1. Khái niệm về bầu cử
Trong bộ máy nhà nước hiện đại có một số cách thức phổ biến để lựa chọn một người vào một chức vụ nào đó trong bộ máy nhà nước, bao gồm: bầu cử, bầu và bổ nhiệm. Bổ nhiệm là việc một cá nhân có chức vụ cao hơn trong bộ máy nhà nước chọn một người vào vị trí cấp dưới của mình, ví dụ, một vị bộ trưởng bổ nhiệm một vị lãnh đạo cấp cục hay tổng cục thuộc quyền quản lý của mình.
Bầu là cách thức lựa chọn người nắm giữ chức vụ do một cơ quan nhà nước thực hiện theo chế độ tập thể. Như vậy, khi Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bỏ phiếu để lựa chọn một ai đó vào vị trí Chủ tịch nước hay Thủ tướng Chính phủ thì chúng ta gọi đó là Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ.
Bầu cử là việc lựa chọn người nắm giữ chức vụ trong bộ mảy nhà nước được thực hiện bởi người dân thông qua con đường bỏ phiếu tập thể.
Khác với bầu và bổ nhiệm, bầu cử là việc chọn lựa người nắm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước được thực hiện bởi người dân thông qua con đường bỏ phiếu tập thể. Người được người dân lựa chọn sẽ là người nắm giữ và thực thi quyền lực nhà nước. Sự khác biệt ở đây là hết sức cơ bản và nó nằm ở chủ thể thực hiện việc lựa chọn. Chủ thể thực hiện việc bầu hay bổ nhiệm đều là cơ quan nhà nước hoặc người đang nắm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước. Chủ thể thực hiện việc bàu cử là người dân, tức là những người không nắm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước. Họ là thành viên trong cộng đồng tiến hành bầu cử để lựa chọn người sẽ cai trị mình.
2. Hội đồng bầu cử Quốc gia Việt Nam là gì?
Hội đồng bầu cử Quốc gia Việt Nam là cơ quan có vị trí, vai trò quan trọng trong các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp được thành lập lần đầu tiên tháng 11/2015. Hội đồng bao gồm 21 thành viên là thành viên của Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận tổ quốc Việt Nam, có nhiều nhiệm vụ và quyền hạn tổ chức, lãnh đạo cuộc bầu cử trong cả nước, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành các quy định pháp luật về bầu cử Quốc hội.
Đứng đầu Hội đồng là Chủ tịch do Quốc hội bầu theo sự đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các thành viên khác do Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia đề nghị Quốc hội phê chuẩn. Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia thực chất sẽ do Chủ tịch Quốc hội Việt Nam kiêm nhiệm.
3. Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng bầu cử Quốc gia
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, có thể khẳng định rằng chức năng chủ yếu của HĐBCQG là tổ chức bầu cử ĐBQH, HĐND các cấp tuy rằng có sự khác biệt trong lời văn của hai nhiệm vụ này. Cụ thể là Hiến pháp quy định “HĐBCQG có nhiệm vụ tổ chức bầu cử ĐBQH”, “chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp”. Rõ ràng đây là hai nội hàm có nhiều điểm chung nhưng cũng có nhiều điểm khác nhau về vai trò của HĐBCQG trong việc bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND các cấp.
Phân tích vai trò của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong việc tổ chức bầu cử ĐBQH trong các nhiệm kỳ vừa qua và từ thực tế triển khai công việc này, chúng tôi cho rằng, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐBCQG đương nhiên phải kế thừa toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của UBTVQH trong việc chỉ đạo, tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp với những nhiệm vụ cụ thể như sau:
– Tổ chức, điều hành cuộc bầu cử ĐBQH, HĐND các cấp;
– Công bố kết quả bầu cử; kết quả giải quyết các khiếu nại, tố cáo về bầu cử nếu có;
– Trình Quốc hội, HĐND các cấp báo cáo về việc thẩm tra tư cách ĐBQH, đại biểu HĐND căn cứ vào kết quả bầu cử;
– Về việc bãi nhiệm ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp;
– Báo cáo về kết quả bầu cử bổ sung ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp;
– Báo cáo về việc thực hiện luật bầu cử; từ đó, đề xuất các giải pháp, kiến nghị hoàn thiện chế định bầu cử ở nước ta.
Trong số các nhiệm vụ này, có những nhiệm vụ mới của HĐBCQG như trình Quốc hội, HĐND các cấp báo cáo về việc thẩm tra tư cách ĐBQH, đại biểu HĐND căn cứ vào kết quả bầu cử. Điều này rõ ràng sẽ khắc phục được tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi thành phần của Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu do Quốc hội lập ra lại gồm các ĐBQH cũng vừa mới trúng cử tại kỳ bầu cử ĐBQH.
4. Cơ cấu tổ chức của thiết chế Hội đồng bầu cử Quốc gia
Chức năng, nhiệm vụ của HĐBCQG có mối liên hệ mật thiết với cơ cấu tổ chức của HĐBCQG. Theo đó, HĐBCQG phải được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc làm việc tập thể, quyết định theo đa số. Chính vì vậy, các thành viên của HĐBCQG phải do Quốc hội bầu. Ở đây, cần làm rõ những vấn đề chủ yếu về số lượng, cơ cấu, tổ chức của HĐBCQG cụ thể như sau:
– Số lượng thành viên của HĐBCQG;
– Chủ tịch và các thành viên của HĐBCQG do ai, tổ chức nào dự kiến và giới thiệu để Quốc hội bầu;
– HĐBCQG có các văn phòng đại diện ở các địa phương hay không;
Nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, số lượng thành viên của HĐBCQG của Ấn Độ là 3 người gồm Chủ tịch và 2 ủy viên, ở Latvia, Hàn Quốc thì Ủy ban bầu cử trung ương có 9 thành viên, trong khi đó ở Philippin có 7 thành viên. Ở nước ta, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, UBTVQH đã thành lập Hội đồng Bầu cử có 21 thành viên do Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch Hội đồng Bầu cử và lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Chính phủ, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội, Ban Tổ chức trung ương, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Cựu chiến binh Việt Nam là Ủy viên. Như vậy, Hội đồng Bầu cử ở nước ta có thành phần đại diện rất đông đảo gồm lãnh đạo Đảng, các cơ quan Nhà nước, các Bộ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội. Việc thành lập HĐBCQG được hiến định cần tính đến đặc điểm này của việc tổ chức Hội đồng Bầu cử qua các nhiệm kỳ vừa qua, để có số lượng, cơ cấu thành phần hợp lý.
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, HĐBCQG có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐBCQG và số lượng thành viên HĐBCQG do luật định. Như vậy, cũng cần quy định rõ trong Luật Bầu cử về chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên và đồng thời phải quán triệt nguyên tắc làm việc tập thể, quyết định theo đa số của HĐBCQG để phát huy vai trò và bảo đảm sự bình đẳng giữa các Ủy viên với nhau.
Với vấn đề ai là người được giới thiệu làm Ủy viên của HĐBCQG, tham khảo kinh nghiệm của Philippin cho thấy, người được giới thiệu là người có quốc tịch Philippin, đủ 35 tuổi trở lên vào thời điểm được bổ nhiệm, có bằng cao đẳng và không phải là ứng cử viên cho bất kỳ vị trí nào ở các cuộc bầu cử ngay trước đó. Phần lớn họ là thành viên của Đoàn Luật sư và đã hành nghề luật ít nhất là 10 năm. Ở nước ta, chúng tôi cho rằng, thành viên của HĐBCQG phải là công dân Việt Nam, có đủ kinh nghiệm quản lý nhà nước, trải qua các công tác điều hành thực tiễn, có kinh nghiệm công tác trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và khi đã được bầu làm thành viên của HĐBCQG thì họ không thể đồng thời kiêm nhiệm các vị trí công tác khác trong các cơ quan Đảng, Nhà nước hoặc các tổ chức chính trị – xã hội.
Kinh nghiệm của các nước cũng cho thấy, không nên tổ chức các Văn phòng đại diện của HĐBCQG tại các khu vực trong cả nước, mà trong tổ chức bộ máy giúp việc của Hội đồng này có các vụ/đơn vị chuyên môn theo dõi các mặt công tác của Hội đồng.
5. Quyền hạn của HĐBCQG trong hoạt động bầu cử quốc hội và Bầu cử Hội đồng nhân dân
5.1. Bầu cử Quốc hội
Hội đồng bầu cử Quốc gia trong việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
– Ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử.
– Nhận và xem xét hồ sơ của người được các tổ chức-cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử; nhận hồ sơ và danh sách người ứng cử do Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi đến.
– Gửi danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của những người được các tổ chức-cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử đến Ban Thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để thực hiện việc hiệp thương. Giới thiệu và gửi hồ sơ của người ứng cử đã được Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương, giới thiệu để về ứng cử tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
– Lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử; xóa tên người ứng cử trong danh sách chính thức những người ứng cử.
– Nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử của các Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban bầu cử; lập biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước.
– Quyết định việc bầu cử thêm, bầu cử lại hoặc hủy bỏ kết quả bầu cử và quyết định ngày bầu cử lại ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
– Xác nhận và công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước; xác nhận tư cách của người trúng cử.
– Trình Quốc hội khóa mới báo cáo tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước và kết quả xác nhận tư cách đại biểu được bầu.
– Giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử; chuyển giao hồ sơ, khiếu nại, tố cáo liên quan đến những người trúng cử cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
– Quản lý và phân bổ kinh phí tổ chức bầu cử.
5.2. Bầu cử Hội đồng nhân dân
Hội đồng bầu cử Quốc gia trong việc chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
– Chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện các quy định, của pháp luật về bầu cử.
– Hướng dẫn hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử.
– Kiểm tra việc tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
– Hủy bỏ kết quả bầu cử và quyết định ngày bầu cử lại ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.