Có hành vi không chấp hành, không thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam; nghị quyết, quyết định, kết hoạch hoặc các chương trình công tác, chỉ đạo khác của công đoàn các cấp và gây hậu quả ít nghiêm trọng.

– Đoàn viên không tham dự họp 50% trở lên trong tổng số kỳ họp của công đoàn trong một năm.

– Không đóng đoàn phí liên tục 06 tháng mà không có lý do chính đáng.

Đoàn viên công đoàn bị áp dụng hình thức cảnh cáo nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Đã bị xử lý theo hình thức kỷ luật khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.

– Đoàn viên không tham dự họp 70% trở lên trong tổng số kỳ họp của công đoàn trong một năm.

– Không đóng đoàn phí liên tục 09 tháng mà không có lý do chính đáng.

Đoàn viên công đoàn bị áp dụng hình thức kỷ luật khai trừ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Đã bị xử lý theo hình thức kỷ luật cảnh cáo mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.

– Đoàn viên không tham dự họp 90% trở lên trong tổng số kỳ họp của công đoàn trong một năm.

– Không đóng đoàn phí liên tục 12 tháng mà không có lý do chính đáng.

5. Giải thích một số từ ngữ

– Cá nhân, tập thể vi phạm là cá nhân, tập thể làm trái hoặc không làm theo những điều đã được quy định.

– Cố ý vi phạm là trường hợp chủ thể vi phạm nhận thức được hành vi của mình là sai trái, vi phạm quy định như vẫn có ý trí, mong muốn thực hiện hành vi đó.

– Vô ý vi phạm là trường hợp chủ thể vi phạm không nhận thức được hành vi của mình là sai trái, vi phạm quy định hoặc nhận thức được nhưng tự tin cho rằng sẽ không xảy ra vi phạm (Vô ý do cẩu thả hoặc vô ý do quá tự tin).

– Tái phạm là trường hợp chủ thể vi phạm tuy đã bị xử lý kỷ luật hoặc đã bị kiểm điểm rút kinh nghiệm nhưng lại vi phạm chính những nội dụng đã bị kiểm điểm hoặc xử lý.

– Trường hợp gây hậu quả ít nghiêm trọng là những hành vi vi phạm làm giảm uy tín của bản thân, tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, đoàn viên sinh hoạt, công tác hoặc Gây thất thoát, lãng phí tiền, tài sản phải bồi thường thiệt hại một lần có giá trị dưới 20 triệu đồng.

– Gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm làm mất uy tín của bản thân, tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, đoàn viên sinh hoạt, công tác; mất đoàn kết nội bộ, gây dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, đoàn viên và người lao động; làm mất niềm tin của đoàn viên và người lao động đối với tổ chức đảng hoặc gây lãng phí, thất thoát về tiền, tài sản phải bồi thường thiệt hại một lần có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.

6. Nêu trình tự xử lý kỷ luật đối với đoàn viên ?

Nguyên tắc xử lý kỷ luật đoàn viên: Xem xét quyết định kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật phải thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín

Trình tự xử lý kỷ luật đoàn viên:

Bước 1: Đoàn viên vi phạm làm bản tự kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật.

– Tổ công đoàn, tổ nghiệp đoàn, công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên nơi đoàn viên sinh hoạt hướng dẫn đoàn viên vi phạm làm bản kiểm điểm.

Bước 2: Tổ chức hội nghị kiểm điểm nhằm góp ý kiến, kết luận về nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vị phạm. Bỏ phiếu hình thức kỷ luật sẽ đề nghị công đoàn cơ sở xem xét quyết định xử lý kỷ luật.

– Nếu sau khi đã có thông báo của Công đoàn cơ sở mà đoàn viên vi phạm cố tính không làm bản tự kiểm điểm, không tự nhận hình thức kỷ luật, không tham dự cuộc họp thì tổ công đoàn hoặc công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên nơi đoàn viên đó sinh hoạt vẫn tiến hành xem xét, đề nghị, công đoàn cơ sở xem xét quyết định xử lý kỷ luật.

Bước 3: Tổ công đoàn hoặc công đoàn bộ phận gửi đề nghị xem xét quyết định xử lý kỷ luật cho Công đoàn cơ sở.

Bước 4: Xem xét quyết định xử lý kỷ luật đoàn viên vi phạm

– Ban thường vụ công đoàn cơ sở (trường hợp không có ban thường vụ thì thay bằng Ban chấp hành) dựa trên đề nghị của Tổ công đoàn hoặc Công đoàn bộ phận sẽ tiến hành xem xét, bỏ phiếu quyết định hình thức kỷ luật.

– Trường hợp không có tổ công đoàn hoặc công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở hoặc đoàn viên vi phạm rõ rang nhưng chủ thể có thẩm quyền không xem xét, đề nghị xử trí kỷ luật thì Ban chấp hành Công đoàn cơ sở vẫn có thể tự tiến hành kiểm điểm, góp ý kiến, kết luận rõ về nội dụng, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân dẫn tới hành vi vi phạm và bỏ phiếu để quyết định hình thức kỷ luật.

Trường hợp quý khách hàng còn vấn đề vướng mắc hoặc băn khoăn về những nội dung trên hoặc các nội dung khác, Quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.0191 để được giải đáp thêm.

Trân trọng./.